Đề xuất hệ thống đánh giá chất lượng nghiệp vụ bưu chính tại các Bưu điện tỉnh, thành phố (Bài 1)

ThS. Trần Thị Thập

Đánh giá chất lượng là một chức năng quan trọng của hoạt động quản trị chất lượng trong các doanh nghiệp (DN). Áp dụng hệ thống quản trị chất lượng, các tiêu chuẩn cũng như phép đo lường chất lượng để thông qua đó lượng giá được tình hình chất lượng, tiến hành các hoạt động điều chỉnh đã được các công ty kinh doanh cả trong nước và ở nước ngoài ứng dụng một cách rộng rãi và hiệu quả. Tuy vậy, mặc dù hệ thống lý luận về quản trị chất lượng trong DN đã tương đối đầy đủ nhưng riêng về quản trị chất lượng đặc thù đối với DN kinh doanh dịch vụ còn ở mức độ sơ khai. Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến hiện trạng xây dựng và áp dụng hệ thống này còn hạn chế trong các DN kinh doanh dịch vụ nói chung và DN kinh doanh dịch vụ bưu chính như các bưu điện tỉnh, thành phố nói riêng.

Bài viết này tập trung tìm hiểu, tổng hợp và phân tích các vấn đề về chất lượng và đánh giá chất lượng nghiệp vụ bưu chính của Bưu chính Việt Nam (BCVN), thông qua đó gợi mở đề xuất về hệ thống đánh giá chất lượng nghiệp vụ có thể áp dụng tại các bưu điện tỉnh, thành phố.

Ảnh: T.Hải

1. Nghiệp vụ bưu chính và vấn đề đánh giá chất lượng nghiệp vụ bưu chính

a. Nghiệp vụ bưu chính

Quy trình khai thác nghiệp vụ bưu chính là một quy trình truyền đưa tin tức/bưu gửi, nó được thực hiện từ hai phía người gửi và người nhận. Vì vậy yêu cầu đòi hỏi dây chuyền truyền đưa tin tức phải có ít nhất hai đơn vị tham gia. Trong quá trình truyền đưa tin tức, mỗi đơn vị phải hoàn tất một công đoạn nhất định. Nhìn chung việc tổ chức quy trình này ở bất kì đâu trên mạng lưới bưu cục cũng lần lượt qua các khâu: nhận gửi - khai thác đi - vận chuyển - khai thác đến - phát. Qui trình khai thác phải nhịp nhàng, đồng bộ và liên tục ở từng khâu thì hiệu quả truyền đưa tin tức mới thật sự có giá trị, cho nên mạng lưới thông tin Bưu điện phải thống nhất, trang thiết bị phải đồng bộ và việc tổ chức khai thác phải khoa học.

Để đảm bảo kết quả cuối cùng là cung ứng những dịch vụ bưu chính có chất lượng, DN bưu chính đã đề ra những qui định trong đó nêu rõ các khâu, các bước, các thao tác mà các đơn vị, cá nhân tham gia vào quá trình cung ứng dịch vụ bưu chính phải tuân thủ. Những qui định này gọi là qui định nghiệp vụ bưu chính. Những hoạt động của cá nhân, đơn vị thực hiện theo các qui định này gọi là hoạt động nghiệp vụ bưu chính.

b. Sự cần thiết phải đánh giá chất lượng đối với BCVN

Theo TCVN ISO 9000:2000, đánh giá chất lượng là: Sự xem xét độc lập và có hệ thống nhằm xác định xem các hoạt động và kết quả liên quan đến chất lượng có đáp ứng được các quy định đã đề ra và các quy định này có được thực hiện một cách hiệu quả và thích hợp để đạt được các mục tiêu hay không. Vậy khi nói đến đánh giá chất lượng là nói đến sự so sánh đối chiếu, là để kiểm tra “những hoạt động” và “những kết quả” liên quan đến chất lượng với “các quy định”. Hay nói cách khác, đánh giá chất lượng là nhằm tìm ra những điểm không phù hợp của một hệ thống quản trị chất lượng.

Nhà nước xác định bưu chính, viễn thông là ngành kinh tế, kỹ thuật, dịch vụ quan trọng thuộc kết cấu hạ tầng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển bưu chính, viễn thông nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

BCVN là DN nhà nước duy nhất về bưu chính, thực hiện chức năng kinh doanh theo quy định của pháp luật và thực hiện nhiệm vụ công ích theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển bưu chính của Nhà nước và những nhiệm vụ công ích khác theo yêu cầu đột xuất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

BCVN đồng thời thực hiện hai chức năng là vừa kinh doanh vừa phục vụ, trong đó kinh doanh có vai trò hết sức quan trọng, kinh doanh tốt và có hiệu quả mới có thể thu hồi vốn nhanh, bảo toàn và phát triển vốn, mở rộng đầu tư mạng lưới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội về thông tin liên lạc. Để tổ chức kinh doanh có hiệu quả, BCVN cần phải quản lý chặt chẽ và hợp lý nguồn lao động, nguồn nguyên vật liệu, tài sản cố định, vốn đầu tư, qui trình khai thác nghiệp vụ và chất lượng sản phẩm dịch vụ. Thực tế hiện nay cho thấy đang tồn tại bộ máy quản lý chất lượng hoạt động rời rạc, cán bộ quản lý chất lượng còn kiêm nhiệm nhiều công việc khác. Mặc dù một vài khung tiêu chuẩn đánh giá chất lượng có thể vẫn đang hoạt động nhưng những hệ thống này tỏ ra kém hiệu quả và không phù hợp với sự phát triển của bản thân DN cũng như không đáp ứng kịp nhu cầu về chất lượng dịch vụ từ phía khách hàng.

Mặt khác, nghiệp vụ bưu chính đòi hỏi chất lượng của sản phẩm dịch vụ phải đảm bảo không có phế phẩm mà quá trình khai thác bưu chính lại phức tạp, qua nhiều công đoạn. Để đảm bảo được quá trình khai thác hoạt động nhịp nhàng, đồng bộ ăn khớp nhau nhằm đạt năng suất và chất lượng thì đòi hỏi phải có tổ chức khai thác hợp lý. Đặc điểm kinh doanh Bưu chính là tải trọng dao động không đều và phụ thuộc nhiều vào khách hàng, nhưng DN bưu chính vừa phải bảo đảm năng lực sản xuất luôn lưu thoát hết khối lượng thông tin trong những giờ cao điểm, đồng thời phải giảm năng lực sản xuất trong những giờ lượng tải xuống thấp để tránh lãng phí.

Vì vậy, để kiểm soát được quá trình cung ứng các dịch vụ bưu chính thì cần có một khung tiêu chuẩn đánh giá mà dựa vào đó các đơn vị có thể tự đánh giá được khả năng cung ứng dịch vụ của mình, nhận ra được những ưu điểm và khắc phục được những vấn đề còn tồn tại của đơn vị. Từ khung tiêu chuẩn này giúp các nhà quản trị cấp cao có những quyết định đúng đắn về hướng phát triển và nâng cao chất lượng các dịch vụ Bưu chính.

2. Tìm hiểu hệ thống đánh giá chất lượng của BCVN

a. Quan niệm chất lượng nghiệp vụ bưu chính

Đến nay, chất lượng nghiệp vụ bưu chính vẫn được đánh giá theo các tiêu chí, đó là nhanh chóng, chính xác, an toàn, tiện lợi văn minh.

Tuy nhiên, trong quá trình đánh giá nỗ lực thực hiện các mục tiêu nâng cao chất lượng của bưu chính, BCVN thường đề cập tới quy mô phát triển mạng lưới với các tiêu chí thường được sử dụng như Bảng 1.

Bảng 1. Tiêu chí về quy mô phát triển mạng lưới

Để đánh giá về biện pháp nâng cao chất lượng theo tiêu chí văn minh, BCVN thường đánh giá thông qua việc đầu tư xây cất nhà giao dịch với các tiêu chí như: khang trang sạch sẽ, sử dụng các trang thiết bị hiện đại như số cân điện tử, số máy in cước thay tem…

Các biện pháp nâng cao chất lượng của BCVN luôn được thể hiện thông qua các biện pháp đầu tư để mở rộng khả năng cung cấp và phát triển dịch vụ như: mở rộng thêm các bưu cục, đầu tư hệ thống phần mềm hỗ trợ khai thác, đầu tư cho mạng vận chuyển, mở thêm đường bay, tăng số chuyến trong ngày, hoặc nâng tải trọng hợp đồng và tần suất chuyến bay…

Thực chất sự phát triển tăng trưởng mạng lưới cung cấp dịch vụ chỉ phản ánh được khả năng truy cập và phục vụ của dịch vụ đối với xã hội. Mặc dù đây cũng là những đặc tính quan trọng có tác động trực tiếp tới chất lượng bưu chính. Nhưng xét về toàn diện chúng ta cần phải quan tâm tới các đặc tính (chỉ tiêu) khác cũng quan trọng không kém như: chỉ tiêu về phục vụ, mức độ thoả mãn nhu cầu của khách hàng. Nói rõ hơn, hoạt động nghiệp vụ mà mỗi cá nhân, bộ phận thuộc BCVN thực hiện trên hệ thống cơ sở vật chất đã trang bị (mạng vận chuyển, mạng bưu cục…) cũng cần phải được quan tâm, giám sát nhằm đạt được kết quả đầu ra cuối cùng là các dịch vụ thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.

b. Một số văn bản chủ yếu liên quan đến chất lượng và quản trị chất lượng của BCVN

- Quyết định 156 BC/KT của Tổng cục Bưu điện (1975) ban hành Hệ thống chỉ tiêu chất lượng bưu chính;

- Quyết định 15 QĐ/TCBĐ của Tổng cục Bưu điện (1987) ban hành Hệ thống chỉ tiêu chất lượng thông tin bưu chính và điện chính;

- Quy định 143/2001/QĐ-TCBĐ của Tổng cục Bưu điện về quản lý chất lượng dịch vụ, mạng lưới bưu chính, viễn thông;

- Quy định số 33/2006/QĐ-BBCVT của Bộ BCVT ban hành qui định về chất lượng dịch vụ bưu chính viễn thông.

- Quyết định số 50/2008/QĐ-BTTTT của Bộ TT&TT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dịch vụ bưu chính công ích.

- Quyết định số 07/QĐ – BC ngày 02/01/2007 của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam v/v Ban hành qui định tạm thời về Hệ thống chỉ tiêu chất lượng chuyển phát thư và báo chí

- Chỉ thị số 03/CT-TGĐ ngày 10/6/2008 của Tổng Giám đốc Tổng Công ty BCVN về việc “Tăng cường công tác kiểm tra và nâng cao chất lượng các dịch vụ bưu chính”;

- Quyết định số 760/DV-BC ngày 27/5/2008 của Tổng Công ty BCVN về việc thực hiện chỉ tiêu chất lượng chuyển phát thư báo về việc thực hiện chỉ tiêu chất lượng chuyển phát thư báo theo chỉ thị số 03/CT-TGĐ.

c. Hệ thống chỉ tiêu chất lượng

Từ trước đến nay, BCVN chỉ dùng khái niệm chỉ tiêu chất lượng áp dụng chung cho cả 2 nội dung: chỉ tiêu và tiêu chuẩn. Khái niệm này đã hình thành từ rất lâu, cụ thể là:

1. Hệ thống chỉ tiêu chất lượng bưu chính được xây dựng từ 1975 theo quyết định số 156 BC/KT, bao gồm:

-  Hệ thống chỉ tiêu chất lượng thứ nhất, gồm 4 chỉ tiêu chủ yếu là: không mất, không lộ bí mật, không hỏng, không nhầm (chỉ tiêu an toàn, chính xác).

-  Hệ thống chỉ tiêu thứ hai (chỉ tiêu thời gian) căn cứ vào hệ thống chỉ tiêu thứ nhất để cụ thể hoá cho từng bưu điện tỉnh cho sát với hoàn cảnh thực tế địa phương.

-  Sổ kiểm tra.

- Bảng báo cáo thống kê chất lượng khai thác Bưu chính (BV70).

- Bảng kê các chỉ tiêu và định mức quy định (BV63).

- Bảng kê đóng gói túi thư hàng ngày (BV64).

- Bảng kê giờ mở thư hàng ngày (BV65).

- Bảng kê giờ phát thư hàng ngày (BV66).

Trong đó, hệ thống chỉ tiêu thứ nhất và hệ thống chỉ tiêu thứ hai trước đây được Cục Bưu chính – Phát hành báo chí quản lý thông qua hệ thống các bảng báo cáo và sổ kiểm tra nói trên.

2. Hệ thống chỉ tiêu chất lượng thông tin bưu chính và điện chính kèm theo Quyết định 15 QĐ/TCBĐ năm 1987, trong đó các chỉ tiêu quy định cho Bưu chính, bao gồm:

-  Chỉ tiêu chuyển phát toàn trình

-  Chỉ tiêu chất lượng chuyển phát bưu chính - phát hành báo chí quy định cho địa phương (khâu chuyển phát từ tỉnh về huyện, xã).

3. Hệ thống chỉ tiêu chất lượng chuyển phát thư và báo chí được ban hành kèm theo Quyết định số 07/QĐ - BC năm 2007, bao gồm:

-  Chỉ tiêu chất lượng chuyển phát thư

- Chỉ tiêu chất lượng chuyển phát báo, tạp chí

- Chỉ tiêu chất lượng phục vụ.

Bên cạnh đó, các dịch vụ khác do BCVN cung ứng cũng xây dựng chỉ tiêu chất lượng riêng và công bố với khách hàng. Đáng chú ý là dịch vụ EMS và Chuyển tiền nhanh thực hiện công bố chỉ tiêu chất lượng (chỉ tiêu thời gian toàn trình).

d. Ý kiến rút ra qua nghiên cứu hệ thống đánh giá chất lượng nghiệp vụ Bưu chính và tìm hiểu thực tế tại một số đơn vị

Thứ nhất là, các chỉ tiêu chất lượng trên đây chỉ tập trung đánh giá việc chuyển phát thư và báo chí. Đối với báo chí cũng chỉ là một số báo, tạp chí trong danh mục do Thủ tướng chính phủ qui định. Đây là 2 trong số các hoạt động công ích mà BCVN thực hiện theo sự đặt hàng của Chính phủ. Các dịch vụ khác, cụ thể là các dịch vụ mang tính chất kinh doanh của BCVN hầu như chưa có chỉ tiêu chất lượng. Điều này dẫn đến hoạt động nghiệp vụ tại các đơn vị (bao gồm cả dịch vụ công ích và kinh doanh) chưa được xem xét và kiểm soát một cách toàn diện.

Thứ hai là, các chỉ tiêu chất lượng chủ yếu kiểm soát kết quả đầu ra của toàn bộ quá trình, còn các hoạt động cụ thể để dẫn đến kết quả đó thì chưa được quan tâm. Thông thường việc kiểm soát quá trình rất được coi trọng trong các DN kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ.

Thứ ba là, các chỉ tiêu chất lượng được đề ra và xác định chung cho toàn bộ hệ thống, không qui định chi tiết cho từng khâu, từng công đoạn, đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ. Việc qui định chi tiết cho từng khâu, từng công đoạn là cơ sở để các đơn vị thực hiện và chịu trách nhiệm về chất lượng nghiệp vụ bưu chính tại đơn vị mình.

Thứ tư là, hầu như chưa có biện pháp hỗ trợ kỹ thuật nào được vận dụng trong đánh giá chất lượng tại các đơn vị. Một số phần mềm khai thác nghiệp vụ tuy đã có nhưng khả năng đưa ra được các thống kê, báo cáo phục vụ cho quản lý chất lượng là không nhiều.

Thứ năm là, chuyên viên quản lý chất lượng tại các đơn vị là kiêm nhiệm và chưa được đào tạo căn bản về chất lượng nên cách thức quản lý, các các phương pháp hay kỹ thuật đều mang tính tự học hỏi, mày mò để áp dụng.

3. Đề xuất xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng nghiệp vụ bưu chính áp dụng tại các Bưu điện tỉnh, thành phố

Các căn cứ xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng nghiệp vụ bưu chính

1. Quan điểm phát triển của BCVN và định hướng nâng cao chất lượng nghiệp vụ bưu chính tại các bưu điện tỉnh, thành phố.

Xây dựng chiến lược tổng thể nâng cao chất lượng các dịch vụ bưu chính, từng bước bổ sung hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu chất lượng các dịch vụ là quan điểm rõ rệt, luôn được khẳng định trong phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của BCVN. Bên cạnh đó, BCVN cũng định hướng để các Bưu điện tỉnh, thành phố chủ động xây dựng và ban hành hệ thống chỉ tiêu chất lượng áp dụng tại từng đơn vị nhằm mục tiêu từng bước nâng cao chất lượng tại cấp cơ sở, tạo nền tảng vững chắc nâng cao chất lượng của toàn mạng lưới.

2. Các qui định về quản lý chất lượng của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và của Tổng công ty BCVN

Các qui định này đã được đề cập đến trong mục 2 trên đây, hệ thống đánh giá chất lượng đề xuất sẽ đảm bảo thực hiện theo đúng qui định và hướng dẫn nêu tại các văn bản này.

3. Các nguyên tắc xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng

BCVN là một DN, giống như các DN khác thì hệ thống đánh giá chất lượng, đặc biệt là khi xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng phải đảm bảo tuân theo những nguyên tắc căn bản sau: Đơn giản hóa; Tương thích; Áp dụng; Tập trung, Thống nhất; Đổi mới; Đồng bộ, Pháp lý.

4. Chế độ kiểm soát nghiệp vụ bưu chính

Để đưa ra những mô tả về tiêu chuẩn chất lượng nghiệp vụ bưu chính, các qui định về Chế độ độ kiểm soát nghiệp vụ của Vụ Bưu chính – Tổng cục Bưu điện ban hành năm 1975 đã được nghiên cứu để lựa chọn đưa vào tiêu chuẩn những qui định nào hiện vẫn còn áp dụng và kiến nghị bổ sung một số tiêu chuẩn khác.

Mục đích

Hệ thống đánh giá chất lượng nghiệp vụ bưu chính được xây dựng nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả của công tác quản trị chất lượng nghiệp vụ bưu chính cũng như ý thức trách nhiệm của các chuyên viên phụ trách quản trị chất lượng tại mỗi đơn vị.

Các tiêu chuẩn chất lượng đề ra trong hệ thống cũng mang tính hướng dẫn các nhân viên khai thác, nhân viên giao dịch thực hiện đúng các qui định nghiệp vụ hiện đang áp dụng.

Thông qua đánh giá chất lượng tại từng đơn vị (từng bưu cục hay bưu điện huyện, bưu cục trung tâm), bưu điện tỉnh nắm bắt được thực chất về hoạt động nghiệp vụ tại đơn vị đó là tốt hay chưa tốt và tiến hành các hoạt động điều chỉnh đối với từng đơn vị, bộ phận.

Phạm vi áp dụng: Các bưu cục, Các bưu điện huyện, Các bưu cục trung tâm

Ý tưởng về thiết kế

Sau khi nghiên cứu lý thuyết về đánh giá chất lượng cũng như tìm hiểu những khả năng, nguồn lực tại các bưu điện tỉnh, dự kiến thiết kế hệ thống đánh giá chất lượng theo các hướng cơ bản sau:

1. Về loại hình đánh giá:

Các DN có thể áp dụng một, hai hoặc cả ba loại hình đánh giá chất lượng là: đánh giá chất lượng nội bộ, đánh giá của bên thứ hai và đánh giá của bên thứ ba.

Loại hình đánh giá chất lượng đề xuất trong bài viết này thuộc loại hình đánh giá chất lượng nội bộ. Mục đích của loại hình đánh giá chất lượng nội bộ nhằm cung cấp thông tin để Ban giám đốc xem xét, từ đó đưa ra biện pháp cải tiến hay hành động phòng ngừa hoặc khắc phục. Đối với loại hình này thì các nhân viên thuộc DN, cụ thể là các chuyên viên quản lý nghiệp vụ (có thể phối hợp với một số chức năng khác) là người thực hiện việc đánh giá.

2. Về phương pháp đánh giá:

Phương pháp xem xét từng yếu tố được đề xuất khi thực hiện đánh giá chất lượng nghiệp vụ bưu chính. Theo phương pháp này, đánh giá viên sẽ xem xét từng yếu tố hay điều khoản của tiêu chuẩn hoặc chương trình chất lượng mà bên được đánh giá áp dụng. Trên cơ sở xem xét từng yếu tố, nhóm đánh giá sẽ xác định toàn bộ hệ thống hiện thời hoạt động có hiệu quả không.

3. Về công cụ hỗ trợ đánh giá:

Sử dụng bảng tính Exel trên đó đã thiết lập sẵn các thông số về số lượng mẫu, trọng số của tiêu chuẩn, điểm qui định cho mỗi tiêu chuẩn…Các đánh giá viên sẽ chỉ phải nhập số liệu đánh giá thực tế (như số lượng đạt tiêu chuẩn, số lượng không đạt tiêu chuẩn…) chương trình sẽ tự động tính toán số điểm cho mỗi tiêu chuẩn cũng như tổng số điểm cho toàn bộ đợt đánh giá.

4. Về hệ thống các tiêu chuẩn:

Các tiêu chuẩn đánh giá sẽ đề cập đến các hoạt động nghiệp vụ chủ yếu, quan trọng tại đơn vị để sau khi đánh giá, các kết quả đưa ra sẽ phản ánh chính xác thực trạng chất lượng nghiệp vụ tại đơn vị.

Qui trình khai thác nghiệp vụ đối mỗi dịch vụ đều có đặc thù riêng, tuy vậy về cơ bản có thể chia ra được thành các nhóm hoạt động hay các ấn phẩm, chứng từ chủ yếu cần đánh giá sau đây:

1. Nhận gửi, gồm: Phiếu gửi, Thủ tục nhận gửi

2. Khai thác đi, gồm: Gom bưu gửi, Chia chọn bưu gửi, Đóng chuyến thư đi

3. Vận chuyển

4. Khai thác đến, gồm: Giao nhận chuyến thư đến, Mở túi, gói thư

5. Phát, gồm: Công việc chuẩn bị phát của Bưu tá, Phát bưu gửi, Xử lý bưu gửi chưa hoặc không phát được, Bảo quản bưu gửi.

6. Kế toán, báo cáo, gồm: Kế toán sản lượng - doanh thu, Quản lý nộp tiền, Lưu trữ hồ sơ, Báo cáo.

7. Nhóm hoạt động khác, gồm:

- Nhập dữ liệu (đối với các đơn vị đã có ứng dụng công nghệ thông tin trong khai thác nghiệp vụ bưu chính): Nhập các dữ liệu hoạt động vào các chương trình tin học ứng dụng, Truyền nhận dữ liệu.

-  Xuất trình thủ tục hải quan.

-  Xử lý các trường hợp bất thường.

-  Giải quyết khiếu nại.

Trên cơ sở đó, các tiêu chuẩn đánh giá sẽ được xây dựng cho từng khâu, từng nhóm hoạt động. Tuy nhiên, do hệ thống tiêu chuẩn được xây dựng nhằm đánh giá nghiệp vụ bưu chính trong nội bộ một bưu cục, nên nhóm nghiên cứu không đề xuất tiêu chuẩn của khâu vận chuyển.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Quản lý chất lượng toàn diện - con đường cải tiến thành công, NXB Khoa học Kỹ thuật Hà Nội, 2006;

[2]. Đánh giá chất lượng - qui trình thực hiện như thế nào?, NXB Trẻ, 2003;

Tin nổi bật