Dấu ấn 20 năm sự kiện chuyển mạng viễn thông ở TP. HCM

Trong suy nghĩ của lớp trẻ 8X và 9X bây giờ, chắc chắn không có khái niệm "đăng ký cuộc gọi", nhưng với những người lớn hơn, cái "sự chờ" để có được một cuộc điện thoại là một ký ức khó phai mờ...

Hẳn nhiều người còn nhớ những năm 1990 về trước, mỗi khi cần liên lạc với ai hoặc cơ quan nào đó, không phải ai cũng dễ dàng thực hiện được. Ngay lãnh đạo của các cơ quan Chính phủ và địa phương, để kết nối được một cuộc điện thoại vẫn phải "xếp hàng" và chờ - cho dù là đối tượng ưu tiên.

20 năm về trước

Tòa nhà Bưu điện Tp.HCM ngày nay

Sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, Ty Bưu điện Tp.HCM (nay là Viễn thông Tp.HCM và Bưu điện Tp.HCM) là đơn vị tiếp quản mạng lưới thông tin do chế độ cũ để lại. Đặc trưng của hệ thống thông tin lúc đó là các tổng đài cơ khí ngang dọc, từng nấc và các máy vi ba sóng ngắn, vi ba siêu cao tần... phục vụ cho việc liên lạc điện thoại, điện báo (moóc, teletip, telex) trong nước và quốc tế. Tổng dung lượng các tổng đài cơ lúc đó ước khoảng 30.000 số với gần 25.000 thuê bao hoạt động, tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành, và gần như toàn bộ khâu truyền dẫn liên đài nội thị là bằng cáp đồng (loại cáp đường kính sợi lớn) cùng mạng cáp thuê bao giống như hiện thời.

Với khoảng 25.000 máy điện thoại, phục vụ chủ yếu cho các cơ quan, các cấp chính quyền và các tổ chức hợp tác xã, bến xe, bến cảng... thì ngoại trừ hộ gia đình của một số cán bộ cấp cao, rất hiếm hộ dân có được máy điện thoại nên mỗi khi có nhu cầu liên lạc, người dân vẫn phải đến các giao dịch Bưu điện để đăng ký cuộc gọi. Không ít trường hợp người đăng ký cuộc gọi đi quốc tế phải chờ hàng tuần (chờ tại nhà), để khi cuộc gọi sắp được tiếp thông, người đăng ký cuộc gọi ấy sẽ được Bưu điện gửi giấy thông báo và đến bưu cục (đã đăng ký) để chờ được nói chuyện với bên kia. Ngay máy điện thoại của các cơ quan cũng vậy, mỗi khi cần phải liên lạc và trao đổi với một máy điện thoại (cơ quan) khác ở ngoài tỉnh thì động tác quay số 16 để đăng ký cuộc gọi luôn là "ưu tiên số 1" vào ngay đầu giờ làm việc, giống như ta "nhanh chân xếp hàng" vậy.

Do các thiết bị tổng đài, vi ba các loại và hệ thống truyền dẫn cáp đồng đã cũ kỹ, xuống cấp nghiêm trọng lại không có vật tư, thiết bị thay thế nên công tác bảo đảm thông tin phục vụ cho các cấp chính quyền và người dân vô cùng khó khăn. Mạng điện thoại chỉ hoạt động cầm chừng, tổng đài thường xuyên bị hư hỏng, trong khi nhu cầu thông tin của các cấp chính quyền và người dân ngày càng tăng cao, tạo áp lực và đòi hỏi phải đổi mới, phát triển.

Gỡ rối

Với mạng lưới và thiết bị viễn thông "ọp ẹp" như thế, nhiều giải pháp, sáng kiến của lực lượng kỹ thuật và các CBCNV Bưu điện Tp.HCM đề xuất đã được lãnh đạo chấp thuận, cho áp dụng và mang lại hiệu quả khả quan. Có thể liệt kê ra những giải pháp, sáng kiến điển hình lúc bấy giờ như: chiến dịch phát huy nội lực, nhằm giải cứu mạng cáp thành phố đang bị hư hỏng nặng với tên gọi "Công trình 784"; hay như "Chiến dịch 688" nhằm nâng cấp đường truyền viễn thông liên tỉnh; rồi đề tài nghiên cứu khoa học "Ứng dụng tổng đài điện tử dung lượng nhỏ cho vùng nông thôn"...

Và chính việc ứng dụng tổng đài điện tử dung lượng nhỏ cho vùng nông thôn trong đề tài khoa học nói trên đã tạo được sự thành công nhất định cho Bưu điện Tp.HCM, kịp thời đáp ứng nhu cầu thông tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư ở Thành phố. Việc hòa mạng tổng đài điện tử kỹ thuật số dung lượng nhỏ 2.000 số với hệ thống mạng tổng đài cơ điện còn giúp đội ngũ kỹ thuật và quản lý mạng lưới của Bưu điện Tp.HCM trưởng thành và lớn lên, tạo đà cho việc vươn cao và bay xa hơn sau này.

Đến sự bứt phá táo bạo: Chuyển hẳn từ Analog sang Digital

Xuất phát từ chủ trương "đi tắt đón đầu", với quyết định mua tổng đài Starex của Hàn Quốc để tăng dung lượng và tự động hóa mạng thông tin cho 2 thành phố lớn của Tổng cục Bưu điện vào cuối những năm 80; kế đến là việc đầu tư lắp đặt thiết bị tổng đài điện tử kỹ thuật số dung lượng lớn của Alcatel và Siemens cho 2 thành phố lớn và mở rộng dần ra các tỉnh... kết quả là cuộc cách mạng kỹ thuật số tại Việt Nam đã được bắt đầu. Năm 1990-1991, bằng việc lắp đặt 2 tổng đài điện thoại điện tử 45.000 số do Alcatel và Siemens sản xuất cho Hà Nội và Tp.HCM, để rồi sau đó không chỉ 2 thành phố này mà Bưu điện các tỉnh cũng cùng mở rộng và hoà chung vào mạng lưới điện thoại đường dài liên tỉnh của đất nước.

Đêm 29/12/1991 - cái đêm lịch sử của Bưu điện Tp.HCM khi chuyển đổi thành công hệ thống tổng đài cơ khí (công nghệ Analog) sang hệ thống tổng đài kỹ thuật số (công nghệ Digital). Đó là việc thay thế toàn bộ các tổng đài cơ nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố bằng 2 tổng đài điện thoại điện tử số, dung lượng 45.000 số. Cùng với sự chuyển mạng của Bưu điện Hà Nội trước đó, điểm mốc quan trọng này đã đánh dấu sự "sang trang", mở màn cho sự phát triển vượt bậc về công nghệ viễn thông của Việt Nam, sánh bước cùng công nghệ hiện đại của thế giới.

Đúng 0 giờ ngày 29/12/1991, ông Nguyễn Văn Huấn - Phó chủ tịch UBND Tp.HCM và ông Nguyễn Bá - Giám đốc Bưu điện Tp.HCM lúc bấy giờ chính thức ra lệnh chuyển mạng. Các tín hiệu chớp lên, các thành viên trong Ban chỉ đạo chuyển mạng (cùng các ông: Mai Liêm Trực - nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT; Phan Mạnh Quang - nguyên Trưởng Ban Viễn thông; các lãnh đạo và anh chị em kỹ sư đầu đàn của Bưu điện Thành phố) căng thẳng xen lẫn lo âu, chờ đợi việc chuyển từ hệ thống các tổng đài nhân công và tự động bằng cơ khí sang hệ thống tổng đài điện tử số đang diễn ra.

Liền sau đó, các cuộc gọi thử từ Tp.HCM đi Hà Nội và đi khắp các tỉnh lần lượt được thực hiện. Tín hiệu thông suốt, chất lượng thoại to và rõ ràng. Mọi người bắt tay và ôm lấy nhau vui mừng. Ngay sau khi chuyển mạng thành công, một cuộc gọi báo cáo đầy xúc động của ông Mai Liêm Trực với nguyên Phó Thủ tướng thường trực Phan Văn Khải đã được thực hiện. Phó Thủ tướng hết sức vui và chúc mừng ngành Bưu điện đã hoàn thành sứ mệnh mới trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Không thể so sánh về chất lượng giữa 2 hệ Analog - Digital

Quả thực, sẽ quá khập khiễng nếu đem so sánh giữa việc một người dân phải ra tận các bưu điện để đăng ký và chờ đợi để được kết nối một cuộc gọi (khi cần) - với việc họ ngồi ngay tại nhà để bấm số cần gọi và được nối thông ngay lập tức, dù máy điện thoại đầu bên kia ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.

Không những thế, giữa một bên là "nghe từ đoán ý" (vì nghe câu được câu mất do cuộc gọi được tiếp nhân công - qua bàn điện thoại viên đường dài) với nghe người ở xa nói mà cứ như đang nói chuyện trực tiếp với nhau trước mặt. Đó chính là sự khác biệt về chất lượng cuộc gọi giữa hệ thống thông tin Analog với hệ thống thông tin Digital. Và điều này, chỉ có những người đã từng kinh qua cả 2 thời kỳ mới có thể hiểu cặn kẽ được.

Chẳng những thế, hệ thống thông tin Digital còn đáp ứng cho chúng ta hàng trăm dịch vụ tiện ích khác ngoài điện thoại cố định, chẳng hạn như: điện thoại di động; Internet; kênh thuê riêng; truyền số liệu; thông tin giải trí; các dịch vụ trên nền IP như MyTV, hội nghị truyền hình... đó chính là thành quả, là sự "bứt phá ngoạn mục" của ngành Bưu chính Viễn thông nói chung và VNPT nói riêng. Và nhờ đó, viễn thông Việt Nam, trong đó có Viễn hông Tp.HCM đã thực sự góp phần quan trọng vào sự phát triển và tăng trưởng không ngừng của nền kinh tế Việt Nam trong suốt 20 năm qua.

Đến nay mạng Viễn thông Tp.HCM đã có 26 tổng đài và 170 trạm vệ tinh, quản lý hoạt động của khoảng 500.000 cổng cho thuê bao MegaVNN và 300 đài trạm viễn thông các loại. Hiện Viễn thông Tp.HCM đã phát triển được trên 10.000 thuê bao cáp quang FTTx, tham gia phục vụ hơn 9 triệu thuê bao di động, phát triển trên 1,3 triệu thuê bao điện thoại cố định, chiếm 90% thị phần điện thoại cố định trên toàn Thành phố./.

Thi công tuyến cáp đồng ngày XƯA, và cáp quang ngầm trên đường phố ngày NAY

 

Trực tổng đài đăng ký gọi đường dài ngày XƯA, và giải đáp thông tin 108 ngày NAY

 

Thời điểm chuyển mạng đêm 29/12/1991 - trực điều hành và thực thi tác vụ tại tổng đài

Thanh Trà

(VNPT)

Tin nổi bật