Bông hoa hướng dương rực rỡ nhất
Dù bạn đang trong hoàn cảnh nào, cuốn sách của Trần Tử Khâm vẫn là một bức thư truyền cho bạn tình yêu cuộc sống da diết.
“Những cây cao nhất, mạnh nhất mọc trên đất cằn cỗi nhất” (J.G.Holland). Mỗi lần đọc câu này tôi lại nhớ đến Trần Tử Khâm – cô gái có nụ cười tỏa nắng, rực rỡ như bông hoa hướng dương ngạo nghễ vươn lên quay ngược về phía mặt trời. Hồi tôi lớp 3, khi đọc “Hoa hướng dương không cần mặt trời”, trong cảm nhận của một đứa bé 8 tuổi, chỉ thấy chị gái Tử Khâm trong sách thật hài hước, đáng yêu. Viết về những ngày tháng đằng đẵng chiến đấu với bệnh tật của mình mà giọng điệu của chị không hề có chút ai oán nào.
Trong 17 năm từ năm lên 7 tuổi không biết bao lần lên bàn mổ, từng giờ giành giật sự sống với hai căn bệnh ung thư, tất cả đối với Tiffany (tên tiếng Anh của Tử Khâm) chỉ là “một tí khó khăn”. Đối với tôi, lần đầu tiên đọc cuốn sách, ấn tượng nhất chính là chi tiết Tử Khâm ví những vết sẹo mổ như “tuyến đường sắt Mộc Sách và Bản Nam”- nơi có “rất nhiều cửa hàng đông vui”, nhớ đến lại muốn cười mãi không thôi.
Như nhiều người nói, chị Tử Khâm đã dùng cuộc đời mình để viết nên cuốn tự truyện, như một áng mây bồng bềnh trôi trên nền trời tươi sáng, khiến độc giả nhìn thấy là muốn mỉm cười yêu đời. Tử Khâm không dùng những câu chữ mượt mà bay bổng, nhưng lại thể hiện sự thành thật tự đáy lòng, khiến ai cũng phải rúng động tâm can. Sau lần đầu tiên đọc sách, trong lòng tôi cứ vấn vương mãi, cuối cùng vẫn đi mua lại, khi ấy cảm nhận đã khác nhiều so với hồi 8 tuổi.
Bằng những cách giản dị của riêng mình, “Hoa hướng dương không cần mặt trời” đã tác động tới suy nghĩ của người đọc thật mạnh mẽ. Không kể tới lứa tuổi, hoàn cảnh, địa vị xã hội, ai cũng có thể học được điều gì đó qua cuốn sách Tử Khâm viết. Qua cách chị ấy mỉm cười trên bàn mổ, cách chị ấy hào hứng nói về việc học ở trường, hay khi Tử Khâm nắm lấy tay những bệnh nhân cùng phòng. Thông điệp xuyên suốt tác phẩm được thể hiện một cách tinh tế và chân thực nhất: Cuộc sống là một món quà. Sau khi được chẩn đoán không thể sống quá 30 tuổi, Tử Khâm lại viết: “Tôi đã có người thân và các bạn! Tôi là người hạnh phúc nhất trên thế gian này!”. Khó có điều gì có thể đánh bại cô ấy, khiến cô ấy ngừng hi vọng! Trong cuộc sống đôi khi những điều nhỏ nhặt cũng có thể làm tôi chán nản buồn bã, nhưng mỗi khi đọc “Hoa hướng dương không cần mặt trời”, tưởng tượng ra giọng điệu hóm hỉnh của Tử Khâm, tôi lại thấy tràn đầy niềm vui và hứng khởi. Bất cứ độc giả nào cũng có thể nhận ra điều mà Tử Khâm gửi gắm trong cuốn sách: Nếu chỉ còn một ngày để sống, hãy cố gắng khiến nó trở nên thú vị và ý nghĩa.
Những câu chuyện chị viết thật sự gần gũi sống động, nhưng lại truyền tải được những lời khuyên bổ ích, khiến tôi học được cách chia sẻ với mọi người, mỉm cười với hiện thực và không ngừng hi vọng vào tương lai.Tử Khâm đã sớm rũ bỏ mọi bệnh tật cùng buồn phiền để trở thành một thiên thần nhỏ đáng yêu (như trong bức thư cuối cùng chị viết), nhưng sức mạnh của “Hoa hướng dương không cần mặt trời” vẫn còn sống mãi. Cuốn sách ấy sẽ luôn chiếu sáng tới mọi thế hệ người đọc, là bằng chứng rằng trên trái đất nhỏ xinh này, đã từng có một cô gái mảnh mai, như bông hoa hướng dương không cần đến mặt trời, dám tự quyết định quỹ đạo cuộc đời mình. Tử Khâm luôn tin vào những điều kì diệu, và cuốn sách của chị chính là một phép màu, sưởi ấm trái tim hàng triệu độc giả, tiếp thêm hi vọng cho bất cứ ai muốn tìm thấy chút ánh sáng trong cuộc sống dẫu vất vả nhưng cũng lắm niềm vui.
Dù bạn đang trong hoàn cảnh nào, cuốn sách của Tử Khâm vẫn là một bức thư truyền cho bạn tình yêu cuộc sống da diết. Hãy đọc, để cảm nhận nghị lực phi thường của cô gái này, và để tìm thấy nụ cười rạng rỡ của Tử Khâm ẩn sau mỗi câu chữ, rạng rỡ hoài, rạng rỡ mãi.
Lê Khánh Linh - Trường: THPT Chuyên Nguyễn Huệ Lớp: 10 anh 1
Nguồn: baophunuthudo.vn