Thế hệ “vàng” của Báo chí cách mạng

Cứ mỗi độ Tháng Tám thu về là những người làm báo trẻ hôm nay lại nhớ về một thế hệ những người làm báo cách mạng, những cây bút “vàng” đã để lại cho họ ngọn lửa làm nghề nhiệt huyết, đam mê, đầy trách nhiệm trước thời cuộc. Họ là…

1. Nhà báo Xuân Thủy, người có hơn năm mươi năm hoạt động cách mạng, một nhà báo lớn, tiêu biểu cho lớp nhà báo đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ông viết báo từ những năm 30 của thế kỷ trước, bị địch bắt giam ở nhà tù Hoả Lò, nhà tù Sơn La. Trong nhà tù đế quốc, Xuân Thuỷ làm chủ bút báo Suối reo - tờ báo bí mật của những người cộng sản ở nhà tù Sơn La tham gia đấu tranh chống lại sự đàn áp dã man của địch, giữ vững chí khí cộng sản. Năm 1944 ra tù, Đảng cử ông phụ trách Báo Cứu Quốc bí mật - cơ quan của Tổng bộ Việt Minh, một trong những tờ báo cách mạng bí mật phổ biến nhất lúc bấy giờ. Lúc bấy giờ, Báo Cứu Quốc do Xuân Thuỷ làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút là tờ báo hàng ngày duy nhất của cách mạng, tích cực tham gia cuộc đấu tranh chính trị, làm rõ âm mưu thâm độc của thực dân Pháp và các thế lực phản động, cổ vũ quần chúng đoàn kết, góp công góp của bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, tham gia kháng chiến giữ vững nền độc lập dân tộc.

Cố Tổng Bí thư Trường Chinh nhận xét: “…Ông Xuân Thuỷ được Đảng phân công phụ trách Báo Cứu quốc từ thời kỳ hoạt động bí mật và suốt cả thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Chúng ta có báo Cứu Quốc Trung ương, lại có báo Cứu Quốc địa phương ở khắp các Liên khu kháng chiến. Đó là tờ báo hàng ngày duy nhất của Đảng và nhân dân ta trong thời kỳ này. Chỉ riêng việc ra báo đều đặn suốt 3.000 ngày trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, gian khổ, thiếu thốn cũng có thể nói, đó cũng là một kỳ tích của nhân dân ta. Báo Cứu Quốc là niềm tự hào của Báo Đại đoàn kết ngày nay và cũng là niềm tự hào chung của báo chí cách mạng nước ta”.

Bước ra khỏi mùa thu năm ấy, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp báo chí nước nhà những ngày đầu độc lập, nhà báo Xuân Thủy còn được nhắc đến là một trong những người có công đầu trong việc đặt nền móng xây dựng Hội Nhà báo Việt Nam. Đầu năm 1947, Đoàn báo chí kháng chiến được thành lập do Xuân Thuỷ trực tiếp phụ trách. Hơn ba năm sau, trên cơ sở Đoàn báo chí kháng chiến, Hội Những người viết báo Việt Nam ra đời. Lần đầu tiên ở nước ta có một tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp của những người viết báo. Nhà báo Xuân Thủy làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam suốt hai kỳ Đại hội (1950-1962), là nhà báo Việt Nam đầu tiên tham gia BCH Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) và được nhận phần thưởng của OIJ.

2. Nói đến thế hệ “vàng” của báo chí cách mạng không thể không nhắc tới nhà báo Hà Văn Lộc với bút danh Thép Mới. Ông tham gia hoạt động cách mạng trước năm 1945, viết tờ báo Tự trị của phong trào sinh viên yêu nước thời phát xít Nhật chiếm đóng nước ta. Sau Cách mạng tháng Tám, ông công tác tại tòa soạn các báo của Đảng Cộng sản Đông Dương như: Cờ Giải Phóng (1945 - 1946), Sự thật (1946 - 1951), Nhân dân (từ năm 1951).

Thép mới (trái) và Trường Chinh (phải) trong rừng Việt Bắc tháng 3/1951

Trong cuộc đời làm báo của mình, Thép Mới đi nhiều chiến trường, đến những nơi chiến đấu ác liệt, lăn lộn cùng đồng bào, đồng chí, vừa làm báo vừa chiến đấu. Ông viết một loạt phóng sự như: Những ngày đầu tháng Chạp nóng bỏng, Hà Nội cầm súng chiến đấu… miêu tả không khí chiến đấu hào hùng với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của quân và dân Thủ đô. Đọc tác phẩm của Thép Mới có thể hình dung được khí thế những năm tháng cách mạng của nhân dân ta lúc bấy giờ. Từ đó, hiểu hơn cuộc chiến đấu trên mặt trận tuyên truyền của những cây bút sắc sảo, mang đậm dấu ấn của một nhà báo – chiến sĩ. Khi làm phóng viên Báo Cờ giải phóng, cơ quan Trung ương của Đảng, nhiều bài viết sắc sảo của ông đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng trong công chúng như: Điểm qua các biểu ngữ (Cờ Giải phóng 12/9/1945), Trung thu độc lập đầu tiên (20/9/1945), Giấy bạc Tàu và giấy bạc Đông Dương (Cờ Giải phóng 20/9/1945), Phái bộ Anh đọc lại Hiến Chương Đại Tây Dương và cựu Kim Sơn (Cờ Giải phóng 27/9/1945), Không bị khiêu khích (Cờ Giải phóng 4/10/1945), Họ “cách” cái “mạng” (Cờ Giải phóng 7/10/1945), Căm hờn (Cờ Giải phóng 21/10/1945), Lửa bất diệt (Cờ Giải phóng 25/10/1945)… Có thể nói, nhà báo Thép Mới với tầm nhìn, sức sống của một cây bút với tình yêu nước, yêu cách mạng, cháy bỏng lý tưởng đã để lại cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của tình yêu nghề và đam mê cống hiến.

3. Trong thế hệ vàng những nhà báo cách mạng còn có tên một nhà báo dựng nghiệp ngành PT-TH Việt Nam- nhà báo Trần Lâm. Đi xuyên suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông đã đưa ngành PT-TH Việt Nam vượt qua mọi khó khăn để trở thành người bạn gần gũi, thân thiết, tin cậy của mọi tầng lớp nhân dân. Trong giai đoạn cấp bách của cách mạng, chàng thanh niên Trần Lâm cùng Trần Kim Xuyến, Chu Văn Tích được phân công việc thành lập Đài phát thanh Quốc gia theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch. Và ngày Quốc khánh lập quốc, nhà báo Trần Lâm và những cộng sự đã quyết định phát sóng thử trực tiếp, tại chỗ buổi lễ từ Ba Đình ngày 2/9/1945. Buổi phát thanh thử đã tạo động lực cho nhóm thực hiện đứng đầu là Trần Lâm sau đó đẩy nhanh việc chuẩn bị cho việc thiết lập Đài phát thanh Quốc gia chính thức ra mắt sau đó không lâu, vào ngày 7/9/1945...
 
Và suốt chặng đường từ đó đến khi về hưu, ông vẫn trung thành với nghiệp báo, nghiệp phát thanh. Tư duy, trí tuệ, sáng tạo của nhà báo Trần Lâm đã làm nên vị thế riêng biệt của phát thanh trong suốt nửa thế kỷ. Và thực tế đã chứng minh, làn sóng phát thanh có vai trò vô cùng quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng, thống nhất đất nước. Và hôm nay, ông được nhắc đến là điển hình về sự nhiệt huyết cách mạng, lòng yêu nghề, sáng tạo, thực tiễn, liêm khiết, khơi nguồn phát triển cho đội ngũ làm phát thanh - truyền hình cả nước.

Hà Vân 

Nguồn: congluan.vn

// Mới cập nhật
// Tin đã đăng
Tin nổi bật