NXB Kim Đồng “độc quyền” 18 tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng
(ICTPress) - Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng vừa kí hợp đồng độc quyền sử dụng 18 tác phẩm truyện và kí viết cho thiếu nhi của nhà văn Vũ Hùng.
Trong số 18 tác phẩm có nhiều tác phẩm được coi là kinh điển của văn học thiếu nhi Việt Nam như: Mùa săn trên núi, Giữ lấy bầu mật, Con Cu li của tôi, Sao Sao, Các bạn của Đam Đam, Sống giữa bầy voi, Chú ngựa đồng cỏ, Những kẻ lưu lạc, Con voi xa đàn, Vườn chim, Phượng hoàng đất, Biển bạc, Mái nhà xưa…
Nhà văn Vũ Hùng sinh năm 1931 tại làng Láng, Cầu Giấy, Hà Nội, là cựu học sinh trường Bưởi (Chu Văn An) và Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông nhập ngũ năm 1950, học trường Thủy quân Việt Nam (khóa 2) và trường Lục quân Trần Quốc Tuấn (khóa 7). Sau đó, ông phụ trách Đài trưởng Đài Vô tuyến điện của Trung đoàn quân tình nguyện Việt Nam tại Trung Lào. Ông từng là phóng viên Khoa học kĩ thuật của báo Quân đội nhân dân, biên tập viên của NXB Ngoại văn và NXB Văn học. Ông nguyên là Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế - Bộ Văn hóa. Năm 1989 ông định cư tại Pháp và tháng 5/2014, ông trở lại Việt Nam sinh sống.
Hầu như các tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn Vũ Hùng đều đến với bạn đọc nhỏ tuổi thông qua NXB Kim Đồng. Cuốn sách đầu tay của ông là cuốn “Mùa săn trên núi” ra đời năm 1961. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã viết hơn 40 cuốn sách cho thiếu nhi, trong đó nhiều cuốn được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Ông cũng đã hai lần được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng: cuốn Sao Sao (1982) và cuốn Sống giữa bầy voi (1986).
Nhà văn Vũ Hùng (phải) và con trai trong buổi kí kết bản quyền sử dụng tác phẩm với NXB Kim Đồng |
Nhà thơ Cao Xuân Sơn - một người từng có tuổi thơ gắn bó với những tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng chia sẻ: Sau Đoàn Giỏi với Đất rừng phương Nam thì không có một nhà văn nào giúp ông hiểu về thiên nhiên, con người Nam Bộ - Tây Nguyên như nhà văn Vũ Hùng. Có thể nói, nhà văn Vũ Hùng chiếm một vị trí gần như độc nhất vô nhị trong nền văn học thiếu nhi Việt Nam với đề tài gắn bó suốt nghiệp viết của ông là rừng - thiên nhiên - muông thú. Theo ông Cao Xuân Sơn, sau 1/4 thế kỉ vắng bóng, nhiều thế hệ độc giả thiếu nhi đã không được đọc Vũ Hùng, đó là một thiệt thòi lớn. Sự trở lại của những tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhà văn Vũ Hùng giống như việc khai quật một mỏ vàng đã bị phủ bụi hơn 20 năm qua. Ông mong muốn trong đợt tái bản này, những tác phẩm đã chinh phục bao thế hệ của nhà văn Vũ Hùng sẽ được sống lại với diện mạo mới phù hợp với thị hiếu của độc giả hiện nay.
Nhà văn Trần Đức Tiến đánh giá nhà văn Vũ Hùng là một trong những nhà văn quan trọng nhất trong nền văn học thiếu nhi Việt Nam với một lối văn chương chuẩn mực. Ông cho rằng, nếu không được đọc những tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng thì có lẽ ông không có được niềm đam mê và theo đuổi nghiệp viết cho thiếu nhi cho đến tận bây giờ. Tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng không chỉ dành cho thiếu nhi mà còn hướng đến cả những người lớn đang có nguy cơ đánh mất tuổi thơ, đánh mất kí ức của mình.
Nhà văn Vũ Hùng chia sẻ, những cuộc hành quân dài dặc, vất vả trong đời lính đã mang lại cho ông nhiều khám phá về thiên nhiên, đất nước, về phong tục tập quán của các dân tộc Việt - Lào anh em bao đời từng chung sống trên một dải Trường Sơn. Vùng biên giới phía Bắc hùng vĩ, với “những ngọn núi mây phủ triền miên, những rừng thông vi vút” hay vùng biên giới phía Tây, trong lòng dãy Trường Sơn với “những cánh rừng chưa hề in dấu chân người, những ngọn núi tím biếc với những hồ nước trong vắt trên đỉnh, những đồi lau và đồi tranh vàng rực dưới nắng thu, những bầy thú mà ta dễ dàng gặp trên đường: những con tê giác cuối cùng, những bầy hươu nai, bầy voi, những con bò tót hùng tráng, lũ báo gấm uyển chuyển”, và câu chuyện của những người đi rừng lão luyện với “một ngôn ngữ giản dị, ít lời nhưng nhiều hình ảnh, thứ ngôn ngữ riêng chỉ có trong rừng” chính là nguồn cảm hứng để ông viết những tác phẩm ấy.
Qua những tác phẩm của mình, nhà văn Vũ Hũng muốn các độc giả thiếu nhi hiện nay hiểu về một thời chưa xa lắm, thiên nhiên đất nước ta tươi đẹp, trong lành như thế, muông thú phong phú như thế, và còn người hiền hòa như thế.
Bảo Ngọc