Được kinh doanh vật phẩm ảo trong game online
Doanh nghiệp được phép kinh doanh vật phẩm ảo trong game online, người chơi chỉ được chơi game không quá 3 giờ là hai vấn đề mới về quản lý game online trong dự thảo Nghị định mới về Internet đang được Bộ TT&TT lấy ý kiến và sẽ ban hành trong thời gian tới.
Vật phẩm ảo trong game online được kinh doanh
Quy định mới về giờ chơi game online trong dự thảo Nghị định mới về Internet sẽ khó có hiệu quả. |
Việc khởi tạo và kinh doanh vật phẩm ảo trong game online từ trước đến nay đã được các doanh nghiệp tại Việt Nam áp dụng trong các game do mình phát hành. Có thể nói, cách làm này hoàn toàn trái pháp luật bởi thông tư liên tịch số 60 về quản lý trò chơi trực tuyến quy định rõ, doanh nghiệp không được phép khởi tạo và kinh doanh các vật phẩm ảo trong game online. Chính vì thế, doanh nghiệp khi kinh doanh game gặp rất nhiều khó khăn và đòi hỏi điều này cần phải được điều chỉnh. Trên thực tế, các game đang phát hành trên thị trường tại Việt Nam đa số đều miễn phí giờ chơi. Nhà phát hành bỏ tiền ra mua bản quyền game và bỏ chi phí để mua cơ sở vật chất kỹ thuật, thuê nhân viên vận hành... nên việc bán vật phẩm ảo trong game để thu lại chi phí là điều bắt buộc.
Để tháo gỡ vướng mắc đó từ các doanh nghiệp, trong dự thảo 2 Nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ và nội dung thông tin trên Internet mà Bộ TT&TT đang lấy ý kiến, đã có sự điều chỉnh về việc kinh doanh vật phẩm ảo trong game online. Theo đó, trong dự thảo quy định rõ, doanh nghiệp được phép khởi tạo vật phẩm ảo theo đúng nội dung trong trò chơi do mình phát hành và người chơi được dùng điểm thưởng hoặc giá trị trong tài khoản trò chơi của mình để đổi lấy vật phẩm ảo do doanh nghiệp phát hành trò chơi khởi tạo. Tuy nhiên, việc kinh doanh vật phẩm ảo này chỉ được diễn ra trong game và nó vẫn không được công nhận là tài sản và không có giá trị quy đổi ngược lại thành tiền hoặc tài sản dưới bất kỳ hình thức nào.
Giới hạn 3 giờ chơi khó có hiệu quả
Một vấn đề tuy mới nhưng “cũ” về game online, cũng được quy định tại dự thảo đó chính là người chơi chỉ được phép chơi game của một doanh nghiệp 3 giờ trong một ngày. Thật ra, quy định về giới hạn giờ chơi trước đây cũng đã được áp dụng trong game online, thay vì 3 giờ như quy định mới này, trước đây người chơi được chơi tới 5 giờ trong một ngày, có điều nó không hiệu quả.
Mục đích của giới hạn này để game thủ không sa đà vào game đang chơi dẫn đến nghiện game, nhưng thực tế nó chỉ có tác dụng cho game của một nhà phát hành. Game thủ vẫn có thể chơi game cả ngày bằng cách chơi nhiều game của các nhà phát hành khác nhau và như thế - việc giới hạn xem như vô nghĩa. Bên cạnh đó, nhà phát hành cũng sẽ có cách “lách luật”. Rất nhiều nhà phát hành trước đây đã sử dụng cách thức, khi game thủ chơi gần hết thời gian giới hạn họ thoát ra ngoài và vào game trở lại, vì vậy thời gian lại được tính từ đầu.
Việc áp dụng biện pháp này muốn hiệu quả cần phải áp dụng hình thức quản lý người chơi bằng chứng minh thư điện tử. Bởi, khi sử dụng chứng minh thư điện tử, hệ thống đăng nhập vào game của các nhà phát hành sẽ có sự ghi nhận thông số người chơi, theo đó quản lý được người chơi đã chơi game bao nhiêu thời gian và sẽ tiến hành khoá tài khoản khi người chơi đã chơi đủ thời gian theo quy định.
Nhìn chung, hai vấn đề mới về game online được đưa ra, việc quy định về vật phẩm ảo trong game được xem là một bước tiến mới và phù hợp trong việc phát triển ngành game hiện nay. Khi đó, nhà phát hành game cũng sẽ “dễ thở” hơn khi không còn bị cho là phạm luật. Tuy nhiên, việc giới hạn giờ chơi muốn hiệu quả cần phải có một cách làm mới phù hợp hơn, trong đó cần phải có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng liên quan và giữa cơ quan chức năng với nhà phát hành game, khi đó việc quản lý người chơi game mới có thể đi vào khuôn khổ.
Lê Mỹ
ICTNews