Giải báo chí quốc gia lần thứ VIII năm 2013: Những điểm nổi bật
(ICTPress) - Sáng nay 16/6, Hội đồng giải báo chí quốc gia (GBCQG) lần thứ VIII năm 2013 đã họp báo về Giải.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn; Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo VN Hà Minh Huệ và Phó Chủ tịch Hội nhà báo VN Trần Gia Thái chủ trì cuộc họp |
Nhiều điểm nổi bật
Số lượng tác phẩm dự thi cao nhất kể từ mùa Giải đầu tiên (năm 2006) đến nay: GBCQG lần thứ VIII thu hút 1.665 tác phẩm của các tác giả ở các cơ quan báo chí trong nước dự thi. Đây là năm có. Số lượng đơn vị báo chí tham dự Giải và số lượng tác phẩm của cộng tác viên đều tăng. Cụ thể, có 196 đơn vị và cá nhân tham dự 11 loại báo, cơ quan báo chí Trung ương; 271 cộng tác viên và 45 cá nhân khác gửi ảnh báo chí tham dự. Năm nay là năm thứ 3, Hội đồng Giải cho phép tác giả ảnh báo chí gửi thẳng tác phẩm về Hội giải, không qua tuyển chọn ở cơ sở.
Số lượng giải A đạt được năm nay cũng cao nhất từ trước tới nay. Lần đầu tiên, Hội đồng GBCQG xác định được 8 tác phẩm xuất sắc trong 11 loại giải để trao giải A. Trước đây, số lượng cao nhất chỉ dừng lại ở con số 3 – 4. Đây là những tác phẩm xuất sắc nhất về vấn đề, chủ đề, nội dung phản ánh, kỹ thuật trình bày. Đó là những tác phẩm viết về chính trị, kinh tế, chủ quyền biển đảo, những vấn đề lớn và nóng, có cách trình bày súc tích, hấp dẫn và có sức thuyết phục.
Hiện diện của nhiều tác phẩm viết về gương người tốt, việc tốt, điển hình, tiên tiến, những anh hùng theo đúng nghĩa trong lao động, sản xuất và cuộc sống. Nổi bật là những tác phẩm như Chương trình “Thư xuân gửi biển đảo” (Báo Sài Gòn Giải phóng), “Lô sinh viên mê năng lượng mặt trời” (Báo Tuổi trẻ); “Alăng Bhuốt - Chân dung một anh hùng” (Trung tâm Truyền hình Quân khu 5); “Ông hai Chung” (Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ); “Chuyện của tôi” (Đài PTTH Hà Tĩnh). Tác phẩm “Người ngoài Đảng xin thành lập Chi bộ” (Báo Hải Dương) cũng là phát hiện độc đáo… Cụ thể có 11 tác phẩm người tốt việc tốt được trao giải.
Tham dự giải có nhiều tác phẩm phóng sự, điều tra sâu, thí dụ như về nạn tham lậu ở Quang Ninh (Báo Nhân dân), về vụ kích động, gây rối tại Nghi Phương Nghệ An (Báo Nghệ An, TTXVN); Lỗ hổng trong quản lý tài ngyên nước (Đài Tiếng nói Việt Nam)…
Giải năm nay ghi nhận một hiện tượng tích cực, thể hiện tính đa dạng, đa phương tiện và hiệu quả của một cơ quan báo chí. Đó là Đài Tiếng nói Việt Nam. Liên chi hội của Đài gửi tác phẩm dự thi cả 4 loại hình báo chí và đạt kỷ lục về số lượng tác phẩm lọt vào chung khảo: 15 tác phẩm, chưa kể 2 tác phẩm khác của Cơ quan đại diện khu vực, đứng tên Hội nhà báo tỉnh. Đơn vị này đã giảnh được 2 giải A (báo nói), 2 giải B (báo in, báo điện tử), 2 giải C (báo nói, báo điện tử), 2 giải C (báo nói, báo điện tử) và 1 giải Khuyến khích (báo nói). Một tác phẩm khác của Đài ở khu vực đoạt giải B. Đây là thành tích cao rất đáng trân trọng.
Chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4, Trung ương 7 (Liên chi hội Ban Tuyên giáo TW, Báo Đồng Nai), chủ quyền biển đảo (Đài Truyền hình Việt Nam, TTXVN, Báo Thanh niên, Tạp chí Lưu trữ); về Đại tướng Võ Nguyên Giáo (Hội nhà báo Quảng Bình, Báo Tiền Phong, Đài Tiếng nói Việt Nam); về các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Báo Nông thôn ngày nay, Báo điện tử Chính phủ); về đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch (Báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, TTXVN…)… nổi trội với nhiều tác phẩm ở các loại hình báo chí.
Các tác phẩm đạt chất lượng cao và phản ánh đa dạng cuộc sống
Thay mặt Hội đồng, ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng GBCQG cho biết năm nay nhiều tác phẩm đạt giải cao, hầu hết ở các thể loại giải thể hiện các tác phẩm dự thi có chất lượng cao và đồng đều hơn. Kết quả tổng thể của giải phản ánh tương đối xác thực tình hình báo chí năm 2013. Theo đó, các cơ quan báo chí, các nhà báo nỗ lực hết mình, đi, tìm tòi, phát hiện, phản ánh mọi khía cạnh của cuộc sống, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tập trung vào tuyên truyền, cổ vũ thực hiện chủ trương và đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, phanh phui và phê phán các hiện tượng tiêu cực, chống tham nhũng, chống các luận điệu sai trái thù địch, thực hiện chức năng phản biện xã hội, là diễn đàn của nhân dân. Nhiều tác phẩm dự Giải có tính phát hiện vấn đề, có tầm ảnh hưởng xã hội và được thể hiện một cách chuyên nghiệp, hấp dẫn thu hút bạn đọc. Về cơ bản, đội ngũ báo chí đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần vào thành công chung trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các đơn vị thông tin chủ lực, các cơ quan báo chí liên tục khẳng định “vị thế trung ương” do lĩnh vực hoạt động được phân công và năng lực chuyên môn truyền thống. Đó là Truyền hình Việt Nam, VOV, TTXVN, Báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, các cơ quan báo chí của các Bộ, ngành như Công An, Đoàn Thanh niên, Mặt trận… Trong giải năm nay, Báo Nhân dân và Đài Truyền hình Việt Nam, mỗi đơn vị đoạt 2 giải A và một số Giải B, C. TTXVN năm nay là đơn vị cũng có nhiều tác phẩm vào chung khảo, có chất lượng đồng đều. Các cơ quan báo chí địa phương cũng tiếp tục vương lên mạnh mẽ, đã có những đơn vị liên tục giành được giải cao như Bình Thuận, Nghệ An, Đồng Nai, Báo Thanh niên, Tuổi trẻ… xóa đi tâm lý tự ti, cho rằng các cơ quan báo chí lớn có nhiều ưu thế, thường chiếm giải thưởng.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Chung khảo GBCQG phát biểu cho biết GBCQG năm nay đã nhận được các tác phẩm phong phú về chủ đề và đề tài. Tất cả các mảng đời sống đều được phản ảnh qua giải báo chí năm nay.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đã tổng kết và nhấn mạnh 3 chủ đề lớn được quan tâm:
Thứ nhất, nội dung về biên giới lãnh thổ, trong đó có biên giới trên bộ, biển đảo Việt Nam là chủ đề được quan tâm, có 11 tác phẩm đoạt giải báo chí liên quan tới biên giới lãnh thổ đoạt giải: 2 báo chí về biên giới trên bộ, 9 tác phẩm báo chí về biển đảo.
Thứ hai, xung quanh vấn đề đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực trong các mặt đời sống xã hội cũng được: ví dụ như vụ nhân bản xét nghiệm ở bệnh viên Hoài Đức được giải rất cao và các biểu hiện tiêu cực khác như than lậu ở Quảng Ninh, vợt thủng ở Nghệ An. Nhiều tác phẩm báo chí có giá trị cao thể hiện tinh thần đấu tranh tiêu cực, mặt xấu của xã hội để xã hội tốt đẹp hơn, lành mạnh hơn.
Thứ ba, nhiều tác phẩm viết về điển hình tiên tiến, nhân quyền: đây là mảng chính trị xã hội được quan tâm nhiều.
Lễ trao giải sẽ được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Hà Nội vào 20 giờ ngày 21/6/2014, nhân kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên kênh VTV1, VTV6, Đài Truyền hình Việt Nam và VOV.
Ngô Yến