PV Washington Times: Tôi không bao giờ tin điều Trung Quốc nói!

Đó là khẳng định của James Borton, phóng viên kỳ cựu của Washington Times và là giảng viên Đại học Nam Carolina (Mỹ) với PV Infonet trong cuộc gặp hôm 8/6 với chủ tàu cá ĐNa 90152 (Đà Nẵng) bị tàu Trung Quốc đâm chìm.

Tàu TQ đâm chìm tàu VN là tàu cá hay tàu quân sự?

Ngày 8/6, khi cùng đại diện Công ty Maritech (TP.HCM) đến triền đà của HTX Trục vớt, đóng sửa tàu thuyền Bắc Mỹ An (Đà Nẵng) trao tặng máy định vị hải đồ dò cá cho chủ tàu ĐNa 90152, PV Infonet có dịp gặp phóng viên kỳ cựu James Borton của báo Washington Times (Mỹ) cùng một PV báo Vietnam News (TTXVN) từ Hà Nội vào tận nơi để tìm hiểu vụ chiếc tàu cá này bị tàu vỏ sắt Trung Quốc đâm chìm.

Ông Trần Văn Lĩnh, quyền Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng thuật lại cho James Borton vụ tàu vỏ sắt Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Đà Nẵng chiều 26/5 (Ảnh: HC)

Ông Trần Văn Lĩnh, quyền Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng thuật lại cho James Borton toàn bộ sự việc xảy ra chiều 26/5 trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam và chỉ cho PV này thấy lổ thủng (1,2 x 1,4m) ở mạn trái đuôi tàu ĐNa 90152, cái chân vịt cong vêu… do bị tàu vỏ sắt mang số hiệu 11209 của Trung Quốc truy đuổi và đâm chìm.

James Borton đã leo chiếc thang gỗ ọp ẹp lên tận boong tàu ĐNa 90152, mang theo túi bia, nước ngọt đã được ướp lạnh sẵn mời các ngư dân giải khát dưới cái nắng gay gắt. Sau khi xem xét cụ thể những hư hại nghiêm trọng của chiếc tàu, James Borton hỏi thuyền trưởng Đặng Văn Nhân: “Tàu Trung Quốc đâm vào tàu của anh to thế nào?” – “Ui, to lắm, phải gấp 6 – 7 lần tàu mình. Đó là tàu vỏ sắt chứ không phải tàu gỗ như của ngư dân Trung Quốc mà chúng tôi vẫn thấy trên biển” – .ông Đặng Văn Nhân nói.

“Theo anh thì đó là tàu quân sự hay tàu đánh cá?” - James Borton hỏi. Ông Đặng Văn Nhân trả lời: “Theo tôi nhận thấy thì đó là kiểu tàu quân sự nhưng ngụy trang thành tàu đánh cá!”. “Thuyền trưởng thì phải đi ngoài biển chứ cứ ở trên đất liền thì không tốt. Vậy anh có lại tiếp tục ra khơi không? Các anh có phải đi đường vòng tránh giàn khoan Trung Quốc để ra nơi đánh bắt không” – James Borton hỏi tiếp.

Chụp ảnh lổ thủng trên thân tàu...
và cái chân vịt cong vêu do bị tàu Trung Quốc đâm

Và ông được trả lời: “Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nên chúng tôi phải vươn khơi bám biển, thứ nhất là để mưu sinh, thứ hai là để bảo vệ, giữ gìn biển đảo của Việt Nam. Trung Quốc cắm giàn khoan trên vùng biển Hoàng Sa gây rất nhiều khó khăn cho chúng tôi nhưng đi vòng thì không, chúng tôi không đi vòng. Khi nào tàu họ đuổi tới thì mình chạy thôi chứ không đi vòng. Cứ đường mình thì mình đi thôi!”.

James Borton ghi chép rất cụ thể những điều thuyền trưởng Đặng Văn Nhân nói rồi nói với anh: “Tôi sẽ gửi những thông tin này về cho chính quyền Washington cũng như bạn đọc Washington biết về hành động của phía Trung Quốc!”. Sau đó ông quay xuống đất gặp vợ chồng chị Huỳnh Thị Như Hoa, chủ tàu ĐNa 90152.

Thượng viện Mỹ sắp họp về hỗ trợ ngư dân đánh bắt trên Biển Đông

James Borton: Những gì đã xảy ra thật là khó khăn cho gia đình chị. Tôi muốn kể cho mọi người ở thủ đô Washington cũng như bạn đọc Times Washington biết về câu chuyện của chị. Trước sự gây hấn của Trung Quốc như vậy thì cần có sự bảo vệ cho ngư dân trên biển. Ngoài các lực lượng chức năng Việt Nam, theo quan điểm cá nhân chị thì chị có muốn Mỹ tăng cường vai trò của họ trong việc giữ gìn hòa bình, ổn định trên biển Đông hay không?”

Bà Huỳnh Thị Như Hoa: Mong muốn lắm chứ, không chỉ Mỹ mà tất cả các nước tham gia vào. Được quốc tế giúp đỡ cho Việt Nam như rứa thì mình cám ơn nhiều lắm chứ. Tôi xin thay mặt cho ngư dân Việt Nam cám ơn nhiều!

mang theo bia, nước ngọt đã được ướp lạnh sẵn để mời các ngư dân giải khát

James Borton: Theo tôi được biết, Mỹ đang tăng cường mối quan hệ hữu nghị, giúp đỡ Việt Nam. Trong tuần tới sẽ có phiên họp của các thượng nghị sĩ Mỹ về vấn đề Mỹ sẽ tham gia hỗ trợ cho ngư dân trong quá trình đánh bắt trên biển Đông được an toàn, thuận lợi hơn. Tàu cá của chị đi hành nghề mà cứ lo sợ như vậy thì đâu có đánh bắt được.

Bà Huỳnh Thị Như Hoa: Không chỉ khó khăn về tài chính mà còn nguy hiểm về tính mạng ngư dân nữa. Tàu Trung Quốc đâm chìm tàu của tôi vừa rồi, các ngư dân may mắn lắm mới trở về được an toàn chứ không thì bỏ mạng trên biển. Nói chung những người ngư dân khổ trăm bề hết. Mỗi lần chồng con ra biển là tâm hồn mình như treo ngược lên cành cây, lo sợ ghê lắm. Hết lo sợ bão tố lại lo sợ Trung Quốc bắt bớ, hành hung, thậm chí cố tình giết người nữa!

James Borton: Tôi biết chị có ý định kiện Trung Quốc. Có thể vụ kiện của chị sẽ kéo dài rất lâu nhưng tôi tin tưởng chị sẽ thắng. Tôi tin sẽ có rất nhiều người hỗ trợ chị trong việc này. Tôi sẽ bắt đầu bài báo của mình bằng câu chuyện về chị và các ngư dân trên con tàu này, để Washington biết được thực tế hiện nay của ngư dân Việt Nam trên biển Đông mà có những sự hỗ trợ thiết thực nhất.

chụp hình những thiệt hại nặng nề của tàu cá ĐNa 90152
và phỏng vấn thuyền trưởng Đặng Văn Nhân

Được biết, ngoài viết cho Washington Times, hiện James Bortin còn là giáo sư giảng dạy chuyên ngành hải dương học tại Đại học Nam Carolina (Hoa Kỳ) và sắp về hưu. “Khi đó tôi sẽ có nhiều thời gian hơn để theo đuổi những vụ việc Trung Quốc gây hại cho ngư dân Việt Nam với tư cách là một phóng viên quốc tế. Tôi hiểu người dân Việt Nam không muốn chiến tranh mà chỉ muốn sự tự do trong vấn đề hàng hải, đánh bắt cá!” - ông nói.

Quay sang bà Huỳnh Thị Như Hoa, James Borton bày tỏ thành ý: “Chị hãy tin tôi. Tôi là người bạn của chị và của ngư dân Việt Nam. Tôi hết sức quan tâm vấn đề ngư dân Việt Nam bị thiệt hại do những hành động gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông, nên tôi sẽ có mặt thường xuyên ở Việt Nam để phản ảnh. Nếu có vấn đề gì cần thiết, xin chị và các ngư dân cũng như Hội Nghề cá Đà Nẵng hãy báo tin cho tôi!”.

“Không bao giờ tin điều Trung Quốc nói!”

PV Infonet: Ông đánh giá tầm mức vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng lãnh hải của Việt Nam, kéo theo đó là vụ đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 quan trọng như thế nào mà phải vượt nửa vòng trái đất để sang tận đây tìm hiểu?

James Borton: Tôi cho là hết sức quan trọng, bởi nó liên quan trực tiếp, ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề tự do hàng hải, tự do đánh bắt cá của ngư dân. Những hành động hiện nay của Trung Quốc trên biển Đông là một sự phá hoại có tính chất nghiêm trọng, không chỉ gây phẫn nộ cho người dân Việt Nam mà còn cho bất kỳ người dân bình thường nào khác trên thế giới.

Trong khi nói chuyện với bà Huỳnh Thị Như Hoa, James Borton luôn đặt tay lên ngực, bày tỏ thành ý của một người bạn

Với việc Trung Quốc ngày càng hung hăng lấn tới thì tôi nghĩ sẽ còn xảy ra nhiều vụ việc tương tự như với tàu chị Hoa nên tôi sẽ thường xuyên có mặt ở đây để làm cầu nối cho người dân Mỹ và bạn đọc Washington Times khắp thế giới biết rõ tất cả những gì xảy ra trên vùng biển Việt Nam và đặc biệt là đối với ngư dân Việt Nam.

PV Infonet: Ông định chuyển tải điều gì đến bạn đọc Washington Times?

James Borton: Tôi sẽ chuyển tải đến chính quyền Washington cũng như bạn đọc Washington Times mức độ nghiêm trọng trong những hành động sai trái của Trung Quốc và tầm quan trọng của việc biển Đông cần phải là vùng biển mở cho tự do hàng hải, tự do đánh bắt cá để không ảnh hưởng đến cuộc sống của ngư dân cũng như lợi ích của cộng đồng quốc tế trong việc tự do đi lại trên biển và đánh bắt cá.

PV Infonet: Trung Quốc luôn bảo rằng Việt Nam mới là bên cố tình gây hấn, khiêu khích trên biển Đông và tàu cá của chị Hoa là do tự đâm vào tàu của họ nên mới bị lật. Ông có tin vào điều đó không?

James Borton khẳng định với PV Infonet: "Trung Quốc luôn "nói một đằng, làm một nẻo". Tôi không bao giờ tin điều họ nói cả!"

James Borton: Tôi không bao giờ tin chuyện đó!

PV Infonet: Ông nghĩ gì khi Trung Quốc luôn miệng nói họ “trỗi dậy hòa bình” nhưng lại có liên tục có những hành động bạo lực, thâm chí vô nhân đạo đối với những ngư dân bình thường của Việt Nam như vậy?

James Borton: Tôi nói thẳng, Việt Nam cũng như mọi người trên thế giới đều biết rằng Trung Quốc luôn “nói một đằng làm một nẻo”. Họ nói như vậy nhưng hành động của họ lại hoàn toàn khác. Tôi không bao giờ tin điều họ nói cả!

PV Infonet: Xin cám ơn ông về cuộc nói chuyện này!

Hải Châu

Infonet

// Mới cập nhật
// Tin đã đăng
Tin nổi bật