CNN cận cảnh ‘sức ép bá quyền’ của TQ

Không ai trên tàu Cảnh sát biển 8003 tỏ ra quá lo lắng, mặc dù đã mặc sẵn áo phao. Các tàu TQ “sủa” về phía chúng tôi một vài lần nữa trước khi bỏ đi - phóng viên CNN viết.

Tàu hải cảnh 3210 của TQ áp sát tàu CSB 8003, ngăn cản không cho tiếp cận giàn khoan hôm 28/5. Ảnh: Cảnh sát biển VN

Những ngày qua, gần 20 hãng thông tấn và cơ quan báo chí quốc tế đã vào VN đi thực tế ở vùng biển Hoàng Sa, trực tiếp tác nghiệp những diễn biến đang diễn ra ở Biển Đông.

Trong đó, hãng truyền hình CNN nằm trong nhóm những hãng tin quốc tế vừa đến Hoàng Sa cách đây vài hôm. Ngay từ hôm 28/5, phóng viên CNN Euan McKirdy có bài tường thuật từ thực địa ở Biển Đông.

VietNamNet lược dịch giới thiệu bạn đọc:

Chúng tôi đã lên đường trên một tàu tiếp vận nhỏ của cảnh sát biển từ tối thứ hai khi mặt trời lặn dần ở Đà Nẵng, hướng tới vùng biển tranh chấp xung quanh quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông.

Việc làm gây tranh cãi của TQ là hạ đặt một giàn khoan ở khu vực này hồi đầu tháng 5, khơi mào các cuộc tuần hành phản đối ở VN và phát biểu từ nhiều nhà lãnh đạo thế giới, kêu gọi hai bên giải quyết tranh chấp nhanh chóng, không để đổ máu.

Hoàng Tuấn Anh, thuyền trưởng tàu tiếp vận mà chúng tôi đi cùng cho biết “Cảnh sát biển VN quyết tâm xử lý tình hình một cách hòa bình”.

Thông điệp rõ ràng

Đến trưa, chúng tôi đã đến khu vực được cho là vùng biển có nhiều dầu mỏ mà đầu tháng này, TQ đã đơn phương “cắm cờ”. “Cờ” ở đây chính là một giàn khoan bệ vệ với một thông điệp rõ ràng: Quần đảo “Tây Sa” là của chúng tôi và chúng tôi có thể làm những gì mình muốn.

Không có phao đánh dấu lãnh thổ, không có đất liền trong tầm mắt: chỉ một màn nước sâu lung linh, dù là hứa hẹn giàu nhiên liệu hóa thạch bên dưới.

Khi chúng tôi đến nơi thì có thông tin giàn khoan do CNOOC quản lý đã được di chuyển. Không phải là chuyện nhỏ đối với một vật thể to lớn và nặng nề như thế, vậy mà thật xáo động về mặt chính trị.

Khi đến khu vực này, những chấm nhỏ ở đường chân trời đã hiện rõ là các tàu, rồi là đội tàu - hay chính xác hơn là hai đội tàu riêng biệt - gồm các tàu thương mại và cảnh sát biển TQ và VN.

Thuyền trưởng Hoàng cho hay đã đến vùng biển này nhiều lần nhưng gần đây TQ tỏ ra hung hăng hơn đối với VN. ‘Tôi tự hào được bảo vệ Tổ quốc”.

“Điệu nhảy” được các tàu cảnh sát biển của cả hai nước giám sát. Nhưng bao trùm các sự vụ trong ngày, ai cũng nghĩ đến việc chỉ vài giờ trước, một tàu cá TQ đã đâm chìm một tàu cá VN. 

Không có người thiệt mạng trong vụ việc này nhưng đây là lần đầu tiên một chiếc tàu bị chìm trong giai đoạn hiện tại của mối quan hệ giữa hai nước láng giềng này. 

Khi chiều buông, một trong những tàu cảnh sát biển lớn của TQ hướng về tàu của chúng tôi, thi thoảng hú còi như thể định gây ra một vụ đụng độ nho nhỏ trên biển. 

Không ai trên tàu Cảnh sát biển 8003 tỏ ra quá lo lắng, mặc dù đã mặc sẵn áo phao. Các tàu TQ “sủa” về phía chúng tôi một vài lần nữa trước khi bỏ đi.

Ở phía mạn phải tàu của chúng tôi, hai tàu TQ nữa chọc phá một tàu cá VN nhỏ hơn, đẩy tàu này ra xa khỏi trung tâm của mối bất đồng. 

Nếu không cẩn trọng, bất đồng có thể mang lại hậu quả nghiêm trọng cho hai nước, cũng là những thành viên quan trọng ở khu vực mà khu vực này cũng đã bắt đầu - dù có lẽ hơi muộn màng - phản kháng trước sức ép bá quyền của TQ.

PV (lược dịch)

Vietnamnet

Tin nổi bật