Báo chí các nước bình luận gì về khả năng Việt Nam kiện Trung Quốc?

Báo chí Đài Loan và phương Tây đặc biệt chú ý đến động thái mới của Việt Nam - đó là dùng công cụ pháp lý để giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông, không vũ lực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới tại Philippines và phát biểu về vấn đề Biển Đông

Để bảo vệ lợi ích của Việt Nam, hãng tin Central News Agency (CNA) Đài Loan ngày 23 tháng 5 cho rằng, Việt Nam có thể sẽ sử dụng trọng tài quốc tế để giải quyết vấn đề Biển Đông bằng con đường pháp lý.

Theo tờ “Nhật báo phố Wall” Mỹ, khả năng này của Việt Nam là hợp tác với Philippines “chống lại Trung Quốc bá quyền” trong vấn đề Biển Đông, có thể làm gia tăng quan hệ “căng thẳng” với Bắc Kinh.

Theo bài báo thì Việt Nam và Philippines trở nên “gần gũi” với nhau do có liên quan đến “tranh chấp Biển Đông”. Từ năm 2013, Philippines đã tuyên bố kiện Trung Quốc tại tòa án quốc tế, do Trung Quốc đã vi phạm (nghiêm trọng) Công ước Liên hợp quốc về Luật biển.

Theo bài báo, Việt Nam đã dùng tất cả các kênh đối thoại, nhưng không có sự phản hồi thiện chí từ Trung Quốc, thậm chí Trung Quốc còn đe dọa có thể áp dụng biện pháp quân sự.

Theo tờ “Nhật báo phố Wall”, Việt Nam vốn muốn xây dựng sức mạnh quân sự của mình, không làm theo cách làm của Philippines, nhưng sau khi giao thiệp ngoại giao thất bại, Hà Nội đã dần dần “rời xa” Trung Quốc – đối tác kinh tế quan trọng.

Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan HD-981 và tuân thủ luật pháp quốc tế

Việt Nam lên án Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền lợi chủ quyền và quyền quản lý của Việt Nam, đồng thời có thể đe dọa phục hồi kinh tế toàn cầu, đã vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, vi phạm DOC và các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.

Hãng tin CNA Đài Loan ngày 22 tháng 5 cũng đã cho biết, Quốc hội Việt Nam – một cơ quan lập pháp - vừa ra thông cáo phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam,Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan HD-981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, vi phạm DOC và thỏa thuận cấp cao Việt-Trung.

Thông cáo còn cho biết, Việt Nam sẽ dựa vào luật pháp quốc tế, kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ môi trường hòa bình và ổn định.

Hãng CNA còn quan tâm đến việc Việt Nam gửi thông cáo về tình hình Biển Đông lên Liên hợp quốc, phản đối hành vi bất hợp pháp của Trung Quốc. Thông cáo đã nhấn mạnh đến việc Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình, ổn định và an toàn hàng hải của khu vực Biển Đông, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng lên tiếng phản đối Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt những hành động phi pháp này, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế và DOC.

Trung Quốc cho tàu chiến vào bảo vệ giàn khoan HD-981 cắm trái phép ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam chẳng khác nào một hành vi xâm lược bằng vũ lực, bất chấp luật pháp quốc tế.

Hãng tin Reuters Anh ngày 22 tháng 5 dẫn phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trước hành động hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Việt Nam đang cân nhắc nhiều biện pháp phòng vệ để đối phó Trung Quốc, trong đó có biện pháp pháp lý, tức là sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết vấn đề. Nhưng, lãnh đạo Việt Nam không cho biết sự lựa chọn đó cụ thể như thế nào.

Theo bài báo, cuối tháng 3 vừa qua, Philippines đã trình báo cáo “luận tội” Trung Quốc lên tòa án trọng tài tại La Hay, Hà Lan, thách thức yêu sách chủ quyền (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh bị tòa án quốc tế “soi” do vấn đề vùng biển.

Ngoài ra, theo hãng Reuters, ngày 22 tháng 5, Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam trả lời phỏng vấn cho biết, Việt Nam hy vọng có thể giải quyết hòa bình tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, đồng thời theo dõi chặt chẽ vụ kiện mà Philippines đang tiến hành với Trung Quốc. Phó Thủ tướng đã nhắc lại yêu cầu Trung Quốc cần phải rút khỏi giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Mạng tin tức phát thanh Đài Loan ngày 23 tháng 5 cũng có bài viết dẫn tuyên bố từ Nhà Trắng – chính phủ Mỹ cho biết, Mỹ ủng hộ chính phủ Việt Nam tiến hành hoạt động pháp lý để giải quyết vấn đề Biển Đông.

Ngày 22 tháng 5, người phát ngôn Nhà Trắng Patrick Ventrell tuyên bố Mỹ sẽ ủng hộ việc Việt Nam có hành động pháp lý để chống lại hành động xâm lược của Trung Quốc ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Người phát ngôn Nhà Trắng cho biết, Mỹ sẽ ủng hộ hành động của Việt Nam, việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, duy trì sự thông suốt của tuyến đường hàng hải trên Biển Đông là phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ. Mỹ ủng hộ sử dụng con đường ngoại giao và hòa bình để xử lý và giải quyết tranh chấp.

Hãng tin AFP Pháp ngày 23 tháng 5 cũng dẫn lời Tư lệnh Thái Bình Dương quân đội Mỹ Samuel Locklear kêu gọi các bên tranh chấp ở châu Á cần thỏa hiệp, cảnh cáo Trung Quốc áp dụng chiến lược “người thắng ăn cả”, cho rằng, nền tảng quan trọng nhất là tập trung vào pháp lý, tập trung giải quyết vấn đề và hóa giải tranh chấp bằng diễn đàn quốc tế.

Theo báo chí Anh và Mỹ như BBC và VOA, “Nhật báo phố Wall”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng coi hành động (xâm lược) của Trung Quốc hiện nay vi phạm luật pháp quốc tế, “đe dọa nghiêm trọng” hòa bình, ổn định và an toàn hàng hải ở Đông Nam Á. Việt Nam có quyền bảo vệ chủ quyền và quyền lợi hợp pháp của mình, chủ quyền lãnh thổ trong đó có các hòn đảo và vùng đặc quyền kinh tế là thiêng liêng.

Đồng thời, Thủ tướng Việt Nam đã ngầm cho biết có thể áp dụng biện pháp pháp lý đối với Trung Quốc, theo hãng tin BBC Anh thì điều này có thể gây tức giận cho Bắc Kinh.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, ông Nguyễn Hạnh Phúc tuyên bố: Chính phủ đang chuẩn bị hồ sơ, chứng lý để sẵn sàng làm cơ sở để khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, nếu họ không rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Nói chung, các tờ báo quốc tế đã nhận định, Việt Nam rất có khả năng kiện Trung Quốc ra quốc tế và theo dư luận thì đây là một con đường hòa bình, giống như Philippines đang làm.

Mặc dù Trung Quốc phản đối, nhưng là con đường hòa bình, Trung Quốc chắc cũng sẽ nói là “không chấp nhận” luật pháp quốc tế như đã nói với Philippines.

Ngoài ra, rõ ràng, Trung Quốc vẫn đang theo dõi chặt chẽ mọi hành động của Việt Nam và tiếp tục tìm mọi cách để đáp trả, để hiện thực hóa tham lam vô độ “đường lưỡi bò” của họ.

Trước âm mưu đen tối đó, chúng ta không thể mơ hồ và phải tích cực, chủ động hơn, dự báo tốt mọi âm mưu, thủ đoạn của đối phương có thể sử dụng và có phương án đáp trả thích hợp, nhất là phải có một chiến lược nhất quán, luôn chủ động để thực thi chiến lược đó một cách toàn diện trên tất cả các phương diện, các lĩnh vực, bằng tất cả các lực lượng, các con đường…

Nguồn: Theo Giáo dục Thời đại
Tin nổi bật