Bộ sách được trẻ em Hà Lan yêu thích nhất đến Việt Nam
(ICTPress) - Hơn 60 năm đã qua, “Jip và Janneke” vẫn là bộ sách nổi tiếng và được yêu thích nhất ở Hà Lan. Ông bà đọc cho cháu, bố mẹ đọc cho con, cô dì chú bác đọc cho các cháu, các cô giáo đọc cho học sinh và khi biết đọc các em bé tự mình đọc trước khi đi ngủ. Không em bé Hà Lan nào lớn lên mà không biết đến hai bạn Jip và Janneke.
Bộ sách nổi tiếng “Jip và Janneke” được dịch sang tiếng Việt |
Tuy là những nhân vật tưởng tượng nhưng Jip và Janneke lại rất thật và gần gũi với trẻ em, không kể màu da, quốc tịch hay văn hóa. Jip và Janneke cũng như hai em bé bất kì nào trên thế giới thật may mắn khi được là hàng xóm của nhau, sống cạnh nhau, được cùng chơi, cùng nghịch ngợm, cùng khám phá thế giới xung quanh, cùng đôi khi mắc lỗi, đôi khi giận hờn, đôi khi ăn quá nhiều kem, đôi khi ngã xuống mương... Và cũng như các em bé khác, hai bạn đều rất yêu thiên nhiên, yêu các con vật nuôi, học cách yêu thương, chăm sóc và bảo vệ tất cả, cho dù là một chú nhím hay một chú vịt con lạc mẹ.
Jip và Janneke cũng như các em bé Việt Nam, thích chơi bịt mắt bắt dê, thả thuyền, trượt cầu trượt rách cả quần, đi hái hoa dại, chơi đu quay, chơi nhảy dây, đi xem xiếc, té nước vào nhau tung tóe, chơi trò cô dâu chú rể... Thật tuyệt vời khi biết những em bé cách nhau 60 năm về mặt thời gian và lớn lên ở những đất nước cách nhau hàng ngàn km cùng thích làm những việc giống hệt nhau. Về khía cạnh đó chúng ta thấy sự tài giỏi và am hiểu trẻ em của nhà văn Annie M.G. Schmidt, người đã từng được trao giải Hans Christian Andersen - giải thưởng mà giới văn học coi là giải Nobel của những nhà văn viết cho trẻ em.
Góp phần vào thành công của bộ sách còn phải kể tới nhà minh họa tài ba Fiep Westendorp. Chỉ bằng hai màu trắng đen, bà đã mang lại cả một thế giới tuổi thơ đầy đủ các cung bậc cảm xúc. Fiep chủ định chỉ vẽ trẻ em trong sách dành cho trẻ em vì theo bà như thế cuốn sách sẽ gần với thế giới của các em hơn, là của riêng các em hơn, họa chăng chỉ có một vài tranh có người lớn khi câu chuyện cần có họ như ông chú râu quai nón hay bác bán kem… Bà đã sử dụng những hình bóng đen trắng để trẻ em ở Hà Lan và trên toàn thế giới đều có thể nhận ra và những nhân vật này sẽ trở thành biểu tượng của trẻ em trên toàn thế giới.
Tranh của bà để lại ấn tượng sâu sắc đến mức các em bé sau khi nghe kể chỉ cần nhìn tranh minh họa là có thể kể lại cả câu chuyện.
Không chỉ dừng ở chỗ là người bạn đồng hành của trẻ em, “Jip và Janneke” còn có thể được xem như những cuốn sách mang tính giáo dục, hỗ trợ các ông bố bà mẹ trong việc nuôi dạy con. Đọc những câu chuyện nhỏ về Jip và Janneke chúng ta có thể tham khảo để lựa chọn các trò chơi phù hợp cho con, biết cách chơi với con, cách xử lí những tình huống khi con mắc lỗi... Đọc truyện, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, cho dù có chuyện gì xảy ra, Jip và Janneke cũng luôn được bố mẹ tôn trọng. Những câu chuyện cũng chỉ cho chúng ta cách đặt ra những giới hạn cho con trẻ đầy thông minh. Các bài học kĩ năng sống như không nói dối, không làm đau nhau, không ăn trộm, dũng cảm nhận lỗi khi sai... được truyền đạt nhẹ nhàng, chân thực và thuyết phục.
“Jip và Janneke” là bộ sách viết về một tuổi thơ kì diệu, nơi trẻ em có thể tự đi chơi không cần người lớn, thỉnh thoảng đi mua đồ cho mẹ… Một thế giới gần gũi với thiên nhiên có cỏ cây hoa lá, các con vật nuôi, chim muông... Một thế giới yên bình, an lành tràn ngập yêu thương và trẻ em biết trân trọng mọi thứ mình có. Một thế giới công bằng: nếu bố mẹ làm sai thì phải xin lỗi con hay bố mẹ cũng có thể bị con phạt. Một thế giới nơi trẻ con không chỉ biết nhận mà còn biết trao tặng lại: mang trà và bánh quy cho mẹ khi mẹ ốm, biết dậy sớm trang trí nhà cửa mừng sinh nhật mẹ, mua nho cho bà khi bà ốm, làm vòng hoa tặng ông khi không có tiền mua quà sinh nhật… Một xã hội thu nhỏ đủ cả nhà nội, nhà ngoại, các bác hàng xóm, các anh chị lớn tuổi hơn và bạn bè cùng trang lứa. Một thế giới nơi Jip và Janneke có thể làm chủ thời gian của mình, cuộc sống của mình trong phạm vi cho phép, cùng giúp nhau và cùng nhau lớn lên mỗi ngày. Một thế giới nơi trẻ con được là chính mình, không phải sống vì những ước mơ của người lớn, làm theo ý người lớn hay cố gắng để làm người lớn.
Tuy nhiên chúng ta cũng cần chú ý rằng sau hơn 60 năm có rất nhiều khái niệm không còn tồn tại ở đất nước Hà Lan hiện thời nữa, ví dụ như trẻ con không bao giờ bị dọa nhốt trong nhà kho; hệ thống sưởi không còn dùng than mà thay bằng ga hay điện; người lớn không mua vũ khí làm quà cho trẻ em cho dù là súng phun nước; không ai nói “người da đen” vì ngay từ nhỏ các em đã được dạy không kì thị chủng tộc…
Hi vọng các bạn sẽ yêu thích Jip và Janneke.
Và hi vọng ngày càng có nhiều em bé Việt Nam biết đến những cuộc phiêu lưu của Jip và Janneke.
Dịch giả Lê Mai Hương