Chúng tôi làm phim “Bác Hồ trong trái tim người lính”
(ICTPress) - Tác phẩm phim “Bác Hồ trong trái tim người lính” là một trong hai bộ phim tài liệu công phu của Trung tâm Hợp tác báo chí Truyền thông quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh được trình chiếu trên VTV4, tại các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài nhiều lần trong năm 2010 đã gây được tiếng vang lớn trong và ngoài nước. Bộ phim này được Ban tuyển chọn Giải báo chí TT&TT lần thứ 7 năm 2010 trao giải A. Nhân dịp này, xin giới thiệu đến bạn đọc những chia sẻ của nhà báo Trần Bình Tám, người xây dựng kịch bản bộ phim này về ý tưởng và nhật ký đoàn làm phim.
1. Ý tưởng khai thác những kỷ niệm sâu sắc
Không phải ngẫu nhiên mà cái tên “Anh bộ đội Cụ Hồ” được nhân dân dành tặng riêng cho những người chiến sỹ. Nó xuất phát từ tình cảm thiêng liêng của nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Hình tượng “Cụ Hồ” và “Anh bộ đội” chính là biểu tượng cao đẹp trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Phóng sự tài liệu “Bác Hồ trong trái tim người lính” sẽ giới thiệu với độc giả hình ảnh bình dị nhưng vô cùng cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong trái tim những chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam. Ở đó người xem sẽ gặp lại hình tượng Hồ Chí Minh là người chỉ huy quân đội, là chiến sỹ trong tất cả các quân binh chủng, là một Chủ tịch nước thiên tài đức độ, một danh nhân văn hoá của thế giới thông qua những lời kể, những hồi ức của các tướng lĩnh và cựu chiến binh qua câu chuyện về những lần được gặp Bác.
Đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được nhiều nhà làm phim khai thác ở các góc độ khác nhau: Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa, chính trị, quân sự, lãnh tụ vĩ đại, người bạn Quốc tế mẫu mực… Thực tế ở phim “Bác Hồ trong trái tim người lính” lấy cảm hứng từ cái tên (Anh bộ đội Cụ Hồ) vừa gần gũi thân thương, tình cảm và giản dị…
Cách khai thác nhân vật trong phim là khai thác những kỷ niệm sâu sắc của người lính mỗi khi được gặp Bác Hồ.
Thông qua những lời kể, người xem một lần nữa thấy được tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh giành cho lực lượng vũ trang là vô bờ bến - đồng thời hình ảnh của Bác sẽ sống mãi trong trái tim những người lính mang tên Bác.
2. Nhật ký làm phim nhiều kỷ niệm
Sáng sớm đoàn làm phim chúng tôi lên đường, xe lăn bánh rời Hà Nội một lúc thì mặt trời vừa ló rạng Đông. Không khí bắt đầu ngột ngạt, được cái đường đi tốt, không tắc nghẽn nên xe lăn bánh một mạch hơn 100km để về đến TP. Thanh Hóa. Nơi chúng tôi tìm đến là ngôi nhà số 310 nằm trên con phố Trường Thi yên tĩnh của Anh hùng lực lượng vũ trang Ngô Thị Tuyển. Bà Tuyển đón chúng tôi bằng chất giọng đặc sệt Xứ Thanh:
- Tụi bay đến rồi hả, đã ăn sáng chưa?
Chúng tôi cảm ơn Bà và vào việc luôn. Thưa Chị, à quên mất, cho phép em gọi là Chị nhé! Bà cười hiền khô và gật đầu nói: Tau với mi thì gọi là chi cũng được.
Tôi vào đề bằng sự khống chế thời gian: Chị chỉ kể cho em câu chuyện mà suốt đời chị chẳng thể nào quên ấy nhé, nhớ là phải kể chính xác, nếu quá xúc động thì chị cứ việc khóc tự nhiên.
- Thôi mi đừng giỡn tau nữa, để yên tau nhớ lại coi, ba bốn lần gặp Bác chứ có phải một lần mô.
Rồi bà kể, mặc dù đoạn kể đầu chưa đúng mạch phim của chúng tôi nhưng kể được một đoạn tôi lại thấy hấp dẫn quá. Chả là lần đầu được gặp Bác, bà Tuyển mới chỉ biết bập bõm vài chữ, mặc dù lúc ấy bà đã là nữ dân quân của Nam Ngạn Hàm Rồng.
Bác biết chuyện đã khen ngợi tinh thần dúng cảm dám xả thân vì quê hương đất nước và động viên bà tranh thủ học chữ, vừa đánh giặc vừa tự học, khi nào hết giặc sẽ có điều kiện học tiếp. Ghi nhớ lời Bác dạy, bà Tuyển đã cố gắng theo học hết lớp 10 và tốt nghiệp Trường Sỹ quan Chính trị.
Câu chuyện xúc động nhất của người nữ Anh hùng Xứ Thanh chính là những ngày cuối cùng của Bác tại Thủ đô Hà Nội. Bà vừa khóc vừa kể: “Tôi có vinh dự và cũng thật sự đau khổ khi được ở gần bên Bác trong những giờ phút Người sắp ra đi. Cứ 5 phút thì lại có một đồng chí ra thông báo tình hình sức khỏe của bác một lần, chúng tôi lo lắng lắm, cứ muốn kéo dài những lần đồng chí Đại tá Bác sỹ ra thông báo sức khỏe của Bác mà không được.
Tin Bác mất làm tôi tan nát tâm can. Nhưng các đồng chí trong Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã quán triệt: “Bác mất là một tổn thất to lớn cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nhưng chúng ta sẽ biến đau thương thành hành động…”. Khi linh cữu của Người được đặt ở hội trường Ba Đình, tôi có vinh dự được đứng túc trực bên Bác. Ban tổ chức quy định đến phiên người khác vào thay thì chỉ cần chạm khẽ vào vai là mình lùi xuống, vậy mà người vào thay tôi đã chạm mấy lần vào vai mà tôi vẫn đứng nguyên như trời trồng… Ngừng kể hồi lâu, bà mới nói lại được trong tiếng nấc:
- Chị như bị chết đứng mà em.
Bây giờ Trung tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Ngô Thị Tuyển đã nghỉ hưu, bà vẫn tham gia các công tác xã hội như Chi hội trưởng Cựu Chiến binh phường, Hội Phụ nữ, Hội Khuyến học… Và ở bất cứ đâu, bất cứ buổi nói chuyện nào cho thế hệ trẻ, câu chuyện về Bác Hồ luôn thấm đẫm trong trái tim người Cựu Chiến binh Xứ Thanh Anh hùng ấy.
Tạm biệt Anh Hùng Ngô Thị Tuyển, xe chúng tôi lại lên đường vào đến Lao Bảo - Quảng Trị. Mặc dù ngồi trong xe nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được cái nắng, cái nóng và không khí ngột ngạt gió Lào của Trường Sơn vào mùa hạ. Dọc đường đi, ngoài anh lái xe mải quan sát đường xá, còn lại đạo diễn, quay phim, biên tập rất ít nói chuyện với nhau. Có lẽ mỗi người đang nhớ về vùng đất này hơn 35 năm trước… Đông Hà - Quảng Trị, Khe Sanh, A Sầu, A Lưới, Tà Cơn, Làng Vây… những địa danh đi qua một thời khói lửa và đau thương, nay cuộc sống đã và đang thay da đổi thịt. Cảnh quay tiếp theo của chúng tôi tại Thị trấn A Lưới, nơi có hai Anh hùng lực lượng vũ trang thời đánh Mỹ là Căn Lịch và Hồ Vai.
Anh hùng Hồ Vai nay đã ở độ tuổi 70 nhưng vẫn hăng hái tham gia làm kinh tế gia đình vì như ông nói: “Phần để nâng cao đời sống, phần để giúp bà con người Pa Cô còn gặp khó khăn”. Tôi hỏi ông giúp họ bằng cách nào? Ừ, thì bà con thiếu gạo, thiếu muối thì tôi sẵn sàng cho vay, vay không lấy lãi, bao giờ bà con có thì trả, lâu lâu trả cũng được mà… Rồi ông cười, Bác Hồ khi còn sống đã dạy tôi thế, Bác bảo rằng: “Cái gì đúng thì khó đến mấy cũng phải làm, cái gì sai thì dù nhỏ đến mấy cũng phải tránh”. Người Anh hùng thủa nào bỗng chùng giọng xuống, ông nhìn ra dãy núi xa xa trước cửa nhà mình như muốn tìm lại quá khứ, dù rất lâu rồi nhưng với ông những kỷ niệm về Bác Hồ hình như nó mới chỉ diễn ra ngày hôm qua.
Cách không xa nhà Anh hùng Hồ Vai là nhà Anh hùng Căn Lịch. Bà tiếp chúng tôi bằng nụ cười hồ hởi, còn chất giọng thì quá đặc trưng, rất khó phát âm các từ có dấu nặng.
Đồng chí Huyện đội trưởng Huy Đức biết tin có đoàn làm phim vào A Lưới để xin ghi hình hai người Anh hùng thời đánh Mỹ đã tranh thủ đến thăm “Mẹ” Căn Lịch và thông báo là Mẹ sắp được cấp phát một bộ quân trang mới. Bà rất mừng, cứ nắm lấy tay Huy Đức nhắc đi nhắc lại: Tốt rồi, tốt rồi…
Sau mấy lời thăm hỏi sức khỏe và các công việc thường ngày, người nữ Anh hùng đã dành cho tôi câu chuyện được gặp Bác Hồ: “Tôi được tin sắp được ra Bắc gặp Bác, ấy vậy mà chưa kịp vui thì cơn sốt rét ác tính lại đổ vào người mình, miên man mấy ngày không tỉnh, tôi kiệt sức và chết… Chết mấy tiếng đồng hồ.
Các đồng chí ở trong này điện ra báo cáo, Bác Hồ nói là phải tìm cách đưa xác tôi ra Bắc để chôn, nhưng khi sắp liệm thì tôi mơ màng tỉnh lại, tôi thay mẹ mình lay gọi mãi: Dậy, dậy đi con! Đến khi mở được mắt ra, thấy tay chân mình đã được buộc chặt, chao ôi, thiếu chút nữa là mình chui vào cái áo quan. Cô y tá thấy tôi giãy giụa liền kêu toáng lên: Ma, ma Căn Lịch sống lại rồi các đồng chí ơi! Khi biết tin tôi sống lại, Bác Hồ đã điện cho các đồng chí ở trong này là tìm mọi cách đưa tôi ra Hà Nội trong vòng một tuần và khoảng 6 ngày sau vào một buổi tối tôi đến được số nhà 36, phố Lý Nam Đế. Chưa kịp định thần thì có một đồng chí bộ đội già bước vào. Ông ấy nói: Chào cô, tôi là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đây! Cô đã khá chưa, cố gắng ăn uống để sáng mai vào gặp Bác Hồ nhé! Nghe nói thế, bệnh mình như hết hẳn, chết nỗi cái lưỡi của tôi lại bị đau do mấy lần hôn mê co giật đã nghiến đứt một miếng, không ăn được, chỉ uống nước cháo và sữa thôi.
Sáng hôm sau, khi vào đến gần nhà Bác chân tôi như khịu xuống, cô y tá và các đồng chí trong đoàn phải xốc nách dìu tôi. Bác ra tận cửa nắm tay tôi đưa vào nhà khách, biết tôi còn mệt nên Bác hỏi chuyện rất ít. Tất cả những câu Bác hỏi, Bác dặn đến nay tôi vẫn còn nhớ như in:
- Bác hỏi: “Đơn vị cháu có nhiều nữ không?”
- Tôi nói: “Thưa Bác, đơn vị cháu toàn nữ ạ!”
- Bác lại hỏi: “Có bao nhiêu cháu?”
- “Thưa Bác hơn 60 ạ!”
- Bác hỏi tiếp: “Thế ai là chỉ huy?”
- “Thưa Bác là cháu ạ!”
- “Thế là tốt lắm, các cháu phải cố gắng thi đua với nam giới. Vậy là có hai Anh hùng nữ rồi, cháu Tạ Thị Kiều là người Kinh, còn cháu Căn Lịch là người dân tộc Pa Cô, Bác mong sẽ có nhiều nữ Anh hùng người Pa Cô và các dân tộc khác”.
Nghe giọng tôi phát âm kém, Bác đã ân cần hỏi han, biết lưỡi tôi bị đứt Bác đã không hỏi thêm. Bác nhắc các đồng chí ở nhà khách phải đưa tôi vào viện 108 ngay để điều trị vết thương và một tuần sau, với 5 mũi khâu ở lưỡi tôi đã dần bình phục…
Rồi bà khóc, nước mắt người già ít nhưng sâu sắc. Tiễn chúng tôi lên đường, bà chỉ nói nổi một câu:
- Căn Lịch vẫn nhớ lời Bác Hồ dậy mà!
Vẫn liên quan đến câu chuyện về Căn Lịch, Hồ Vai và bà con các dân tộc Pa Cô, Vân Kiều, Đại tá Nhạc sỹ Huy Thục lại có kỷ niệm về lần gặp Bác Hồ bằng việc được vào Phủ Chủ Tịch biểu diễn báo cáo Bác bài hát “Tiếng đàn Ta Lư”. Nhạc sỹ kể: Vào đêm 31/12/1968, Đoàn vào biểu diễn phục vụ Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị. Đồng chí Trưởng đoàn vẫn đinh ninh là tôi đã sửa bài hát này vì trước đó có ý kiến rằng giai điệu bài hát quá mạnh mẽ. Tuy nhiên tôi vẫn giữ nguyên nhạc và lời của bài hát. Vì vậy khi nghe xong bài hát, Bác đã cất tiếng hỏi: “Chú sáng tác bài hát này có ở đây không?”. Đồng chí Trưởng đoàn trả lời: “Thưa Bác có ạ!”. Ông đưa mắt tìm giữa lúc tôi đang toát mồ hôi hột. Tôi đứng dậy vừa lúc Bác cất tiếng hỏi: “Chú hiểu thế nào về bà con Vân Kiều và Pa Cô?”. Tôi thưa với Bác: “Bà con Vân Kiều và Pa Cô luôn một lòng trung thành với Cách mạng, với Bác Hồ. Dù có đói gạo, đói muối, phải ăn rau rừng, uống nước suối bà con vẫn không hề động đến một hạt gạo, hạt muối nào của bộ đội”. Tôi định nói thêm thì Bác ra hiệu cho tôi ngồi xuống: “Chú nói rất đúng và bài hát này chú sáng tác rất tốt, rất hay”.
Tôi thở phào nhẹ nhõm trước những tràng vỗ tay cổ vũ của mọi người. Thực tình trong thâm tâm, tôi muốn thưa thêm với Bác về chuyện bài hát này tôi đã sáng tác tại chiến trường Khe Sanh và đã hát cho bộ đội và đồng bào ở đây nghe. Bà con rất thích, họ còn nhận đây là bài hát của Miềng (Mình). Kỷ niệm về Bác của nhạc sỹ Huy Thục còn có ở bài hát “Tiến lên chiến sỹ đồng bào” phổ thơ chúc tết Xuân 1969 của Hồ Chủ Tịch và sau này là bài “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”. Bài hát đã được toàn quân, toàn dân đón nhận. Bài hát đã đi vào lòng người, nó như một hồi kèn xung trận và trong mỗi lòng người, nó như một hồi kèn xung trận và trong mỗi bước đường hành quân, trong mỗi trận đánh, hình ảnh của Bác luôn ở trong trái tim mỗi con người Việt Nam.
Tôi có cảm giác, tất cả những tướng lĩnh, sỹ quan, chiến sỹ, dân quân thời chống Pháp và chống Mỹ đã được gặp Bác Hồ một lần hoặc nhiều lần đều có đức tính khiêm nhường và ít nói. Trung tá Cựu Chiến binh Lưu Văn An hiện đang ở số 24/25 Phan Đình Phùng - Hà Nội, người mà cuối năm 1953 đã nuôi và chăm sóc hai con ngựa cho Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc đã kể ngắn gọn như sau: “Tôi còn nhớ vào cuối năm 1953, tôi đang công tác ở văn phòng Chính phủ thì được lệnh đi chăn và thuần dưỡng hai con ngựa để Bác Hồ cưỡi mỗi khi đi công tác xa. Khi ấy tôi mới 18 tuổi, chưa có kinh nghiệm gì về việc thuần dưỡng ngựa, cũng may có một chuyên gia thường xuyên hướng dẫn nên chỉ một thời gian ngắn tôi đã thuần phục được hai con ngựa. Nó khôn lắm, mỗi lần Bác chuẩn bị lên lưng thì nó lại quỳ chân để hạ thấp người xuống…
Tôi nhớ nhất là những lần châm thuốc cho Bác hút, thường thì cứ một tiếng Bác lại hút một điếu. Tôi nhớ cả những lần đi ăn cơm ở nhà bếp, Cụ cũng mặc áo may ô và quần ngắn như mọi người, thật khó mà nghĩ rằng đó là vị Chủ tịch nước, thật sự Cụ cũng giản dị như người dân bình thường thôi”.
Ông An chỉ nói được vậy, tôi gặng hỏi thêm nhưng ông lắc đầu vì theo ông chuyện về việc “Theo chân Bác” thì có kể cả đời cũng không hết, hơn nữa, theo ông nghĩ chỉ cần một mẩu chuyện nhỏ về cuộc đời hoạt động của Cụ cũng đủ cho mọi người học theo rồi.
Rời nhà ông An, đoàn làm phim vào Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đúng vào thời điểm đông khách nhất. Thiếu tướng Giám đốc Bảo tàng - Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương tiếp chúng tôi bằng những lời kể ngắn gọn về hai lần ông được gặp Bác Hồ. Cái lần làm ông nhớ nhất là năm ông mới 10 tuổi, trong một lần bác về thăm Thanh Hóa, ông đã được vinh dự cùng 9 học sinh tiêu biểu khác của tỉnh được đi gặp Bác Hồ. Khi ấy tôi hồi hộp lắm, được chạy vào ôm Bác và cùng với mọi người hô “Hồ Chí Minh muôn năm, Bác Hồ muôn năm”.
Bảy năm sau tôi vào bộ đội, tham gia nhiều trận đánh, thương tật đầy mình. Mặc dù được phong tặng danh hiệu Anh hùng, nhưng mỗi khi nghĩ đến lời dạy của Người tôi lại cảm thấy mình vẫn còn nhỏ nhoi như một hạt cát. Nói đến đây vị tướng Anh hùng Lê Mã Lương, người thương binh nặng chỉ còn một con mắt bật khóc. Ông thanh minh với tôi: “Mình xúc động quá!”. Tôi nói: “Không sao đâu ạ, cho chúng tôi chia sẻ nỗi xúc động này cùng anh”.
Chia tay chúng tôi thiếu tướng Lê Mã Lương còn kể thêm lần gặp Bác vào năm 1968 khi ông từ chiến trường Quảng Trị ra viện 108 chữa trị vết thương. Khi ấy Bác Hồ đã đến tận giường bệnh thăm ông, Bác ân cần hỏi chuyện về những vết thương của tôi, sức khỏe của tôi và đồng đội, Bác dặn dò tôi đủ nhẽ, đủ điều. Chính tình cảm mộc mạc và chân thành ấy của Bác đã động viên khích lệ và theo bước chân chúng tôi đi suốt các nẻo đường, các chiến trường, cho tới trận chiến đấu cuối cùng vào buổi trưa ngày 30/4/1975.
Cảm động nhất là câu chuyện của bà Phan Thanh Hòa ở số nhà 7/14B Lý Nam Đế, Hà Nội. Mặc dù đã ở tuổi 80 nhưng lời kể của bà vẫn còn sôi nổi và rõ ràng lắm. Đó là vào năm 1953 khi các mặt trận của ta đang ở vào giai đoạn quyết liệt nhất, tại chiến khu tôi được giao nhiệm vụ cùng một số cô giáo khác chịu trách nhiệm nuôi dạy 100 cháu là con em của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của quân đội. Hôm ấy đúng vào ngày 19/5, chúng tôi đang viết báo tường thì đột nhiên có tiếng hỏi phía sau: “Cô đang làm việc gì đây?”. Tôi ngoảnh lại thì thấy Bác đã ở sát bên mình, thấy tôi luống cuống Bác liền ôn tồn nói: “Cô cứ làm việc tiếp đi, mà viết bích báo về cái gì vậy?”, “Thưa Bác, chúng cháu viết về ngày sinh nhật Bác đấy ạ!”. Bác mỉm cười, cảm ơn rồi tỏ ý muốn đi thăm các cháu.
Chúng tôi đưa Bác vào lớp học, các cháu chạy ùa đến ôm chầm lấy Bác. Bác vẫy tay cho các cháu ngồi xuống rồi cất tiếng hỏi: “Cháu nào nhỏ nhất ở đây?”. Chúng tôi thưa là cháu Minh Phương ạ, vậy là Minh Phương được Bác bế lên và ôm hôn. Cái con bé ấy nhỏ nhất mà bạo dạn lắm, nó vuốt râu Bác mạnh quá làm Bác kêu lên: “Ấy! Nhẹ nhẹ thôi kẻo đứt râu của Bác”. Và tấm ảnh Bác Hồ ôm hôn bé Minh Phương đã được giữ cho đến tận bây giờ và có lẽ là mãi mãi về sau…
Trưa hôm ấy Bác nghỉ lại ở trường chúng tôi, nhưng khi Bác vừa ngả lưng thì nghe dưới chân dốc có nhiều tiếng bước chân chạy rầm rập, Bác hỏi tôi: “Có chuyện gì vậy cô?”. Tôi thưa: “Có các anh em bộ đội đóng ở gần đây muốn vào chúc mừng sinh nhật Bác lần thứ 63 đấy ạ!”. Bác nói tôi cứ khép cửa lại cho Bác ngả lưng. Vậy mà Người vừa nằm xuống thì ở ngoài sân tiếng hồ đồng thanh vang lên: “Bác Hồ muôn năm, Bác Hồ muôn năm!”.Chẳng còn cách nào khác, Bác ngồi dậy đi ra mở cửa và hô đáp lại “Bác Hồ muốn nằm, Bác Hồ muốn nằm”. Bác cảm ơn các cháu, bây giờ hãy theo lệnh của Bác: “Tất cả đứng nghiêm, đằng sau quay! Bước đều bước”. Vậy là tất cả cán bộ chiến sỹ trật tự đi về đơn vị. Lớp học sinh mẫu giáo quân đội đầu tiên ấy nay đã ở vào độ tuổi ngoài 60, nhiều người đã là cấp tướng nhưng kỷ niệm về lớp học mẫu giáo ở chiến khu và cô giáo Hòa thì không ai quên được.
Sáng hôm sau, chúng tôi chuyển cảnh quay đến Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dòng người đến viếng Bác vẫn lặng lẽ vào Lăng dưới sự hướng dẫn của các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ ngày đêm canh giấc ngủ cho Người. Thượng úy chuyên nghiệp Phạm Thị Đông, người đã đoạt giải nhất toàn quốc cuộc thi Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tâm sự: “Là thế hệ sinh ra khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất, tôi chỉ được nghe thế hệ cha anh kể lại và tự tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tôi hiểu đất nước mình có ngày hôm nay là nhờ có sự hy sinh to lớn của biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước.
Giờ đây tôi có vinh dự được khoác trên mình màu xanh áo lính, được tham gia giữ gìn và bảo vệ thi hài của Bác để hình ảnh của Người sống mãi với dân tộc và bạn bè Quốc tế”… Cô gái Xứ Nghệ vẫn giữ nguyên chất giọng của mình, tự nhiên tôi nhớ về làng Sen, nhớ về Nam Đàn quê Bác, cũng đơn giản thôi vì hôm nay chỉ cách 19/5 chưa đầy hai tuần lễ…
Người cuối cùng chúng tôi phỏng vấn là Thiếu tướng - Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân Lê Phúc Nguyên. Chẳng cần giấy tờ, chẳng cần chuẩn bị, vị tướng - nhà báo đã nói rất hay về hình tượng Hồ Chí Minh trên các trang báo Quân đội nhân dân từ khi tờ báo được thành lập cho đến nay. Điều tâm đắc nhất của ông chính là lời dạy về cách viết báo của Bác Hồ: “Phải viết sao cho người đọc dễ hiểu, muốn vậy phải viết thật ngắn, thật chính xác, nhiều thông tin và phải có tính thuyết phục…”. Giờ đây, những người lính làm báo vẫn đang nỗ lực phấn đấu đổi mới tờ báo Quân đội nhân dân trở thành người bạn của bộ đội và của nhân dân, luôn giữ vững mục đích, tôn chỉ của mình, có định hướng đúng đắn, xứng đáng với lòng tin của Đảng, Nhà Nước và nhân dân.
Anh bạn quay phim xin đóng máy, vì theo kịch bản hình tượng Bác Hồ trên các trang báo Quân đội nhân dân là cảnh cuối cùng. Ấy vậy mà tôi vẫn cảm thấy thiếu thiếu, thèm thèm, muốn còn muốn đi nữa, quay nữa, hỏi nữa và gặp gỡ những người lính đã có vinh dự được gặp Bác Hồ nhiều hơn nữa. Dù vậy nếu dừng lại ở đây, người xem đã có thể cảm nhận được tình cảm của Bác đối với Quân đội nhân dân Việt Nam là vô bờ bến và hình ảnh của Bác Hồ trong trái tim người lính sẽ mãi mãi trường tồn.
Trần Bình Tám