Những nhân chứng cuối cùng
Theo số liệu thống kê chưa chính thức, có khoảng 125 phóng viên từ 13 quốc gia đã có mặt tại Sài Gòn trong những ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1945. Nhà báo & Công luận xin được giới thiệu một số gương mặt ký giả nổi bật trong số đó- những người đã bất chấp mọi nguy hiểm, kiên gan bám trụ lại giữa lòng thành phố đang cực kỳ hỗn loạn, trong khi bạn bè, đồng nghiệp đều lần lượt rời Sài Gòn trên những chuyến bay di tản vội vã, để có cơ hội được là những nhân chứng sống cuối cùng của một trong những sự kiện lịch sử lớn nhất thế giới thế kỷ 20. Những bài báo, bức ảnh cũng như những dòng cảm xúc của họ về ngày 30/4/1975 sẽ giúp chúng ta hình dung phần nào về thời khắc đáng nhớ nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cách đây 39 năm.
Bức ảnh đám đông di tản chen nhau lên một máy bay trực thăng đậu trên nóc nhà của CIA tại Sài Gòn 29/4/1975 của HubertvanEs |
“390 chứ không phải là 843”
Người Pháp quả thật không quá lời khi dành tặng cho Francoise Demulder danh hiệu “Nữ phóng viên chiến trường dũng cảm nhất nước Pháp”. Trưa ngày 30/4/1975, trong cái không khí hỗn loạn của chiến tranh, trong khi chỉ có rất ít phóng viên nước ngoài có mặt ở phía trong khuôn viên của dinh Độc Lập và chỉ… ngồi im quan sát mà không dám tác nghiệp, nữ phóng viên ảnh người Pháp mới chỉ 25 tuổi Francoise Demulder, bất chấp mọi nguy hiểm (những người lính tăng từ xa không thể phân biệt được đâu là camera, đâu là... súng chống tăng, hoàn toàn có thể xả súng như một phản ứng tự vệ), với tư thế ngồi xổm, tay lăm lăm chiếc máy ảnh, đối mặt với những chiếc xe tăng đang vừa chạy vừa khạc đạn, bấm máy liên tục. Francoise Demulder đã được đền đáp xứng đáng nhờ sự quả cảm và lòng say nghề hơn người đó. Francoise Demulder đã là phóng viên ảnh duy nhất chụp được khoảnh khắc chiếc xe tăng của Quân đội Nhân dân Việt Nam húc đổ cổng chính của Dinh Độc Lập buổi trưa ngày 30/4/1975, đánh dấu sự kết thúc của chiến tranh Việt Nam. Hơn thế, bức ảnh có một không hai này còn được vinh danh tới một giá trị vô giá nữa: góp phần “trả lại cho lịch sử một sự thật”. Nhờ bức ảnh của Francoise Demulder, từ góc nhìn phía trong cổng Dinh Độc Lập, số hiệu của chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng dinh Độc Lập hiện lên rõ mồn một: 390. Còn chiếc xe tăng 843 mà báo chí cho rằng đã húc đổ cổng Dinh trước đó đã bị kẹt lại ở cổng phụ của Dinh. Sự thật lịch sử đã được làm sáng tỏ.
“Không một tiếng súng nổ”
Làm việc cho các hãng tin Mỹ AP, CNN, Peter Arnett- phóng viên Mỹ gốc New Zealand- có mặt ở miền Nam Việt Nam từ năm 1962-1975, chứng kiến nhiều sự kiện bước ngoặt trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Cuối tháng 4/1975, mặc dù được bố trí di tản, Peter cùng với 2 đồng nghiệp khác tình nguyện ở lại để được tận mắt chứng kiến kết thúc của cuộc chiến tranh Việt Nam ác liệt và tốn kém mà họ, với tư cách là một phóng viên Mỹ đã theo dõi nhiều năm qua. Sáng 30/4/1975, người Mỹ đã di tản hết khỏi Sài Gòn nhưng trong một căn phòng nhỏ của khách sạn Caravelle ở trung tâm thành phố, Peter Arnett cùng 2 đồng nghiệp vẫn ở lại theo dõi chiến sự. Và những gì đã diễn ra trong buổi sáng lịch sử ấy, cái cách mà Việt Cộng kết thúc cuộc chiến- không trả thù hay bắn giết bạo động- đã khiến một phóng viên chiến trường dạn dày kinh nghiệm Peter Arnett sửng sốt. Peter Arnett không thể ngờ một cuộc chiến, kéo dài suốt hơn 2 thập kỷ, trước đó chưa lâu còn diễn ra đầy khốc liệt, rốt cuộc lại có thể khép lại một cách yên bình đến thế. Trong cuốn hồi ký Tường thuật trực tiếp từ chiến trường- Live from the Battlefield- Peter Arnett đã diễn ra cặn kẽ những cảm xúc ấy của mình: “Tôi xem đồng hồ của mình: 11 giờ 25 phút sáng. Tôi bảo George (George Esper- phóng viên AP- PV) cùng ra ngoài xem xét tình hình. Một chiếc xe lớn đang lăn bánh về phía sông Sài Gòn. Tim tôi ngừng đập: Đó là chiếc Molotova của Nga và đằng sau xe là nhóm binh lính cộng sản trẻ mặc quân phục mỏng màu xanh có mũ sao. Người Sài Gòn cũng đổ ra đường ngạc nhiên. Băng rôn Việt Cộng lớn màu xanh da trời bất ngờ được kéo lên ở cột cờ của Khách sạn Caravelle. Tôi bước lên cầu thang để trở về văn phòng của mình, trong đầu nghĩ đây là một sự kết thúc của tất cả những gì mà một thế hệ Mỹ đã chiến đấu để chống lại và mấy đời tổng thống âm mưu ngăn chặn. Cái kết thúc đến quá nhanh. Tôi lách qua đám đông tụ tập trước cửa văn phòng và cảm thấy mệt mỏi. George dìu tôi đến bên máy chữ. Tôi ra hiệu lấy giấy và viết tin bắt đầu bằng: “Sài Gòn, 30/4, hôm nay quân Giải phóng chiếm Sài Gòn một cách hòa bình. Họ hành quân trên những đại lộ đầy cây bên đường trên những chiếc xe tải của Nga cùng cờ bay phấp phới. Người Sài Gòn đứng chứng kiến hai bên đường. Không một tiếng súng nổ”.
Francoise Demulder là phóng viên ảnh duy nhất chụp được khoảng khắc chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 |
“Cảm giác đối mặt với “kẻ thù” thật kỳ lạ
Nhiếp ảnh gia người Hà Lan Hubert van Es đã thốt lên vậy khi được hỏi về tâm trạng của một nhà báo phương Tây như ông khi giáp mặt với những người lính trẻ miền Bắc- những người vừa tiến vào chiếm lĩnh nội đô Sài Gòn sáng ngày 30/4/1975. Không chỉ những người lính giải phóng, Sài Gòn với Hubert van Es thời điểm ấy cũng còn khá mới mẻ bởi ông mới được UPI cử đến tăng cường cho đội quân ký giả của hãng tại Sài Gòn từ đầu năm 1975. Không phụ lòng trông đợi của lãnh đạo Hãng, Hubert van Es đã liên tục có những bài báo, bức ảnh ấn tượng và hết sức thời sự về cuộc chiến. Ấn tượng hơn cả là bức ảnh ghi lại cảnh đám đông di tản chen nhau lên một máy bay trực thăng đậu trên nóc một tòa nhà của CIA tại Sài Gòn. Sau này, Hubert van Es kể lại, hôm đó là ngày thứ ba, 29/4/1975 và ở Sài Gòn đang râm ran tin đồn là sẽ diễn ra cuộc sơ tán cuối cùng. “Lúc đó khoảng 2h30' chiều và tôi đang ngồi trong phòng tối, chợt nghe tiếng Bert Okuley gọi vọng vào: Van Es, ra đây xem, có một chiếc trực thăng trên nóc nhà! Tôi chộp lấy máy ảnh và ống kính dài nhất còn lại trong phòng - đó chỉ là một ống 300 mm, nhưng không còn cách nào khác - rồi lao vội ra ban công. Nhìn về hướng chung cư Pittman, tôi thấy khoảng 20 đến 30 người trên nóc nhà đang leo lên chiếc trực thăng Huey của hãng Air America. Sau khi chụp khoảng 10 khung hình, tôi trở về phòng tối và xử lý phim, kịp có hình trước 5 giờ chiều để gửi sang Tokyo từ văn phòng điện tín Sài Gòn, mất 12 phút”. Sau khi truyền tấm ảnh lịch sử về Tokyo, Hubert van Es tiếp tục ở lại làm việc. Vào sáng 30/4/1975, ông đeo một tấm vải ghi “Báo chí Hòa Lan” rồi chạy xuống phố ghi lại những khoảnh khắc cuối cùng của chiến tranh tại Sài Gòn. Những người lính trẻ miền Bắc tỏ ra thân thiện và sẵn sàng đứng làm kiểu cho ông chụp. “Cảm giác đối mặt với “kẻ thù” thật là kỳ lạ, và tôi nghĩ họ (những người lính) cũng cảm thấy như thế”- ông viết.
Không có “biển máu”
Với phóng viên chiến tranh kỳ cựu, nhà làm phim và biên kịch người Anh John Pilger, sự sụp đổ của chính quyền miền Nam cộng hòa, sự ra đi của người Mỹ thực sự bắt đầu từ 2h30’ sáng 30/4/1975. Trong Te Last Battle- Trận chiến cuối cùng, ký giả nổi tiếng với rất nhiều tác phẩm báo chí và điện ảnh về Việt Nam, kể lại, rành rọt: “Kissinger gọi điện cho Martin và yêu cầu ông kết thúc kế hoạch di tản lúc 3h45’ sáng. Nửa tiếng sau, Martin xuất hiện cùng một cặp da, một túi xách và các tài liệu. Ông im lặng đi lên tầng 6, nơi một chiếc trực thăng đang đợi. “Lady Ace 09 đang ở trong không trung cùng Code Two”. “Code Two” là mật mã ám chỉ đại sứ Mỹ. Tuyên bố này có nghĩa cuộc xâm lược Đông Dương của Mỹ đã kết thúc. Khi trực thăng ra đến ngoại vi thành phố, đại sứ nhìn thấy đèn pha xe tải của Quân đội Nhân dân Việt Nam... Ba giờ sau, khi mặt trời ló rạng, những chiếc xe tăng cắm cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam tiến vào trung tâm thành phố. Các binh sĩ trên xe tăng không bắn phát nào. Một người nhảy xuống, trải bản đồ trên xe tăng và hỏi những người đứng gần đó: “Hãy chỉ cho chúng tôi đường đến dinh tổng thống. Chúng tôi không biết Sài Gòn, chúng tôi không ở đây lâu rồi”. Các xe tăng qua Công trường Lam Sơn, dọc theo Đại lộ Tự Do, qua Nhà thờ Đức Bà và qua những cánh cổng đẹp đẽ của dinh tổng thống, nơi Minh “Lớn” (Dương Văn Minh) cùng nội các đang chờ để đầu hàng. Ngoài phố, binh lính Việt Nam Cộng hoà vứt bỏ quân phục. Họ đã hoà vào cùng đám đông. Không có “biển máu”. Kẻ xâm lược bị đẩy lùi, Việt Nam lại là một đất nước thống nhất. Cuộc chiến dài nhất thế kỷ 20 đã kết thúc”.
Hối hả tìm đường di tản
Ký giả người Pháp Paul Dreyfus là một trong 125 nhà báo nước ngoài thuộc 13 nước có mặt tại Sài Gòn vào ngày 30/4/1975, chứng kiến sự kiện lịch sử các đoàn quân tiến vào thành phố. Trong thời gian ở tại Sài Gòn, Paul Dreyfus đã cần mẫn ghi nhật ký, hầu như đêm nào cũng cặm cụi ghi chép lại những sự việc xảy ra trong ngày kể từ khi Hiệp định Paris 1973 về Việt Nam được ký kết. Sau khi trở về Pháp, ông đã dựa trên những tư liệu sẵn có, viết cuốn sách nhan đề “… Et Saigon tomba” (… Và Sài Gòn sụp đổ). Trong cuốn sách được xuất bản chỉ vài tháng sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ này, ngày 30/4/1975, trong ký ức của Paul Dreyfus: “Các đường phố vắng tanh vắng ngắt... Chỉ có những xe ô tô cắm cờ là đi lại trên đường. Những chiếc xe cứu thương hối hả mang những người bị thương, chủ yếu từ sân bay Tân Sơn Nhất và từ Chợ Lớn, bị trúng đạn trong đêm, phóng nhanh tới các bệnh viện. Khắp mọi nơi, pháo 105 ly của quân đội Sài Gòn tiếp tục bắn trả các khẩu pháo 130 ly của các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng. Từ phía Biên Hoà là nơi hôm trước tôi vừa mới thực hiện chuyến "thám hiểm" cuối cùng, đang đánh nhau rất dữ dội. Mặc dù có lệnh thiết quân luật, các nhà báo vẫn liều đi ra ngoài. Được báo động bởi một mật lệnh truyền qua đài phát thanh, những người Mỹ cuối cùng hối hả mang vác hành lý lên xe ô tô buýt đưa họ đến những chỗ tập trung. Từ những địa điểm này, máy bay lên thẳng sẽ đưa họ tới những tàu sân bay của hạm đội 7 đang đậu ở một nơi nào đó ngoài khơi. Đại cường quốc Mỹ đang chạy thoát thân. Trước cổng toà lãnh sự Mỹ có hai binh sĩ lính thủy đánh bộ đội mũ sắt, súng cầm tay đứng gác, hàng mấy chục người Việt vẫn còn cố một cách tuyệt vọng, xin một hộ chiếu đi Guam, Midway, Honolulu… Hàng nghìn người chạy như điên tới sân bay, nhưng không còn chiếc máy bay nào cất cánh nữa... Hàng nghìn người khác lại đổ xô đến căn cứ hải quân mang theo valy, hành lý, cố tìm cách leo lên được một chiếc tàu nào đó để chạy trốn theo dòng sông Sài Gòn..."
“Những phát súng của niềm vui”
Tháng 9/1975, khi mà sự kiện Việt Nam chiến thắng giặc Mỹ xâm lược vẫn đang là sự kiện thời sự thu hút dư luận trên toàn cầu thì tại Đức, nhà báo Borries Gallasch của nhật báo Der Spiegel - Tấm Gương- Đức đã cho xuất bản cuốn sách mang tên “Tành phố Hồ Chí Minh” (Ho-Tsch-Minh-Stadt). Trên tâm thế là nhà báo châu Âu duy nhất có có mặt tại Dinh Độc lập vào thời khắc lịch sử quan trọng của dân tộc Việt Nam: ngày 30/4/1975, là người không những đã chứng kiến toàn bộ việc nội các ngụy quyền của Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng, mà còn cho bộ đội giải phóng Việt Nam mượn máy ghi âm để ghi “Lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện” của Tổng thống Dương Văn Minh... Borries Gallasch đã biến cuốn sách của mình thành kho hồi ức vô giá. Trong đó, ấn tượng hơn cả cũng chính là những thời khắc đặc biệt ấy tại Dinh Độc Lập sáng ngày 30/4/1975. Borries Gallasch nhớ lại: ... “Trước mắt
chúng tôi xuất hiện cảnh tượng không thể tin được: Ba chiếc xe tăng treo những lá cờ rất lớn của Mặt trận Giải phóng tiến qua cổng sắt hướng về phía bồn hoa trước Dinh. Súng bắn loạn xạ lên không trung, những phát súng của niềm vui, dàn giao hưởng của chiến thắng, giai điệu của vinh quang. Chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cánh cổng lăn xích thẳng trên bãi cỏ nhằm hướng dinh lao tới. Hai chiếc tăng còn lại vòng sang hai bên trái và phải rồi tất cả đều dừng lại trước mặt tiền của Dinh... Tôi chạy vào Dinh vừa đúng lúc. Tôi chứng kiến Ðại tướng Minh “lớn”, Tổng thống của Việt Nam cộng hòa đã bị bắt bởi Phạm Xuân Tệ, chỉ huy của Ðoàn Ðông Sơn của quân đội giải phóng. Tay cầm súng ngắn đã lên đạn, một khẩu K54 của Nga. Tệ rất phấn khích la lớn: “Ông Minh, chúng tôi muốn ông đi ngay ra đài phát thanh với chúng tôi để tránh đổ máu, để ông ra lệnh cho quân đội ông đầu hàng”... Sự hoang mang chấm dứt khi người chỉ huy của Quân Giải phóng được giao nhiệm vụ của việc bàn giao chính quyền, Chính ủy Bùi Văn Tùng xuất hiện. Sau một vài phút, Minh, Mẫu và Tùng rời khỏi phòng, theo sau là những người đã có mặt tại đây. Minh và Mẫu leo lên chiếc xe Jeep được bảo vệ bởi hai chiến sĩ giải phóng. Chính ủy Tùng và một người lính khác lên chiếc xe thứ hai. Tôi đang đứng ngay cạnh chiếc xe Jeep nói chuyện với ông Chính ủy bằng tiếng Pháp, cố gắng xin ông ta để được lên xe. Ông gật đầu đồng ý. Chỉ có hai chiếc xe này của chúng tôi chạy giữa thành phố lúc ấy - một thành phố đã từng sôi sục mà nay sự sợ hãi bỗng nhiên được làm dịu đi - đi qua tòa Ðại sứ Mỹ trống hoác đến một khu phụ của đài phát thanh nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Chúng tôi đi vào phòng thu nhỏ trên lầu một. Minh và Tùng ngồi trên hai chiếc ghế bành và tôi ngồi giữa họ tại một chiếc bàn nhỏ, trong lúc đó Tùng thảo văn kiện đầu hàng trên một mảnh giấy mầu xanh”.
Hồng Sâm
Nguồn: Nhà báo và Công luận