“Núp” quy chế phát ngôn, để “né” báo chí
Quy chế phát ngôn ra đời là để mở thêm kênh phát ngôn, cung cấp thông tin chứ không phải thu hẹp lại. Dù người có trách nhiệm ở Bộ TT&TT đã nhiều lần giải thích nhưng một số nơi vẫn không chịu hiểu.
Nhiều cơ quan hành chính đang cố tình hiểu sai và dựa vào Quy chế phát ngôn để làm bình phong né báo chí. Ảnh: Q.Minh |
Ngày 6-2-2014, UBND TP có Quyết định số 05, ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của TP Hà Nội, mục đích mở rộng kênh cung cấp thông tin cho báo chí. Nhưng trên thực tế, nhiều cơ quan hành chính Nhà nước ở Hà Nội đang hiểu sai hoặc cố tình dùng Quy chế này làm bình phong để “né” báo chí.
“Lãnh đạo chưa cho phép”
Cuối tháng 3-2014, trong quá trình xác minh thông tin đơn thư bạn đọc phản ánh gửi báo PL&XH, PV tìm đến một xã của huyện Hoài Đức, nơi có thực tế phản ánh của người dân. Khi được trả lời Chủ tịch UBND xã đi vắng, PV xin được làm việc với ông Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách đúng vấn đề cần tìm hiểu để có thông tin đa chiều, khách quan và chính xác.
Sau hồi vòng vo, khi ông Phó Chủ tịch UBND xã nắm được cụ thể vấn đề PV muốn tìm hiểu thì lập tức ông quay ra: “Cái này có quy chế phát ngôn của TP rồi. Phải có ý kiến của đồng chí Chủ tịch UBND xã tôi mới dám phát biểu”. Nói rồi ông lôi trong ngăn kéo (như đã chuẩn bị sẵn - PV) và chìa ra Quyết định số 05, ngày 6-2-2014 của UBND TP cho PV xem. Khi PV ngỏ ý xin số điện thoại của ông Chủ tịch UBND xã để “xin” ông phát biểu vì đây đúng là chuyên môn mình phụ trách, thì ông Phó Chủ tịch UBND xã ngẫm một hồi và quyết định cho một số điện thoại “ma”. Bị chất vấn, ông này tiếp tục cho số điện thoại “thật” rồi nói: Thông cảm đi, Chủ tịch UBND đi khánh thành đường, khi nào ông về tôi sẽ báo cáo để có trả lời. PV đành ngậm ngùi ra về.
Hôm 4-4-2014, để tìm hiểu quy trình quản lý hoạt động taxi trên địa bàn TP, nhằm đưa tiếng nói, quan điểm của Sở GTVT Hà Nội xung quanh việc một số tỉnh lân cận Hà Nội đang lợi dụng Thông tư 18 của Bộ GTVT để cấp phép tràn lan phù hiệu, rồi cho xe taxi đua nhau ào vào Thủ đô, gây nên tình trạng mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, bát nháo trong hoạt động taxi… Phóng viên đến Phòng Quản lý phương tiện, Sở GTVT Hà Nội.
Tại phòng mình, ông Nguyễn Hồng Đạt, Trưởng phòng Quản lý phương tiện sau khi nghe trình bày lý do tiếp cận thông tin và suy tính hồi lâu đã nhẹ nhàng “đá quả bóng” thông tin sang lãnh đạo Sở GTVT. “Bạn thông cảm, đã có quy chế phát ngôn của UBND TP rồi. Cái này phải lên trình lãnh đạo, nếu lãnh đạo Sở có ý kiến giao mình tiếp, trả lời thì mình mới dám nói. Lỡ nói ra có gì không ổn thì không hay lắm…”.
Mặc dù PV đã ra sức giải thích rằng, đây là vấn đề nằm trong chuyên môn mà ông Đạt hoàn toàn được quyền phát ngôn theo quy định của quy chế phát ngôn của TP, nhưng ông Đạt một mực từ chối, cũng xoay quanh lý do: Không được phát ngôn vì đã có quy chế (!?). PV lại ngậm ngùi ra về.
Đây chỉ là hai trong hàng chục các tình huống na ná mà các PV báo chí đang gặp phải trong quá trình tìm hiểu thông tin ở nhiều cơ quan hành chính Nhà nước của Hà Nội. Nội dung tinh thần quy chế của UBND TP nhằm mục đích mở rộng kênh cung cấp thông tin chính thống, với các vụ việc có tính ảnh hưởng lớn đời sống xã hội, nhắm vào các vụ việc có tính bất thường, ví dụ như vụ “Nhân bản kết quả xét nghiệm ở BVĐK Hoài Đức”. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều Sở, ban, ngành, cơ quan hành chính Nhà nước ở TP đang hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai để “né” báo chí.
Dùng quy chế là bình phong “né” báo chí
Nhiều người, nhiều nơi cứ nghĩ đã cử người phát ngôn thì mọi việc phát ngôn, từ thông báo tình hình chung theo định kỳ đến thông tin về các sự kiện đột xuất, các diễn biến nóng trong lĩnh vực quản lý của cơ quan, kể cả thông tin việc xử lý, giải quyết các công việc, hồ sơ cụ thể, nhất nhất đều phải thông qua người phát ngôn.
Thực tế cho thấy có những vụ việc, sự kiện, vấn đề mang tính chuyên biệt, chuyên sâu, người phát ngôn, phần lớn là chánh văn phòng khó có thể nắm cụ thể, đầy đủ thông tin như người trực tiếp giải quyết. Từ đó dẫn tới nghịch lý: Người được nói thì không rành rẽ để nói, để cung cấp thông tin cho báo chí. Còn người nắm rõ vụ việc, có đầy đủ thông tin thì lại không được nói.
.Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT khẳng định: “Không chỉ có người phát ngôn mới được quyền cung cấp thông tin cho báo chí mà bất kỳ cán bộ nào cũng có quyền phát ngôn với báo chí với tư cách là công dân. Khi phát ngôn với báo chí, cán bộ không được để lộ bí mật công tác, công vụ và phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn của mình. Nếu hiểu chỉ có người phát ngôn mới được cung cấp thông tin cho báo chí là cách hiểu hoàn toàn sai”.
|
Văn Giang
Nguồn:phapluatxahoi.vn