Các nhà báo ngành Thông tin và Truyền thông dâng hương tại quê Bác
(ICTPress) - Nhân kỷ niệm 100 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2011), 121 năm ngày sinh của Người và kỷ niệm 86 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2011, Liên chi hội Nhà báo Thông tin và Truyền thông đã tổ chức đoàn nhà báo từ các cơ quan báo chí, truyền thông trong Ngành về thăm một số địa chỉ đỏ tại Nghệ An và Hà Tĩnh.
Đã từ lâu, Kim Liên trở thành miền quê mà mỗi người dân đất Việt đều hướng đến hằng năm, có nhà báo trong đoàn cho biết đã từng 4 lần về thăm quê Bác nhưng nay có dịp vẫn muốn trở về để thắp nén hương tưởng nhớ tới Người và thăm lại những di tích về tuổi thơ của Bác Hồ và gia đình Người ở quê hương. Trong gian nhà tranh của Bác ở quê nội, đoàn nhà báo lắng nghe chị Nguyễn Thu Hà - nữ hướng dẫn viên ở Khu di tích Làng Sen thuật lại những câu chuyện trong gia đình Bác. Chiếc phản gỗ, chiếc võng ngày xưa, hàng cau và cây mít bên vườn, hàng rào râm bụt tất cả vẫn còn in dấu tích thời thơ ấu của Người.
|
Trước đó ngày 9/6/2011, đoàn nhà báo đã đi thăm và dâng hương tại một số địa chỉ đỏ của Hà Tĩnh như di tích lịch sử cấp quốc gia Ngã Ba Đồng Lộc. Đây là một địa chỉ đỏ, một dấu son chói lọi không phai nhạt không những của Hà Tĩnh mà còn là của cả dân tộc, nơi hàng vạn người đã dốc hết sức lực, trí tuệ, tuổi trẻ để thông đường cho xe ra tuyền tuyến góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Nằm ở vị trí quan trọng trên tuyến đường huyết mạch, chỉ tính từ tháng 4 đến tháng 10/1968 Ngã ba Đồng Lộc đã bị địch đánh phá 1863 lần, ném xuống đây gần 50.000 quả bom các loại chưa kể bắn hàng ngàn quả rocket...
Nơi đây 10 cô gái thanh niên xung phong thuộc tiểu đội 4 thuộc tổng đội 55 do chị Võ Thị Tần làm tiểu đội trưởng đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ vào ngày 24/7/1968. Đó là các chị: Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc, Nguyễn Thị Nhỏ, Hà Thị Xanh, Trần Thị Rạng, Nguyễn Thị Xuân, Võ Thị Hà, Trần Thị Hường, Võ Thị Hợi, Dương Thị Xuân, họ cũng như hàng trăm hàng nghìn chàng trai, cô gái khác từ khắp miền quê về đây làm nên huyền thoại Ngã Ba Đồng Lộc.
Đoàn đã đến thăm nhà thờ và phần mộ Lý Tự Trọng, người anh hùng đã dũng cảm hy sinh cho sự nghiệp Cách mạng của Đảng và nhân dân ta khi mới 17 tuổi (1931) tại quê hương Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Ông Lê Hữu Tiến - người cháu gọi liệt sĩ Lý Tự Trọng là bác ruột – đã nghẹn ngào cho biết: Suốt 31 năm qua sau ngày đất nước giải phóng, gia đình đã chia nhau đi khắp nơi, hễ nghe nơi nào có thông tin liên quan đến bác dù chỉ là một manh mối nhỏ chúng tôi tìm đến ngay. Nhưng nhiều năm trôi qua vẫn không có tin tức nào khả dĩ.
Ngôi nhà thờ của dòng tộc được lập tại làng quê của anh để con cháu sớm hôm qua lại hương khói cho hai cụ thân sinh và người anh hùng trẻ tuổi nhiều năm vẫn đau đáu đợi chờ... và ngày 30/4/2011, 80 năm của đằng đẵng một sự chờ đợi đã kết thúc có hậu. Anh đã được trở về với quê nhà - nơi mà lúc sinh thời và cả khi tham gia hoạt động bí mật tại Sài Gòn, anh vẫn mong một lần được về đến.
Một hành trình dài qua nhiều địa chỉ đỏ ở Nghệ An, quê Bác và Hà Tĩnh với thời gian ngắn ngủi chỉ vỏn vẹn hai ngày nhưng những ý nghĩa sâu sắc của chuyến đi này sẽ còn đọng lại mãi trong tâm khảm và trong quá trình làm báo của các thành viên trong đoàn.
Lan Phương