Bài phản biện thời bao cấp

Nghề làm báo, theo tôi sao mà khó đến thế. Thách thức thường xuyên là làm sao thoát ra khỏi lối viết minh họa, khen chê một chiều. Minh họa đến cấp độ nhàm chán, sáo mòn, lặp lại như “vẹt”, bất chấp thái độ phản biện tiếp nhận thông tin một chiều của số đông bạn đọc. Kể đến hôm nay, hệ lụy của lối viết báo minh họa, không tôn trọng bạn đọc, không định hướng được dư luận, không dám chịu trách nhiệm vẫn còn tồn tại trong đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội.

Áp tết Giáp Ngọ 2014, nhận viết bài cho một tờ báo có bản lĩnh chống tiêu cực, bênh vực quyền lợi người lao động, chẳng hiểu sao tôi tìm đọc hai câu thơ nổi tiếng của vị vua nhà Trần, Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) viết sau chiến thắng giặc Nguyên Mông lần thứ hai (1285): Xã tắc lượng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu, dịch nghĩa Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng. Để giữ yên bờ cõi Đại Việt, chẳng những cả dân tộc, vua tôi, tướng sĩ nếm mật, nằm gai mà cả đến con ngựa đá trong Hiếu lăng Thái tổ nhà Trần cũng lấm láp bùn đất, khỏi lửa binh đao.

Tôi không hàm ý ví von nghề nghiệp lao tâm, khổ trí gần hết một đời người với công lao của con ngựa chiến thời Trần cách đây 756 năm nhân Tết Giáp Ngọ mà chỉ tâm niệm câu châm ngôn của các bậc tiền nhân răn dạy con cháu: “Đường dài mới biết ngựa ngựa hay”.

Chẳng thể quên, sau chiến thắng 30.04.1975, non sông liền một dải, người người như tắm trong hào quang thắng lợi, chan chứa niềm tin đổi đời. Việc nhập tỉnh, đi lên sản xuất lớn mở ra bao nhiêu khát vọng. Báo chí như quên đi một thời phản ánh sinh động cuộc chiến khốc liệt giải phóng miền Nam, bảo vệ hậu phương miền Bắc. Báo chí gần như ngợi ca thành tựu mới, dự báo thắng lợi những nhân tố, mô hình mà người ta nhận ra ở tâm thế lạc quan cách mạng hơn là cần có cách nhìn thấu đáo, khoa học, biện chứng quy luật phát triển của đất nước vừa ra khỏi chiến tranh tàn khốc bị bao vây, cấm vận, cắt giảm nguồn viện trợ bao cấp, điểm xuất phát là con số không. Chẳng thế mà một thời người ta nói “ăn truyền thống, sống tiềm năng”.

Làm báo địa phương như tôi cũng không thoát khỏi hệ lụy ấy. Năm Mậu Ngọ (1978), tôi hăm hở viết phóng sự Sức ngựa mùa xuân ngợi ca chủ trương đưa cơ giới mở rộng diện tích ở phía nam cầu Bến Thủy, nông trường Truông Bát (Hà Tĩnh), nông trường Nghi Văn (Nghệ An) với khí thế đồng khởi tăng diện tích trồng lúa, trồng sắn cả ở độ cao hoàn toàn không chủ động nguồn nước tưới, tiêu. Mở rộng diện tích nhưng lại thiếu cơ sở thâm canh nên cả Nghệ - Tĩnh năm ấy chỉ đạt tổng sản lượng lương thực quy thóc là 65 vạn tấn, trong khi năm 1975, trước nhập tỉnh Nghệ An đạt hơn 43 vạn tấn, gần một triệu con trâu, bò và hai triệu con lợn. Người ta đàm tiếu “Hai anh nghèo nhập lại thành anh đói”.

Điển hình cho ý chí, tinh thần “Mo cơm quả cà, đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa” là Quỳnh Lưu. Rất nhiều nhà báo trung ương được cử về Quỳnh Lưu viết bài ca ngợi, tôn vinh mô hình Đại công trường làm muối, Đại công trường làm thủy lợi, Đại công trường khai hoang trồng sắn, trồng cây sả chế biến tinh dầu, dời hàng vạn dân lên núi, thành lập xí nghiệp liên hiệp nông công nghiệp, ồ ạt đưa cơ giới làm đất, gặt đập liên hợp nhưng lại hạch toán chi phí sản xuất theo cơ chế bao cấp, Nhà nước bù lỗ chi phí cơ giới nông nghiệp. Người dân đi khai hoang đã hồn nhiên, hăm hở chặt phá hàng vạn héc-ta rừng lim đã trăm tuổi để lập làng mới, vỡ đất trồng lúa, trồng khoai, trồng mía. Và cũng chỉ được thu hoạch dăm vụ đầu, những năm sau này đất bạc màu, thiếu công trình thủy lợi, đất trơ cứng như đá, cây trồng còi cọc, thiếu đói triền miên, dân dáo dác chạy ăn từng bữa. Thế nhưng bệnh thành tích, duy ý chí trong một số lãnh đạo vẫn tồn tại mãnh liệt. Họ “mượn” lợn của xã viên gom về trại chăn nuôi hợp tác xã để báo cáo thành tích với tổng bí thư. Họ vội vã gom máy, dựng lên xưởng cơ khí vùng núi để đón phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng vào thăm.                        

Cánh đồng muối ở Quỳnh Thuận, Quỳnh Lưu (Ảnh: laodong.com.vn)

Từ Vinh ra Quỳnh Lưu bao nhiêu chuyến tàu chợ xộc xệch kể từ cuối năm 1979 nhưng tôi chưa viết được một mẩu bài nào ở huyện “Làm ăn lớn tính chuyện đi xa, mở đường cho máy tiến về đồng ta”, lời ca khúc Gương mặt Quỳnh Lưu của nhạc sĩ Đôn Truyền. Tôi băn khoăn, day dứt bởi một thực tế từng ngày, từng giờ hiển hiện là giá trị lao động nông nghiệp rất thấp. Ngày công bình quân là 0,7kg thóc ăn chia theo định suất, kết cục của lối quản lý “rong công, phóng điểm”. Nghĩa là cán bộ ăn suất bảy (1,7kg thóc), nhân viên văn hóa ăn suất ba (1,3kg thóc), trái khoáy hơn là xã viên tất tả làm ra hạt thóc, củ khoai... thì 3 người ăn một suất (1kg thóc). Các hộ xã viên dành công sức thâm canh đất 5% để cải thiện mức sống. Họ coi mảnh đất ít ỏi này là của mình, chăm sóc cần mẫn từ giống, làm đất, phân bón, thủy lợi nên năng suất lúa xen rau màu tăng gấp 5 lần so với năng suất lúa, màu của hợp tác xã. Đã thế hoạt động trao đổi hàng hóa nông hải sản, gia súc, gia cầm bị cấm đoán, bị tịch thu nếu không may gặp cán bộ thuế vụ, công an, dân quân. Khẩu hiệu “Đông đồng, vạn chợ” được tung hô, được lấy làm tiêu chí thi đua cho từng địa phương, từng hợp tác xã.

Câu khẩu hiệu “Thay trời đổi đất, sắp xếp lại giang sơn, đi lên xã hội chủ nghĩa”, chẳng hiểu vì bức bách hay túng quẫn mà người dân cười mỉa đọc chệch thành “Thay nồi, đổi niêu, sắp thìa thay đũa…” hoặc như: “Đi họp suất bảy, bay nhảy suất ba, làm tọt c… ra, ba người một suất”.

Như giọt nước tràn ly, như quy luật tất yếu phải phá vỡ quan hệ sản xuất trì trệ, phân phối bình quân chủ nghĩa, nhiều địa phương trong nước đã xuất hiện “khoán chui”, “khoán hộ, khoán sản phẩm đến người lao động”. Đó là tín hiệu tích cực tạo tiền đề cho “Chỉ thị 100” của Ban Bí thư ra đời, góp phần giải phóng sức sản xuất, trả đúng vị trí, vai trò, khát vọng được làm chủ thực sự trên đồng ruộng cho người nông dân. Và đây là thời khắc cho tôi hình thành đề tài viết bài phóng sự điều tra mang tính phản biện với tít bài: Quỳnh Lưu, hoành phi, câu đối treo trước cửa đình. Bài viết nóng hổi tính thời sự phê phán một địa phương mà lâu nay báo chí chỉ có khen hết lời được một tờ báo lớn ở trung ương sử dụng.

Tôi cũng thắc thỏm về số phận bài viết phê phán nên khi gặp một phóng viên thường trú thông báo: “Lần này ra Quỳnh Lưu, cậu tha hồ nghe chửi”, tôi thở phào nhẹ tênh vì biết bài báo đã gây dư luận, ít nhất cũng ở Quỳnh Lưu, quê hương của tôi. Đúng là tôi bị chửi Quân ăn cháo đá bát, Thằng vạch áo cho người xem lưng. Nghe chửi mà nở từng khúc ruột.

Công tác ở một cơ quan báo Đảng địa phương những năm đổi mới, mở cửa, tôi tôn trọng những nhà báo, tổng biên tập dám chống tiêu cực đích thực. Tuy thế liều lượng vẫn còn dè dặt, khiêm tốn bởi những ràng buộc, những quy định, nguyên tắc bất thành văn. Chỉ khi được cộng tác với những tờ báo trung ương, địa phương, đoàn thể tự trang trải ngân sách, chấp nhận sức ép để đạt mục tiêu chống tiêu cực, tăng tính chiến đấu, giới báo chí nói chung, cá nhân tôi nói riêng mới bứt phá, đổi mới thực sự, cả trong tư duy, hình thức biểu đạt.

Tôi trân trọng phong cách, bản lĩnh báo chí theo tận cùng một nhân vật, một sự kiện có dấu hiệu tiêu cực, bảo vệ lẽ phải. Tôi tâm niệm, mọi quy trình hoạt động báo chí bài bản, khoa học và một cách giải quyết vấn đề bức xúc, được dư luận quan tâm thấu lý đạt tình.

Không thể kể hết những vụ tiêu cực ở địa phương gần đây được báo chí đưa ra ánh sáng, nhưng để lại dấu ấn sâu sắc trong bạn đọc là loạt phóng sự về tình trạng lợi dụng mặt tiền cơ quan để xây ki-ốt cho thuê, trục lợi cho một bộ phận, một nhóm người. Hoặc như vụ một giám đốc khai man lý lịch, bằng cấp để tiến thân bị phanh phui nhiều kỳ báo cho tới lúc các ngành chức năng không thể không vào cuộc để xử lý sai phạm. Và nhân văn hơn là loạt bài bảo vệ quyền lợi chính đáng cho ông Cao Tư - trưởng phòng bảo vệ Công ty Xi măng Hoàng Mai chỉ vì “đụng chạm” tới quyền lợi riêng của mấy vị lãnh đạo mà bị trù dập, đuổi việc, cách chức.

Trước thềm năm mới, nhớ về một bài viết phản biện cách đây gần 40 năm, âu cũng là nhắc nhở riêng mình hãy bền bỉ sống và viết vì người lao động.

Văn Hiền

Nguồn: Tạp chí Người làm báo

Tin nổi bật