Những ngày trong vùng tang thương sóng thần

LTS: Thảm họa động đất, sóng thần, rò rỉ phóng xạ tại Nhật Bản đã thu hút dư luận trên thế giới. Lan Phương, PV báo Tuổi trẻ, đã trở thành nhân chứng trong biến cố toàn cầu như thế. Tòa soạn trân trọng giới thiệu bài viết của Lan Phương gửi cho Tạp chí “Người làm báo” – trong đó nhấn mạnh về tính trung thực trong thông tin và tìm kiếm cái nhìn riêng của một nhà báo.

Trận sóng thần ngày 11/3/2011 đã làm hơn 300km bờ biển miền Đông Bắc Nhật Bản tan hoang. Đối với tôi, đến nơi đây tác nghiệp là một thử thách và cả ấn tượng rất lớn trong nghề, nhất là khi tôi chỉ vừa bắt đầu bước vào nghề báo.

 Thời gian, thời gian, them thời gian nữa…

Thời gian báo Tuổi trẻ quyết định cho phép tôi đến Nhật Bản là 17.3.2011, tức là một tuần sau khi thảm họa xảy ra. Trước mắt tôi là cả một biển thông tin mà CNN, NY Times, AFP, NHK, Mainichi… và cả hàng chục báo trong nước tranh nhau dịch lại đều đặn và cập nhật liên tục thông tin như VNExpress, Vietnamnet, Tuổi trẻ, Thanh niên. Tôi phải đối mặt với một lối mòn khai thác thông tin thảm họa mà nhiều đồng nghiệp khắp nơi trên thế giới đã dẫm qua. “Ăn lại” một món ăn mà người xem đã mòn mắt là cả một thử thách.

Mỗi ngày tôi phải thực hiện tường trình của mình, càng gần trung tâm thảm họa càng tốt. Sự có mặt của Tuổi trẻ ở vùng có thảm họa – nhất là khi người Việt Nam rất quan tâm đến thảm họa đó – là điều rất quan trọng mà tôi phải thực hiện được. Tuy nhiên, vào khoảng thời gian đó, tất cả các hệ thống xe công cộng, Internet, điện thoại… đều xảy ra những trục trặc không lường trước được, nhất là khi chúng tôi vào sâu hơn những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề vì sóng thần.

 

Tôi phải di chuyển từ Tokyo đến các thành phố như Mito, Kita Ibaraki, Sendai, Ishinomaki, Kitakami… Mỗi ngày tôi phải cố gắng đi được càng xa khỏi Tokyo lên phía các cảng biến phía Bắc càng tốt. Chỉ có đi về phía trung tâm thảm họa mới có những thông tin tốt phục vụ cho bài viết. Trong khi đó, hệ thống giao thông công cộng ở đây đã ngừng hẳn, không tàu, không shinkansen, không xe bus, không taxi. Chính trong lúc đó, sự giúp đỡ của tờ báo Mainichi (có quan hệ tốt với báo Tuổi trẻ) cùng với những mối quan hệ tốt của những người đi trước trong tòa soạn đã được huy động hết mức để giúp đỡ tôi đến được nơi cần đến. Tuy nhiên, thời gian vẫn là ác mộng lớn nhất, khi mỗi ngày số km di chuyển đều ẩn chứa những rủi ro như một cuộc đánh bạc, trong khi tôi vẫn phải có bài đều đặn gửi về mỗi ngày.

Có ngày chúng tôi đứng ngoài đường trời lạnh gần 2 giờ đồng hồ với tấm biển đề chữ Kitakami (tên một làng ven biển bị sóng thần quét sạch hoàn toàn, với một ngôi trường có 108 học sinh thì đã có 105 em thiệt mạng và mất tích) để xin đi nhờ xe lên phía Bắc. Mọi nơi đều thiếu xăng, người ta di chuyển rất hạn chế.

Khi đến được Kitakami, tôi có thể tận mắt nhìn một làng ven biển tan nát giữa buổi chiều nắng rất đẹp. Tôi có thể gặp đến 300 người trú ẩn ở một nhà thể thao của trường trung học trên đồi. Tôi đã phỏng vấn và viết rất hăng cho đến khi mở thiết bị pocket wifi và tất cả điện thoại ra thì nhận ra… ở đây đã mất hoàn toàn mạng Internet vì thiệt hại do sóng thần! Lúc đó là 6g chiều Nhật Bản. Chỉ còn những chiếc điện thoại cứu nạn của hãng NTT mang theo xe thu phát sóng đến trại giúp cho người dân liên lạc với người thân của mình. Nhờ đó, tôi mới có thể gọi cuộc điện thoại đầu tiên về tòa soạn sau cả ngày tác nghiệp. Hôm đó, tôi đã không thể có bài đúng giờ mà phải hứa hẹn đến ngày hôm sau, khi di chuyển đến một điểm thành phố khác có Internet sẽ gửi bù bài.

Đó là lần duy nhất trong suốt chuyển đi tôi không hoàn thành nhiệm vụ trong ngày. Đó cũng là lúc tôi phải nhận ra rằng mình cần tính đến rất nhiều những khoảng thời gian, rủi ro, phải chạy theo và tóm lấy câu chuyện, nhưng cũng không được quên mình sẽ phải gửi về tòa soạn những thông tin nào đó trong ngày. Không thể hoàn toàn đuổi theo những câu chuyện và bỏ mặc thời gian bài viết cần hoàn thành – nếu như bạn làm việc cho một nhật báo. Một phóng viên người Pháp đi cùng tôi trong chuyến đi đã nói: “Khi tôi trẻ, tôi cũng để thời gian đuổi mình nên tôi không nhận nhiệm vụ cho nhật báo nữa. Tôi chụp một loạt ảnh cho tạp chí, vì thế tôi không bị hối thúc suốt ngày theo giờ in báo nữa”. Thời gian chính là sự khác biệt lớn và sâu sắc nhất khi bạn đứng tại hiện trường thảm họa, với hàng trăm thứ bày ra trước mắt, khiến cái gì bạn cũng muốn vơ vào trang báo của mình. Phải chọn lựa. Và phải dừng lại để tóm lấy thời gian đang trôi.

“Nhịp độ của thảm họa”

Tại hiện trường của thảm họa, tôi nhận ra sự cao thượng của người Nhật không phải là thứ có thể “trình diễn”. Đó là những phản ứng rất bình thường của cư dân vùng Tohoku có động đất nhiều nhất Nhật Bản. Họ sinh ra với động đất, lớn lên với động đất, và sóng thần là một ác mộng. Nhưng tất cả cũng không nằm ngoài quy luật họ được học về phương cách ứng xử từ nhỏ: sự không chen lấn, sự tôn trọng cộng đồng và phân chia đều những quyền lợi được hưởng ra cho cộng đồng… đã trở thành bản tính, một nền nếp xã hội đã có từ rất lâu đời. Nếu không duy trì nền nếp rất căn bản đó, sẽ có thể có thêm hàng trăm người chết vì đói, vì bị dẫm đạp, vì không có chăn màn đủ ấm… khi tình hình cuộc sống ở những vùng trong thảm họa này thực sự thắt ngặt và thiếu thốn.

Tôi cố gắng không sa mình vào sự ngợi ca thái quá những biểu hiện đạo đức của một dân tộc khác bằng quan niệm của dân tộc mình. Cách tôi chọn để có thể hiểu được những người Nhật ở đây đang làm gì trước một biến cố quá đau buồn, đó là cố gắng nhìn câu chuyện theo góc độ bình thường và địa phương nhất ở mức có thể. Ở đó có những người già cô độc phải gồng mình lên xúc từng xô bùn đen, lôi từng tấm nệm giường ngập trong bùn ra khỏi ngôi nhà tan hoang của mình. Không có gì oai hùng, dũng cảm hay kỳ vĩ cả. Ở đó cũng có những cuộc sống rất bình thường bị hủy hoại và rơi nước mắt vì đau đớn. Khi đứng trước một ngôi trường học đổ nát với câu chuyện 105 em học sinh, tôi đã thấy gương mặt của những người già đanh lại vì xót xa. Những câu chuyện đó không khác gì với nỗi đau của hàng trăm nạn nhân trong những thảm họa khác mà tôi thấy qua truyền hình, báo chí. Trong thảm họa, bạn sẽ thấy những nỗi buồn rất con người.

Cũng trong những ngày ấy, thảm họa hạt nhân là một câu chuyện nghẹt thở như thể cả nước Nhật sắp tàn cuộc vì nhà máy điện Fukushima Daiichi có sự cố. Cả thế giới đang lắng nghe câu chuyện đó từ Nhật Bản. Công chúng và giới truyền thông chờ đợi những câu chuyện nào đó được định hướng sẵn trong tưởng tượng của họ. Tôi gọi đó là “nhịp độ của thảm họa”.

Người ta đua nhau công bố những số liệu về nồng độ phóng xạ. Báo chí tả cảnh mọi người chạy tán loạn khỏi Fukushima. Truyền thông thế giới tin vào một thảm cảnh hạt nhân mới ngay tại Fukushima. Nhưng phải đến tận thành phố Fukushima, thành phố Koriyama, người ta mới có thể hiểu được thế nào là thảm họa, thảm cảnh hay chạy loạn. Hai thành phố này cách nhà máy điện hạt nhân 50 – 70km. Và cuộc sống ở đây diễn ra hoàn toàn bình thường! Quả thực, người ta có lo lắng về nhà máy ở ngay bên hông nhà mình có thể phát nổ hoặc rò rỉ phóng xạ bất cứ lúc nào; người ta chú ý xem từng bản tin tivi trong các cửa hàng khi chuyện nhà máy được nhắc đến. Nhưng cuộc sống ở đây không dừng lại. Không ai chạy loạn khỏi thành phố trừ những khu vực bán kính 20km của nhà máy được chính phủ yêu cầu buộc phải di tản. Cũng không một ai tìm cách che chắn, đề phòng phóng xạ bằng thuốc kali như mọi người vẫn tưởng.

Tôi may mắn đã đến tận thành phố Sendai, đã đi qua 5 điểm thành phố cảng bị sóng thần phá hủy dữ dội để có thể hiểu được tình hình của những người và cuộc sống của họ sau thảm họa ngày 11.3.2011. Trong những ngày ấy, khi cuộc sống của những vùng quanh nhà máy Fukushima (ngoài bán kính 20 – 30km) vẫn diễn ra bình thường, chính truyền thống quốc tế mới là những người chạy loạn cả lên! Vì thế, báo chí không thể kéo phồng câu chuyện này ra bằng những cảnh hỗn loạn tưởng tượng. Nếu không ở hiện trường, báo chí không được cho phép mình cái quyền phán xét mức độ lan tỏa và sự hỗn loạn ngoài thực tế.

Khi đối mặt với nhịp độ tường thuật đó của báo chí thế giới, tôi đã buộc mình phải bình tĩnh nhìn nhận lại cách viết, cách ứng xử với thông tin cũng như cách trình bày lại sự khác biệt mà mình nhận thấy đó lúc trao đổi với tòa soạn.

Tôi nhìn thấy có những con đường và những ngôi nhà ở cảng đã lành vết thương nhanh chóng bằng một cuộc hồi sinh đầy quyết tâm và chuyên nghiệp của những người dân nơi đây. Đó cũng là một câu chuyện khác xứng đáng được kể, khi ta đứng trước một vết thương quá lớn mà người Nhật Bản đã gồng mình gánh chịu từ bà mẹ thiên nhiên…

 Lan Phương

(Theo Người làm báo)

// Mới cập nhật
// Tin đã đăng
Tin nổi bật