Không còn điện thoại
Ấy là nói về cái điện thoại để bàn. Loại điện thoại dây nhợ lòng thòng lôi thôi, to như cuốn tập, dày như cái bánh chưng, gắn ở đâu là dính chặt chỗ đó, khó lê đi chỗ khác, không thể bỏ túi đem đi theo, bây giờ chỉ còn để cho những người già yếu không ra khỏi nhà xài mà thôi.
minh họa: Khều |
Nhớ hồi thập niên chín mươi của thế kỷ 20, điện thoại bàn còn là thứ đồ dùng hạng sang, ngự chễm chệ trong phòng khách, điểm xuyết cho sự giàu có trong phòng ngủ. Cả xóm chỉ một, hai nhà có điện thoại, mấy nhà bên cạnh được dịp chạy qua xài ké, nghe nhờ vì nghe thì khỏi phải trả tiền. Hồi đó, một con đường có tới mấy cái bưu điện mini, thực chất là nhà ở ngăn ra nhiều phòng nhỏ, lắp vách nhôm kính để kinh doanh loại dịch vụ cho bàn dân thiên hạ gọi điện thoại mướn mà gom bạc lẻ, sắm vàng.
Lúc đó, dân làm ăn, người có nhiều mối quan hệ giao tiếp thì kè kè bên hông cái máy nhắn tin bằng bốn ngón tay. Tổng đài báo cho biết có người muốn nói chuyện với mình, mình sẽ chạy đi kiếm chỗ nào có điện thoại bàn rồi gọi vô điện thoại nhà của họ.
Tiếng chuông điện thoại reo lanh lảnh trong căn nhà vắng (không kể phim kinh dị) nghe như một đoản văn chương lãng mạn khiến người ta mủm mỉm cười sung sướng, vu vơ, tâm tình bình ổn. Cái thời xứ mình chưa biết tới dòng lệnh http://www.gìđó.com, mỗi lần người thân ở nước ngoài gọi điện thoại về, cả nhà bật loa ngoài lên, xúm vô nghe hoặc là ngồi chờ tới lượt được nói hai tiếng a lô sung sướng, bồi hồi, trìu mến. Rồi tới thời điện thoại bàn bị internet chiếm đường liên lạc. Trong nhà hễ có người vào mạng là điện thoại bàn chỉ còn cách kêu tút tút máy bận, ai gọi tới cũng không biết mà muốn gọi đi cũng không được.
Điện thoại bàn còn là công cụ để nhắn tin, tặng nhạc cho người thích, người thương. Chuông reng lên, người đó sẽ nghe bài hát do chính mình tặng thẳng qua lỗ tai. Rất riêng tư kín đáo, đầy ứ tình tứ.
Điện thoại bàn còn là cái máy thu phát âm thanh trong khi đợi người trong nhà đi kêu kẻ cần nghe cuộc gọi tới. Nếu chú ý lắng tai một chút sẽ nghe văng vẳng tiếng ti vi đọc tin tức, hát cải lương, tiếng chó sủa, tiếng con nít khóc...
Điện thoại bàn tuy ép người ta khi nói chuyện phải ngồi lì một chỗ, nhưng nó lại tặng cho họ cái cảm giác chung đụng, tí chút tò mò vụt đến thoáng qua, tự nhiên thâm nhập vào đời tư người này, người nọ một cách vô tội vạ và công khai.
Đặc biệt, điện thoại bàn ở cơ quan công sở là điện thoại công cộng miễn phí, ai cũng ít nhiều lần tận dụng, chẳng e ngại cái ống nói không ngừng hứng chịu nước miếng của hàng trăm người.
Giá cước điện thoại bàn gọi nhau một phút chỉ tính ở số trăm đồng, cứ thế mà nhân lên. Một tiếng đồng hồ tâm tình, tâm sự trên trời dưới đất, bàn bạc chuyện làm ăn buôn bán, nói xấu người này kẻ nọ... đỡ tốn tiền vô tận, nếu so với tiền mua thẻ cào điện thoại di động.
Trung thành với tên gọi của mình, điện thoại di động theo người ta đi khắp mọi nơi, đi bộ, chạy xe, vượt sông, băng rừng, leo núi... Trường học, chợ búa là nơi con người giao tiếp trực tiếp, miệng nói, mắt thấy, tai nghe mà hầu như ai nấy cũng có một cái điện thoại di động. Không ngại hao tiền thì gọi nói, tiết kiệm thì nhắn tin bằng những dòng chữ không bỏ dấu và viết tắt đến độ biến hình, dị dạng mà đọc quen, đoán mãi cũng hiểu ra. Bao nhiêu đó cũng đủ biết, điện thoại di động đã bức tử điện thoại cố định như thế nào.
Nhiều căn nhà riêng không có số điện thoại bàn bây giờ chẳng còn là chuyện lạ nữa. Đơn giản là vì gia chủ đã cắt hợp đồng với nhà cung cấp. Thử nghĩ, hộ khẩu ba người có ba số điện thoại dài ngoằng khác nhau, thì giữ cái số điện thoại ngắn ngủn bảy chữ số ấy làm gì cho tốn tiền thuê bao hàng tháng, đã thế lại còn chẳng bao giờ biết khuyến mãi như điện thoại di động.
Vậy đó, điện thoại di động không rời người ta nên đương nhiên trở thành món trang sức, khẳng định đẳng cấp giàu nghèo, sang hèn. Nó cũng phải được thay mới cho hợp thời trang, theo kịp thời đại đua đòi. Ai cũng muốn có nó cho đỡ tủi với bạn bè. Điện thoại cố định thế là thành lạc hậu, bị bỏ xó, lặng lẽ chơ vơ nằm lịm ở một góc bàn với kiểu dáng xưa xửa xừa xưa. Nó không còn là cái máy độc đáo diệu kỳ, cần mẫn siêng năng đem yêu thương, lo sợ, chán chường, bực tức đến với mọi người nữa. Dưới mái nhà ấm áp thế là mất hẳn một âm thanh réo gọi báo tin mà cả gia đình đều nghe thấy cùng một lúc, đều cùng tưởng là có ai đó cần nói chuyện với mình. Một tràng tiếng reng đơn điệu như hồi chuông điện báo giờ coi vậy mà gây ly kỳ, hồi hộp lắm, kịch tính đầy ắp, bởi trong số những kẻ chờ đợi kia chỉ có một được người ta gọi mà thôi!
Ngồi rảnh chơi không, thử lý giải tại sao điện thoại cố định đang dần trở thành đồ vật trong hoài niệm. Có ai nghĩ, hay là tại chúng ta phải ngược xuôi kiếm sống suốt ngày ngoài đường, nên cái điện thoại nằm lì trên bàn ở nhà không còn công dụng nữa?
Lưu Thị Lương
Thời báo Kinh tế Sài Gòn