Dàn dựng, xử lý photoshop trong ảnh báo chí: Phóng viên ảnh Việt Nam có hay dàn dựng?
Chuyện dàn dựng trong ảnh báo chí VN là câu chuyện có thật. Một số phóng viên ảnh có tài dàn dựng như thật, chả bù cho người khác, chụp thật mà như giả. Phóng viên Lao Động đã phỏng vấn hai phóng viên ảnh năng động trong làng ảnh báo chí VN: Lương Xuân Trường (Giải C ảnh báo chí quốc gia 2013) báo “Nông thôn ngày nay” và Trần Tiến Dũng (báo Tuổi trẻ).
Một bức ảnh trong phóng sự ảnh “Săn cá kiếm” của Lương Xuân Trường. |
Anh nghĩ gì về tình trạng dàn dựng, xử lý ảnh qua photoshop của một số nhà báo trong làng ảnh báo chí VN ? Theo anh hiện tượng đó có nhiều không và nguyên nhân vì đâu?
- Trần Tiến Dũng (báo Tuổi trẻ): Có một số ảnh sử dụng trên báo hiện nay được người ta dùng photoshop thêm bớt chi tiết cho phù hợp với bài báo và để cho ảnh ấn tượng hơn. Có thể đó là ảnh của cộng tác viên (ctv) gửi đến mà người trực ở tòa soạn không để ý, hoặc dễ dàng cho qua. Một số tờ báo sử dụng phóng viên ảnh, ctv ảnh từ những nghệ sĩ nhiếp ảnh - đây có thể là lý do một số ảnh được dàn dựng quá mức, hoặc dùng photoshop để làm cho bức ảnh hoàn hảo nhất mà quên đi tính trung thực của ảnh báo chí.
Thêm một lý do phải dàn dựng là phóng viên chịu áp lực về thời gian khi bắt buộc phải có ngay trong ngày có một bức ảnh theo ý “tưởng tượng” của người phụ trách. Theo tôi, dùng photoshop để thêm bớt chi tiết trong một ảnh báo chí là không thể chấp nhận được, còn dàn dựng một cách trung thực để có được một bức ảnh thì có thể tạm chấp nhận trong điện kiện ảnh báo chí ở VN chưa được coi trọng lắm như hiện nay. Trước đây, tôi có tham gia soạn thể lệ và chọn ảnh một vài cuộc thi ảnh có tính chất báo chí, tôi buộc phải loại hết những bức ảnh được dàn dựng quá mặc dù hình thức rất đẹp và ấn tượng.
Lương Xuân Trường (báo Nông thôn ngày nay): Tình trạng phóng viên xử lý ảnh qua phoshop là không thể chấp nhận được. Trong công tác tòa soạn có thể xử lý photoshop vì những mục tiêu cụ thể, trong những trường hợp cụ thể, chủ yếu liên quan đến tính thẩm mỹ. Khi xử lý phải được trao đổi kỹ giữa PV, BTV, thư ký tòa soạn, thậm chí lãnh đạo báo. Người sửa là kỹ thuật viên, PV, BTV không được trực tiếp sửa. Hiện tượng PV tự ý sửa làm sai lệch ảnh bằng photoshop ở VN theo tôi còn nhiều. Nguyên nhân chủ yếu do PV không ý thức rằng đó là sai lầm rất lớn, tòa soạn lại ít người hiểu về ảnh báo chí, quan niệm ảnh là "minh họa" cho đẹp vẫn phổ biến. Rất ít người nghĩ rằng việc đó có thể khiến tòa soạn mất uy tín trầm trọng.
Còn dàn dựng, cần phân biệt rõ dàn dựng chụp với mục tiêu sáng tác nghệ thuật hay chụp ảnh báo chí. Nếu là sáng tác nghệ thuật thì được tuy nhiên vẫn không nên quá đà dẫn đến sai lệch hiện thực cuộc sống. Bởi nhiếp ảnh luôn được "mặc định" với chữ chân thực. Người xem luôn coi đó là sự thật.
Với báo chí việc thay đổi hiện thực là không được phép. Tuy nhiên một số ít trường hợp,do quá eo hẹp về thời gian tôi có đề nghị đối tượng được chụp làm cái việc họ vẫn làm, ở nơi họ thường làm theo hướng tái tạo lại công việc (công việc đó họ vẫn làm chứ không phải không làm nữa). Những trường hợp này thường là công việc nhà hoặc lao động giản đơn. Ảnh dùng theo nghĩa “minh họa”thực sự. Nếu chụp phóng sự ảnh hoặc những ảnh mang tính thể hiện bản chất con người, sự việc, vấn đề thì không được dàn dựng. Trước đây (khoảng trước năm 2000), khi mô típ ảnh đèm đẹp được ca ngợi, việc dàn dựng để chụp ảnh không phải là việc xấu, thậm chí còn là một phần năng lực PV.
Sự thay đổi quan niệm, đề cao tuyệt đối tính chân thực trong ảnh báo chí là xu thế chưa bền vững. Xu thế đúng đắn này vấp phải một trở lực là nó dường như đi ngược lại xu thế chung về sự xuống cấp của đạo đức xã hội, trong đó có báo chí. Trong nhiều trường hợp chuyện cơm áo lớn hơn chữ nghề. Tin viết vội, ảnh chụp nhanh… trở thành năng lực sinh tồn của PV nhất là giai đoạn này, báo điện tử phát triển mạnh. Nhu cầu có những khuôn hình “hot” thường trực ép lên người cầm máy, điều kiện tác nghiệp, sống trong hiện tại khiến người ta dễ dối trá trong nghề.
Bản thân anh có bao giờ làm như thế (dàn dựng, xử lý photoshop)?
Trần Tiến Dũng (Báo Tuổi trẻ): Tôi chưa bao giờ dùng photoshop thêm bớt chi tiết vào ảnh báo chí. Còn dàn dựng đề được một bức ảnh đăng báo: tôi tự cho mình một giới hạn để có được một bức ảnh mà sự kiện đã qua hoặc khi thời gian và điều kiện không cho phép mình lưu lại đó lâu hơn nữa. Nhớ có lần được phân công chụp một nhân vật có liên quan đến máy tính (hồi xưa dùng máy tính để bàn chưa có laptop) mà hôm đó cúp điện, tôi phải nhờ nhân vật bày ra những gì liên quan đến công việc của họ đang làm và họ chỉ lặp lại những gì mà họ đã làm trước đó. Tôi buộc phải “dàn dựng” như vậy để có ảnh gửi ngay về tòa soạn – như thế chắc không có gì sai lệch sự thật! (cười)! Tuy nhiên, tôi cũng rất áy náy và không thoải mái khi phải làm như thế để được một bức ảnh.
Lương Xuân Trường (báo Nông thôn ngày nay): Khi mới có photoshop, tôi cũng rất thích, đã từng học, từng sửa (khoảng năm 2000) nhưng sau đó thì thôi ngay. Thậm chí bây giờ tôi không nhớ nổi thao tác cắt dán trong ảnh như thế nào. Tôi làm biên tập viên ảnh tại báo khá lâu, khi cần bôi đen, làm mờ mặt cho nhân vật cũng phải đề nghị kỹ thuật viên làm. Tôi cũng rất mong các tòa soạn tuyên chiến với nạn dàn dựng và photoshop khi chụp và sử dụng ảnh trên báo.
Nguồn: laodong.com.vn