Chỉ có Bộ TT-TT có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với báo chí
Đề xuất ban hành Nghị định “Bảo vệ quyền tác nghiệp báo chí”
Chiều 27.2, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin - Truyền thông và một số ban ngành liên quan đã có cuộc họp rà soát các quy định về xử phạt hành chính đối với báo chí trong các văn bản pháp luật hiện hành. Kết thúc phiên họp, các bộ ngành liên quan đã thống nhất cho rằng các quy định về xử phạt hành chính đối với báo chí cần phải thống nhất về một mối thuộc thẩm quyền của Bộ Thông tin - Truyền thông, không để nằm rải rác tại nhiều quy định gây chồng lấn về thẩm quyền như hiện nay. Sau cuộc họp này, Bộ Tư pháp sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định mới, hủy bỏ các quy định cũ trước đây. Trước đó, nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh hiện có nhiều văn bản quy định xử phạt hành chính đối với báo chí đưa tin sai sự thật, có thể gây chồng chéo, khó khả thi, phá vỡ tính thống nhất về quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí.
Cũng trong chiều qua, tại Hội thảo “Khung pháp lý bảo vệ quyền tác nghiệp của báo chí”, các đơn vị tổ chức là Trung tâm truyền thông và giáo dục cộng đồng (MEC) và Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) đã đề xuất ban hành Nghị định “Bảo vệ quyền tác nghiệp báo chí” nhằm hướng dẫn thi hành điều 2 - luật Báo chí năm 1989. Theo 2 trung tâm này, luật Báo chí quy định: Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được nhà nước bảo hộ; không một tổ chức cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận báo chí để xâm phạm lợi ích của nhà nước, tập thể và công dân”. Tuy nhiên các kết quả nghiên cứu độc lập của MEC và RED công bố tại hội thảo cho thấy nhà báo hiện tại vẫn tác nghiệp đơn độc, gặp nhiều rủi ro và thiếu cơ chế pháp lý cụ thể bảo hộ quyền tác nghiệp của nhà báo như luật định.
Thái Sơn
Nguồn: Báo Thanh Niên