Tàn nhẫn, yêu thương như mẹ Do Thái
Trong cuốn Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương, Sara Imas, một bà mẹ đơn thân nuôi ba con, kể lại câu chuyện nuôi dạy con có tính gợi mở cho các ông bố, bà mẹ. Nhân dịp sách ra mắt, tọa đàm về chủ đề này cũng khơi lên nhiều điều thú vị.
Cuối tuần qua, dù trời mưa phùn ướt lẹp nhẹp, khá đông độc giả đến dự tọa đàm về phương pháp dạy con thành tài của người Do Thái, do Alphabooks tổ chức. TS giáo dục học Nguyễn Thụy Anh, Ths Nguyễn Cao Cường (ĐH Quốc gia Hà Nội) ngồi ghế chủ tọa.
Văn phong không quá nổi trội, đổi lại, Sara Imas kể lại câu chuyện của mình một cách chân thành. Bà chia sẻ trải nghiệm từ một bà mẹ bao đồng, “bà mẹ trực thăng” luôn bay vù vù trên đầu con cái, bị hàng xóm chỉ trích là không biết dạy con, đến giây phút tỉnh ngộ và theo đuổi phương pháp bí truyền của người Do Thái “vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương”.
Dân tộc Do Thái chỉ chiếm 0,3% dân số thế giới, nhưng sinh ra những triết gia vĩ đại, và có nhiều tỷ phú chi phối kinh tế một khu vực rộng lớn.
Sara tự nhận, ban đầu mình cũng là bà mẹ “nồi cơm điện”, “máy giặt”, gần như là “nô lệ của con” khi còn sinh sống ở Thượng Hải. Trở lại Israel giúp bà nhận ra sai lầm trong cách dạy con. “Tình yêu thương chất lượng cao của cha mẹ, đó phải là sự tàn nhẫn nhưng chất chứa yêu thương, là tình yêu thương có lợi cho con suốt đời”, Sara viết.
TS Nguyễn Thụy Anh nói: “Điều đặc biệt hay của cuốn sách này là bằng trải nghiệm riêng, cuối mỗi chương đều rút ra bài học, đặc biệt đưa ra được công thức hay. Tôi thích nhất chương Yêu con trong nguyên tắc có làm có hưởng. Người Do Thái dạy con cách làm ra tiền, kinh doanh, quý trọng đồng tiền từ rất sớm, nhưng không có nghĩa chúng ta học tất cả. Chúng ta có những điều kiện khác biệt so với họ”.
Bà mẹ Do Thái này đã nuôi nấng hai cậu con trai trở thành triệu phú trong ngành kinh doanh kim cương, cô con gái út xinh đẹp theo học trường đại học danh tiếng. Tuy nhiên, với Sara, điều làm bà tự hào hơn cả là kiên trì theo đuổi triết lí yêu thương con một cách sáng suốt.
Một số nguyên tắc hữu ích là dạy con biết cách sinh tồn, xoáy sâu vào các kỹ năng quản lí tài sản, quản lí thời gian. Một đứa trẻ Do Thái học cấp 2 cũng biết kinh doanh, được tham gia vào quyết sách gia đình. Trong gia đình Sara, các con biết giúp mẹ làm và bán nem rán từ lúc hơn mười tuổi, làm một cách tự nguyện và vui vẻ.
Không chỉ xoay quanh cuốn sách của Sara Imas, tọa đàm gợi mở cho độc giả nhiều câu chuyện, triết lí dạy con. TS Thụy Anh kể rằng, bạn chị hốt hoảng gọi điện lúc nửa đêm nhờ tư vấn, vì con mới 9 tuổi mà đã 3 lần lén lấy tiền.
“Các ông bố, bà mẹ nếu đọc cuốn sách này, sẽ không bị hoảng hốt khi sự việc xảy ra. Con được 9 tuổi nhưng chưa bao giờ cho con cầm một đồng tiền nào”, chị nói. Phương pháp của bà mẹ Do Thái, ngược lại, dạy con làm việc nhà từ nhỏ, tùy theo sức, và được hưởng tiền thù lao. Điều này không biến con thành máy kiếm tiền, mà khéo léo hướng con đến tư duy quản lí tài sản ngay từ nhỏ.
Một độc giả nêu quan điểm về việc cha mẹ vội kết tội con trong trường hợp lấy tiền, hoặc nói dối, lén đổ cơm vào thùng rác. Theo bạn trẻ này, cha mẹ ngay lúc đó không nên tra hỏi, quy kết vì vô tình làm tổn thương con.
Một nam sinh viên nói rằng, hành vi nói dối của trẻ xuất phát từ sự sợ hãi, gò bó, trong khi đây là lứa tuổi cần được tiếp thu, có quyền được sai lầm.
Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương nêu nhiều công thức, trải nghiệm: Kết hợp giữa quản và thả; nghệ thuật nói không với con; bí quyết trong việc định ra quy tắc với con; bồi dưỡng kỹ năng quản lý tài sản của người Do Thái: nhận biết tiền từ khi mới bi bô, cho tiền tiêu vặt và hướng dẫn cách sử dụng, mười tuổi cho mở tài khoản ngân hàng…
Toan Toan
Nguồn: tienphong.vn