Trở về từ Sendai…

Trước khi đi, VTV đã liên hệ với mọi đối tác của mình là các Đài TH lớn của Nhật Bản nhưng vì quá bận với việc khắc phục thảm họa nên họ chỉ có thể giúp địa điểm phát hình qua vệ tinh, với giá sử dụng vệ tinh rất đắt (1000 – 1500 đô la Mỹ một lần). Do đó nhóm phóng viên (PV) áp dụng cách gửi hình qua Internet mà vẫn đảm bảo chất lượng. VTV cũng nhờ Đại sứ quán Việt Nam giúp để PV đi vào thành phố Sendai, tâm chấn của trận động đất và sóng thần. Tuy nhiên, Sứ quán trả lời là đường cao tốc và đường sắt đi vào khu vực thảm họa đã bị đóng cửa, mỗi ô tô chỉ được mua 20 lít xăng nên không thể vào được khu vực này. Sứ quán cũng cho biết, hiện chỉ có các đài truyền hình lớn trên thế giới có trực thăng mới vào được khu vực tâm chấn. Tuy nhiên, nhóm PV của VTV vẫn đặt quyết tâm đi bằng được vào khu vực này. Rất may, hôm đến sứ quán thì có thông tin: đêm đó sứ quán sẽ thuê xe đến đón sinh viên VN tại Sendai nên nhóm PV nhờ sứ quán thuê một xe ô tô để đi cùng và ở lại tác nghiệp. Nếu thuê phiên dịch địa phương sẽ tốn từ 300 – 500 đô la/ngày, cũng may nhóm đã nhờ được anh Nguyễn An Sơn đang học tại Đại học Meiji làm phiên dịch rất nhiệt tình. Hội sinh viên VN tại Nhật lúc đầu sẵn sang giúp đỡ, nhưng khi biết nhóm PV đi vào Sendai thì họ từ chối và nói là chuyện bất khả thi. Lý do được đưa ra là vùng này có thể còn động đất lớn và sóng thần, hơn nữa vùng này gần nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi nên chính quyền Nhật khuyến cáo.

Báo chí Nhật hoạt động độc lập, họ cung cấp thông tin đa chiều về thảm họa hạt nhân cho công chúng, không giấu giếm thông tin để mưu lợi. Bản thân chính phủ Nhật cũng không che giấu thông tin và cung cấp rất nhiều chi tiết, đi kèm các khuyến cáo. Đài truyền hình NHK thường mời các chuyên gia về hạt nhân đến nói cho khán giả biết tình hình mới nhất về sự cố của nhà máy điện hạt nhân.

Một số người VN tại Nhật khi đọc báo mạng VN… lại thấy lo hơn đọc báo và xem các chương trình truyền hình của Nhật. Bởi vì, dù thảm họa khủng khiếp như thế, tổn thất như thế, nhưng tôi không hề thấy một hình ảnh nào về thi thể nạn nhân trên tivi hay trên mặt báo Nhật Bản. Việc không đưa các hình ảnh thi thể nạn nhan là cách làm từ xưa tới nay của các Đài TH lớn trên thế giới như CNN hay BCC. Chỉ có các Đài của VN là đôi khi chưa quan tâm đến điều này. Điển hình là trong vụ 11.9, chiến tranh Iraq, Afghanistan, khán giả không nhìn thấy những cảnh người bị chết hay bị thương một cách quá thê lương, cũng không có cảnh người than khóc lóc quá thê thảm. Đây là một nguyên tắc hay có thể nói là “đạo đức” của báo chí nói chung.

 Trung Kiên

(Theo Người làm báo)

// Mới cập nhật
// Tin đã đăng
Tin nổi bật