Hà Nội ra chỉ thị về việc cung cấp thông tin và trả lời báo chí
Ngày 21-1-2014, Thành ủy Hà Nội có Chỉ thị số 25-CT/TU Về việc cung cấp thông tin và trả lời báo chí.
Ảnh minh họa (soha.vn) |
Thời gian qua, các cơ quan báo chí của thành phố Hà Nội và Trung ương đã tăng cường thông tin mọi hoạt động của thành phố. Cơ bản, báo chí đã phản ánh kịp thời các phong trào thi đua yêu nước, những nỗ lực và kết quả tích cực trong triển khai, thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phát hiện, cổ vũ, động viên các nhân tố tích cực, người tốt, việc tốt; vai trò lãnh đạo, tổ chức thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở.
Bên cạnh những tin, bài phản ánh những cố gắng, tiến bộ, thành tựu đạt được, một số cơ quan báo chí thường dành phần lớn lượng tin, bài tập trung phản ánh các vụ việc, vấn đề tiêu cực và những hạn chế, yếu kém trong quá trình triển khai công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý và tổ chức thực hiện của các cơ quan, địa phương, đơn vị thuộc thành phố. Những phát hiện, phản ánh của báo chí, nhìn chung, đã có tác dụng tích cực, giúp lãnh đạo các địa phương, đơn vị kịp thời nắm bắt, xử lý, giải quyết vụ việc, khắc phục những hạn chế, yếu kém xảy ra tại địa phương, đơn vị, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành của thành phố, nâng cao niềm tin và sự đồng thuận trong cán bộ, nhân dân Thủ đô.
Tuy nhiên, bên cạnh những tin, bài phản ánh đúng nội dung, bản chất vấn đề, vụ việc xảy ra, biểu dương hoặc phê bình mang tính xây dựng, còn có không ít tin, bài phản ánh chưa đúng bản chất vấn đề, vụ việc; đăng tải những thông tin chưa được thẩm tra xác minh; thông tin một chiều, thiếu chính xác, gây dư luận bức xúc, tác động không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm cán bộ, đảng viên và nhân dân, gây khó khăn cho triển khai, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Sở dĩ có tình hình như vậy, ngoài trách nhiệm của một số cơ quan báo chí, còn có nguyên nhân quan trọng là do nhiều đồng chí lãnh đạo địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ vai trò, tác động của báo chí, chưa quan tâm đúng mức việc cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định của pháp luật.
Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời tăng cường thực hiện Luật Báo chí và Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26-4-2002 của Chính phủ (quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí), góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố; lãnh đạo các quận, huyện, thị ủy và các đơn vị trực thuộc trên địa bàn thành phố phối hợp thực hiện tốt những nội dung sau:
1. UBND thành phố và các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã định kỳ thực hiện cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình hoạt động, công tác chỉ đạo, điều hành và các vấn đề liên quan thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý của ngành, địa phương; nội dung thông tin cung cấp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan theo quy định. Coi việc cung cấp thông tin về hoạt động của địa phương, đơn vị cho các cơ quan báo chí là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.
Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội ở địa phương, đơn vị; cấp ủy, chính quyền cần nắm chắc tình hình, dự báo và bám sát những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, đánh giá khả năng tác động đến tâm lý, tư tưởng, dư luận xã hội…; đặc biệt, khi xảy ra vụ việc, vấn đề gây bức xúc tại địa phương, đơn vị, phải chủ động, kịp thời cung cấp những thông tin khách quan, trung thực cho báo chí, nêu rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan, kết quả hoặc phương hướng xử lý, giải quyết. Cùng với việc chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, phải kịp thời có văn bản báo cáo lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí của thành phố (Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông) để thành phố kịp thời định hướng thông tin, hạn chế, khắc phục tình trạng báo chí thông tin một chiều, thiếu chính xác, gây bức xúc dư luận.
2. UBND thành phố, các sở, ban, ngành thành phố, các quận, huyện, thị xã, đơn vị trực thuộc phải phân công cán bộ có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin tới các cơ quan báo chí. Khi cần thiết, lãnh đạo các địa phương, đơn vị trực tiếp cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí.
3. Các địa phương, đơn vị cần nắm bắt và trả lời kịp thời những thông tin được phản ánh trên báo chí, nhất là những thông tin gây bức xúc dư luận (nắm trực tiếp trên báo chí hoặc qua báo cáo của Ban Tuyên giáo Thành ủy, của Sở Thông tin và Truyền thông). Đối với những thông tin trên báo chí phản ánh không chính xác, thiếu khách quan, không đúng bản chất sự việc, các địa phương, đơn vị cần kịp thời có văn bản cung cấp thông tin chính thống và yêu cầu cơ quan báo chí cải chính, đồng thời báo cáo lãnh đạo thành phố qua Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông.
Khi có yêu cầu của Ban Tuyên giáo Thành ủy, các địa phương, đơn vị có trách nhiệm cử cán bộ, cung cấp tài liệu, phục vụ tốt việc chủ động thông tin cho báo chí.
4. Các báo: Hànộimới, Kinh tế và Đô thị, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và các cơ quan báo chí của thành phố cần bám sát các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo và tình hình triển khai các nhiệm vụ của thành phố; tăng cường hơn nữa việc thông tin phản ánh những thành tựu, cố gắng, kết quả đạt được trong các phong trào thi đua yêu nước, những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt… Phân công phóng viên tham dự đầy đủ, thông tin kịp thời những nội dung được định hướng tại các hội nghị, các buổi giao ban thông tin báo chí do thành phố tổ chức. Việc phản ánh những hạn chế, yếu kém trên báo chí, phải bảo đảm tính trung thực, khách quan, không phiến diện một chiều và phải có tính xây dựng; những thông tin nhạy cảm, phức tạp khi đăng tải có thể tạo nên những phản ứng tiêu cực từ dư luận xã hội cần được lãnh đạo, ban biên tập các cơ quan báo chí cân nhắc thận trọng, nếu cần thiết, phải chủ động báo cáo, trao đổi với lãnh đạo thành phố, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí trước khi đăng.
Khi có những tin, bài đăng không đúng sự thật gây bức xúc dư luận, tác động tiêu cực đến tư tưởng, tình cảm người dân, các cơ quan báo chí cần đề cao trách nhiệm, chủ động cử cán bộ, phóng viên xác minh vụ việc và kịp thời có tin, bài cải chính theo quy định của Luật Báo chí.
5. Ban Tuyên giáo Thành ủy tăng cường làm tốt hơn nữa công tác chỉ đạo, tham mưu trên lĩnh vực tư tưởng, thông tin; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, duy trì thường xuyên và chú trọng tăng cường chất lượng, hiệu quả các buổi giao ban thông tin báo chí hằng tuần; thường xuyên chủ động báo cáo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, xử lý những thông tin báo chí có liên quan đến địa bàn thành phố.
6. Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo, ban hành “Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của thành phố Hà Nội” để cụ thể hóa và thống nhất triển khai, thực hiện “Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí” được ban hành theo Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg ngày 4-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Tuyên giáo Thành ủy theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết việc triển khai, thực hiện chỉ thị.
Chỉ thị này được quán triệt rộng rãi tới các cơ quan lãnh đạo, tham mưu về công tác tư tưởng, thông tin, báo chí; tới toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên các cơ quan báo chí thành phố và phổ biến đến các chi bộ.
Theo Hà Nội mới