Truyền thông đại chúng, doanh nhân và văn hóa dân tộc thời kỳ đất nước hội nhập, phát triển

Có thể nói văn hoá, truyền thông đại chúng (TTĐC) và kinh doanh - thương mại là các lĩnh vực có những điểm giao thoa, tương tác mật thiết, liên hệ qua lại với nhau, nhất là trong thời kỳ diễn ra sôi động sự giao thoa các nền văn hóa (Cross Culture) cùng sự lai ghép - hỗn dung văn hóa quốc tế (Cultural Hybridization) và toàn cầu hóa về truyền thông (Global Media) hiện nay và sắp tới...

Trong bài viết này, tác giả muốn bàn về một vấn đề cụ thể là làm thế nào để doanh nhân phát huy vai trò, trách nhiệm của mình hơn nữa đối với văn hóa dân tộc khi bối cảnh hội nhập, sự giao lưu văn hóa, truyền thông quốc tế diễn ra mạnh mẽ. 

1. Các khái niệm liên quan đến chủ đề:

1.1. Khái niệm về văn hóa:

Các sách báo, tài liệu, giáo trình đã trình bày nhiều định nghĩa về văn hoá, tuy nhiên trong phần này, tôi vẫn muốn hệ thống, sắp xếp lại một số định nghĩa chính cho đầy đủ, khoa học. Nếu theo nghĩa hẹp, văn hóa thường được hiểu như một lĩnh vực của hoạt động về sinh hoạt xã hội gồm các hoạt động văn hóa nghệ thuật, TTĐC (báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình...), thư viện, câu lạc bộ, bảo tồn bảo tàng v.v..., còn nếu theo nghĩa rộng, nói một cách giản đơn, văn hóa là tất cả những gì không phải là thiên nhiên; là tất cả những gì sáng tạo có giá trị do con người làm ra, ở trong đời sống xã hội con người và liên quan trực tiếp nhất đến con người, chứa đựng chân, thiện, mỹ, tiến bộ, phát triển bền vững.

Theo các quan niệm hiện đại (có khoảng hơn 300 định nghĩa) thì văn hoá được hiểu theo các nội dung chính như sau:

a. Định nghĩa văn hoá bắt nguồn từ nông nghiệp: Gốc danh từ chữ latinh “Cultura” đầu tiên có nghĩa hẹp là cày cấy, gieo trồng, chăm bón được dùng để chỉ khái niệm văn hoá, sau mở rộng thành ý nghĩa vun xới hoạt động tinh thần, sự hiểu biết, kiến thức, kinh nghiệm tích lũy (trình độ phát triển vật chất, tính thần) trong quá trình phát triển của mỗi cộng đồng và các thành viên của mình).

b. Định nghĩa so sánh văn hoá tự nhiên: Văn hoá là “thiên nhiên thứ hai” thể hiện một trình độ phát triển nhất định của sự tồn tại con người trong lịch sử của mình trên trái đất này. Nói cách khác, con người càng tạo ra được các sản phẩm tốt đẹp, nghệ thuật, ưa nhìn, càng đa dạng, khả dụng, tiến bộ so với tự nhiên bao nhiêu mà không làm hại môi trường tự nhiên thì càng văn hóa bấy nhiêu (Ví dụ quá trình tạo ra quạt: Quạt mo cau, quạt nan, quạt giấy, quạt điện...).

c. Định nghĩa coi văn hoá là hệ thống các giá trị vật chất tinh thần, tức là coi văn hoá là tổng thể sống động các hoạt động lao động sáng tạo - toàn bộ những giá trị mà con người sáng tạo nên để thoả mãn nhu cầu của chính mình (Dĩ nhiên phải đáp ứng các tiêu chí nhất định về tính sáng tạo, sự tiến bộ và sự tỏa sáng của kiến thức).

Theo cách này thì không chỉ các tin tức văn hoá, tri thức mà con người tiếp nhận qua các phương tiện TTĐC là văn hoá mà bản thân đài truyền hình cao chọc trời, máy tính điện tử, cấu trúc đẹp đẽ hiện đại một toà soạn báo nổi tiếng đều là văn hoá...

Trong phần định nghĩa, có thể nêu thêm các chi tiết sau:

- Tại phương Đông, từ văn hóa có gốc từ chữ Hán. Quẻ Bí trong Chu Dịch nói: "Quan sát dáng vẻ con người để giáo hóa thiên hạ" (Quan hồ nhân văn dĩ hóa thành thiên hạ). Lưu Hướng (khoảng năm 77 đến năm 6 Tr CN) đời Tây Hán là người sử dụng từ văn hóa sớm nhất. Cho đến tận thế kỷ XIX, ở Trung Quốc vẫn hiểu văn hóa là văn trị giáo hóa, là giáo dục, cảm hóa bằng điển chương, lễ nhạc. Sau này Trung Quốc cũng tiếp thu các khái niệm cách tân của thế giới ví dụ như tiếp thu khái niệm từ văn hóa chuyển dịch qua tiếng Nhật từ thế kỷ XIX. Người Nhật dịch chữ “culture” của châu Âu đọc là Bunka, còn Trung Quốc căn cứ thêm cách hiểu truyền thống mà dịch là văn hóa.

 - Tại phương Tây, từ văn hóa bắt nguồn  từ chữ latinh như nói ở trên. Từ đó sau này có từ culture (tiếng Anh, tiếng Pháp), Kultur (tiếng Đức), Kultura (tiếng Nga).

Như vậy, rõ ràng ngay từ khái niệm- thuật ngữ “văn hóa” đã bao hàm nhiều ý nghĩa gắn với vun xới, sản xuất, sáng tạo, giao lưu, tiến bộ…, tức là quan hệ rất hữu cơ với cả giới doanh nghiệp (DN) và TTĐC.   

 1. 2. TTĐC, văn hóa và văn hóa dân tộc:   

Truyền thông, các phương tiện thông tin đại chúng là những thuật ngữ, hiện tượng đa nghĩa, biểu đạt sự tiến bộ, văn hóa, văn minh của nhân loại.

Trước hết truyền thông ra đời và phát triển do nhu cầu khách quan của xã hội về thông tin giao tiếp. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu thông tin giao tiếp càng tăng lên. Những bước tiến trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội lại trở thành điều kiện cho thông tin giao tiếp, đồng thời đòi hỏi phải tăng cường phát triển thông tin giao tiếp... Tuy nhiên, không phải có nhu cầu thông tin giao tiếp là xuất hiện quá trình TTĐC và các phương tiện thông tin đại chúng (như cách nói hiện nay) ngay lập tức, mà chỉ khi nhu cầu thông tin trong xã hội tiến đến một trình độ nhất định thì hoạt động TTĐC mới có điều kiện ra đời, tức là phải cần tới yếu tố trình độ phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ. Ví dụ báo viết chỉ ra đời khi công nghệ in xuất hiện và sau này các kỹ thuật về vô tuyến điện, đèn hình, mạch vi điện tử, con chip... phát triển thì con người mới có phát thanh truyền hình; khi có máy tính điện tử, Internet mới xuất hiện báo trực tuyến... Như vậy trình độ văn hoá xã hội, kinh tế, khoa học- công nghệ đã tác động mạnh đến sự vận động, phát triển của truyền thông đại chúng và ngày nay người ta còn nói đến truyền thông đa phương tiện, xa lộ thông tin, công nghệ thông tin (IT), kinh tế tri thức, văn hóa doanh nhân thời kỹ thuật số, bảo vệ văn hóa dân tộc khi sự đụng độ giữa các nền văn minh xảy ra...

Tóm lại, nếu nghiên cứu văn hóa theo nghĩa rộng và xét nó trong mối quan hệ với truyền thông, giao tiếp của thời đại mới thì một số chuyên gia nghiên cứu về Văn hóa và Truyền thông có lý khi cho rằng: Văn hóa là một hệ thống nhằm sáng tạo, chuyển giao, lưu trữ và chế biến thông tin. Sợi chỉ xuyên suốt tất cả các nền văn hóa là truyền thông và giao tiếp. (Xem thêm “Mass Media Mass Culture”, Tác giả: James Wilson, Stan Le Roy Wilson, NXB McGraw-Hill, Inc. Copyright 1998). Tôi muốn bổ sung về nghĩa hẹp hơn: Văn hóa dân tộc là những sáng tạo có giá trị chân, thiện, mỹ, tiến bộ của một dân tộc được lưu truyền từ đời này sang đời khác; thể hiện trình độ phát triển chung của một đất nước, một thời đại; là lĩnh vực sản xuất - dịch vụ đặc biệt, có thể giao lưu - truyền phát, liên quan đến sự thưởng thức, giải trí, thụ hưởng của đời sống tinh thần. Như vậy, văn hóa dân tộc đụng chạm đến mọi tầng lớp công chúng nói chung và giới DN nói riêng, nhất là vì DN làm nên xương sống của nền kinh tế mỗi quốc gia. C. Mác từng chỉ rõ: “Trong trạng thái văn minh, mỗi người đều là thương gia, còn xã hội là một xã hội thương nghiệp” (Xem “Bản thảo Kinh tế triết học 1884”, NXB Sự thật 1962, tr 172).  Chính vì thế, có thể nói thêm rằng: Văn hóa dân tộc làm nên thế đứng và con đường phát triển của mỗi dân tộc trong cộng đồng quốc tế. Văn hóa dân tộc tạo nên diện mạo, sắc thái riêng cho nhà DN tầm cỡ quốc gia. Tóm lại, trong thời đại mới - khi TTĐC ngày càng hiện đại, kinh tế tri thức đi lên thì văn hóa dân tộc sẽ mang ý nghĩa đặc biệt, bởi càng hội nhập thì nét đặc sắc, độc đáo của văn hóa mỗi dân tộc mới là cái để phân biệt sự phong phú, khác nhau của các nền văn hóa. Một trong những động lực phát triển xã hội loài người là nền sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lưu thông của cải vật chất của tầng lớp doanh nhân. Nhưng thời đại mới đòi hỏi doanh nhân phải ứng xử đúng đắn, đúng đạo với văn hóa dân tộc thì họ mới có căn cước văn hóa, có cái riêng, để đua tranh hiệu quả với thế giới.  Thử hỏi rằng những yếu tố sau đây có cái nào tách rời hẳn khỏi cái nôi văn hóa dân tộc đã nuôi dưỡng doanh nhân: Đó là các tài sản vô hình như uy tín, bí quyết kinh doanh, đạo làm giàu, văn hóa ứng xử, thương hiệu, khả năng xử lý thông tin và giao tiếp với giới truyền thông, công việc từ thiện đối với xã hội (kể cả sự tham gia xây dựng, bảo toàn, phát triển các công trình văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc), các sở thích (hobby), đạo đức kinh doanh…

2. Vai trò quảng bá, hoàn thiện, thúc đẩy văn hóa dân tộc thấm sâu vào tư duy, tâm hồn, hành động doanh nhân của TTĐC ngày nay:

2.1. Doanh nhân Việt Nam kế thừa tinh hoa văn hóa phương Đông và truyền thống văn hóa Việt Nam: 

Trước hết, khi chưa có các phương tiện thông tin đại chúng theo nghĩa hiện đại, thì người xưa trao đổi, tiếp nhận, xử lý, lưu giữ, truyền phát thông tin, tri thức bằng những phương tiện, hình thức khá đơn giản (Ví dụ hình thức truyền miệng; sách in trên tre, trúc, da thuộc…). Mặc dầu cũng nên nói rõ rằng: do nhiều lý do nên xã hội Việt Nam trước đây không trọng thương nhân, dù nước ta có hơn 3000 km bờ biển mà tiếc thay chẳng có nổi một đội thương thuyền để giao thương mạnh mẽ với quốc tế nhằm phát triển quốc gia và có tầm nhìn rộng lớn trong hội nhập, phát triển. Tuy nhiên, thời nào thì doanh nhân Việt Nam cũng tồn tại và có vai trò nhất định trong đời sống. Trong các tác phẩm truyền miệng, ca dao tục ngữ, nghề thương mại được đề cập rất sớm. Có những triết lý mang đậm tính văn hóa Việt Nam ngày nay vẫn mang tính thời thời sự: “Buôn có bạn, bán có phường”, “Ăn lãi tùy chốn, bán vốn tùy nơi”, “Nhà buôn phải khác con buôn. Doanh nhân chuyên nghiệp cậy nguồn nhân văn”; “Doanh gia vì văn hóa đất nước, phước lộc trường tồn”; “Thương gia thấm văn hóa cội nguồn, không lo buồn khi lỡ vận”; “Sản vật chuyên văn hóa dân tộc, lộc tài lắm, tắm nắng phương trời xa”...v.v. Thời Lê- Trịnh, Lê Quý Đôn (1726- 1784) đã nhìn nhận rõ giá trị doanh nhân và thương mại trong mối tương quan của hệ thống chỉnh thể văn hóa- xã hội. Ông cho rằng: “Phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng, phi công bất phú, phi nông bất ổn” v.v.

Nhưng phải tới nhà nho yêu nước Lương Văn Can (1854- 1927), lý luận về thương mại, kể cả những luận điểm đề cập đến quan hệ văn hóa dân tộc với kinh doanh mới được nhà trí thức duy tân - Hiệu trưởng trường Đông kinh nghĩa thục, viết thành sách có hệ thống, đưa lên tầm cao mới. Có thể coi cuốn “Thương học phương châm” của ông là cuốn giáo khoa bài bản đầu tiên của Việt Nam về các chủ đề thương mại vừa nêu.

Trên thực tế, có những tiêu chuẩn về đạo làm giàu, gắn kết với văn hóa nước nhà đến nay vẫn nguyên giá trị: Người doanh nhân không được quên gốc rễ văn hóa của mình; Không được ly gián, kết bè đảng để hại người (đối tác, khách hàng, đồng nghiệp); Không được u mê vướng vào tửu sắc; Không được áp chế, quản người khác, nhất là khi họ tài đức, tầm văn hóa hơn mình; Phải kiên định giữ niềm tin vào chân, thiện, mỹ, nhân văn đến cùng. Đối xử với đối tác, khách hàng phải chú ý: Đến phải nghênh tiếp; Đi phải tiễn đưa; Ăn phải thỏa thích; Ngủ phải thoải mái; Rời phải quay lại; Mời chào phải thể hiện được bản sắc riêng, hấp lực của văn hóa dân tộc mình. 

2.2. Vai trò quảng bá, hoàn thiện, thúc đẩy văn hóa dân tộc thấm sâu vào tư duy, tâm hồn, hành động doanh nhân của TTĐC ngày nay:

Trong xã hội hiện đại, thật khó hình dung sự không có mặt của sách, báo, đài, Internet, điện ảnh, quảng cáo, quan hệ công chúng (PR). Nhờ có chúng, thông qua chúng các vấn đề cốt tủy của doanh nhân như quảng cáo sản phẩm, thông tin thị trường, tìm đối tác, ký hợp đồng thương vụ qua thư điện tử, mua - bán hàng qua mạng được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả. Đồng thời, các vấn đề thông dụng như quảng cáo có văn hóa - không vi phạm thuần phong mỹ tục dân tộc, nhân cách- bản lĩnh doanh nhân, vấn đề then chốt như vai trò doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông, được nhiều tầng lớp xã hội quan tâm và có tác động nhất định đến quá trình xây dựng, phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội quốc gia…v.v. 

Có thể tóm tắt vai trò chính của TTĐC đối với doanh nhân trong lĩnh vực văn hóa dân tộc là:

+ Mở rộng đường dư luận rộng rãi về việc kế thừa, tiếp nối những yếu tố tích cực, phát triển những điểm vượt trội của văn hóa dân tộc; loại bỏ những những yếu tố không còn hợp thời, cản trở sự phát triển của chính văn hóa và kinh tế xã hội của văn hóa dân tộc để từ đó thống nhất quan niệm, thống nhất nhận thức toàn xã hội, kể cả nhận thức của giới kinh doanh. 

+ Tổ chức thường xuyên trao đổi, đối thoại giữa các doanh nhân với nhau, giữa các tầng lớp khác với doanh nhân và chuyên gia để người DN ngày càng thấy rõ mục tiêu, động lực của văn hóa dân tộc đối với đạo làm giàu, nghĩa vụ, trách nhiệm DN đối với văn hóa cội nguyền (Ví dụ trao đổi trên các chuyên mục của truyền hình, báo chí, Internet);

+ Thông qua báo, đài, Internet… doanh nhân có thể học hỏi, đối sánh với các tiêu chuẩn văn hóa có tính phổ quát quốc tế để chủ động giữ vững bản sắc văn hóa Việt nam trong ứng xử, thương thuyết, giao dịch kinh doanh nhất là khi nước ta đã tham gia WTO, hội nhập đầy đủ, toàn diện với thế giới.

+ Sự phát triển TTĐC và giao lưu quốc tế giúp công chúng Việt Nam (gồm cả DN) có nhiều dữ liệu; thông tin phong phú, nhiều chiều, dân chủ hóa trong quá trình gắn bó; phát triển văn hóa nước nhà - làm phông, nền, chỗ dựa tinh thần vững chắc cho doanh nhân dân tộc;

+ TTĐC tạo dư luận rộng rãi, thúc đẩy nhiều đối tượng- không chỉ doanh nhân mà nhà nước, xã hội cùng có trách nhiệm vun đắp, phát triển văn hóa dân tộc đúng hướng, có bản sắc riêng, có tầm cao, trường tồn;

+ Từ một số doanh nhân tiên phong trong việc vun đắp, bảo tồn, xây dựng văn hóa dân tộc được TTĐC quảng bá sẽ có ngày càng nhiều doanh nhân hiểu rõ ý nghĩa thiết thực. Truyền thông định hướng dư luận và như tiếng gọi từ trái tim, thúc giục mọi doanh nhân góp phần tham gia làm đẹp hình ảnh văn hóa quốc gia - dân tộc;

+ Ngoài ra, TTĐC khi góp ý, phê pháp sự thờ ơ, tha hóa, vô trách nhiệm của một số doanh nhân đối với văn hóa nước nhà sẽ là tiếng nói cảnh tỉnh, răn đe giáo dục…

Tóm lại, với các chức năng tư tưởng, giáo dục, tổ chức, kiểm tra - giám sát, dự báo, giải trí, thẩm mỹ, quảng cáo- tiếp thị, quan hệ công chúng (PR), các phương tiện TTĐC có vai trò to lớn trong việc quảng bá, hoàn thiện, thúc đẩy văn hóa dân tộc thấm sâu vào tư duy, tâm hồn, hành động doanh nhân, giúp họ vững bước, có mục tiêu, lý tưởng trên con đường làm giàu chân chính, cạnh tranh được với các đối tác đến từ các nền văn hóa khác trên thế giới.

3. Những đề xuất đối với DN, nhà nước, cơ quan TTĐC nhằm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc:

+ Vì văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nên trong các chiến lược có tính tổng thể của quốc gia, tại các phần liên quan đến văn hóa, DN, cần quy hoạch rõ trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của DN đối với sự phát triển văn hóa dân tộc, nhất là khi vai trò DN nước ta ngày càng lớn, được trao nhiều nhiệm vụ xứng với tầm vóc.

+ Trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, DN Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng quy mô, tầm hạn sản xuất - dịch vụ; việc quan hệ, đi ra thị trường thế giới, làm việc với đối tác quốc tế sẽ nhiều hơn, nên cần tích cực hơn, bài bản hơn trong hoạt động giới thiệu văn hóa dân tộc ta ra nước ngoài. Đó vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi, vừa là việc nên làm của họ.  

+ Nhà nước cần cơ chế tạo được sự chủ động trong liên kết giữa các hình thức: nhà nước, doanh nhân, các thành phần chủ sở hữu khác để đầu tư cho văn hóa dân tộc. Có thể đầu tư những lĩnh vực thuần về văn hóa dân tộc nhưng phi lợi nhuận, lại có thể đầu tư có lợi nhuận nhưng kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa dân tộc với du lịch, phát triển bền vững… DN cần hiểu rằng: đầu tư cho văn hóa dân tộc cũng chính là quảng cáo thương hiệu DN cho số đông công chúng sẽ sử dụng sản phẩm hàng hóa DN đó. Các DN hãy mạnh dạn làm các “Mạnh Thường quân” tài trợ cho các chương trình văn hóa, văn nghệ, ca múa nhạc trên đài truyền hình; tài trợ cho các giải thi đấu thể thao, các chương trình, sự kiện của văn hóa dân tộc; tài trợ cho việc nghiên cứu, xuất bản, phát hành các công trình văn hóa dân tộc. 

+ Các báo, đài, phương tiện TTĐC cần cổ súy, biểu dương kịp thời vai trò nòng cốt, đầu tàu của những doanh gia trong, ngoài nước có tầm nhìn, giàu nhiệt huyết đã đóng góp tài chính, công sức phục hồi, nuôi dưỡng, phát triển, quảng bá các hình thức sáng tạo của văn hóa dân tộc như: Hát tuồng, chèo, cải lương; bảo tồn nét văn hóa phổ cổ Hà Nội và các di tích văn hóa của các đô thị khắp đất nước; các lễ hội văn hóa truyền thống… Cần chú ý giữ được nguyên bản tinh túy các loại hình văn hóa dân tộc, tránh sự sân khấu - kịch hóa một số loại hình; có thể dùng chất liệu vải vóc, trang phục thật tốt, thật đẹp nhưng phục chế đúng với thời gian, con người, văn hóa gốc rễ. Mặt khác, báo đài phải tiếp tục phê phán, đấu tranh với những biểu hiện tha hóa, đi ngược lại truyền thống văn hóa dân tộc của một số DN (DN nhà nước và tư nhân đánh bạc, tham ô, DN bán thầu trao tay để các công trình công cộng bị ảnh hưởng, DN có lối sống trái đạo đức như các vụ PMU18, Công ty ISA, nhóm DN bị bắt ở khách sạn Tam Đảo…). Các Hiệp hội nghề nghiệp, tổ chức của DN cũng nên lên tiếng cùng xã hội phản đối quyết liệt để hạn chế tối đa các hiện tượng nói trên.

+ Nhà nước nên tập trung phát triển các Quỹ phát triển văn hóa dân tộc (Quỹ nhà nước; Quỹ hỗn hợp nhiều chủ thể: nhà nước, tư nhân, tập thể, phi chính phủ, trong ngoài nước cùng tham gia; Quỹ tư nhân, Quỹ dòng họ…) để trợ giúp văn nghệ sĩ, những người sáng tác và hỗ trợ cho sự nghiệp bảo tồn, phát triển lâu dài nền văn hóa dân tộc.

+ Để phát huy hiệu quả sản xuất, rõ ràng DN phải đầu tư, cải tiến, hiện đại hóa công nghệ; muốn kinh doanh có hiệu quả, nhiều lợi nhuận thì DN phải chú trọng công tác tổ chức - quản lý. Nhưng bao trùm lên hai yếu tố này là văn hóa nói chung và văn hóa dân tộc nói riêng, ví dụ trong quản lý ở Việt Nam cần chú ý văn hóa vùng miền, cái bản sắc, căn tính trội và lặn của văn hóa dân tộc Việt Nam trong ứng xử, thương thuyết với đối tác… nghĩa là phải lấy xây dựng, phát triển văn hóa dân tộc làm nền tảng thì DN Việt mới tiến xa, lâu dài, bền vững.

+ Một mặt, DN cần tự giác, nhiệt tình đóng góp hơn nữa cho văn hóa dân tộc, nhưng mặt khác, về quản lý nhà nước nên thông thoáng hơn, vừa theo truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, vừa theo thông lệ quốc tế, cho phép các công trình, sự kiện, hoạt động văn hóa dân tộc… tầm cỡ được mang tên chính nhà DN đã đứng ra đầu tư, tổ chức thực hiện hiệu quả to lớn, lâu dài.

+ Ngoài ra, DN không chỉ ký hợp đồng cấp tài chính cho báo, đài để báo, đài làm thương vụ quảng cáo cho mình mà DN cần cung cấp tài chính để báo, đài làm những chuyên mục, chương trình chuyên về văn hóa dân tộc. Báo, đài nên cân đối chương trình, để vừa có thể đăng phát vừa đủ tin, bài về thể thao, bóng đá quốc tế lại vừa nhấn mạnh được các vấn đề, định hướng, chủ đề thời sự về văn hóa dân tộc, nhất là đối với những nước mới phát triển, việc bảo vệ văn hóa dân tộc rất bức bách, lại ít kinh nghiệm như nước ta. 

+ Bộ máy và công chức quản lý nhà nước về phát triển văn hóa dân tộc cũng phải nâng tầm mình hơn, thể hiện được là trọng tài, là đầu mối, là nhà quản lý giỏi, để khuyến khích, thúc đẩy giới DN tham gia ngày càng nhiều cho sự nghiệp văn hóa dân tộc; tôn vinh các nhà văn hóa dân tộc nhiều công lao; thực sự trở thành nam châm thu hút mọi nguồn lực khắp nơi, kể cả từ người Việt ở nước ngoài cùng xây đắp văn hóa dân tộc ngày càng rực rõ, huy hoàng. 

+ Nhà nước, DN và giới TTĐC cần phối hợp hiệu quả, chặt chẽ theo chức năng, đặc thù của mình để phát huy các thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực văn hóa dân tộc. Đó là: Việt Nam đã có Nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được đứng vào ngôi nhà di sản văn hóa thế giới, vì thế cần phải có sự quan tâm thích đáng, chiến lược, lộ trình cụ thể, nỗ lực vượt bậc để ca trù, hát quan họ cổ, múa rối nước… có chỗ đứng xứng đáng, có vị thế nhất định đối với kho tàng văn hóa nhân loại.  

PGS.TS. Lê Thanh Bình

Tài liệu tham khảo:

[1]. N.I. Niculin (2006), Dòng chảy văn hóa Việt Nam, NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội;

[2]. GS. Phạm Đức Dương (2002), Từ văn hóa đến văn hóa học, NXB Văn hóa- thông tin, Hà Nội;

[3]. GS.TS. Nguyễn Văn Huyên (2006), Văn hóa: mục tiêu, động lực của sự phát triển xã hội, NXB Chính trị QG, Hà Nội;

[4]. TS. Đinh Phi Hổ, CB (2006), Kinh tế phát triển: lý thuyết và thực tiễn, NXB Thống kê, Hà Nội;

[5]. Tạp chí Văn hóa nghệ thuật năm 2009. 

          

 

// Mới cập nhật
// Tin đã đăng
Tin nổi bật