Sách lý giải sự thần kỳ Thuỵ Sỹ xuất bản tại Việt Nam
Tại sao Thuỵ Sỹ, một quốc gia nhỏ bé, có tài nguyên nghèo nàn, không có đường bờ biển, nằm lọt thỏm giữa các cường quốc Âu Châu xung quanh, lại có số công ty trong danh sách Fortune 500 trên đầu người lớn nhất thế giới, vượt xa cả Mỹ, Nhật, Pháp, Đức?
Tác giả James Breiding trong Swiss Made - Chuyện chưa từng được kể về những thành công phi thường của đất nước Thuỵ Sỹ vừa được xuất bản cho rằng không chỉ một yếu tố đơn lẻ mà nhiều yếu tố đã kết hợp nhuần nhuyễn với nhau để tạo ra một thành quả phi thường. Tác giả nhóm các yếu tố này thành 3 cấp độ: cá nhân, tổ chức kinh doanh và chính quyền.
Từ cấp độ cá nhân, thành công của kinh doanh phải xuất phát từ những doanh nhân có tinh thần sáng tạo và chấp nhận rủi ro. Sự thành công của Thuỵ Sỹ được James Breiding lý giải do tỉ lệ lớn các công dân nhập cư tới quốc gia này, “khoảng một phần ba dân số Thuy Sỹ có xuất thân là người nước ngoài”. Người dân nhập cư có một động lực khác thường so với người bản địa, họ “tự đấu tranh cho sự tồn tại của mình và chỉ nhận được sự tôn trọng khi đạt đến thành công. Họ không phải canh cánh về quá khứ; họ chỉ cần tập trung cho tương lai”.
Từ cấp độ môi trường kinh doanh, nền kinh tế Thuỵ Sỹ dựa trên nền tảng tri thức và công nghệ. Tỉ lệ phần trăm doanh thu của doanh nghiệp được đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R & D) đứng thứ 6 trên thế giới. Thuy Sỹ hiểu rằng cải tiến công nghệ là chìa khoá duy nhất đưa tới năng suất cao và tăng trưởng, góp phần thúc đẩy nền kinh tế đi lên. Thêm nữa, xã hội Thuỵ Sỹ với thành phần dân số đa chủng tộc khiến tư duy quốc tế của doanh nhân rất cao, thị trường nội địa lại quá nhỏ bé khiến họ có tham vọng thường trực vươn ra toàn cầu. Các công ty Thuỵ Sỹ nổi tiếng trong việc mua lại những doanh nghiệp có thương hiệu ở quốc gia khác nhưng tôn trọng quyền tự chủ và văn hoá riêng biệt của họ.
Từ cấp độ chính quyền, môi trường dân chủ và tự do ở cấp độ rất cao của Thuỵ Sỹ mở đường cho thị trường tự do phát triển.
Thứ nhất, James Breiding khẳng định chính quyền Thuỵ Sỹ luôn quản lý ít nhất đối với các doanh nghiệp, đây là tinh thần đặc trưng của “khế ước xã hội” theo đó mỗi cá thể “chỉ chấp nhận mức độ quản thúc nhỏ nhất và từ bỏ ít quyền tự do nhất.”
Thứ hai, Thuỵ Sỹ có kết cấu liên bang và mỗi bang đều được trao quyền tự trị thậm chí lớn hơn hẳn các tiểu bang ở Hoa Kỳ hay Canada. Cơ chế phân quyền triệt để này dẫn tới các bang phải cạnh tranh với nhau để thu hút đầu tư và kích thích tinh thần kinh doanh.
Thứ ba, Thuỵ Sỹ là hoàn toàn trung lập với các cuộc chiến tranh ở Châu Âu nên quốc gia này không chỉ là nơi “lánh nạn” của nhiều thương gia mà còn là “con lợn đất”, nơi doanh nhân ở Châu Âu đổ tiền bạc vào do lo ngại lạm phát cao thời chiến tranh và hậu chiến.
Thứ tư, Thuỵ Sỹ trung lập nhưng lại là quốc gia có lực lượng dân quân đông đảo nhất thế giới. Môi trường quân đội đóng vai trò như “nguyên khí quốc gia, nơi dựng xây các mối quan hệ và là lò đào tạo nên các giám đốc tập đoàn”. Thời gian hoạt động trong quân ngũ đặc biệt quan trọng trong giai đoạn khởi nghiệp về sau bởi “những sỹ quan ưu tú của đất nước có thể kết nối với nhau thành các mạng lưới quan hệ bền chặt”.
Swiss Made đã khẳng định không phải lợi thế về tài nguyên hay địa lý mà tri thức đỉnh cao và môi trường kinh doanh hoàn hảo mới tạo ra mảnh đất cho thành tựu kinh tế phi thường. Như đại sứ Thuỵ Sỹ tại Việt Nam Andrej Motyl đã viết, cuốn sách không chỉ là nguồn cảm hứng mà còn là “vị quân sư và người cổ vũ” tuyệt vời cho doanh nhân Việt Nam, cũng như là “cẩm nang” cho những người ra quyết sách trong Chính phủ.
Nguồn: tienphong.vn