Đôi điều trăn trở về thông tin “đề tài nhạy cảm”
Chưa có văn bản nào của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động báo chí định hướng hoặc quy chế thông tin phản biện “đề tài nhạy cảm” như ngoại giao, biên giới, bí mật an ninh, quốc phòng, đặc biệt là tôn giáo… Thế nhưng, mặc nhiên thành nguyên tắc, cơ quan báo chí, truyền thông khi xử lý những vấn đề “nhạy cảm” đều rất thận trọng khi đưa tin, bài, chụp ảnh, quay phim sau khi đã có ý kiến chỉ đạo của cơ quan chủ quản.
Có hai tình huống xảy ra đối với thông tin vấn đề “nhạy cảm”, hoặc là “im lặng”, hoặc là tìm giải pháp thông tin, sau đó đón đợi làn sóng dư luận của xã hội cả về tích cực lẫn tiêu cực. Thực tế thái độ “im lặng” trong tuyên truyền biển đảo bị xâm lấn trong những năm trước đây khiến dư luận nhìn nhận vấn đề trái ngược nhau vì không sớm có thông tin chính thống định hướng dư luận từ cơ sở, địa phương một cách rộng rãi, thấu đáo.
Vấn đề tổ chức phản động Fulro ở Tây Nguyên, bạo loạn ở Tây Nguyên, những năm 80 thông tin báo chí mới chỉ dừng lại ở vụ việc trấn áp, dẹp loạn mà chưa tập trung những bài viết có giá trị phân tích nguyên nhân, nguồn gốc đến một bộ phận quần chúng người dân tộc cả tin, bị lợi dụng, lôi kéo vào cuộc bạo loạn. Tương tự, những bài báo đề cập tới việc người lao động đình công, bỏ việc ở các khu công nghiệp, doanh nghiệp có vốn nước ngoài 100%, chủ lao động ngược đãi, bóc lột lao động, trốn tránh đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không chăm lo đời sống, nâng cao tay nghề cho lao động, cũng chỉ mới dừng lại ở cấp độ “tường thuật vụ việc”, không đưa ra được giải pháp khắc phục ổn định, vững chắc. Chúng ta đang “trải thảm đỏ” mời gọi các nhà đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam nhưng báo chí lại “hồn nhiên” phê phán quá mức những biểu hiện tiêu cực chưa tới mức phải “đao to búa lớn”.
Tỉnh Nghệ An cũng sắp xếp một chuyến tàu chở 3.000 giáo dân được chấp nhận di cư vào Nam tại Cửa Hội vào tháng 02.1955. Trước đó ba năm, 1952 cả nước đang thi đua “Kháng chiến kiến quốc”, Đảng và Chính phủ tổ chức Đại Hội thi đua toàn quốc lần thứ nhất, Bác Hồ đã chỉ đạo Tỉnh ủy Nghệ An, huyện Nam Đàn bố trí để ông Hoàng Hanh, một giáo dân ở xứ họ Yên Lạc, Nam Lĩnh có thành tích xuất sắc tăng gia sản xuất, đóng góp nhiều lương thực, thực phẩm cho kháng chiến chống Pháp ra Việt Bắc tham dự Đại Hội. Tại Đại Hội thi đua toàn quốc, ông Hoàng Hanh được phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lao động. Bác Hồ ân cần trao huân chương, giấy chứng nhận Anh hùng cho ông Hoàng Hanh, ông được đứng gần Bác Hồ, chụp ảnh với 174 Anh hùng lực lượng vũ trang.
Những nhân chứng, sự kiện ấy được báo Cứu Quốc, báo Nhân Dân, Báo Quân Đội Nhân Dân và báo Cứu Quốc Liên khu 4, tờ tin Truyền Thanh Nghệ An đăng bài, ảnh trang trọng tạo được ảnh hưởng dư luận tích cực trong cộng đồng giáo dân cả nước và địa phận Vinh lúc bấy giờ. Lại nhớ trong những năm đổi mới, điều kiện kinh tế khó khăn nhưng Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An vẫn dành ngân sách lớn, vật tư, vật liệu xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở phúc lợi, trạm xá, trường học cho hết thảy các xứ họ trong địa phận Vinh… Linh mục Vương Đình Ái, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc những người Công giáo yêu nước kính chúa đã sốt sắng tham gia công việc chung của Mặt trận Tổ quốc Nghệ An. Linh mục Vương Đình Ái đã xuống tận giáo họ, giáo xứ giải quyết ổn thỏa những vướng mắc giữa chính quyền với giáo dân, giữa mối quan hệ lương - giáo. Những lứa đôi vợ chồng lương - giáo đã sống hạnh phúc, xóa bỏ rào cản, kỳ thị giữa lương và giáo. Nhiều giáo dân tham gia bộ máy chính quyền, đoàn thể từ huyện xuống xã, xóm, thôn. Đấy là những đề tài sinh động mà báo chí không thể không phản ánh, nhân rộng mô hình điển hình người công giáo tiến bộ kính chúa yêu nước. Và ở khía cạnh nào đó, “đề tài nhạy cảm” đã được xử lý một cách thông thoáng, cởi mở. Lấy ánh sáng nhân chứng, sự kiện tích cực của đồng bào có đạo, của linh mục, quản hạt, trưởng họ mà xua tan mặt trái tạm thời, bột phát của một bộ phận quá khích là phương hướng sáng tạo tác phẩm báo chí, tránh hình thức nội dung thông tin thiếu tính thuyết phục, cảm hóa sâu sắc hoặc phê phán khiến dư luận có cảm giác đối đầu chứ không phải đối thoại.
Cũng cần sớm tổ chức hội thảo, tọa đàm, đối thoại trong hoạt động nghiệp vụ báo chí về đề tài tôn giáo, dân tộc thiểu số, biên giới, biển đảo, thực trạng người lao động bị ngược đãi trong các doanh nghiệp tư nhân. Đây cũng là giải pháp hiệu quả để hoạt động báo chí tạo lập bản lĩnh chính trị vững vàng, nhạy bén, nắm vững chính sách về tôn giáo, ngoại giao, dân tộc thiểu số, tín ngưỡng bảo đảm chủ động và có nghệ thuật khi thông tin “đề tài nhạy cảm”.
Văn Hiền
Nguồn: Tạp chí Người làm báo