Sử dụng văn bản điện tử - tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của CQNN

(ICTPress) - Đây là một trong những đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Bắc Son với các Bộ, ngành, địa phương về tiếp tục thúc đẩy triển khai các Chỉ thị số 34/2008/CT-TTg ngày 3/12/2008 và 1 năm thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới tại Hội nghị trực tuyến sáng nay 24/9 trên toàn quốc.

Chỉ thị số 34/2008-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 3/12/2008, về việc tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước (CQNN) và Chỉ thị số 15/CT-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22/5/2012 về việc tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của CQNN.

Theo dự thảo báo cáo của Bộ TT&TT về đánh giá 5 năm Thực hiện Chỉ thị số 34 và 1 năm thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg, các CQNN đã đạt được một số kết quả nổi bật về việc thực hiện hai Chỉ thị này:

Về hệ thống thư điện tử: 100% các Bộ cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã triển khai hệ thống thư điện tử chính thức; 96,7% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai hệ thống thư điện tử chính thức (trừ tỉnh Quang Nam đang triển khai thử nghiệm tại Sở TT&TT; tỉnh Hậu Giang đang tạm ngừng hoạt động để nâng cấp).

Đối với các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai sử dụng hệ thống thư điện tử chính thức, số lượng cán bộ, công chức được cấp hộp thư điện tử sử dụng ngày càng tăng. Một số Bộ, ngành, địa phương điển hình có 100% cán bộ, công chức được cung cấp hộp thư điện tử phục vụ công việc như các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Ngân hàng Nhà nước, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng và TT&TT, Thanh tra Chính phủ, Tư pháp, Giao thông vận tải, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Tài Chính, các tỉnh, thành phố điển hình như: Bắc Ninh, Bình Dương, Hưng Yên, An Giang, Bắc Giang, Lạng Sơn.

Tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 100% các đơn vị cấp xã như Ủy ban nhân dân (UBND) các xã, phường, thị trấn được cấp hộp thư điện tử phục vụ công việc, điển hình như tại các tỉnh: Bắc Ninh, Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Yên Bái, Đà Nẵng.

Hệ thống quản lý văn bản và điều hành: Hầu hết Bộ, ngành, địa phương đã tăng cường trang bị hệ thống quản lý văn bản và hệ điều hành phục vụ công việc, cụ thể: 100% Bộ, ngành đã trang bị hệ thống quản lý văn bản và điều hành phục vụ công việc; 98% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã trang bị hệ thống quản lý văn bản và điều hành phục vụ công việc (Riêng tỉnh Bình Thuận hiện nay chưa triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành phục vụ công việc). Một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiêu biểu đã triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành đến 100% các đơn vị cấp xã, phường như Cần Thơ, An Giang, Đà Nẵng. Tính năng quản lý văn bản đi/đến thuộc công tác văn thư được sử dụng phổ biến; tuy nhiên việc ứng dụng trong công tác điều hành, xử lý trực tiếp công việc trên hệ thống còn hạn chế.

Đánh giá chung về các kết quả đạt được của hai Chỉ thị, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết nhiều cơ quan đã vượt qua các khó khăn về con người, về kinh phí, tích triển khai các hệ thống thông tin để trao đổi, xử lý văn bản điện tử, góp phần giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động. Lề lối làm việc của CQNN ngày càng được đổi mới, theo hướng hiện đại, từng bước hình thành nền nếp, thói quen làm việc trên môi trường điện tử. Công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin ngày càng được chú trọng. Đặc biệt qua thực tế triển khai đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền và đội ngũ cán bộ trong CQNN các cấp đối với những tiện ích của việc úng dụng CNTT nói chung và sử dụng các văn bản điện tử nói riêng trong quản lý điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ TT&TT trong quá trình triển khai hai Chỉ thị này cũng bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc, cụ thể như: Kinh phí đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin còn rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu, đặt biệt là tại các địa phương còn khó khăn về kinh phí. Mặt khác, tại một số cơ quan đã được trang bị các hệ thống lại sử dụng chưa hiệu quả.  Một số cán bộ lãnh đạo tại các CQNN còn chưa quyết liệt chỉ đạo, sát sao, gương mẫu trong trao đổi, xử lý văn bản điện tử phục vụ công việc;  Nhiều cán bộ công chức chưa quyết tâm thay đổi thói quen làm việc chuyển từ văn bản giấy sang sử dụng văn bản điện tử.

Ngoài ra, Nguồn nhân lực để tổ chức, triển khai ứng dụng CNTT còn chưa đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là tại tuyến cấp quận, huyện của các địa phương, nhất là các huyện vùng cao, biên giới, huyện đảo.

Trước yêu cầu của cuộc sống, của các chủ trương Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT vào năm 2020 và để tiếp tục thúc đẩy triển khai các Chỉ thị này trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã đề nghị các Bộ, ngành, địa phương:

1/ Tận dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện có để tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc, hiệu quả điều hành, hướng tới cải cách hành chính, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

2/ Ưu tiên bảo đảm kinh phí, nguồn nhân lực duy trì, nâng cấp hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Đề nghị các Bộ, ngành, các địa phương quan tâm trong đầu tư trang thiết bị, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về CNTT cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp). Đầu tư cho nguồn lực và sức mạnh điều hành cũng có nghĩa là tiết kiệm.

3/ Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý tạo điều kiện trao đổi, sử dụng văn bản điện tử. Ban hành, nâng cấp tính pháp lý của các văn bản để góp phần nâng cao hiệu thực hiện yêu cầu quan trọng này.  Văn bản phải có tính pháp quy, yêu cầu bắt buộc phải làm. việc sử dụng văn bản điện tử là một trong yêu cầu bắt buộc và được quy định thành văn bản, trở thành một tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị, cơ quan nhà nước hàng năm thi đua hàng năm...

4/ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện các Chỉ thị tại các cơ quan, đơn vị. (Tuyên truyền để nâng cao nhận thức về vai trò của CNTT, của việc Ứng dụng CNTT đối với mọi mặt đời sống xã hội nói chung và với cải cách hành chính nói riêng - Tuyên truyền để nâng cao trách nhiệm... )

Sau Hội nghị này, Bộ TT&TT cũng sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện các Chỉ thị của các Bộ ngành, địa phương, trong đó cũng sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo giải quyết các kiến nghị, đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương, để tiếp tục thúc đẩy triển khai các Chỉ thị trong thời gian tới.

HM

Tin nổi bật