Bài viết gây bão của Putin lên New York Times như thế nào
Ketchum, một công ty quan hệ công chúng Mỹ có mối hợp tác lâu năm với chính phủ Nga, đã giúp đưa bài bình luận của Tổng thống Vladimir Putin lên báo New York Times hồi đầu tuần, kéo theo sự phản đối mạnh mẽ từ Washington.
Tổng thống Putin "gây bão" với bài viết chỉ trích Mỹ về vấn đề Syria hôm 11/9. Ảnh: BBC |
"Bài bình luận được viết bởi Tổng thống Putin và được Ketchum thay mặt ông giao cho New York Times xem xét", Jackie Burton, Phó chủ tịch phòng đối ngoại kiêm phát ngôn viên của Ketchum nói.
Một người phát ngôn của New York Times cũng xác nhận mối liên hệ này. Tờ báo cho biết đã "chỉnh sửa một chút" và đăng tải bài viết ngay sau khi nhận được.
Phát ngôn viên của ông Putin, Dmitry Peskov khẳng định toàn bộ bài viết trên là ý tưởng của ông Putin. "Nội dung cơ bản của nó do ông Putin viết ra, sau đó các trợ lý của ông đã hoàn thiện bài viết", Peskov nói.
Bài báo có 1.068 từ được đăng ở mục "Ý kiến" của New York Times hôm 11/9, trong đó ông Putin giải thích về việc Nga phản đối dùng vũ lực chống Syria. Ông cho rằng một cuộc tấn công quân sự của Mỹ có thể làm gia tăng bạo lực trong khu vực, "mở ra một làn sóng mới của chủ nghĩa khủng bố" và cướp thêm mạng sống của những nạn nhân vô tội.
Bài viết ngay lập tức khiến giới quan chức Mỹ phản ứng mạnh mẽ. Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner nói với phóng viên rằng ông cảm thấy bị sỉ nhục. Thượng nghị sĩ Robert Menendez nói rằng bài viết khiến ông "buồn nôn", còn thượng nghị sĩ John McCain cho rằng trí tuệ của mỗi một người Mỹ đã bị lăng mạ trong bài viết.
Ketchum hợp tác cả với Nga và Mỹ
Ketchum là công ty con của tập đoàn quảng cáo toàn cầu Omnicom từ năm 1996. Công ty này đã có một lịch sử cộng tác lâu dài với chính phủ Nga để đưa các bài viết lên những ấn phẩm Mỹ.
Tháng 11/2012, dẫn hồ sơ từ Bộ Tư pháp, tập đoàn phi lợi nhuận ProPublica đã công bố chi tiết việc Ketchum đưa những bài viết ca ngợi Nga của "các chuyên gia độc lập" lên các hãng tin tức của Mỹ như CNBC và Huffington Post.
Việc một công ty PR hợp tác với một chính phủ không phải là chuyện bất thường. Tuy nhiên, Ketchum trở thành tâm điểm tranh cãi không chỉ trong việc liên kết với Nga, mà còn với cả chính phủ Mỹ.
Công ty này từng gây nên cuộc tranh luận dữ dội trong hai năm 2004 và 2005. Khi đó, Văn phòng Giải trình Chính phủ của Quốc hội Mỹ tuyên bố rằng Ketchum có liên quan đến việc "bí mật tuyên truyền" cho chính phủ nước này.
Năm 2010, ProPublica cũng tiết lộ việc Ketchum nhận được một hợp đồng từ chính quyền Tổng thống Barack Obama nhằm ca ngợi sự thúc đẩy dữ liệu y tế điện tử.
Ketchum cũng có một hợp đồng với Nga nhằm ca ngợi nước này là "một điểm đến tuyệt vời cho đầu tư nước ngoài". Trong 6 tháng đầu năm 2013, Ketchum nhận được 1,9 triệu USD tiền phí từ Nga, và 3,7 triệu USD từ Gazprom, một tập đoàn năng lượng nhà nước của Nga.
Anh Ngọc
Nguồn: vnexpress.net