Quán cơm 2000 đã giúp không chỉ có “con cá” mà còn hướng đến “cần câu”
(ICTPress) - Ngày 5/9, trên mạng có đăng bài viết với tiêu đề “Một góc nhìn về cơm 2000 đồng” của tác giả Nguyễn Quảng (Milton Keynes, Anh Quốc) đưa ra những góc nhìn khác về các bữa cơm từ thiện 2000 đồng tại Sài Gòn.
ICTPress nhận được bài viết của tác giả Nguyễn Đức Quang, Sài Gòn trao đổi thêm về quán cơm 2000 và trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.
Người lao động nghèo xếp hàng mua cơm 2000đ/suất. Ảnh: ubmttq.hochiminhcity.gov.vn |
Ở Quán cơm 2000, tôi thấy rất nhiều từ những cụ già cơ nhỡ hay các em bán vé số, anh xe ôm,…có những người mà có thể ở bên ngoài họ là những tay anh chị khiến làm chúng ta phải đề phòng nhưng khi tất cả vào quán cơm, tất cả đều xếp hàng có trật tự. Vì không gian quán hẹp nên không thể cho tất cả vào cùng lúc mà lần lượt từng tốp người vào, những người còn lại xếp hàng đợi đến lượt mình. Khi mọi người ăn xong lại biết tự sắp xếp khay ăn ngay ngắn và bỏ vào đúng nơi quy định, sau khi ăn xong thì cũng đi ra nhanh chóng để nhường chỗ cho một tốp người khác vào. Quán chỉ mở cửa từ 11 giờ đến 13 giờ, đợt giờ cao điểm khoảng 12 giờ, có khi phải xếp hàng đến hàng giờ đồng hồ để chờ đợi đến lượt của mình nhưng mọi người vẫn rất vui vẻ đứng đợi và nói chuyện với nhau rất rôm rả.
Có thể nói nơi những quán ăn như vậy đã giúp cho nhiều người biết trân trọng và quý giá đến miếng cơm của mình bằng sự tôn trọng một xã hội có trật tự và ngăn nắp, phải biết xếp hàng kiên nhẫn để chờ đợi, phải biết dọn dẹp khi ăn xong và xong rồi phải biết nhường chỗ cho những người khác. Chính nơi đây đã nhân bản được tình con người và đã cảm phục được nhiều đấng mạnh thường quân cũng như những ai đã đến đây.
Các thành viên phục vụ quán ăn là các em sinh viên thiện nguyện và thực sự các em là một trong những nhân tố quan trọng của quán cơm. Quán cơm đã đào tạo được các em với thái độ và tác phong chuyên nghiệp và đã giúp cho các em hiểu được giá trị của sự phục vụ và lòng yêu thương con người. Có lẽ đọng lại cho tôi với quán cơm 2000 đó là một tổ chức chuyên nghiệp đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
Bài viết với tiêu đề “Một góc nhìn về cơm 2000 đồng” của tác giả Nguyễn Quảng cho rằng quán cơm 2000 chỉ cho họ con cá chứ không cho họ cần câu và việc này chẳng giúp ích được gì. Với tôi đó là những điều quán cơm 2000 đã làm được hơn thế. Liệu chúng ta có một định nghĩa rõ ràng giữa con cá và cần câu hay ranh giới đó là rất mong manh. Với những người mong muốn được làm việc, được sống có ích cho xã hội mà bị cản trở bởi những khó khăn của việc thiếu “con cá” thì có được “con cá”, đó chính là cần câu của họ, cũng giống như những em sinh viên vượt khó để thành công trong cuộc sống vậy. Còn với những người đã không muốn làm việc thì có “cần câu” họ cũng bán đi để được con cá mà thôi. Ở quán cơm 2000 đã giúp cho con người không chỉ có “con cá” mà còn hướng đến “cần câu” trong cuộc sống. Vì để có một buổi ăn như vậy, họ cũng phải trả chi phí dù nhỏ, phải biết xếp hàng chờ đợi đôi khia hàng giờ đồng hồ và phải sinh hoạt một cách ngăn nắp, có trật tự. Ở đó họ đã được sống và được học cách sống như trong một xã hội tốt đẹp, chính những điều đó đã giúp cho họ biết trân trọng và quý giá cái ăn cái mặc và hướng đến việc sống có ích cho xã hội. Đó chính là “cần câu” to lớn mà quán cơm 2000 đã làm được.
Không những vậy, quán cơm 2000 đã tạo ra nhiều “cần câu” khác nữa, đó chính là cho các em sinh viên làm việc thiện nguyện. Ở đây các em đã học được cách phục vụ và điều hành thật chuyên nghiệp, chính vì quán nhỏ, nên các em phải điều khiển từng tốp người vào cho hợp lý, giám sát chỗ trống trong quán ăn, quản lý việc xếp hàng trật tự, phục vụ thật chuyên nghiệp và quét dọn vệ sinh thật sạch sẽ. Đó cũng chính là những kỹ năng cần có để một người có thể thành công trong xã hội. Một em sinh viên rất năng nổ và chuyên nghiệp nhưng hỏi ra thì mới chỉ học năm thứ 2 đại học! Quán cơm 2000 đã tạo được nhiều "cần câu" như thế đó.
Bài viết trên còn cho rằng quán cơm 2000 là bán “phá giá”, bán được một suất cơm 2000 thì sẽ mất đi một suất cơm cho các quán bình thường khác?! Giống như một công ty đang phát triển tuyển dụng nhiều nhân viên mới, có khi nào nhân viên cũ nghĩ rằng nhân viên mới sẽ lấy việc của mình và mình sẽ thât nghiệp! Đó là suy nghĩ chủ quan mà thôi. Ở một xã hội phát triển, con người sẽ càng chuyên môn hóa để tăng năng suất lao động, chính vì vậy mỗi người sẽ càng ngày đảm nhiệm những thứ rất nhỏ, và dẫn đến có nhiều công việc hơn cho nhiều người, và khi con người có nhiều thời gian hơn vì đã làm việc ít hơn nhưng hiệu quả nhiều hơn (tăng năng suất lao động) thì nhu cầu của con người cũng nhiều hơn lại dẫn đến có nhiều việc làm hơn trong xã hội, cũng giống như có nhiều phân khúc khách hàng có nhu cầu khác nhau, mà ở đây phân khúc nhu cầu của quán cơm 2000 và các quán khác là hoàn toàn khác nhau.
Ở quán cơm 2000, cái giá người ta phải trả đó là người ta phải biết chấp nhận mình là đối tượng cần được giúp đỡ trong xã hội, và khi chính họ đã chấp nhận họ như vậy và họ vẫn được sống trong một xã hội có trật tự và tốt đẹp như trong quán cơm 2000, điều đó sẽ giúp cho họ cố gắng phát triển và làm việc có ích cho xã hội cũng giống như họ đã biết tôn trọng nơi họ được phục vụ, biết nhường nhịn và nhường chỗ cho người khác. Chính họ sẽ trở thành khách hàng của các quán cơm bình thường khác theo một cách bền vững và nếu hiểu theo nghĩa này thì các quán cơm khác lại có nhiều khách hàng trong tương lai đó chứ!
Quán cơm 2000 đã giúp họ tự nhận ra chính mình, điều đó đã giúp chính bản thân họ, cũng là giúp chính xã hội của chúng ta. Ngẫm nghĩ lại chính chúng ta, liệu có khi nào chúng ta đã tự nhận ra chính bản thân chúng ta hay chưa? Chúng ta sống để làm gì? Sống như thế nào là sống có ích? Ước mơ chúng ta sẽ trở thành là gì và như thế nào? Hay những câu hỏi này cũng chỉ mơ hồ với rất nhiều người trong chúng ta. Chỉ biết sống mà không có suy nghĩ, không có ước mơ, một ngày trôi qua nhưng không đọng được điều gì. Hay phải đợi đến khi chúng ta gần tắt thở rồi chúng ta mới nghĩ được những điều như vậy. Nếu ngày mai chúng ta sẽ chết thì hôm nay chúng ta sẽ làm gì? Và tất cả phải được xuất phát từ việc hiểu rõ và chấp nhận chính bản thân mình trước đã, kể cả những mặt tốt và mặt xấu.
Nguyễn Đức Quang