Sẵn sàng với môi trường đào tạo báo chí nước ngoài

Chương trình Media Talk - Trò chuyện truyền thông do Vietnam New Media Group (VNMG) khởi xướng vào cuối tháng 07.2013 với chủ đề “Dạy và học báo chí, truyền thông nước ngoài”.

Chương trình nhận được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ yêu thích lĩnh vực báo chí và truyền thông

Những chia sẻ của các vị khách mời với những câu chuyện đầy thú vị về cuộc sống, quãng thời gian học tập, làm việc… ở các quốc gia có nền báo chí tiên tiến đặc biệt nhận được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ yêu thích lĩnh vực báo chí - truyền thông.

 Dạy từ những sai sót của người học

 Vũ Lan Hương, hiện là thạc sĩ báo chí, từng tu nghiệp ở ngôi trường danh tiếng - ĐH Northwestern tại Mỹ, cho biết môi trường đào tạo ở nước ngoài không hề giống với môi trường ở Việt Nam, “người ta không dạy mình làm gì, làm như thế nào mà bắt làm tất cả ngay từ đầu. Trên cơ sở những sản phẩm mình làm ra, họ sẽ nhận xét và dạy bằng chính những sai lầm của mình”.

 Thạc sĩ Lan Hương cho biết quãng thời gian đầu, khi vừa sang Mỹ, sự lạ lẫm và khác biệt quá xa về văn hóa, ngôn ngữ, đặc biệt là phương pháp dạy khiến cho cô cảm thấy rất lo sợ. Bài tập ngay trong buổi học đầu tiên của cô đó là hoàn thiện một bản tin truyền hình. Cô tự mình loay hoay với tất cả các công đoạn từ dàn dựng nội dung, tiến hành quay, tiến hành dựng… mà không có bất kỳ sự hướng dẫn nào trước đó. Nhưng đến khi nhận xét sản phẩm, cô lại được giảng viên chỉ bảo tận tình, những lỗi sai từ bản tin cô dàn dựng được đưa ra phân tích, lý giải và gợi ý cách khắc phục, tránh lặp lại lần sau. Với phương pháp dạy mà cô cho là vô cùng hữu ích như vậy, “chỉ sau 2 tháng, tôi bắt nhịp được với môi trường mới và nhận thấy mình học được rất nhiều điều mới mẻ, những kỹ năng mới, khả năng tự tác nghiệp độc lập”, cô chia sẻ.

 Không chỉ vậy, cả bốn vị khách mời đều rất đồng tình rằng chương trình học ở các nước khá nặng, đòi hỏi người học phải hết sức tập trung và đầu tư công sức. “Ngay trong tuần đầu tiên, để chuẩn bị cho bài nói của mình, tôi phải đọc hết 12 cuốn sách” - thạc sĩ Đinh Trần Trung Hậu (ĐH City London, Anh), cho biết. “Kỹ năng đọc sách là điều vô cùng quan trọng, khi học lên tiến sĩ, tốc độ đọc sách càng phải đẩy lên nhanh hơn gấp bội phần”, nghiên cứu sinh báo chí Vũ Tiến Hồng (ĐH Texas, Mỹ) chia sẻ.

 Sự cách biệt về mặt văn hóa, ngôn ngữ và nhiều vấn đề khác trong cuộc sống của du học sinh, nghiên cứu sinh là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, “chúng ta cần phải có ý chí, điều gì không hiểu thì phải nói ra, nhờ sự giúp đỡ từ nhiều nguồn và phải bằng một thái độ rất cầu thị thì mọi khó khăn đều được giải quyết” - ý kiến thạc sĩ Lan Hương. Việc tiếp xúc với một đất nước xa lạ, những người bạn đến từ nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa khác biệt nhau, theo thạc sĩ Trung Hậu: “Cần phải biết hòa đồng và biết tận dụng cơ hội giao lưu ngay từ đầu, bởi với công việc làm báo, việc thiết lập được một mạng lưới quan hệ rộng rãi là điều vô cùng cần thiết”.

 Ứng dụng vào môi trường Việt Nam

 Nhất trí với quan điểm sự khác biệt giữa môi trường giáo dục ở Việt Nam và nước ngoài chính là về mặt văn hóa và sự mạch lạc về tư duy, thạc sĩ Lan Hương nhận xét: “Giáo dục ở Việt Nam là giáo dục để người ta tin vào chân lý, còn giáo dục ở các nước hiện đại là dạy cách để người ta đi tìm chân lý, dù điều đó có thể không bao giờ xảy ra”. Bằng lối tư duy và những kỹ năng cơ bản tiếp nhận được, những du học sinh, nghiên cứu sinh sau khi về nước có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong nhiều tình huống khác nhau, chứ không chỉ đơn thuần là giải một bài toán theo mẫu. Bởi vậy, những điều học ở nước ngoài có thể áp dụng vào Việt Nam theo nhiều cách thức mềm dẻo và linh hoạt khác nhau.

 Thạc sĩ truyền thông Nguyễn Xuân Hồng (ĐH Monash, Úc) - hiện là thư ký tòa soạn của Tạp chí Chính Phủ, bổ sung: “Các kỹ năng làm báo có thể không có quá nhiều sự khác biệt giữa môi trường đào tạo trong và ngoài nước, tuy nhiên, sự khác biệt nhận thấy rõ nhất đó là văn hóa làm báo và sự mạch lạc về tư duy”. Anh Hồng nói có rất ít các tờ báo ở Việt Nam, đặc biệt là những tờ báo của chính phủ có thể kết nối với những mạng xã hội như facebook, twitter… Trên thực tế, chính các mạng xã hội mới là nguồn đưa thông tin tới độc giả một cách nhanh chóng nhất. Bởi vậy, sau khi về nước, anh đã thuyết phục được những người quản lý tạo sự liên kết giữa tờ tạp chí này với nhiều mạng xã hội khác nhau như google plus, facebook, twitter, tumblr, email.

 Media Talk này cũng cho thấy sự khác biệt giữa môi trường làm báo ở Việt Nam và các quốc gia khác, khiến cho nhiều kỹ năng vẫn chưa áp dụng được vào Việt Nam như kỹ năng kể chuyện, kỹ năng tiếp cận xã hội... Thêm vào đó, ở nước ngoài, một cá nhân nhà báo khi tác nghiệp có thể cùng lúc làm được rất nhiều việc để mang thông tin tới độc giả một cách nhanh nhất, đa chiều nhất, thì ở Việt Nam điều này còn khá hạn chế.

Nguyễn Tâm

Nguồn: Tạp chí Người làm báo

// Mới cập nhật
// Tin đã đăng
Tin nổi bật