Mấy vấn đề cần lưu ý trong phỏng vấn

Phóng viên muốn phỏng vấn một “ông cốp” hay một cô nàng nổi tiếng, trước hết hãy nhìn vào uy tín của mình. Bạn có được biết đến như một phóng viên thật thà, chăm chỉ, cởi mở, tác nghiệp vì lợi ích cộng đồng hay không. Uy tín của nhà báo, cũng giống như uy tín của cơ quan truyền thông nơi phóng viên làm việc. Vì vậy, hãy xây dựng cho mình uy tín nghề nghiệp.

Khi đã vượt qua điều khúc mắc về uy tín và danh tiếng này, bước tiếp theo là: Thể hiện lòng nhiệt tình về bài viết của mình.

Khó hẹn được phỏng vấn

Báo đài phỏng vấn siêu đại kiện tướng Lê Quang Liêm sau Giải đấu HDBank 2012 (Ảnh minh họa)

Hãy kiên trì. “Nếu cửa trước bị khóa, thử cửa sau xem sao. Nếu cửa sau cũng bị khóa, hãy thử cửa sổ!”. Đối với những nhân vật nổi tiếng trong giới giải trí, cửa trước chính là đại diện công chúng (PR) của họ; cửa sau là các hiệp hội mà họ tham gia hay các ông bầu. Cửa sổ chính là bạn bè, đối tác làm ăn, họ hàng của họ. Nhiều phóng viên thích gọi điện cho mẹ của các nhân vật nổi tiếng, vì các bà mẹ thường muốn nói về con mình. Đôi khi, các nhân vật nổi tiếng đồng ý trả lời phỏng vấn chỉ để biết xem mẹ mình đã nói về mình như thế nào.

  • Lạc quan. Chưa thử đề nghị phỏng vấn mà phóng viên đã nghĩ mình thất bại là suy nghĩ rất tiêu cực.
  • Viết thư cho nguồn tin nói về nội dung mình muốn phỏng vấn. Có thể gửi bằng email, hoặc cách nào đó tùy phóng viên sáng tạo, miễn là đến được tay nguồn tin.

  •  Gửi cho họ vài câu khen gợi, đưa ra những câu hỏi cho họ thỏa sức thể hiện cái “tôi” trong người được phỏng vấn.
  •  Gọi cho nguồn tin mà phóng viên định phỏng vấn để kiểm tra lại thông tin phóng viên có từ các nguồn khác.

  •   Hãy tìm cách tiếp cận nguồn tin của mình một cách không chính thức. Đó có thể sau buổi nói chuyện với công chúng, ở cuộc họp báo, trong một buổi gặp gỡ tiệc tùng xã giao, trên đường chạy dạo bộ. Một cuộc nói chuyện vu vơ có thể khiến họ cởi mở hơn với phóng viên.

  • Hãy tập trung vào chủ đề mà phóng viên biết nguồn tin sẽ thích nói và thích chia sẻ. Nói lời khen nịnh xã giao.  
Những câu hỏi nhạy cảm

Thường thì các phóng viên điều tra không viết bài dựa trên những gì một chính trị gia hoặc thương nhân trả lời trong cuộc phỏng vấn của họ. Họ sẽ phải làm “bài tập” ở nhà: nghiên cứu tài liệu và phỏng vấn những người khác, có bằng chứng để “vặn vẹo” khi nguồn tin muốn khẳng định, từ chối, giải thích… và nếu có thể, đưa ra thông tin mới.

Những phóng viên có kinh nghiệm thường tránh tranh cãi, hay buộc tội người được phỏng vấn trong cơn tức giận, hay tỏ ra không thiện cảm.

Với những câu hỏi riêng tư: Chỉ nên hỏi những câu hỏi này nếu chúng phục vụ cho một phần bài viết. Nên có lý do phù hợp cho câu hỏi. Hãy giải thích vì sao hỏi vậy: vì lợi ích của cộng đồng, để giáo dục… chứ không phải để khai thác và chỉ trích vấn đề khó khăn khúc mắc của nguồn tin. Ai cũng có những khó khăn khúc mắc của riêng mình. Nếu phóng viên đủ sức thuyết phục, họ sẽ kể nhiều hơn phóng viên tưởng.

Tránh ép buộc. Hãy để nguồn tin tự do chọn lựa những chi tiết họ muốn kể. Hãy tiếp cận các lĩnh vực nhạy cảm một cách gián tiếp. Nếu phóng viên muốn hỏi về kinh nghiệm của một người dùng ma túy, hay nói về những gì người phỏng vấn biết xảy ra với những người khác.

Hãy lắng nghe những tín hiệu gợi mở từ phía nguồn tin. Đôi khi, họ muốn kể chuyện về bản thân họ, nhưng họ không chắc là phóng viên đang phỏng vấn có quan tâm hay không. Còn phóng viên, lúc đó lại ngại hỏi Tốt nhất phóng viên nên chủ động hỏi, vì họ biết đâu sẽ nói chi tiết thú vị cho bài viết mà mình bỏ qua vì không nghe hoặc không để ý.

Hãy chính xác

Những phóng viên mới phỏng vấn thường rất lo lắng về nhiều chuyện: thiết lập quan hệ thế nào, tránh câu hỏi ngốc nghếch ra sao, nên đôi khi lãng quên những chi tiết nhỏ. Do đó kết quả là thiếu chính xác như: tên sai, hiểu nhầm, thông số kỹ thuật sai, câu mà nguồn tin nói đôi khi bị dẫn không đúng.
  • Để giải quyết, phóng viên hãy kiểm tra lại tên, địa chỉ, tuổi, chức danh của nguồn tin. Phóng viên cũng cần kiểm tra lại những điểm chính. Hãy nhắc lại những thông tin quan trọng có được trong cuộc phỏng vấn để chắc chắn rằng người được phỏng vấn hiểu đúng.

  •  Những câu nói. Trừ phi phóng viên chắc chắn về độ chính xác, còn nếu không tốt nhất hãy đọc lại để nguồn tin xác nhận là phóng viên đã ghi nhận đúng.
  •  Hãy đưa ra bối cảnh. Những bình luận của nguồn tin có thể bị hiểu sai vì phóng viên không hiểu bối cảnh.

  • Hãy kiểm tra chéo. Đôi khi, nhà báo đưa tin sai vì nguồn tin nói sai. Hãy kiểm tra lại với một nguồn tin khác nếu thấy nghi ngờ.

  • Bạn có ý nghĩ rằng ý nghĩ của mình là đúng. Phóng viên phỏng vấn kết luận trước khi đặt câu hỏi và nghe họ giải thích.

 Duy Loan

Nguồn: Tập san Người làm báo Tuyên Quang

// Mới cập nhật
// Tin đã đăng
Tin nổi bật