“Văn bản sai thì phải sửa”

Đây là khẳng định của ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam với PV báo GĐ&XH khi nói về văn bản số 1042/C67- P73 của Cục CSGT đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) về việc “Giả danh nhà báo ghi hình CSGT” ban hành ngày 26/4.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ

Dưới đây là ý kiến của ông Huệ về văn bản 1042/C67- P73 của Cục CSGT đường bộ - đường sắt:

Tôi đã đọc kỹ văn bản số 1042/C67- P73 của Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt về việc “Giả danh nhà báo ghi hình CSGT” ban hành ngày 26/4/2013. Đây là văn bản chỉ đạo ngành dọc Công an, chỉ đạo cảnh sát giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ, đồng thời bảo vệ điều kiện cho các cán bộ, chiến sĩ trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy nhiên, văn bản này, ở mục 2, chỉ đạo các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ “luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối Cảnh sát giao thông đang thực thi công vụ, hoặc quay phim chụp ảnh hoạt động TTKS, XLVP khi chưa được phép…”, gây phản ứng không tốt, tạo ra sự hiểu lầm, “đánh đồng” hai phạm trù trái ngược nhau.

Quay phim, chụp ảnh là hoạt động thông thường, hợp pháp của phóng viên, nhà báo. Còn việc sử dụng những thước phim, bức ảnh đó như thế nào phụ thuộc vào lãnh đạo tòa soạn. Văn bản chỉ đạo viết như trích đoạn ở trên là gây ra hiểu lầm. Văn bản 1042 còn nói “Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cơ quan chủ quản, nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ….” Tập hợp, thông báo cơ quan chủ quản để làm gì? Hoạt động tác nghiệp là quyền của nhà báo, ghi trong luật rồi. Mà chụp ảnh chỉ có khoảnh khắc, không có thời gian để xin phép. Nếu ai cũng làm đúng thì không có gì mà ngại cả.

Theo tôi, mỗi ngành, mỗi nghề đều có chức năng, nhiệm vụ, quy định riêng. Các nhà báo cần được tạo điều kiện để thực thi nhiệm vụ, thực hiện quyền hành nghề theo đúng quy định của pháp luật, ở đây là Luật báo chí. Phóng viên làm tốt nhiệm vụ cũng góp phần giúp các chiến sĩ công an thực hiện nhiệm vụ cao cả của mình. Theo tôi, văn bản chỉ đạo nói chung, kể cả văn bản 1042 nói riêng, không nên để bị hiểu lầm; văn bản sai thì phải sửa. Mà cũng không nên biện minh theo kiểu “ai hiểu lầm là sai”.

Tôi xin cung cấp thêm một thông tin là một lãnh đạo cao cấp của ngành công an khi trao đổi về công văn này với tôi cho biết, phóng viên có quyền tác nghiệp theo luật pháp; bất cứ ai vi phạm pháp luật đều bị xử lý…

                                                                                                Công Tâm (ghi)

 Nguồn: giadinh.net

Tin nổi bật