Cuộc chiến truyền thông tại Ai Cập
Khi các lực lượng an ninh Ai Cập xông lên chấm dứt thế đối đầu đẫm máu với những người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Morsi thì cũng là lúc các quan chức chính phủ nước này mở đợt công kích vào 1 đối thủ khác: truyền thông phương Tây và các chính phủ nước ngoài phê phán Ai Cập.
Lực lượng an ninh Ai Cập đã đột kích văn phòng Cairo của kênh truyền hình Iran al-Alam hôm 20/7, bắt giữ trưởng chi nhánh (ảnh: PressTV) |
Trong 1 thông báo bằng tiếng Anh được gửi qua email cho các phóng viên nước ngoài hôm 17/8, Cục Thông tin Nhà nước Ai Cập đã lên tiếng khiển trách các phóng viên vì đã “đưa tin thiên lệch” theo hướng có lợi cho những người ủng hộ ông Mohamed Morsi trong cuộc đối đầu với cơ quan an ninh.
Cục Thông tin Nhà nước cũng chỉ trích báo chí nước ngoài đã chú ý không đúng mức đến các cuộc tấn công nhằm vào người Công giáo cũng như việc người Hồi giáo hăm dọa dân thường Ai Cập.
Bản thông cáo không ký tên có đoạn: “Ai Cập cảm thấy phẫn nộ trước việc một số cơ quan truyền thông phương Tây đưa tin theo hướng nghiêng về phía tổ chức Anh em Hồi giáo và phớt lờ việc làm sáng tỏ các hành vi bạo lực và khủng bố mà nhóm này phạm phải dưới hình thức hăm dọa và khủng bố các công dân.”
Văn bản nói trên xuất hiện chỉ vài giờ sau khi có 1 bài phát biểu bằng tiếng Anh được đưa lên truyền hình của 1 vị cố vấn tổng thống, có tên là Mostafa Hegazi, người đã nói với các nhà báo nước ngoài rằng “người Ai Cập chúng tôi rất phẫn nộ về cách phản ánh các sự kiện ở Ai Cập”.
Trong tuần qua, các tuyên bố cứng rắn đối với công dân và báo chí nước ngoài đạt đến mức chưa từng có tiền lệ.
Một số nhà báo nước ngoài phản ánh việc họ đối diện với những sự quấy rối và hành hung vào hôm 17/8. Một phóng viên của Wall Street Journal và Alastair Beach, phóng viên cho tờ The Independent của Anh đã bị các đám đông biểu tình chống Morsi chộp lấy và đánh nhẹ khi họ ở bên ngoài nhà thờ Hồi giáo bị bao vây vào ngày này.
Anh Beach cho hay anh bị đánh bằng gậy vào đầu nhưng chỉ bị thương nhẹ. Đám đông sau đó nộp 2 phóng viên này cho những người lính đứng gần đó.
Patrich Kingsley, phóng viên thường trú tờ The Guardian (Anh) thông báo qua Twitter rằng anh bị 1 đám thanh niên giận dữ túm lấy và giật mất cả điện thoại di động và laptop trước khi giao nộp anh cho cảnh sát. Cũng giống 2 phóng viên nói trên, Kingsley sau đó được thả và không bị thương nặng.
Cơn tức giận đối với báo chí nước ngoài là 1 phần trong phản ứng của người Ai Cập đối với việc các chính phủ nước ngoài gần đây chỉ trích lực lượng an ninh Ai Cập trấn áp người Hồi giáo một cách đẫm máu.
Quyết định của Tổng thống Mỹ Obama hủy các cuộc tập trận với Ai Cập sau các cuộc trấn áp nói trên đã làm tăng thêm thái độ thù địch ở đây.
Khi giới chức Ai Cập hạ bệ ông Morsi vào ngày 3/7, họ lập tức xốc tới đóng cửa các kênh Hồi giáo theo đường lối thân ông Morsi.
Sau đó cả truyền thông nhà nước và tư nhân ngập tràn các thông điệp chống Hồi giáo. Các đài truyền hình thường xuyên đề cập đến tổ chức Anh em Hồi giáo như là những “kẻ khủng bố”, đồng thời kết tội họ sử dụng vũ khí hạng nặng chống lại lực lượng an ninh và gắn họ với các nhóm khủng bố quốc tế như là al-Qaeda.
Một số hãng truyền thông tư nhân do các doanh nhân có liên hệ với chế độ cũ Hosni Mubarak làm chủ cũng giúp thổi bùng xu hướng bài ngoại.
Thực tế, khách hàng của 1 số kênh tư nhân thường xuyên tố các nhà báo nước ngoài cố tình phát động chiến dịch tuyên truyền để hỗ trợ cho những người Hồi giáo ủng hộ ông Morsi.
Trung Hiếu/VOV online
Nguồn: vov.vn