Ảnh báo chí khá “hiền” dù sự kiện “nóng”
(ICTPress) - Hội Nhà báo Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng Ảnh báo chí” tại Nghệ An với mục tiêu tạo sự chuyển biến trong nhận thức về ảnh thời sự, thông qua đó nâng cao chất lượng ảnh báo chí.
Ảnh báo chí nói chung và ảnh thời sự nói riêng có vai trò to lớn, là vũ khí tuyên truyền sắc bén bởi tính chân thật, tính hấp dẫn và tính tuyết phục của nó.
Việt Nam từng có những tác phẩm ảnh thời sự nổi tiếng để đời, có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao như: O du kích nhỏ của Phan Thoan, Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước của Minh Trường, Chiếm căn cứ Đầu Mầu của Đoàn Công Tính, Tải đạn của Lê Chí Hải, Phúc Tân kêu gọi trả thù của Vũ Ba, Chạy đâu cho thoát của Mai Nam, Nhìn thẳng quân thù mà bắn của Vũ Tạo, Tiểu đội nữ thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc của Văn Sắc, Mẹ con ngày gặp lại của Lâm Hồng Long v.v. và nhiều, rất nhiều bức ảnh thời sự nổi tiếng khác của báo chí nước nhà. Có những nhiếp ảnh gia có tác phẩm được Giải thưởng Nhà nước. Những bức ảnh đó ghi lại lịch sử khoảnh khắc của thời đại, bất cứ lúc nào nhìn lại chúng ta vẫn thấy xúc động. Chúng ta đã có những nhiếp ảnh gia nổi tiếng như Võ An Ninh, để lại những bức ảnh có giá trị về nạn đói năm 1945 và những phóng viên ảnh chiến tranh như đã nói ở trên và có cả những phóng viên đã hy sinh trên chiến trường vì những thước phim, bức ảnh thời sự nóng hổi.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ trong phát biểu khai mạc Hội thảo đã cho biết những người làm báo chúng ta, từ phóng viên cho đến các Tổng Biên tập, có thể nói không ai nghi ngờ, băn khoăn về sự cần thiết của ảnh báo chí. Thực tiễn và lý luận đều chứng minh rằng ảnh có vị trí quan trọng không thể thiếu, có sức mạnh thông tin to lớn mà không cần lời, có giá trị lịch sử lớn lao vì nó tồn tại mãi mãi, và có giá trị thẩm mỹ cao vì tính nghệ thuật độc đáo của nó. Phóng viên ảnh phải vừa là nhà báo, vừa là nghệ sỹ.
Tuy nhiên, trong đời sống báo chí hiện nay, ảnh báo chí chưa đạt được đúng tầm vị trí của nó, chưa được những người cầm trịch ở tờ báo quan tâm chỉ đạo và sử dụng; những người cầm máy chưa có những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc vàng, để lại dấu ấn sâu sắc. Ảnh vẫn có nhiều khuôn mẫu về nội dung và hình thức biểu hiện: Đó là những cái bắt tay, mặt cười tươi của lãnh đạo, những chiến sỹ bồng súng bảo vệ biên cương, những cánh đồng lúa lố nhố người; những cô gái, lão nông đứng ngắm nhìn, tay nâng quả nọ, quả kia; những cô gái vùng cao trang phục sặc sỡ… đủ để minh họa cho một tin, một bài viết. Thiếu những bức ảnh “chộp” khoảnh khắc chỉ cần nhìn ảnh là đủ hiểu, không cần chú thích. Thừa những ảnh về làng giải trí gây tranh cãi.
Tại Giải báo chí quốc gia lần thứ VII năm 2012 vừa qua, chỉ có 86 bức ảnh được gửi dự thi hạng mục Giải Ảnh báo chí. Hội đồng Giải báo chí quốc gia cho biết đây đã là một kỷ lục dù ảnh đã được dành riêng một loại giải và cơ chế mở cho việc gửi tác phẩm tham dự. Theo thống kê thì qua 7 mùa giải báo chí quốc gia, ảnh chưa năm nào có giải A, và thực sự chưa đáp ứng được yêu cầu của Hội đồng giải.
Có rất nhiều lý do được nhiều đại biểu, các nhà báo đến từ các cơ quan báo chí trong cả nước đã chia sẻ về việc chất lượng ảnh báo chí chưa cao.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã trao đổi về chất lượng ảnh báo chí trong và ngoài Hội trường |
Ông Vũ Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam cho biết hiện nay, ảnh trên các báo của chúng ta được xem là khá “hiền lành”, mặc dù có sự kiện “nóng”, được xã hội quan tâm, rất đáng đưa tin, ví dụ như sự kiện vỡ đê ở một địa phương, hoặc hỏa hoạn lớn ở một khu dân cư… (mà tôi đã được xem) nhưng ảnh phóng viên đưa về chưa thấy được tính chất nghiêm trọng của sự kiện, con người là đối tượng chủ yếu chịu tác động của sự kiện thì mờ nhạt, không có hoặc rất ít những bức ảnh cận cảnh hay chân dung thật sự gây ấn tượng, phản ánh đúng tâm tư, tình cảm của người trong cuộc.
Nhà báo Khắc Hường, Trưởng phòng Báo Nhân dân cho biết tỷ lệ ảnh sử dụng trên các báo khá cao nhưng hầu hết ảnh đăng báo của chúng ta hiện nay là ảnh kèm theo tin, bài, ảnh độc lập thường nguội, ảnh phóng sự hời hợt. Một thực trạng nữa phổ biến ở các ấn phẩm dạng tạp chí, đặc san sử dụng ảnh hầu hết mang tính chất minh họa, trang trí, ít hoặc không có tin.
Nhà báo Việt Văn, Báo Lao động cho biết với các bộ ảnh (phóng sự ảnh và nhóm ảnh) một căn bệnh kéo dài nhiều năm là cách kể chuyện không hấp dẫn. Ngoài yếu tố quan trọng nhất là năng lực của phóng viên ảnh, thì còn do khuôn khổ cố định “đất” cho phóng sự ảnh của một tòa soạn. Cứ đến hạn là phải có phóng sự ảnh nên nhiều phóng sự chưa “chín”, chỉ đắp vào cho “đủ mâm”.
Để lấp đầy trang báo, một phóng sự ảnh thường phải đủ số ảnh cần thiết từ 7 - 12 ảnh và thường thì thư ký tòa soạn vẫn thích nhiều ảnh hơn ít ảnh. Một lý do khác khiến các phóng viên ảnh khi xem lại bộ ảnh của mình trên mặt báo không thú vị là do trình bày đã không “tôn” được ảnh lên, trong nhiều trường hợp còn làm nó yếu đi.
Nhiều đại biểu cho biết các phóng viên ảnh phải làm con dao pha, chụp “thượng vàng hạ cám” cả đề tài từ chính trị đến văn hóa, văn nghệ, thể thao, phải chụp mọi thể loại ảnh khi các ban chuyên môn yêu cầu. Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng, Báo Đại đoàn kết cho rằng mặt tốt là họ phát triển thành phóng viên ảnh đa năng. Mặt kia là sự quá tải, không đáp ứng được yêu cầu thông tin thời sự. Một phóng viên ảnh không thể đáp ứng nhiều yêu cầu trong một ngày với những điểm chụp cách xa nhau.
Nhuận bút thấp cũng làm cho ảnh báo chí bị mòn là ý kiến của nhà báo Lương Xuân Trường, Báo Nông thông Ngày nay.
“Nhuận bút thấp là căn bệnh chung của báo chí Việt Nam nhưng với nghề ảnh thì nó là nỗi… cay nghiệt. Nhuận bút cả năm tính khấu hao, sửa chữa máy ảnh là vừa vặn đủ. Nhuận bút thấp, dùng dễ dãi (muốn gì ảnh của mình cũng đẹp hơn phóng viên chụp) nên chuyện mòn đi cũng là điều dễ hiểu”.
Còn một nguyên nhân sâu xa được nhiều nhà báo cho rằng bắt nguồn từ vấn đề đào tạo. Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng Ban biên tập ảnh Thông tấn xã Việt Nam cho biết việc đào tạo phóng viên ảnh ở các trường đại học chuyên ngành dường như chưa đáp ứng được yêu cầu của nghề báo. Hầu hết chưa thể làm nghề ngay được, bởi nền tảng kiến thức về chính trị, văn hóa, xã hội, tư duy báo chí còn hạn chế, ngay cả các kỹ năng làm báo: cách khai thác đề tài, phương pháp xây dựng một phóng sự ảnh, cách xử lý thông tin… và kỹ thuật chụp ảnh còn rất yếu.
Trong khi đó, nhà báo Việt Văn trích dẫn một câu trả lời thẳng thắn từ các sinh viên học tập tại khoa Báo Ảnh - học viện Báo chí Tuyên truyền của một điều tra xã hội học cho vấn đề ảnh báo chí của một phóng viên ảnh báo Tuổi Trẻ (TP. HCM): “Chúng em muốn được học những cách tư duy ảnh báo chí mới hơn, chứ không phải là những giáo trình và tư duy ảnh cũ tồn tại hàng chục năm nay của ta như các Thầy đưa vào trong các bài giảng”.
Vậy giải pháp nào để tăng chất lượng ảnh báo chí? Nhiều nhà báo đã có những đề xuất khác nhau. Nhà báo Lưu Quang Phổ, Báo Thanh niên cho rằng để ảnh báo chí của chúng ta được “nâng cấp” thì cần phải thay đổi rất nhiều khâu, từ đào tạo, sử dụng, lưu trữ, đến chế độ nhuận bút hoặc bảo vệ bản quyền. Tuy nhiên, việc cần làm ngay và dễ hơn cả là các đồng chí lãnh đạo cơ quan báo phải thực sự cảm thấy ảnh báo chí là một phần quan trọng của chính tờ báo nhà mình.
Trong kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ cũng nhất trí giải pháp trước mắt là Tổng Biên tập, lãnh đạo cơ quan báo quan tâm hơn nữa về ảnh, có người chuyên trách về ảnh để sẽ có những bức ảnh đứng vững, độc lập không phải dùng ảnh minh họa.
Giải pháp tiếp theo là phóng viên ảnh cần nâng cao chất lượng chuyên môn, cần tự học, học qua thông qua những tác phẩm ảnh của các nhà báo đã đăng. Các đơn vị đào tạo cũng cần đổi mới chuyên đề đào tạo phóng viên ảnh báo chí, Phó Chủ tịch Hà Minh Huệ đề nghị.
Về phía Hội nhà báo Việt Nam, Hội nhà báo Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo ảnh báo chí hàng năm để nâng cao nhận thức về ảnh báo chí cho các cơ quan và tổ chức các lớp đào tạo về nghiệp vụ ảnh báo chí.
Lan Phương