Hạn chế cấp phép, game lậu tung hoành
(ICTPress) - Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải tìm một biện pháp quản lý game online khác thay thế cho biện pháp "ngăn cấm" bởi nếu hạn chế cấp phép game mới thì sẽ đẩy nhiều doanh nghiệp nội dung số rơi vào cảnh kinh doanh trái pháp luật.
Game lậu bùng phát
Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA ngày 1/6/2006, những game trực tuyến có nhiều người chơi, bao gồm game trực tuyến nhập vai (MMOPRG) và game trực tuyến thông thường (Casual Game) phải được Bộ Văn hóa Thông tin (nay chức năng này đã được chuyển giao cho Bộ TT&TT quản lý - PV) phê duyệt nội dung kịch bản và có văn bản đồng ý cho phép phát hành ở Việt Nam.
Vua Bóng rổ, một trong số ít Casual Game mới được cấp phép trong thời gian gần đây |
Theo Cục Quản lý Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ TT&TT, tính đến nay Bộ TT&TT đã cấp phép cho 114 game, nhưng đến thời điểm tháng 4/2013 chỉ còn 76 game đang hoạt động (còn 38 game đã thông báo đóng cửa).
Theo bà Nguyễn Thanh Huyền - Trưởng phòng Thông tin điện tử (Cục Quản lý Phát PTTH&TTĐT), thị trường luôn tồn tại song song hai loại game (game được cấp phép và game lậu). Đáng báo động là các thể loại game không phép, game lậu những năm gần đây đang bùng phát với số lượng lớn tới mức khó có thể ước tính được là bao nhiêu. Mỗi một cổng game có tới vài trăm game trong đó có rất nhiều game thuộc thể loại phải xin cấp phép.
Do đặc điểm của môi trường trực tuyến nên việc phát hiện nhà phát hành game lậu vô cùng khó khăn, bởi các game lậu lẫn lộn giữa game được phát hành từ nước ngoài và game phát hành từ trong nước. Đa số nhà phát hành game lậu đều giấu nguồn hoặc đặt server ở nước ngoài nhưng vẫn có một cộng đồng game thủ trong nước rất lớn, người chơi có thể dùng thẻ game do các doanh nghiệp trong nước phát hành để chơi hoặc thanh toán qua các cổng thanh toán điện tử.
Bên cạnh đó, còn xuất hiện một số lượng rất lớn các game được cung cấp bởi kho ứng dụng của các mạng xã hội do các công ty nước ngoài như Facebook, Yahoo, Google và gần đây là một làn sóng của các mạng xã hội từ Hàn Quốc và Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam. Mà các game phát hành từ nước ngoài thì không bị thẩm định nội dung như game do các doanh nghiệp trong nước phát hành. Trong năm 2012, Cục Quản lý PTTH&TTĐT đã phát hiện và chuyển thanh tra xử lý hàng chục game không phép.
Theo ý kiến của nhiều người, những năm gần đây các nhà phát hành game có quy mô nhỏ mọc ra như nấm sau mưa, hầu hết những game do họ cung cấp đều không có giấy phép. Thanh tra chuyên ngành TT&TT đã kiểm tra xử phạt nhiều trường hợp nhưng thực tế game lậu vẫn đầy rẫy trên mạng. Thực tế thì thanh tra cũng chỉ xử lý những doanh nghiệp phát hành game có sai phạm nghiêm trọng về nội dung, mà chỉ xử lý được những "ông to", còn vô số các doanh nghiệp nhỏ thì chưa thể kiểm soát được.
Cấm cũng không "quản" được
Theo ý kiến của giới chuyên môn, sự bùng phát game lậu trong một vài năm trở lại đây có một phần nguyên nhân là do chính sách hạn chế cấp phép game của nhà nước. Bởi có những thời điểm gần 2 năm Bộ TT&TT dừng hoàn toàn việc thẩm định game và sau đó chỉ xem xét thẩm định rất hạn chế cho một số ít game. Số lượng game được cấp phép mới rất ít, nhưng nhu cầu người chơi thì có nhiều. Có cầu tất nhiên sẽ có cung, các doanh nghiệp do mục tiêu phát triển kinh doanh vẫn tiếp tục cung cấp những game đáp ứng thị hiếu của người chơi. Cùng với đó game lậu từ nước ngoài không bị hạn chế bởi các quy định quản lý trong nước thì vẫn liên tục phát triển mạnh mẽ trên thị trường. Và hệ quả là game lậu ngày càng hoành hành lấn át game đã được cấp phép cả về số lượng và chủng loại.
Phát biểu về vấn đề này, ông Dương Thế Lương - Giám đốc VTC Intecom (doanh nghiệp có thị phần game online đứng thứ 2 ở Việt Nam) cho rằng, chính sách hạn chế cấp phép game mới thực tế chỉ có thể điều chỉnh được những doanh nghiệp nhà nước và những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc. Chính sự hạn chế này dẫn đến thị trường game online đang bị phân nhỏ do các nhà phát hành mới khai thác bừa bãi, kinh doanh game lậu tràn lan. Do dịch vụ game online có vòng đời ngắn, rủi ro kinh doanh cao, việc khó ra dịch vụ mới khiến các doanh nghiệp như VTC Intecom ngày càng mất dần thị phần, hạn chế sức cạnh tranh, trong khi chi phí sản xuất ngày càng tăng cao. Chưa kể đến các doanh nghiệp trong nước đang bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi các công ty nước ngoài đang cung cấp dịch vụ nội dung số xuyên biên giới mà không bị ràng buộc bởi luật pháp Việt Nam.
Cùng ý kiến với ông Lương, lãnh đạo một số doanh nghiệp game cho rằng, nếu không hạn chế cấp phép thì các doanh nghiệp sẵn sàng làm đúng luật. Còn với chính sách hạn chế như hiện nay thì nhà nước chỉ điều chỉnh được vài doanh nghiệp "có tóc", còn một nhóm đông đảo các doanh nghiệp phát hành game lậu sẽ làm ăn tự do. Điều này sẽ làm hạn chế sức cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh đúng luật và mất dần thị trường về tay các đại gia nội dung số nước ngoài.
Ông Nguyễn Lâm Thanh - Tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng, các văn bản quản lý được xây dựng từ năm 2006 không điều chỉnh hết được các loại hình giải trí trực tuyến (mà chủ yếu là game online) trong thời điểm hiện nay. Chính sách chỉ quản lý được những game online chơi trên máy tính mà người chơi thanh toán phí trực tiếp, nhưng còn rất nhiều các game được cung cấp trên các mạng xã hội mà người chơi có thể chơi bằng nhiều thiết bị khác, thanh toán phí gián tiếp thì không bị quản lý. Điều này tạo ra một môi trường kinh doanh không công bằng giữa các doanh nghiệp. "Game lậu chính là hệ quả của chính sách không theo kịp sự phát triển của thị trường tạo ra", ông Lâm Thanh nói.
Ở một khía cạnh khác, nhiều ý kiến cho rằng, game lậu tung hoành khiến dòng tiền chảy ra nước ngoài rất lớn, nhà nước thì thất thu thuế. Ngành nội dung số mang lại lợi nhuận rất lớn cho nhiều quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc... còn các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam đang có nguy cơ lép vế trước các đại gia toàn cầu bởi thiếu sự hỗ trợ về chính sách. Đã đến lúc nhà nước phải tìm một biện pháp khác thay thế cho biện pháp "ngăn cấm" và "xử phạt". Cần phải có chính sách "xây để chống", bởi nếu kéo dài việc hạn chế cấp phép game mới như hiện nay thì sẽ đẩy nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh kinh doanh trái pháp luật.
Minh Quyên