Ảnh báo chí thế giới năm 2013 không phải là ảnh giả
(ICTPress) - Tổ chức Ảnh Báo chí thế giới (World Press Photo Foundation) đã phủ nhận những cáo buộc về bức ảnh đoạt giải của năm 2013 do tổ chức này trao tặng là giả.
Hồi tháng 2, một ban giám khảo quốc tế đã chọn bức ảnh của Paul Hansen có tên "Gaza Burial" thể hiện một nhóm những người đàn ông than khóc đang vác thi thể của những em bé Palestin được bọc trong những tấm ni lông.
World Press Photo đã gửi các tệp đi thẩm định tính pháp lý sau khi có tranh cãi từ một đăng tải blog của nhà phân tích ảnh Neal Krawetz, người đã cho rằng bức ảnh thực thế là một bức ảnh ghép từ 3 bức ảnh riêng rẽ. Câu chuyện này sau đó được trang công nghệ ExtremeTech đưa tin.
Tuy nhiên, sau khi tiến hành điều tra, World Press Photo cho biết sự phân tích của Krawetz “hoàn toàn sai”.
“Rõ ràng là bức ảnh đã được xuất bản đã được tút lại theo ton và màu địa phương và toàn cầu. Tuy nhiên, ngoài điều này chúng tôi không thấy có dấu hiệu của thao tác ảnh và ghép nào”, hai chuyên gia ảnh cho biết trong một thông báo của World Press Photo vừa được đưa ra ngày 14/5.
Sử dụng các tệp gốc và bằng chứng, các chuyên gia độc lập kết luận là các điểm ảnh (pixel) trong hình ảnh JPEG được gửi đến đúng như tệp thô nguyên gốc.
“Khi tôi so sánh tệp NGUYÊN GỐC với phiên bản đoạt giải tôi có thể nhận thấy rằng bức ảnh có một điều chỉnh hậu kỳ, theo đó một số phần của ảnh đã làm sáng hơn và một số phần tối hơn. Nhưng về các vị trí của từng điểm ảnh, tất cả các pixel đều ở đúng chỗ như trong JPEG (hình ảnh đoạt giải) như ở file thô nguyên gốc. Do đó tôi có thể bác bỏ bất cứ vấn đề nào liên quan đến việc ảnh ghép”, Eduard de Kam, chuyên gia ảnh số tại Viện Ảnh số Hà Lan (Nederlands Instituut voor Digitale Fotografie - NIDF) cho biết.
Tổ chức ảnh báo chí thế giới hàng năm tổ chức trao giải ảnh báo chí thế giới. Tác giả bức ảnh Paul Hansen, phủ nhận việc ghép các bức ảnh, đã mô tả chi tiết các kỹ thuật xử lý cho ban giám khảo trước khi nhận giải thưởng vinh dự này.
Mai Nguyễn