Những ngày đàng tác nghiệp
Đến nay, tôi đã làm việc ở Báo Thanh Niên 20 năm. Nhờ làm báo tôi có dịp đi công tác đến 20 nước trên thế giới, có những quốc gia tôi đến hai, ba lần. Mỗi khi đặt chân đến miền đất lạ, đều mang đến cho tôi những cung bậc cảm xúc khác nhau.
Kẻ đứng đường ở Florence
Đó là lần đầu tôi đặt chân đến châu Âu, Ý là quốc gia đầu tiên. Có nhiều kỷ niệm cho chuyến đi này. Mục đích của chuyến công tác là tham gia vào đoàn rước đuốc Thế vận hội mùa đông Torino 2006. Đoàn Việt Nam có 6 người: 2 sinh viên, ca sĩ Lam Trường, 2 nhà báo và 1 đại diện của Công ty Samsung Vina (đơn vị tổ chức chuyến đi). Ngày 14.12.2005, theo phân công của bộ phận phụ trách báo chí, tôi được xe chở đến một điểm định sẵn để săn ảnh 2 sinh viên Việt Nam trao lửa Olympic cho nhau trên một đoạn đường ở ngoại ô Florence. Chuyện tác nghiệp sau đó diễn ra tốt đẹp. Nhưng câu chuyện tôi muốn nói là trước đó, trong lúc đứng bơ vơ trên vỉa hè chờ đoàn rước đuốc đến, có cả thảy 3 người Ý bản xứ lần lượt dừng xe hơi lại hỏi tôi có muốn… đi quá giang không! Lúc đầu hơi ngỡ ngàng, nhưng sau đó tôi chợt hiểu ra và giải thích với họ rằng tôi là nhà báo, đứng đây chờ bạn, rồi không quên nói lời cảm ơn họ. Tôi không biết tiếng Ý, chỉ có thể giao tiếp với họ bằng tiếng Anh. Ở Ý người ta nói tiếng Anh khá phổ biến. Lúc sau, có một phụ nữ trung niên chở 2 đứa con nhỏ dừng ô tô ngay chỗ tôi đứng, chìa ra một tờ giấy có ghi địa chỉ rồi nhờ… chỉ đường! Trời đất, tôi có biết đường sá ở đây đâu mà chỉ. Tôi giải thích với chị ta rằng mình là khách du lịch ở Việt Nam sang, rất lấy làm tiếc là không thể giúp được gì trong chuyện tìm địa chỉ. Như hiểu ra là đang tiếp xúc với một gã không phải người Ý bản xứ, chị ta mỉm cười và nói cảm ơn rồi đánh xe đi mất.
Tác giả (đứng giữa) với 2 sinh viên VN tham gia rước đuốc Olympic Torino 2006 ở Italia. - Ảnh: Thanh Vân. |
Sau này tôi mới hiểu ra tại sao có nhiều người lái xe quan tâm đến một một kẻ lạ hoắc như tôi đứng trên vỉa hè nơi phố vắng. Một là, họ hiếu khách, muốn giúp người lỡ đường; Hai là, họ không muốn tôi bị… chết cóng vì lúc ấy đang là mùa đông, mà mùa đông ở châu Âu thì lạnh khủng khiếp. Giúp người lỡ đường, bơ vơ là văn hóa của người châu Âu nói chung. Nói đến văn hóa sống không thể không đề cập đến một vấn đề “nhạy cảm” và bức xúc: đi vệ sinh.
Ở Việt Nam, nếu đang ở trong nhà hàng, tiệm ăn, quán nhậu, tiệm cà phê… thì việc sử dụng cái toilet là chuyện bình thường, vì bạn là khách. Nhưng nếu không phải thực khách, bạn sẽ khó lòng xin đi nhờ cái toilet của họ. Vậy là phải nhanh chóng tìm cái toilet công cộng. Nhưng nếu chỗ ấy không có toilet công cộng thì sao, trong khi chuyện “giải tỏa bầu tâm sự” khẩn cấp lắm rồi? Nếu di chuyển trên bất cứ quốc lộ hay tỉnh lộ nào ở nước ta, thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp có một chiếc ô tô, xe máy dừng lại ven đường rồi người ta bước xuống xếp hàng ngang “tè” xuống ruộng một cách sảng khoái, bất chấp người qua kẻ lại. Nói đến vấn đề này tôi có một nỗi sầu lúc đi công tác bên nước Mỹ.
Xuống phi trường Los Angeles (bang California), chiếc xe hơi chở chúng tôi trực chỉ Las Vegas (bang Nevada). Xe chạy miệt mài 2 tiếng đồng hồ thì bỗng dưng chúng tôi muốn “trút bầu tâm sự” vì trước đó có uống bia trong bữa cơm trưa. Thì có gì khó đâu, chỉ cần tấp xe vào lề giữa hoang mạc mênh mông không bóng người… Thế nhưng anh chàng hướng dẫn viên dứt khoát: “không được! ” rồi giải thích người ta cấm tè bậy trên quốc lộ, cho dù chỗ ấy là đồng không mông quạnh, nếu bị cảnh sát bắt gặp sẽ rắc rối to. Khoảng 15 phút sau, chiếc xe dừng ở một mini mart (tiệm tạp hóa), mọi người xuống xe đi thẳng vào toilet, rồi lên xe tiếp tục hành trình mà không cần mua bất cứ món gì. Chủ tiệm cũng chẳng thèm để ý đến đám khách lạ đến vội vàng, đi vội vã. Không riêng gì nước Mỹ, ở châu Âu người ta cũng sẵn sàng cho bạn đi vệ sinh miễn phí. Còn nếu muốn tìm cảm giác “chơi sang”, bạn có thể bước vào toilet VIP với giá 2 euro/lần (khoảng 55.000 đồng). Tôi đã thử một lần vào toilet VIP ở thủ đô Amsterdam của Hà Lan. Hầu hết các thành phố lớn ở châu Âu đều có dịch vụ này.
Nói đến toilet công cộng, ấn tượng nhất với tôi là nước Đức. Trên các xa lộ nước Đức, người ta thiết lập khá nhiều toilet với khoảng cách 10 km/cái. Trong các toilet ấy rất sạch sẻ, có một tủ giấy vệ sinh hàng trăm cuộn, không có người “canh chừng” như ở ta và dĩ nhiên hoàn toàn miễn phí. Trên cửa toilet có một bảng ghi dòng chữ: “Nhà vệ sinh kế tiếp cách đây 10 km”. Cũng nên biết điều này, trên các xa lộ châu Âu, xe có thể chạy với vận tốc từ 100-150 km/giờ, do đó 10 km chả là vấn đề gì. 10 km ở Việt Nam mới là vấn đề, bi kịch và đau khổ hơn nhiều. Cứ theo giờ ấn định, một tổ nhân viên sẽ đến dọn dẹp cũng như bổ sung thêm giấy vệ sinh cho hệ thống toilet này.
Thất lạc hành lý
Trong ngành hàng không dân dụng trên thế giới, chuyện thất lạc hành lý xảy ra như cơm bữa, tôi cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Số là tôi đáp chuyến bay của hãng Air France từ Milan (Ý) qua Paris (Pháp). Sau khi làm thủ tục hải quan, tôi tá hỏa vì 2 cái va li của mình không có ở nơi qui định trả hành lý trong phi trường Charles de Gaulle. Có thêm 2 hành khách nữa cùng chuyến bay cũng rơi vào hoàn cảnh như tôi. Phi trường này rộng như một thành phố và chuyện thất lạc hành lý thuộc vào hàng số 1 thế giới. Dĩ nhiên tôi phải đến khai báo ở bộ phận khiếu nại. Sau khi làm thủ tục khai báo thất lạc và cho số điện thoại liên lạc của người thân ở Paris (cháu Quỳnh Anh, ái nữ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, lúc ấy đang du học ở Pháp, hiện đang làm việc cho Nhà xuất bản Trẻ), tôi được người ta tặng cho một túi xách nhỏ có vài món như bàn chải đánh răng, kem đánh răng, áo thun, khăn tắm, dao cạo râu, dầu gội đầu, xà phòng… để gọi là “cầm cự” trong thời gian chờ nhận lại hành lý, cùng một tờ khai đề nghị Air France bồi thường thiệt hại.
Tôi lưu trú ở Paris 3 ngày. Đến tối ngày thứ 3, trong lúc hai chú cháu đang ăn cháo lòng ở quận 13 Paris, điện thoại của Quỳnh Anh vang lên và Air France thông báo tin vui là đã tìm được hành lý của tôi. Ngay sau đó, một chiếc xe hơi từ phi trường chở 2 cái va li đến tận quận 13 trả lại cho khổ chủ. Người đại diện nói lời xin lỗi và không quên hỏi tôi có muốn yêu cầu Air France bồi thường thiệt hại không, họ sẽ đáp ứng. Nhận được hành lý tôi “mừng hết lớn”, nói với họ là không cần bồi thường thiệt hại mặc dù trước đó tôi buộc phải mua một số quần áo mới để chống chọi với cái lạnh của mùa đông châu Âu. Điều đáng lưu tâm là sau 3 ngày lưu lạc, 2 cái va li của tôi không mất mát bất cứ món gì.
Khi đến Mỹ và Úc - hai nước có đông đảo Việt kiều sinh sống - tôi luôn sắp xếp thời gian để “mắt thấy tai nghe” đồng bào của mình sinh hoạt ra sao trên đất khách. Thế nhưng hướng dẫn viên khuyến cáo với tôi rằng đừng bao giờ hé răng ra nói mình là nhà báo ở Việt Nam sang. Tại sao? Vì có một bộ phận Việt kiều ở hải ngoại vẫn còn “ác cảm” với “phóng viên Việt cộng” bất kể người đó làm việc cho báo, đài nào, thậm chí có khả năng xảy ra manh động. Khu Little Saigon thuộc Quận Cam (Orange County) ở bang Califonia của nước Mỹ và Khu Sài Gòn (Saigon Place) ở Cabramatta, ngoại ô thành phố Sydney bên nước Úc là 2 vùng đất tập trung đông đảo bà con Việt kiều cư trú. Lúc đến 2 nơi này, tôi nói mình là khách du lịch. Thế nhưng tùy đối tượng tiếp xúc, tôi không ngần ngại nói mình là phóng viên Báo Thanh Niên ở Việt Nam sang. Kết quả thật bất ngờ: kiều bào chẳng manh động gì cả, sẵn sàng trả lời phỏng vấn và còn thú thật thường xuyên lên online đọc VietNamNet, VnExpress, Thanh Niên, Tuổi Trẻ…
Không riêng gì Mỹ và Úc, khi có dịp ra nước ngoài tôi đều tìm đến khu người Việt vì nhiều lý do. Ngoài chuyện tìm đề tài để viết báo, đến khu người Việt còn vì chuyện ẩm thực. Ở đó bạn sẽ được thưởng thức những món ăn đậm đà hương vị quê nhà, sau nhiều ngày “khổ sở” bởi món Tây không hạp khẩu vị. Và cũng vì khi đến đây, bạn tha hồ giao tiếp bằng tiếng Việt, dần quên đi cảm giác xa nhà. Tin tôi đi, cái hố ngăn cách và sự định kiến của một bộ phận bà con Việt kiều với “phóng viên Việt cộng” ngày nay đã khác. Nó diễn tiến theo một chiều hướng thân thiện hơn nhiều so với trước và hãy mạnh dạn tự giới thiệu với bà con rằng: “Tôi là nhà báo”.
Đào Xuân Hải
Tạp chí Người làm báo