Phần mềm nguồn mở không còn là câu chuyện của nước khác
(ICTPress) - “Năm 2013 nổi lên vai trò của Chính phủ trong việc đi đầu ứng dụng phần mềm nguồn mở (PMNM) với 35,1% ứng dụng do Chính phủ hỗ trợ (15% y tế, 9% tài chính). Hơn 2.000 dự án, nhiều hoạt động trong lĩnh vực y tế trong nhiều mảng khác nhau sử dụng PMNM”.
Hội thảo "Ứng dụng và Phát triển PMNM" được tổ chức hôm nay 26/4 tại đầu cầu Hà Nội và Đà Nẵng |
Ông Nguyễn Thế Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Đà Nẵng cho biết về kết quả khảo sát hàng năm do BlackDuck và North Bridge thực hiện về hiện trạng ngành PMNM và phân tích các xu hướng tương lai được sự hỗ trợ của 30 công ty dẫn đầu ngành PMNM và các tổ chức cộng tác với sự tham gia mở của toàn bộ cộng đồng nguồn mở.
Năm 2012 số người tham gia khảo sát này đã tăng gấp đôi là 822 người so với năm 2011 là hơn 400 người, trong đó 42% từ các nhà cung cấp giải pháp, còn lại là 58% người sử dụng gồm cả các CIO, CEO...
Các yếu tố để đưa ra quyết định ứng dụng PMNM theo khảo sát cho biết là chất lượng, bảo mật, chi phí, khả năng nâng cao năng lực kỹ thuật trong nội bộ. Như vậy, đã có sự đột phá - PMNM được thừa nhận bởi chất lượng.
Một sự thay đổi quan trọng nữa là năm 2013 có 62% người trả lời khảo sát cho biết 5 năm tới sẽ mua khoảng 50% PMNM để sử dụng, trong khi đó năm 2009, con số này chỉ có 26%. PMNM có sự chuyển mình rất lớn do sự sáng tạo vì khi môi trường mở cho phép giao diện mở để có thể tích hợp, cùng làm việc với nhau (28% cho biết sẽ dùng trong 2 tháng tới, chỉ 8% không sử dụng giao diện mở).
Khảo sát về sự cộng tác giữa các đối thủ cạnh tranh cũng cho thấy một sự thay đổi lớn 57% những người được khảo sát nói công ty sẽ cộng tác với đối thủ cạnh tranh để làm PMNM xảy ra ở các lĩnh vực quan trọng. Ví dụ hàng không có quỹ nguồn mở với sự tham gia của nhiều đơn vị cạnh tranh; Tài chính cũng có quỹ để xây dựng PMNM;…
Những chiều hướng sẽ quan trọng đối với PMNM theo khảo sát này sáng tạo, tri thức và học thuật hàn lâm; đưa PMNM vào những lĩnh vực không liên quan đến kỹ thuật.
North Bridge cũng cho biết năm 2012 có sự đột phá về số tiền đầu tư cho PMNM là 553 triệu USD, số khoản đầu tư giảm nhưng số lượng tiền của mỗi khoản lại tăng thêm. Đã qua giai đoan làm rộng, bắt đầu đi sâu. Trung bình 15 triệu USD/khoản chứ không còn 1 vài trăm nghìn hoặc vài triệu USD như trước.
PMNM đang xâm chiếm thế giới phần mềm dựa trên những chức năng rất cạnh tranh, dựa trên chất lượng của PMNM, và vì vấn đề an ninh bảo mật.
Các nhà cung cấp có cơ hội tăng doanh thu với mô hình mới, thu hút đầu tư phát triển PMNM. Người sử dụng cũng nhìn thấy sự tăng trưởng từ các vùng kỹ thuật như ô tô, y tế, tài chính,…
Tại Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT cho biết Việt Nam là một số ít trong các nước sớm có chính sách PMNM.
Ngày 3/4/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 50/2009/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý Chương trình CNPM&NDS cùng với Chỉ thị 07/2008/CT-BTTTT của Bộ TT&TT đã tạo ra sự thay đổi lớn cho PMNM: Với sự hỗ trợ kinh phí từ Trung ương, cùng với sự nỗ lực của địa phương, kết quả ứng dụng PMNM đã có chuyển biến rõ rệt: Nâng cao nhận thức, Tạo nguồn nhân lực, Ứng dụng thông dụng trên máy trạm, Ứng dụng các giải pháp PMNM trên máy chủ.
Hầu hết các địa phương đều sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ từ Ngân sách trung ương để tổ chức đào tạo sử dụng PMNM. Tổng số 7.356 lượt người được đào tạo, điển hình: Ninh Thuận có 1200 lượt người, Lai Châu là 1180, Bắc Giang 698, Cần Thơ 400, Trà Vinh 375, Long An: 360.
Cài đặt PMNM tính đến 2011 có 21/46 địa phương đã OpenOffice và Ubuntu tại ít nhất 1 đơn vị, điển hình: Bắc Giang 16 đơn vị, 50% máy tính tại UBND tỉnh; Đồng Nai: 48 đơn vị, 51/240 máy chủ cài đặt PMNM, 2917/5120 máy trạm đã cài đặt PMNM… Một số điển hình về ứng dụng PMNM như: Bắc Giang, Quảng Nam, TP. HCM, Đà Nẵng, Bình Định, Vĩnh Long, Yên Bái…
Đánh giá về hiện trạng ứng dụng PMNM, ông Nguyễn Thanh Tuyên cho biết nhận thức về PMNM đã được nâng lên một bước, không phải là câu chuyện của nước khác.
Bên cạnh đó, trước sự quan tâm của thị trường CQNN, PMNM và các dịch vụ đi kèm cũng được phát triển mạnh hơn: Sản phẩm tốt hơn, dễ sử dụng hơn, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ PMNM ngày càng nhiều hơn, mạnh hơn. Cộng đồng hỗ trợ PMNM lớn mạnh, đặc biệt với sự thành lập và phát triển ngày càng mở rộng của Câu lạc bộ phần mềm tự do nguồn mở VFOSSA.
Đặc biệt trong năm 2012, Bộ TT&TT đã phối hợp với một số địa phương trong cả nước triển khai thành công dự án “Hỗ trợ địa phương xây dựng, hoàn thiện một số sản phẩm PMNM theo Quyết định số 11/QĐ-TTg ngày 20/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ”. Theo đó, 7 sản phẩm PMNM thông dụng, có khả năng triển khai nhân rộng trong các CQNN đã được phát triển, xây dựng và cài đặt vận hành tại một số địa phương như "Phần mềm cổng thông tin điện tử nguồn mở; Phần mềm thư điện tử đa cấp nguồn mở; Phần mềm thư điện tử cấp tỉnh nguồn mở; Phần mềm quản lý văn bản và điều hành nguồn mở cho các sở, ngành; Phần mềm quản lý văn bản và điều hành nguồn mở cho các quận, huyện; Phần mềm một cửa điện tử nguồn mở cho các sở, ngành; Phần mềm một cửa điện tử nguồn mở cho các quận, huyện. Điều này một lần nữa khẳng định những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Bộ TT&TT về mặt chủ trương kết hợp các nguồn lực trong xã hội nhằm thúc đẩy ứng dụng và phát triển PMNM.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đánh giá việc ứng dụng PMNM tại Hội thảo trực tuyến ứng dụng và phát triển PMNM 2013 được Bộ TT&TT và UBND TP. Đà Nẵng tổ chức sáng nay 26/4 tại Hà Nội cho biết mặc dù đầu tư Nhà nước còn khiêm tốn, với nỗ lực của nhiều địa phương và bộ, ngành, trong 2 năm qua, PMNM đã từng bước trở thành quen thuộc, được sử dụng ngày một nhiều hơn trong các công tác quản lý nhà nước ở các địa phương, đặc biệt là cả những địa phương nghèo. Một số doanh nghiệp cũng đã lựa chọn PMNM như là một hướng phát triển mới.
“Những kết quả đạt được là rất đáng khích lệ tuy vẫn còn những hạn chế, tồn tại, khó khăn cần được xem xét, tìm giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác, ứng dụng phát triển PMNM trong thời gian tới”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đề nghị.
Hiện nay, việc ứng dụng và phát triển PMNM đang diễn ra rất mạnh mẽ và đang là một xu thế ứng dụng phần mềm trên thế giới, đặc biệt là trong các cơ quan, tổ chức nhà nước bởi các nhu cầu chủ yếu như: tiết giảm chi phí cho quản lý cũng như SXKD, đồng thời chủ động trong việc sở hữu bản quyền phần mềm, quan trọng hơn là việc tăng cường bảo đảm các vấn đề an toàn an ninh thông tin trong bối cảnh hiện nay. Hơn nữa, việc đẩy mạnh PMNM sẽ góp phần nâng cao tính chủ động và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực CNTT và đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp CNTT.
HM