Phần mềm mã nguồn mở trong các CQNN Việt Nam: Hiện trạng ứng dụng và định hướng phát triển

1. Mở đầu

Xuất phát từ khoảng đầu thập niên 1980, tới nay, phần mềm nguồn mở (PMNM) đã trở nên phổ biến. PMNM mở là những phần mềm được cung cấp dưới cả dạng mã dịch và mã nguồn, không chỉ miễn phí về giá mua và còn miễn phí về bản quyền trên cơ sở giấy phép nguồn mở. Do có mã nguồn của phần mềm và có quy định về giấy phép PMNM, người sử dụng có quyền sửa đổi, cải tiến, phát triển và nâng cấp theo một số nguyên tắc chung đã được quy định mà không cần phải xin phép ai. Điều mà trước đây họ không được làm với các phần mềm nguồn đóng (phần mềm thương mại).

PMNM có khá nhiều ưu thế nổi bật như (1) an toàn thông tin, (2) giảm thời gian phát triển phần mềm, cải thiện chất lượng và (3) giảm chi phí sở hữu phần mềm, giảm thiểu các vi phạm bản quyền. Hơn nữa, không giống phần mềm nguồn đóng, phần mềm nguồn mở cung cấp mã nguồn. Dựa vào đó, các tổ chức có thể tùy biến để có những tính năng đáp ứng được các nhu cầu đăc biệt trong tổ chức của mình. Do nhiều ưu điểm như vậy, việc ứng dụng và phát triển PMNM đã và đang trở thành một xu thế trên thế giới, đặc biệt trong khu vực công nơi an ninh thông tin được coi trọng hàng đầu.

Bài viết sẽ tóm tắt tình hình ứng dụng PMNM trong khu vực công trên thế giới, sau đó khảo sát tình hình ứng dụng trong các cơ quan nhà nước tại Việt Nam. Bài viết cũng sẽ phân tích nguyên nhân của tình trạng ứng dụng còn thấp ở Việt Nam cũng như đề xuất hướng xây dựng chính sách để thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng PMNM tại nước ta.

2. Tình hình PMNM trong các cơ quan nhà nước (CQNN) trên thế giới

Trên thế giới, nhiều chính phủ đã quyết định chuyển sang sử dụng PMNM vì lý do an ninh. Chính phủ Hoa Kỳ có tới 90% máy chủ tên miền, 70% máy chủ thư tín điện tử và 60% máy chủ web đã sử dụng PMNM. Tại Pháp, Bộ Văn hóa đã chuyển 400 máy chủ sang Linux, Tổng cục Thuế quốc gia Pháp cũng đã chuyển 950 máy chủ sang hệ điều hành nguồn mở. Chính phủ Đức đã cấm dùng các sản phẩm Microsoft trong các hệ thống máy tính “nhạy cảm” và lựa chọn bộ tiêu chuẩn mở trong việc xây dựng Chính phủ điện tử. Ở Canada, sau các sự kiện tin tặc tấn công hồi tháng 1/2011vào Bộ Tài chính, Kho bạc và Bộ Phát triển và Nghiên cứu Phòng vệ, Chính phủ Canada quyết định bỏ Windows để chuyển sang một mạng an ninh tốt hơn dựa vào Linux. Như vậy, PMNM đã trở thành một lựa chọn hàng đầu cho chính phủ nhiều nước.

Để hỗ trợ việc phát triển và ứng dụng PMNM, nhiều tổ chức, hội, hiệp hội, liên minh PMNM trên thế giới đã được thành lập như Asianux của châu Á, Free Software Foundation Europe của châu Âu, GNOME Foundation, Open Source for America tại Mỹ, Open Embedded Software Foundation của Nhật Bản. Ở Việt Nam, đã hình thành một số cộng đồng PMNM như SaigonLUG, Fedora VN, HueLUG, MekongLUG. Những cộng đồng này đã cùng nhau hình thành Câu lạc bộ Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam (Vietnam Free & Open Source Software Association - viết tắt là VFOSSA) trực thuộc Hội Tin học Việt Nam  vào tháng 11 năm ngoái. Cũng xuất hiện nhiều doanh nghiệp CNTT Việt Nam chuyên phát triển và cung cấp giải pháp PMNM.  Đây là cơ sở để đẩy mạnh ứng dụng và phát triển PMNM tại Việt Nam trong thời gian tới.

3. Tình hình PMNM trong các CQNN tại Việt Nam

3.1. Chính sách và chiến lược ứng dụng PMNM

Việt Nam là một trong số ít nước sớm có chính sách ứng dụng và phát triển PMNM ở quy mô quốc gia. Ngay từ năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 235/2004/QĐ-TTg phê duyệt Dự án tổng thể về Ứng dụng và phát triển PMNM ở Việt Nam giai đoạn 2004-2008 đặt những nền móng ban đầu quan trọng trong việc đưa PMNM vào hoạt động của cơ quan nhà nước, góp phần làm chủ công nghệ và giảm dần gánh nặng mua sắm bản quyền phần mềm. Quyết định số 50/2009/QĐ-TTg ngày 3/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Quy chế quản lý Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm và Chương trình phát triển công nghiệp nội dung số Việt Nam” đã vạch ra nhiệm vụ thúc đẩy phát triển PMNM tại các địa phương thông qua các hoạt động hỗ trợ đào tạo cán bộ sử dụng PMNM và hỗ trợ đánh giá phần mềm nguồn mở đáp ứng được yêu cầu để khuyến cáo sử dụng. Thực hiện các quyết định của Thủ tướng, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), cơ quan quản lý nhà nước về CNTT, đã ban hành một số chính sách nhằm định hướng và thúc đẩy ứng dụng và phát triển PMNM tại các bộ, ngành, địa phương, điển hình như Chỉ thị số 07/2008/CT-BTTTT ngày 30/12/2008 về thúc đẩy sử dụng PMNM trong hoạt động của CQNN; Thông tư số 41/2009/TT-BTTTT ngày 30/12/2009 ban hành danh mục 13 sản phẩm PMNM đáp ứng được yêu cầu sử dụng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước; Thông tư 19/2011/TT-BTTTT về quy định áp dụng tiêu chuẩn định dạng tài liệu mở trong CQNN nhằm thúc đẩy việc ứng dụng bộ phần mềm văn phòng nguồn mở OpenOffice.

3.2. Kết quả ứng dụng PMNM

Đào tạo bồi dưỡng sử dụng PMNM

Nhân lực là yếu tố quan trọng hàng đầu trong ứng dụng PMNM. Vì vậy, đa số các địa phương đã tổ chức đào tạo sử dụng PMNM, chủ yếu là hướng dẫn sử dụng OpenOffice, một số đào tạo sử dụng hệ điều hành Ubuntu và các phần mềm tiện ích thông dụng khác như bộ gõ tiếng Việt Unikey, trình duyệt web Mozilla Firefox, phần mềm thư điện tử máy trạm Mozilla Thunderbird, bộ từ điển Startdict, phần mềm nén và giải nén 7-zip. Đối tượng tham gia đào tạo là cán bộ công chức các đơn vị chuyên trách về CNTT, cán bộ công chức các sở, ban, ngành và một số cán bộ chuyên trách CNTT các hội, hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn. Tổng số lượt người được đào tạo (tính riêng năm 2010) theo báo cáo của 46 địa phương được khảo sát là 7.356 lượt người, trong đó chủ yếu là đào tạo sử dụng các phần mềm nguồn mở thông dụng (chiếm khoảng 95%).

Công tác cài đặt chuyển đổi

Có 45,6% địa phương được khảo sát đã triển khai cài đặt bộ phần mềm văn phòng OpenOffice và hệ điều hành Ubuntu tại ít nhất một đơn vị trên địa bàn. Hàng trăm cơ quan đã cài đặt PMNM (bao gồm cả cài đặt hệ điều hành nguồn mở và cài đặt các ứng dụng PMNM trên nền hệ điều hành Windows).

Ứng dụng các giải pháp nguồn mở trên máy chủ

Một hai năm gần đây đánh dấu một xu hướng mới tại các địa phương về ứng dụng PMNM là ứng dụng giải pháp trên máy chủ. Nhiều địa phương đã chủ động nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp nguồn mở trên máy chủ khi triển khai các hệ thống CNTT. Chẳng hạn tại Bắc Giang, 16 CQNN trên địa bàn sử dụng trang thông tin điện tử được xây dựng trên nền nguồn mở Joomla; 02 huyện, 03 sở sử dụng phần mềm một cửa điện tử xây dựng trên nền nguồn mở Drupal. Tại Quảng Nam, 90% trang thông tin điện tử của các đơn vị thuộc tỉnh được xây dựng trên nền nguồn mở như Joomla, Mambo, PhpNuke, DotnetNuke... Một số phần mềm như một cửa điện tử, trường học điện tử... cũng được tỉnh cho phát triển trên nền nguồn mở. TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng và triển khai phần mềm cổng thông tin điện tử nguồn mở tại 27 đơn vị sở, ban ngành; phần mềm quản lý văn bản - hồ sơ công việc đã triển khai tại 14 đơn vị sở, ngành; phát triển phần mềm lõi cấp phép nguồn mở. TP. Đà Nẵng, trong khuôn khổ Dự án Phát triển CNTT-TT Việt Nam do Bộ TT&TT chủ trì với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới, đang triển khai xây dựng khung chính quyền điện tử trên nền nguồn mở.

Về nghiên cứu, khảo sát hiện trạng ứng dụng PMNM

Có 26% địa phương tổ chức nghiên cứu khảo sát và đánh giá hiện trạng, xu hướng ứng dụng phần mềm nguồn mở trên địa bàn của mình. Nhìn chung, tình hình triển khai ứng dụng PMNM tại các địa phương tiến bộ rõ rệt qua các năm, trong khi kinh phí đầu tư bỏ ra khá thấp so với chi phí mua bản quyền phần mềm thương mại nguồn đóng trước đó. Kinh phí đầu tư cho PMNM năm 2010 chỉ vào khoảng 16 tỷ đồng là một khoản rất nhỏ so với chi phí  để mua bản quyền phần mềm văn phòng thương mại như Microsoft Office. Qua đó để thấy được, với nguồn kinh phí khá hạn hẹp, kết quả đạt được trong việc ứng dụng và phát triển PMNM của các địa phương rất đáng khích lệ và cần tiếp tục được phát huy mạnh trong thời gian tới.

4. Khó khăn trong việc triển khai ứng dụng PMNM trong cơ quan nhà nước

Mặc dù đã có những kết quả ứng dụng PMNM bước đầu, mức độ áp dụng PMNM tại các CQNN Việt Nam vẫn còn hạn chế. Có thể tóm lược một số khó khăn chính đối với công tác ứng dụng và phát triển PMNM như sau.

Lãnh đạo thiếu quyết tâm

Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thiếu quyết tâm dẫn đến thiếu kinh phí cho triển khai PNNM. Việc quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm bản quyền trong CQNN kém hiệu quả. Vẫn còn những trường hợp sử dụng phầm mềm thương mại không có bản quyền và coi việc sử dụng những phần mềm không bản quyền này là việc đương nhiên và không chịu sức ép. Các cơ quan cũng chưa đưa ra quy định, chế tài, cơ chế khuyến khích sử dụng nguồn mở. Đối với người dùng, do chưa có chế tài bắt buộc sử dụng phần mềm văn phòng nguồn mở trong công việc nên cán bộ công chức chưa có ý thức chủ động trong việc sử dụng.

Thói quen của người sử dụng khó thay đổi

Một trong những khó khăn cơ bản và khó khắc phục nhất là thói quen của người sử dụng và vấn đề phổ cập PMNM trong ngành giáo dục, trong xã hội, cộng đồng. Cán bộ công chức, viên chức nhà nước đã “nghiện” và “thích dùng chùa” phần mềm. Nguyên nhân là do hầu hết cán bộ công chức nhà nước từ lúc học trong các cấp học từ phổ thông tới đại học đều sử dụng các phần mềm hệ điều hành và văn phòng thương mại nguồn đóng nên việc sử dụng hệ điều hành nguồn mở và phần mềm văn phòng nguồn mở Open Office gặp khó khăn do thói quen và sự khác biệt trong việc sử dụng các phần mềm là khá rõ rệt.

Nhân lực ứng dụng hiện tại trong cơ quan nhà nước thiếu và yếu

Việc triển khai các phần mềm nguồn mở thông dụng gặp khó khăn do đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong các cơ quan nhà nước hầu như chưa được đào tạo chuyên sâu về PMNM. Đặc biệt, cán bộ kỹ thuật tại các cơ quan nhà nước cấp huyện, xã còn thiếu về số lượng, yếu về năng lực để nhận chuyển giao các phần mềm nguồn mở thông dụng như OpenOffice, Ubuntu,... hoặc để hỗ trợ các cán bộ công chức khác sử dụng các phần mềm này. Việc triển khai các giải pháp nguồn mở trên máy chủ hoặc các ứng dụng nghiệp vụ nguồn mở gặp khó khăn do năng lực cán bộ kỹ thuật tại các đơn vị chuyên trách về CNTT các bộ, địa phương còn khá hạn chế, đặc biệt là hạn chế trong việc lập trình, triển khai hệ thống CNTT trên nền nguồn mở. Đối với ứng dụng các phần mềm nguồn mở thông dụng như OpenOffice, Ubuntu, ... mặc dù không quá khó nhưng vẫn gặp những trở ngại do cán bộ công chức hầu như chưa từng được đào tạo sử dụng các phần mềm này.

Sản phẩm, tài liệu và dịch vụ PMNM chưa thuận tiện cho việc sử dụng

Sản phẩm PMNM về cơ bản là đa đạng, đáp ứng hầu hết yêu cầu sử dụng của cộng đồng. Tuy vậy, sản phẩm PMNM cũng còn một số hạn chế như thường có nhiều phiên bản, nhiều dòng khác nhau nên thường tản mạn và gây khó khăn cho người sử dụng trong việc lựa chọn, nâng cấp sử dụng. Bên cạnh đó, một số ứng dụng đặc thù chuyên ngành sử dụng trong CQNN ít khi được xây dựng trên nền nguồn mở mà hầu như đã được xây dựng trên nền các phần mềm thương mại nguồn đóng. Các tài liệu hướng dẫn sử dụng PMNM nhìn chung còn ít, chưa đa dạng, chưa được thẩm định nội dung mặc dù cũng đã có trên Internet, trên các diễn đàn về sản phẩm. Thiếu tài liệu hướng dẫn sử dụng tiếng Việt về PMNM, đặc biệt là các phần mềm nguồn mở đã được khuyến nghị sử dụng trong cơ quan nhà nước. Đối với dịch vụ PMNM, cho dù đáp ứng yêu cầu mức độ cơ bản, tuy nhiên quy mô nhỏ, năng lực khá hạn chế. Hiện nay, các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ PMNM đã bước đầu hình thành và hoạt động khá tốt, tuy quy mô còn nhỏ, năng lực chưa cao, khả năng hỗ trợ phạm vi rộng (cả nước) còn hạn chế. Bên cạnh đó, còn thiếu các trung tâm cung cấp dịch vụ hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật, đào tạo, nghiên cứu về PMNM.

Khó khăn về tài chính

Mặc dù PMNM là phần mềm miễn phí về mặt bản quyền nhưng để triển khai áp dụng vẫn đỏi hỏi các chi phí nhất định để thực hiện các công tác như đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, bản địa hóa, tùy chỉnh cho phù hợp yêu cầu. Việc thiếu kinh phí cho ứng dụng và phát triển PMNM là một khó khăn thách thức chủ yếu khiến cho PMNM chưa được sử dụng rộng rãi trong các cơ quan nhà nước. Trong thời gian qua, ngân sách Trung ương hỗ trợ bộ, ngành và địa phương chủ yếu cho hoạt động đào tạo. Tuy nhiên nguồn ngân sách này vừa ít và có xu hướng giảm dần trong khi ngân sách địa phương phần lớn là không đáng kể. Các cơ quan, tổ chức nhà nước, các cán bộ công chức chưa được giao trách nhiệm và gắn lợi ích khi sử dụng PMNM. Ngoài ra, vấn đề mua sắm sản phẩm trong nước và sản phẩm PMNM chưa được các bộ, ngành, địa phương quan tâm đúng mức.

5. Định hướng phát triển ứng dụng PMNM trong các CQNN tại Việt Nam

Để phát triển ứng dụng PMNM trong các CQNN cần tập trung vào tháo gỡ các khó khăn đã đề cập ở trên.

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường và thống nhất việc chỉ đạo trong các cấp lãnh đạo, thể hiện quyết tâm từ trung ương đến địa phương. Xây dựng chế tài thưởng phạt rõ ràng liên quan tới ứng dụng PMNM. Bộ TT&TT, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về CNTT, kiểm tra thực hiện, sơ kết, tổng kết, và đưa PMNM vào tiêu chí thi đua, có hình thức động viên khen thưởng phù hợp, đánh giá xếp hạng các bộ, ngành, địa phương về PMNM.

Thứ hai, để phá vỡ thói quen dùng chùa phần mềm không bản quyền, một mặt các cơ quan có thể sử dụng biện pháp cứng rắn như kiên quyết không mua bản quyền phần mềm thương mại với những phần mềm mở tương ứng khuyến nghị sử dụng trừ những trường hợp bất khả kháng. Đẩy mạnh việc thanh tra vi phạm bản quyền phần mềm. Mặt khác cần đẩy mạnh việc tuyên truyền rộng rãi trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và xã hội về việc sử dụng phần mềm hợp pháp trong đó chú trọng giải pháp sử dụng PMNM.

Thứ ba, cần xây dựng đội ngũ nhân lực phát triển và sử dụng PMNM đủ lớn về số lượng. Ngoài việc đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cần đưa nội dung PMNM trở thành một nội dung bắt buộc trong hoạt động đào tạo cán bộ công chức nhà nước cũng như trong công tác thi tuyển công chức nhà nước. Ngoài ra, để chuẩn bị nhân lực làm chủ được PMNM từ xã hội cần sớm đưa nội dung đào tạo và sử dụng PMNM trong hệ thống giáo dục, đào tạo từ cấp phổ thông đến đào tạo cao đẳng, đại học. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đẩy mạnh triển khai ứng dụng và đào tạo PMNM trong các cơ sở giáo dục, đặc biệt chú trọng giáo dục phổ thông về PMNM, biên soạn giáo trình tin học dựa trên các ứng dụng nguồn mở, đẩy mạnh hoạt động đào tạo và nghiên cứu về PMNM ở bậc đại học và sau đại học.

Thứ tư, để giải quyết vấn đề sản phẩm, tài liệu và dịch vụ, Bộ TT&TT nghiên cứu xây dựng trung tâm hỗ trợ PMNM cho vùng, quốc gia để hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ PMNM cho các đơn vị có nhu cầu. Thực hiện việt hóa một số sản phầm PMNM phục vụ công tác quản lý điều hành và cung cấp dịch vụ công của CQNN, phát triển sản phẩm PMNM cho một số ngành nghề.

Thứ năm, dành kinh phí đủ lớn từ ngân sách Trung ương cũng như ngân sách địa phương cho việc phát triển, hoàn thiện, thử nghiệm và triển khai sử dụng một số PMNM phổ dụng có thể triển khai nhân rộng trong phạm vi toàn quốc, đặc biệt các PMNM phục vụ cho việc xây dựng chính phủ điện tử nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và cung cấp dịch vụ công cho xã hội.

Trong khi các lợi ích từ việc ứng dụng PMNM đã rất rõ ràng, điều kiện ứng dụng PMNM đã đảm bảo hơn, vẫn có khá nhiều rào cản làm PMNM tại Việt Nam vẫn chưa đạt được mức phát triển tương xứng. Bài viết phân tích các khó khăn và đề xuất một số giải pháp được kỳ vọng sẽ giúp ích phát triển ứng dụng PMNM trước hết là trong các CQNN, và sau đó mở rộng ra là toàn bộ xã hội. Khi một xu hướng đã được định hình trên toàn thế giới, chúng ta cần khắc phục khó khăn để cùng.

 TS. Nguyễn Thanh Tuyên, TS. Đặng Thị Việt Đức

 Tài liệu tham khảo

[1] Vụ Công nghệ thông tin (2011), Báo cáo về đánh giá hiện trạng sử dụng phần mềm nguồn mở trong CQNN năm 2010, Bộ TT&TT, Hà Nội.

[2] Vụ Công nghệ thông tin (2012), Báo cáo về đánh giá hiện trạng sử dụng PMNM trong CQNN năm 2012. Bộ TT&TT, Hà Nội.

[3] Vụ Công nghệ thông tin (2012), Báo cáo về nội dung và kết quả Hội thảo PMNM trong CQNN, Bộ TT&TT, Hà Nội.

[4] VFOSSA (2012), Giới thiệu về VFOSSA. http://vfossa.vn/vi/about/.

[5] OESF (2012), About the Open Embedded Software Foundation. http://www.oesf.org/index.php?title=Main_Page

Tin nổi bật