Chấn động bê bối trốn thuế trên toàn cầu: Sức mạnh bom tấn của truyền thông
Những thông tin chấn động
Nghiệp đoàn các nhà báo điều tra quốc tế (International Consortium of Investigative Journalists - ICIJ có trụ sở tại Washington) đã chủ trì thực hiện chiến dịch điều tra Offshore Leaks lật tẩy một mạng lưới khổng lồ các công ty bình phong ở Anh và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Kết quả điều tra bước đầu vừa được Guardian và ICIJ công bố đã khiến cả thế giới tài chính bàng hoàng. Báo cáo của ICIJ đã phanh phui bí mật của hơn 120.000 công ty bình phong của nhiều công ty và quỹ đầu tư, cũng như các tài khoản chui tại các “thiên đường thuế” của gần 130.000 cá nhân. Báo cáo điểm mặt những nhân vật “dính chàm”, từ nguyên thủ quốc gia cho đến các nhà tài phiệt trên khắp thế giới. Các bác sĩ Mỹ, người Hy Lạp, giám đốc các doanh nghiệp Nga, giới tài phiệt chứng khoán Mỹ, tỉ phú Đông Âu, thân nhân của các lãnh tụ độc tài... đã tận dụng các cơ sở đặt tại nước ngoài với lý lịch chồng chéo để sở hữu biệt thự, du thuyền, tranh ảnh quý và nhiều loại tài sản khác mà chỉ phải chịu thuế đánh lên tài sản thấp và hoàn toàn được quyền giấu tên tuổi. Báo cáo nhận định rằng, mức thuế thấp và được phép giấu tên chủ sở hữu tài sản là hai “đặc quyền” mà người bình thường không bao giờ có được. ICIJ đã phát hiện một nhóm 28 giám đốc “rởm” đứng tên cùng lúc 21.000 công ty, trong đó đáng chú ý là có người trong nhóm này còn “điều hành” đến 4000 hãng ở các “thiên đường thuế”. Rất nhiều người “cho thuê” tên không hề có kiến thức liên quan đến ngành kinh tế, tài chính, thậm chí có trường hợp là người vô gia cư.
Tờ Guardian cho biết, số tiền của giới nhà giàu và quan chức “gửi gắm” dưới nhiều hình thức ở những “thiên đường thuế” lên đến 32.000 tỷ USD. Trong số đó, bước đầu đã xác định được rất nhiều nhân vật “cộm cán” như bà Maria Imedla Marcos Manotoc, con gái cả của cố Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, vợ của Phó thủ tướng Nga Igor Shuvalov….
Sự hợp tác chưa từng có trong lịch sử báo chí thế giới
Có thể nói, chiến dịch Offshore Leaks là lần “ra quân” rầm rộ nhất của báo chí thế giới trong cuộc tấn công vào thành trì khó chinh phục nhất “trốn thuế và rửa tiền”. Chiến dịch Offshore Leaks do ICIJ chủ trì có sự tham gia của 86 nhà báo đến từ 35 cơ quan truyền thông từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có những nhật báo đình đám như The Washington Post (Mỹ), The Guardian (Anh), Le Monde (Pháp), Le Soir (Bỉ), Asahi Shimbun (Nhật)... Ông Gerard Ryle, người đứng đầu ICIJ, cho biết Offshore Leaks được khởi đầy từ việc ICIJ nhận được một lá thư có kèm theo một ổ cứng chứa 2,5 triệu tập tin lưu trữ thông tin chi tiết về 120.000 chi nhánh ở nước ngoài của nhiều công ty, cũng như tư liệu của gần 130.000 cá nhân. Với tư cách là người đứng đầu ICIJ, ông Ryle bắt đầu huy động đội ngũ phóng viên trực thuộc hùng hậu có mặt ở khắp nơi trên thế giới để giúp ông khai thác “kho báu” thông tin nhạy cảm khổng lồ mà ông vừa nhận được. 86 phóng viên điều tra tại 46 nước được huy động để phân tích nguồn thông tin kể trên trong vòng 15 tháng. Với chủ trương sử dụng phương pháp công bố thông tin của WikiLeaks, ngày 5/4 vừa qua, ICIJ đã cho “rò rỉ “ lượng thông tin đầu tiên, lộ danh tính của hàng ngàn các tài khoản những người cực giàu vẫn giấu kín tên tuổi trên khắp thế giới, từ Tổng thống tới các nhà tài phiệt. ICIJ hứa hẹn sẽ tiếp tục tung ra báo cáo điều tra vào ngày 15/4 tới và sẽ còn công bố thêm vào cuối năm nay. “Chúng tôi tự tin rằng chúng tôi còn có rất nhiều thứ để công bố vì nguồn dữ liệu mà chúng tôi nhận được lớn khổng lồ và cần nhiều thời gian để hiểu rõ chúng”, Ryle cho hay
ICIJ vốn là một tổ chức phi chính phủ được thành lập vào năm 1997 nhằm tổ chức cho các phóng viên cùng hợp tác điều tra, phanh phui các vụ tham nhũng. Với việc kì công tạo nên một chiến dịch Offshore Leaks đình đám- một “cơn địa chấn” đối với hệ thống “tài chính đen” trên khắp thế giới- danh tiếng và vị thế của ICIJ được tăng lên đáng kể. Cao hơn thế rất nhiều, với những chiến dịch điều tra như Offshore Leaks, giới báo chí chân chính toàn cầu hoàn toàn có thể tự hào rằng họ đã, đang và sẽ góp phần tạo dựng một thế giới công bằng và văn minh hơn.
Nguyễn Hà
Báo Nhà báo và Công luận