Với nghề ảnh, phải có một chữ “think”(nghĩ)!

18 năm làm báo, là tay máy đã có thâm niên 10 năm công tác tại Hãng thông tấn Reuters, phóng viên ảnh Huy Khâm chia sẻ với báo Nhà báo và Công luận nhiều điều thú vị, mới mẻ về nghề nghiệp. Hiện nay, mỗi tháng trung bình anh có khoảng 200 bức ảnh được sử dụng trên thế giới, 10 năm làm việc cho Reuters có khoảng 2 vạn bức ảnh được sử dụng… Anh thực sự là một kho tàng kinh nghiệm về chụp ảnh báo chí.

Mục tiêu của chúng tôi là: đón mọi sự thay đổi

PV Huy Khâm

… Đó là câu khẳng định đầu tiên của anh khi bắt đầu cuộc trao đổi về ảnh báo chí, về những điểm nổi bật, đặc sắc trong môi trường làm việc, tiêu chí làm việc của phóng viên ảnh tại Reuters. Anh khẳng định thêm: dưới góc nhìn của một người phóng viên Việt Nam làm việc cho báo chí nước ngoài, ảnh báo chí cũng như các thể loại ảnh khác, luôn phải đảm bảo tiêu chí cơ bản của một bộ môn nghệ thuật đó là sự sáng tạo và kỹ thuật hoàn hảo. Tuy nhiên, tính báo chí không thể tách rời. Quan điểm của chúng tôi là, tôi có một bức ảnh đẹp, khi phát đi các nơi trên thế giới thì hãy quên chúng đi, tiếp tục nghĩ đến những tác phẩm tốt hơn nữa, đẹp hơn nữa. Thế giới thay đổi, nhu cầu thay đổi, mình phải thay đổi để đáp ứng nhanh nhất, hiệu quả nhất. Với hãng Reuters, một hãng kinh doanh, vì thế việc chúng tôi làm là tạo ra lợi nhuận. Hiểu một cách đơn giản là những sản phẩm chúng tôi làm ra càng nhiều người mua càng tốt. Tôi ghét những bức ảnh không phải trả tiền...

Những bức ảnh có thể bán cho toàn thế giới quả thực không dễ trong môi trường cạnh tranh, tôi tò mò về đề tài mà các anh lựa chọn?

Đúng như bạn nói. Chúng tôi luôn phải cố gắng có những bức ảnh chất lượng tốt nhất về kỹ thuật, xuất hiện nhanh nhất, đầy tính sáng tạo và có thể cạnh tranh với bất kỳ hãng thông tấn nào trên thế giới. Trước hết, sản phẩm mà chúng tôi có luôn đáp ứng tiêu chí: công bằng, khách quan, sự thật. Do đó, yếu tố quan tâm chính của chúng tôi chính là con người. Xung quanh con người sẽ là những vấn đề toàn cầu như: vấn đề chiến tranh, xung đột, thảm họa, dịch bệnh, bất ổn… Trong tác nghiệp, chúng tôi đi đến tận cùng sự việc, và thông điệp được chuyển tải phải có giá trị thúc đẩy sự tiến bộ.

80% thành công là nhờ lên kế hoạch

Tôi được biết, môi trường làm việc của các anh thực sự rất nghiêm khắc trong tác nghiệp cũng như đạo đức nghề nghiệp. Anh có thể chia sẻ thêm về điều này đối với phóng viên ảnh?

Tôi có thể nói với bạn rằng, nếu chúng tôi chỉnh sửa, chỉ một chi tiết nhỏ thôi, ngay lập tức tôi bị đuổi việc. Khách quan, công bằng, sự thật đó là tiêu chí của chúng tôi, tôi không bao giờ chỉnh sửa ảnh, kể cả về ánh sáng… Việc của chúng tôi là bán những bức ảnh một cách trung thực, khách hàng có quyền chỉnh sửa sau khi đã mua ảnh. Bạn nên biết, hàng năm sẽ có một số người trên khắp thế giới, những người không làm việc trong hãng Reuters đến kiểm tra, kiểm soát công việc của Reuters, để xem chúng tôi có làm việc trung thực hay không, họ sẽ có những câu hỏi dành cho mỗi người, hỏi phóng viên có khó khăn gì không, có bị nhà cầm quyền gây áp lực gì không?...

Có ý kiến cho rằng, thành công của nhiều bức ảnh quan trọng là khoảnh khắc… chộp máy, anh nghĩ sao?

Tôi nghĩ khác. Với tôi, 80% thành công là khi lên kế hoạch một cách hoàn hảo và may mắn sẽ nằm trong kế hoạch đó, chỉ có 20% là ngẫu hứng mà thôi… Hãy hình dung, khi đến một sự kiện, giống như bất kì một phóng viên nào, chúng ta cũng cần biết trước địa điểm, thời gian, xác định được vị trí đứng, dự kiến chụp góc độ nào, đến vào thời điểm nào thì sẽ có được những bức ảnh đáp ứng nhu cầu… Đừng chủ quan trong bất kì tình huống, sự kiện nào. Thành công không bao giờ đến với người không có kế hoạch cả. Thế nên trong nghề, với chúng tôi tác nghiệp gọi là…“săn ảnh”.

Anh vui lòng kể một vài cuộc “săn ảnh” của anh…để có được những bức ảnh đầu tiên trên thế giới chứ?

Tôi còn nhớ chuyến đi tác nghiệp ở Mianma. An ninh ở đó rất căng, kiểm soát rất chặt chẽ. Tôi đã phải sắp xếp một kế hoạch rất công phu, phải chọn thời điểm khi những người ủng hộ phe đối lập gây sức ép với an ninh khiến họ không còn chú ý đến báo chí nữa, tôi lợi dụng khoảnh khắc ấy để làm việc…Ngay lập tức, tôi chụp ảnh thật nhanh và tôi bắt taxi về khách sạn chuyển ảnh về tòa soạn. Tất cả công việc được thực hiện liên hoàn và nhanh chóng. Hay khi tôi được giao chụp ảnh chân dung về cựu ca sỹ Anh Gary Glitter khi ông ta được ra tù…Rất khó săn ảnh ông ấy vì thế chúng tôi đã phải tổ chức lên kế hoạch tác nghiệp, nắm bắt tất cả các thông tin như: từ trại giam ra lúc nào, đi máy bay khi nào, chính quyền ngăn chặn, an ninh ngăn chặn ra sao… Cuối cùng, lựa chọn của tôi là lên máy bay chờ. Khi Gary Glitter lên máy bay, tôi chụp thật nhanh, sau đó an ninh sân bay không cho chụp nữa, và tất nhiên đó là bức ảnh không ai chụp được ngoài tôi… Những chuyến tác nghiệp kiểu như vậy, phải chuẩn bị kĩ kịch bản, dự đoán được diễn biến. Có những sự kiện phải tập hợp nhóm bàn bạc, có những sự kiện phải tự mình tính toán và xử lý. Và với tôi, chắc chắn không có bức ảnh nào là không có kế hoạch trước cả.

Hãy có một chữ “think” (Nghĩ)!

Có nhiều phóng viên ảnh ở Việt Nam than thở rằng: Việt Nam có ít vấn đề hay để chụp ảnh vì thế mà ảnh báo chí đơn điệu và chất lượng thấp. Anh cũng là người chụp ảnh ở Việt Nam, ý kiến của anh thế nào?

Tôi không nghĩ vậy đâu. Tôi thấy Việt Nam có rất nhiều đề tài hay, công việc hàng ngày của tôi là khai thác nó. Trên góc độ nghề nghiệp, tôi tự hào là trên thế giới dùng rất nhiều ảnh của tôi. Trong vòng 10 năm, làm việc cho Reuters tôi đã phát ra khoảng 2 vạn ảnh khắp nơi trên thế giới, còn nếu tính cả thời gian trước nữa thì đến nay đã có khoảng 10 vạn ảnh được dùng khắp thế giới. Tức là tính trung bình mỗi tháng tôi có khoảng 200 bức ảnh được sử dụng trên toàn cầu.

Một con số đáng kể, đáng mơ ước. Nhưng tôi thấy hiện nay ảnh báo chí Việt Nam thực sự chưa có được vị trí cao, chất lượng vẫn là điểm đáng bàn?!

Đó là do còn nhiều phóng viên ảnh hiện nay chưa có tư duy đúng mực về ảnh, mà tiêu biểu chính là việc chỉnh sửa ảnh, sắp xếp lại sự kiện… Và điều đáng phải xem xét nữa, đó chính là sự thiếu trách nhiệm với nghề nghiệp trong việc sử dụng ảnh. Để ảnh báo chí tiến bộ, điều quan trọng không nằm ở sự thay đổi và tiến bộ của người chụp ảnh mà là sự thay đổi nhận thức và cách dùng ảnh của người chịu trách nhiệm đưa hình ảnh lên các ấn phẩm báo chí. Có lẽ, điều chúng ta cần làm là người phóng viên ảnh, người biên tập ảnh phải biết tự giải phóng mình để đem đến cho người xem sự khác biệt sáng tạo.

Nói đến sự sáng tạo, tôi thấy máy móc bây giờ ngày càng hiện đại, hỗ trợ cho con người chụp nhiều quá…Có vẻ như người phóng viên ngày càng nhàn nhã, thưa anh?

Ồ không, với những người làm nghề một cách đúng mực, anh phải có khả năng chụp ảnh chuyên nghiệp, điêu luyện và hoàn hảo. Và làm được như thế, đó là một công việc cực nhọc lắm. Nếu chỉ phụ thuộc vào máy móc sẽ khiến người chụp lười suy nghĩ, thiếu đắn đo khi chụp hình…Và khi chúng ta không suy nghĩ, thì đó là máy chụp chứ không phải mình chụp. Tôi vẫn nhớ về một chữ mà sếp tôi gửi tặng, đó là chữ “think” (nghĩ). Phóng viên ảnh phải luôn khắc ghi một chữ “think” - tức là phải suy nghĩ về góc ảnh, màu sắc, chất lượng và phải luôn đặt trách nhiệm cao trong tác nghiệp ảnh báo chí...

Vâng, xin cảm ơn anh!

Hà Vân (thực hiện)

Báo Nhà báo và Công luận

Tin nổi bật