Giải thưởng báo chí tuyên truyền về An toàn giao thông không có giải đặc biệt
(ICTPress) - Ba giải Nhất, 6 giải Nhì, 10 giải Ba và 20 giải Khuyến khích đã được Ban Tổ chức Giải thưởng Báo chí tuyên truyền về An toàn giao thông (ATGT) trao cho các nhà báo viết về đề tài này chiều nay ngày 3/4 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn và Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT trao giải Nhất cho các nhà báo |
Đây là lần đầu tiên Giải báo chí về đề tài ATGT được Ủy ban ATGT và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức và không có giải Đặc biệt.
Giải thưởng Báo chí tuyên truyền về ATGT là một trong nhiều hoạt động nhằm hưởng ứng “Năm An toàn giao thông 2012” của Chính phủ và kế hoạch hành động năm ATGT của Ủy ban ATGT quốc gia.
Sau 6 tháng phát động từ 22/6 đến 15/11/2012, Ban Tổ chức Giải thưởng báo chí tuyên truyền về ATGT đã nhận hơn 1000 tác phẩm của 65 cơ quan báo chí (báo in và báo mạng). Tham dự Giải có 6 thể loại bao gồm: bài phản ảnh, ghi chép, bình luận, phóng sự, điều tra, bút ký báo chí.
Ông Vũ Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT, đại diện Ban Tổ chức đánh giá về giải cho biết: "Tại Giải thưởng này có nhiều tác phẩm đã phân tích khá rõ thực trạng của giao thông Việt Nam và công tác ATGT cũng như hàng loạt các giải pháp tháo gỡ, như chùm bài: “Thực trạng và giải pháp cho giao thông Hà Nội” của tác giả Minh Tuấn, Báo Pháp luật và Xã hội. Nhiều tác phẩm đầu tư công phu viết khá sâu sắc và phản ánh hiện thực xung quanh đề tài này tại một số địa phương trên cả nước, đặc biệt là các bài dài kỳ theo kiểu phóng sự điều tra, cụ thể là chùm bài “Xã hội hóa bãi đỗ xe - làm gì để Nhà nước và người dân cùng có lợi?” của tác giả Hoàng Bảo, Thời báo Tài chính Việt Nam. Một số bài khác gây xúc động khi khai thác ở mức độ vừa phải đề tài và nỗi đau sau tai nạn”.
“Tuy nhiên, còn nhiều bài viết chưa có sự đầu tư của tác giả. Thiếu những bài viết mang tính phát hiện, hoặc gợi mở một cách cụ thể cách giải bài toán khắc chế tai nạn hoặc thực trạng vi phạm pháp luật ATGT thì cụ thể, nhưng khi tổng kết, đưa ra kiến nghị thiflaij chung chung theo kiểu “cần tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh xử phạt”… mà không nêu được tuyên truyền thế nào cho hiệu quả, xử phạt, theo phương pháp nào và tập trung cho đối tượng nào. Do vậy tính thuyết phục của đa số các bài viết chưa cao”, ông Vũ Thanh Sơn cho biết thêm.
Phát biểu tại Lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn cho biết đây là lần đầu tiên giải được tổ chức. Đội ngũ những người làm báo đã rất tích cực viết về đề tài này. Các cơ quan báo chí tạo điều kiện cho đội ngũ làm báo tiếp cận, bám sát các địa bàn trọng điểm về giao thông để phản ánh, tuyên truyền rộng rãi. Đây là việc làm rất đáng trân trọng.
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho biết sẽ có rất nhiều tác giả, tác phẩm chưa có điều kiện tham gia. Cuộc thi sau sẽ rút kinh nghiệm để nhiều nhà báo tham gia và có chất lượng hơn, góp phần góp phần vào việc ATGT, một vấn đề rất bức xúc của xã hội.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT quốc gia cho biết năm 2012 tai nạn giao thông giảm trên 3 tiêu chí, số người chết giảm xuống 10 ngàn người. Tuy nhiên, sự hỗ trợ, phối hợp thông tin tuyên truyền đóng vai trò quyết định. Nhiều thông tin đã được phản ánh đa chiều, đa dạng: phát hiện hành vi không tốt, người tốt, gương tốt, các vấn đề của giao thông được truyền thông liên tục. Nhiều thông tin của báo chí đã được đưa vào công tác chỉ đạo, điều hành.
“Mong rằng giải giải thưởng báo chí tuyên truyền về ATGT sẽ là giải thưởng thường niên, uy tín của báo chí và chất lượng sẽ tăng lên tương đương các giải báo chí khác”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết.
Nhà báo Thanh Huyền, Báo Công An nhân dân được trao giải Nhất với tác phẩm “Cần phát động chiến dịch hành khách giám sát lái xe” với nhà báo Trần Huy và giải Ba với tác phẩm "Tạo cơ chế để hành khách giám sát lái xe” đã đại diện cho các tác giả đoạt giải đã chia sẻ: “Mỗi gia đình hạnh phúc không chỉ bằng bài viết, bằng hình ảnh mà bắt đầu bằng việc nhỏ nhất trách nhiệm với bản thân mình khi tham gia giao thông mọi lúc mọi nơi”.
Minh Anh