Tác phẩm mới về “nghề làm báo” của nhà báo Phan Quang
Đầu Xuân Quý Tỵ, nhà báo Phan Quang lại có một ấn phẩm mới tập hợp những bài viết của ông trong vòng mươi năm lại đây.
Nhà báo Phan Quang (ảnh: NB&CL) |
Cuốn sách nhan đề “Tầm nhìn” do NXB Lao Động ấn hành, nộp lưu chiểu quý 1-2013, mỏng hơn hai trăm trang, khổ 12x20,5 như chứa cả sức nặng của cuộc đời làm báo hơn 60 năm của tác giả. Không biết có phải là chủ ý hay không mà ông chọn NXB Lao Động để in tập sách, theo tôi, là khá đầy đặn về nghề làm báo. Bởi thế, tuy tên sách là “Tầm nhìn” - một tên sách với ý tưởng rất cụ thể nhưng tôi vẫn muốn đặt tên cho bài viết của mình về cuốn sách là “Nghề làm báo”. Một cuốn sách cần cho người làm báo hôm nay.
17 bài báo ngắn được viết trong những khoảng thời gian khác nhau nhưng đều toát lên lao động của một người làm báo cần mẫn, tưởng như rất thong thả, nhưng chứa đựng những suy nghĩ mang tính tổng kết về nhà báo Việt Nam, về nền báo chí cách mạng Việt Nam. Trong 17 bài báo ấy, có 3 bài nói về Nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam.
“Tư duy và phong cách báo chí Hồ Chí Minh” là một bài báo khái quát, cô đọng về nhà báo Hồ Chí Minh và cũng là “cẩm nang” làm báo của các nhà báo Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Lược lại cuộc đời làm báo tại châu Âu đầu thế kỷ XX của Bác Hồ, tác giả nhận xét: Bác Hồ không viết sách dạy lý luận báo chí, song những phát biểu của Người là một hệ thống quan điểm mang tính kinh điển về báo chí cách mạng. Đó là báo chí phải “tuyên truyền, huấn luyện, giáo dục, tổ chức quần chúng”. Đó là “báo chí phải hướng về đại đa số dân chúng”, tính chất của báo chí, trước hết là “tính quần chúng và tinh thần chiến đấu”.
Người cổ vũ “tự do tư tưởng” đối với người làm báo nhưng tự do gắn với trách nhiệm, tự do tư tưởng đi đôi với tinh thần phục thiện: “Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm ra chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân”.
Nói về phong cách báo chí, Bác Hồ mong muốn báo chí ta phải luôn luôn “gần gũi quần chúng”. Nhà báo suốt đời cần tâm niệm: “Vì ai mình viết? Viết cho ai? Viết để làm gì?”. Văn phong báo chí phải “giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, hoạt bát…”
Nêu bật tấm gương đạo đức của người làm báo Hồ Chí Minh, Phan Quang nhấn mạnh: Học tập tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chi Minh, chúng ta cần tâm niệm: Những thành công tuyệt vời của chúng ta từ trước tới nay có mẫu sô chung là tính nhân văn của báo chí cách mạng và trách nhiệm xã hội của người cầm bút đối với đất nước, với nhân dân mà nhà báo Hồ Chí Minh trong suốt cuộc đời mình đã thể hiện sâu sắc, nhuần nhụy, tài tình.
Và khi những bài viết này, được tập hợp trong cuốn sách mỏng nhan đề “Tầm nhìn” thì đã rõ đây là cả một hệ thống những quan điểm, định hướng về một nền báo chí thời đại Hồ Chí Minh. Chỉ cần lược qua những tên gọi các bài báo có thể thấy những trăn trở, suy tư của tác giả: “Báo chí và văn hóa”, “Định hướng và sáng tạo”, “Bùn được số hóa, bùn càng bẩn hơn”, “Văn học, nghệ thuật và báo chí trong cuộc sống ngày thường”, “Sĩ phu thời nay có vơi đi khí phách?”, “Bản sắc báo chí Việt Nam thời hội nhập”, “Về quyền thông tin của báo chí”…Là Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam hai nhiệm kỳ, nay tuy đã nghỉ hưu nhưng Phan Quang đã dành không ít tâm sức của mình cho việc xây dựng đội ngũ báo chí cách mạng Việt Nam. Ở chỗ này, chỗ khác, khi có dịp phát biểu, tâm sự về nghề làm báo, ông đều nói lên chính kiến của mình một cách ngắn gọn nhưng rõ ràng, khúc triết.
Tác phẩm "Tầm nhìn" của nhà báo Phan Quang |
Cùng với những bài báo ngắn đề cập những vấn đề cốt lõi của báo chí Cách mạng Việt Nam, trong tập sách này ông còn dành nhiều trang viết cho những tấm gương lao động báo chí hăng say, không mệt mỏi, như: nhà báo nổi tiếng Nguyễn An Ninh - "người đánh thức một thế hệ thanh niên", Đạm Phương nữ sử - nhà báo "tâm huyết vì nữ quyền", Hà Minh Đức - Giáo sư, Chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội) và Jean Lacouture, nhà báo Pháp nổi tiếng đã có nhiều tác phẩm lớn ngợi ca cuộc chiến đấu của người dân Việt Nam, ngợi ca Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp .v.v...
Năm nay, nhà báo Phan Quang đã ngoài tám mươi xuân. Cầm tinh con Rồng, năm Nhâm Thìn, ông có một tập sách mang cái tên thật hay “Xuân bao nhiêu tuổi”. Người Xuân ấy vẫn còn trẻ lắm khi trả lời phỏng vấn một tờ báo và bài trả lời ấy được in trong cuốn sách mới nhất này. Ông khuyên những nhà báo trẻ chớ nên dại nấp bóng những “cây đa cây đề”… Đọc tâp sách mới của ông, là người “nhà Đài”, chúng tôi tâm đắc với những tình cảm tha thiết của ông với ngôi nhà 58 Quán Sứ “Một địa chỉ vàng”, thời kỳ mà ông cố gắng vận dụng tư duy mới để xử lý nhiều vấn đề mới mẻ, là thời điểm Đài Tiếng nói Việt Nam khởi sắc và vươn lên giai đoạn mới.
Là người đọc nhiều, đi nhiều, nhà báo Phan Quang là người có tư duy báo chí rất hiện đại. Nhưng cũng chính vì vậy, điều mà ông muốn nói với các nhà báo trẻ hôm nay lại là vấn đề quay về và tôn trọng bản sắc của văn hóa Việt Nam, bản sắc của báo chí cách mạng Việt Nam.
Ông viết: “Báo chí hiện đại, báo chí thời toàn cầu hóa, cho dù ở nước nào cũng có bản sắc và truyền thống riêng của mình… Không có mô hình duy nhất cho toàn thế giới… Bản sắc của báo chí Việt Nam là bản sắc của một nền báo chí cách mạng tiên tiến, đậm đà truyền thống dân tộc. Báo chí Việt Nam là phương tiện văn hóa - tư tưởng hàng đầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta… Nguyên tắc cần tuân thủ khi giao lưu, hội nhập quốc tế, theo tôi, ít nhất có hai: Một là: Cởi mở… Hai là: Giữ vững bản sắc và bản lĩnh Việt Nam trong báo chí, cũng giống như chúng ta chăm lo giữ gìn bản sắc dân tộc vả bản lĩnh con người Việt Nam vậy…”
Trong thời kỳ công nghệ thông tin tiến như vũ bão, với các trang mạng xã hội, viết báo đã không còn là “độc quyền” của những người làm báo, và có những kẻ mưu toan “nhìn lịch sử qua lỗ đồng xu”, nhà báo Phan Quang một lần nữa lại nhắc các nhà báo trẻ hôm nay rằng khi cầm bút, hãy đặt câu hỏi: Viết cho ai? Vì mục đích gì?.../.