VNPT: thành tựu năm 2012 và thách thức năm 2013
(ICTPress) - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa triển khai kế hoạch năm 2013. Đây là dịp để VNPT tổng kết đánh giá các hoạt động, công tác năm 2012, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2013.
Bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế đã tác động không nhỏ đến tình hình kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước nhưng theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Lê Nam Thắng “Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam vẫn duy trì tốc độ phát triển hợp lý, bảo đảm ổn định sản xuất kinh doanh (SXKD) và dịch vụ, hoạt động kinh doanh có lãi, hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra, tiếp tục nằm trong nhóm các tập đoàn kinh tế dẫn đầu về doanh thu và lợi nhuận”.
Năm 2012, tổng doanh thu toàn VNPT đã đạt 130.390 tỷ, đạt 100,3% kế hoạch, bằng 107,94% so với thực hiện năm 2011; Tổng lợi nhuận toàn Tập đoàn đạt 8.660 tỷ, đạt 100% kế hoạch; Tổng nộp ngân sách nhà nước đạt 7.561 tỷ, đạt 100% kế hoạch, bằng 101,48% so với thực hiện năm 2011.
Ngoài ra trong năm 2012, VNPT đã phóng thành công vệ tinh Vinasat-2 mà theo như phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng việc phóng thành công VINASAT-2 là “một sự kiện quan trọng, đánh dấu bước tiến lớn của ngành viễn thông Việt Nam. Đây là dự án quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, khẳng định chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên không gian vũ trụ".
Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng đánh giá cao việc VNPT thực hiện đề án chuyển quyền sở hữu Tổng công ty Bưu chính về Bộ TT&TT và trên cơ sở đó thành lập Tổng Công Ty Bưu điện Việt Nam từng bước hoạt động hiệu quả, “theo chiều hướng tốt, doanh thu tăng, bù lỗ giảm, tạo điều kiện tách hoàn toàn Tổng công ty Bưu chính ra độc lập và làm ăn có lãi trong những năm tiếp theo”.
Ngoài ra, VNPT đã làm tốt trách nhiệm xã hội (Corporate Social Responsibility - CSR) đã hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng cho công tác chính sách an ninh xã hội, đưa thông tin về vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo, Trường Sa.
Về hợp tác quốc tế, Tập đoàn VNPT phối hợp rất tốt với các đơn vị của Bộ TT&TT trong các hoạt động của tổ chức quốc tế về bưu chính và viễn thông như UPU, ITU, APT, Tập đoàn chủ động tích cực tham gia vào các tổ chức, diễn đàn quốc tế chuyên ngành khác, hoàn thành thủ tục gia nhập chính thực một số tổ chức quốc tế chuyên ngành.
Song bên cạnh những thành tựu, kết quả đã đạt được như trên, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng đề nghị VNPT cần phân tích, đánh giá, xem xét, khắc phục một số tồn tại, hạn chế:
Thứ nhất, mặc dù hoạt động SXKD có lãi nhưng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trong ba năm gần đây đều giảm, hiệu quả SXKD chưa cao, chưa bền vững.
Thứ hai, nhiều dự án của Tập đoàn đầu tư chậm tiến độ, nhiều dự án đầu tư còn dàn trải ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của Tập đoàn, đặc biệt dự án cáp quang biển Bắc - Nam bị chậm trong thời gian dài chưa được khắc phục. Thủ tướng Chính phủ và Bộ TT&TT đã có nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh việc này.
Thứ ba, mạng lưới viễn thông của Tập đoàn phát triển nhanh nhưng chất lượng dịch vụ cần được nâng cao hơn và Tập đoàn cũng chưa phát huy được các lợi thế về cơ sở hạ tầng viễn thông, đặc biệt hạ tầng của mạng Vinaphone, chưa mang lại kết quả tương xứng với thuận lợi và tiềm năng của công ty. Kết quả của mạng Vinaphone chỉ bằng 60% của Mobifone trong cùng một điều kiện hoạt động như nhau, cùng một cơ chế chính sách.
Thứ tư, bên cạnh mảng quản lý, kinh doanh, cung cấp dịch vụ, Tập đoàn VNPT cũng cần quan tâm hơn nữa để phát triển các hoạt động sản xuất nghiên cứu về công nghệ, công nghiệp CNTT, chủ động để có thể từng bước thay thế các thiết bị nhập khẩu quan trọng đặc biệt là các thiết bị đầu cuối, đồng thời nâng cao hơn nữa phần giá trị gia tăng, phần giá trị Việt Nam trong các sản phẩm của Tập đoàn.
Thứ năm, cơ chế phối hợp kinh tế nội bộ của Tập đoàn chưa thực hiện được theo cơ chế của thị trường. Ở đây trên cơ sở các lợi ích kinh tế và do đó có thể tạo ra động lực phát triển, hài hòa lợi ích của các thành viên của Tập đoàn, mặc dù đánh giá cao việc có cơ chế nội bộ, sử dụng chung hạ tầng của các đơn vị thành viên tuy nhiên, tuy nhiên các cơ chế này và việc sử dụng chung hạ tầng phải theo định hướng cơ chế thị trường, tránh mệnh lệnh hành chính và triệt tiêu các động lực của các đơn vị thành viên của Tập đoàn.
Tổng giám đốc VNPT Vũ Tuấn Hùng đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo từ Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng. Theo đó, các đơn vị thành viên trong Tập đoàn sẽ quyết tâm, nỗ lực phát huy những thành tích đã đạt được năm 2012, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, quyết tâm hoàn thành xuất sắc các mục tiêu nhiệm vụ của Tập đoàn trong năm 2013 và trong thời gian tới.
Ông Vũ Tuấn Hùng cho rằng mặc dù VNPT vẫn đạt mức tăng trưởng như kế hoạch nhưng so với quy mô toàn tập đoàn thì tỷ trọng lợi nhuận của Mobifone cỡ khoảng 6600 tỷ, chiếm 76% lợi nhuận toàn tập đoàn và như Thứ trưởng Lê Nam Thắng chỉ ra, lợi nhuận và hiệu quả của Vinaphone còn thấp. Đó cũng là trách nhiệm chung của Tập đoàn, của Hội đồng thành viên và các đơn vị thành viên cùng với Vinaphone phát triển hiệu quả dịch vụ di động này. Cơ chế kinh tế nội bộ hay còn gọi là “cơ chế 46” dù đã tạo động lực cho các đơn vị thành viên chủ động nâng cao hiệu quả, tìm giải pháp để tăng doanh thu giảm chi phí nhưng cần phải cải thiện thêm. Trong toàn tập đoàn có 30 Viễn thông tỉnh, thành đạt chênh lệch thu chi dương (có lợi nhuận) trong năm 2012, tăng thêm 9 đơn vị so với năm 2011. Một số viễn thông tỉnh thành có kết quả tăng trưởng vượt bậc như Viễn thông TP. HCM tăng 58%, Viễn thông Đồng Nai tăng 96,6%, Viễn thông Bình Dương tăng 208%, Viễn thông Hải Phòng tăng 73%, Viễn thông Đồng Nai tăng 47%... Tuy nhiên, nếu so sánh với lợi nhuận của Mobifone thì khối Viễn thông tỉnh thành chỉ chiếm 24% lợi nhuận toàn tập đoàn và nếu như phương án tách Mobifone khỏi VNPT được phê duyệt thì VNPT giảm đáng kể lợi nhuận và hiệu quả.
Giải trình về việc lợi nhuận không cao, ông Vũ Tuấn Hùng cho rằng cho đặc thù của ngành viễn thông, các thiết bị vật tư dự phòng thay thế phải được mua dù có thể thiết bị không phải thay thế và sửa chữa và những vật tư ấy giảm giá rất nhanh cùng với thời gian và tiến bộ công nghệ và như thế VNPT phải trích lập dự phòng cho các thiết bị này, giảm giá hàng tồn kho. Năm 2012 trích lập dự phòng tăng lên rất nhiều so với các năm trước. Ngoài ra, năm 2012, VNPT cũng trích lập dự phòng cho các khoản rủi ro về thu cước. Chưa kể, lợi nhuận của Tập đoàn cũng bị giảm do việc phóng vệ tinh Vinasat-2 với chi phí khoảng 300 triệu USD (6000 tỷ đồng) và những khoản chi phí vận hành khác.
Một lý do khác nữa được ông Vũ Tuấn Hùng đưa ra để giải thích tỷ suất lợi nhuận trên vốn sở hữu giảm là do việc đầu tư hệ thống 3G để thay đổi công nghệ với chi phí rất lớn nhưng chưa thu được lợi nhuận tương xứng.
Theo Tổng Giám Đốc VNPT Vũ Tuấn Hùng, tình hình tài chính của VNPT hiện nay được cải thiện rất nhiều so với năm 2012 và Ban Tổng giám đốc không trình Hội đồng Thành viên vay vốn ngoài cho các dự án được triển khai vào năm 2013 ngoài các dự án đã được duyệt theo kế hoạch từ trước. Đó là dấu hiệu đáng mừng của một tập đoàn kinh tế nhà nước trong khi dư luận lo ngại về các khoản nợ khổng lồ của khối doanh nghiệp này. Một chi tiết đáng lưu ý là VNPT từ chối khoản vay ưu đãi khoảng 100 triệu USD cho dự án Vinasat-2 trong đó có điều khoản của phía cho vay là không được sử dụng Vinasat-2 cho mục đích an ninh, quốc phòng. VNPT đã không chấp nhận điều kiện ràng buộc ấy để giữ vững sự tự chủ của mình cũng như bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia.
Với mạng cố định đang chịu lỗ, VNPT có quyết tâm là vẫn duy trì và giữ vững hệ thống mạng này ổn định và doanh thu chỉ giảm khoảng 5% so với việc giảm doanh thu khoảng 15% so với năm 2012. Một vấn đề khác là rất nhiều dịch vụ của VNPT phải thuê ngoài nên năm nay, VNPT cũng sẽ cố gắng để giảm thuê ngoài sao cho chí phí dịch vụ thấp đi và lương của cán bộ công nhân viên sẽ tăng hơn trước.
Bên cạnh nhiệm vụ kinh doanh phải mang lại lợi nhuận, Tổng giám đốc VNPT Vũ Tuấn Hùng đã yêu cầu các đơn vị thành viên phải tuyệt đối tuân thủ pháp luật. Với những sơ xuất, sai sót mà thanh tra Chính phủ đã chỉ ra trong lần thanh tra tập đoàn vào năm 2012 vừa qua, VNPT “đã chủ động khắc phục chưa cần chờ đến những kết luận chính thức mới sửa”. Ông Vũ Tuấn Hùng yêu cầu các đơn vị thành viên củng cố bộ phận pháp chế để tránh xảy ra các sai sót do chủ quan của mình.
Với những kết quả đạt được trong năm 2012, năm 2013 sẽ là năm Tập đoàn VNPT đổi mới toàn diện tổ chức SXKD theo mô hình được Chính phủ phê duyệt.
Đón đầu thị trường viễn thông, CNTT được dự báo vẫn sẽ cạnh tranh quyết liệt, VNPT đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong năm 2013. Cụ thể, các chỉ tiêu kế hoạch được đặt ra (không bao gồm Tổng công ty Bưu điện đã tách ra) đó là doanh thu đạt 131.600 tỷ đồng, tăng 10,07% so với năm 2012. Lợi nhuận 9.255 tỷ đồng, tăng 7,04% so với thực hiện năm 2012; Nộp ngân sách 7.316 tỷ đồng; Thu nhập bình quân tăng tối thiểu 10% so với năm 2012.
Năm 2013 cũng là năm VNPT tiếp tục nâng cao chất lượng và vùng phủ sóng mạng di động trên cơ sở thống nhất cơ sở hạ tầng vô tuyến, tối ưu hóa mạng lưới, tận dụng cơ sở hạ tầng chung, roaming giữa hai mạng này làm giảm chi phí nâng cao hiệu quả, đẩy mạnh hai thương hiệu MobiFone và VinaPhone, chiếm lĩnh thị phần dịch vụ di động trong nước.
Năm 2013 là năm mà VNPT xác định chủ đề là công nghệ thông tin, tập trung đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ CNTT, giá trị gia tăng, đồng thời tập trung nâng cao chất lượng mạng lưới, chất lượng dịch vụ, chất lượng chăm sóc khách hàng nhằm tăng sức cạnh tranh và hiệu quả SXKD của Tập đoàn.
Kết luận hội nghị, Tổng giám đốc Vũ Tuấn Hùng đánh giá “với năm trước thì mình tốt hơn rất nhiều, so với các tập đoàn kinh tế có quy mô như mình thì có thể chúng ta cũng được đấy nhưng so với đối thủ cạnh tranh với mình, với Viettel mà lợi nhuận của Viettel là 27.000 tỷ trong khi chúng ta vỏn vẹn là 8600 tỷ, bằng 1/3 so với Viettel… Vì vậy nhìn sang đối thủ cạnh tranh thì chúng ta phải có quyết tâm cao hơn nữa”.
TT