Chơi tem và làm báo tem giúp tôi mở rộng kiến thức
(ICTPress) - Nghỉ hưu năm 1993, bác Lê Quang Huy, Phó Chủ tịch Hội thấy tôi thích sưu tập tem đã mời tôi tham gia hoạt động Hội và làm báo Tem.
Tôi vui vẻ nhận lời vì vừa lúc chia tay với công việc quản lý xây dựng tuyến vi ba suốt chiều dài đất nước, lại được thành thơi đem những tem đã sưu tập ra nghiên cứu sử dụng, một lĩnh vực tôi chưa biết gì về chuyên môn.
Nước ta đã thành lập Hội Tem từ 1960 nhưng do kháng chiến gian khổ, hội viên không được hướng dẫn cách chơi mà chỉ là sưu tập cất giữ trong album. Nhờ hoạt động hội tôi được tham quan học hỏi và giao lưu với bạn bè chơi tem các nước láng giềng, tôi đã “giác ngộ” về lợi ích và sự hứng thú của “chơi tem” như:
Tem bưu chính là đối tượng chơi chủ yếu. Con tem chỉ là mảnh giấy nhỏ rộng vài phân vuông nhưng được cả thế giới thừa nhận là “Tấm danh thiếp quốc gia” hay “bách khoa toàn thư bằng hình thu nhỏ”.
Người ta chơi tem do hứng thú và ham thích cái hay và vẻ đẹp của con tem. Với trình độ văn hóa và kiến thức của mình, người chơi say mê nghiên cứu con tem đã làm cho tem dùng rồi thành một sản phẩm văn hóa có giá trị lớn và rộng hơn rất nhiều bản thân con tem.
Hội chơi tem có số người không đồng thường là người có trình độ, có hoàn cảnh và điều kiện để sưu tập, nghiên cứu, biên soạn, sáng tạo, cùng nhau tập hợp lại.
Luật chơi được xây dựng khoa học, thích hợp và đề cao tính tự giác. Những điều lệ, quy tắc, nội dung của hội được bổ sung, cải tiến và đổi mới hàng năm cho hợp với tình hình kinh tế và xã hội.
Tôn vinh người chơi xuất sắc: Hội đã xây dựng được những quy chế về nhiệm vụ, chức danh và tiêu chuẩn của hội viên chọn người xuất sắc có bộ trưng bày đạt các giải Vàng, Bạc, Đồng, có những cán bộ hội là trưng tập viên triển lãm, là giám khảo viên chấm thi, là giám định viên ấn phẩm tem… là động lực cho hoạt động Hội.
Chuyện tôi chơi tem làm báo tem, và tự chữa lành mặt “loạn dưỡng giác mạc” nhờ có bác Lê Quang Huy đã tìm giúp tôi tài liệu “Đạt Ma dịch cân kinh” và khuyên luyện tập có thể chữa khỏi bệnh…
Vì viết bài cho Tạp chí Tem tôi phải thường xuyên mua và đọc tạp chí “Tập Bưu” Trung Quốc để cập nhật thông tin về hoạt động sưu tập tem thế giới, tình cờ được đọc một bài báo của người chơi tem Trung Quốc đã tự chữa lành bệnh bằng vẫy tay và cất công hàng chục năm tìm hiểu về nhà sư Đạt Ma xem có đích thực hay không?
Tấm bưu thiếp của “Tượng sứ Đạt Ma đứng trên sóng biển” và con tem in mẫu tượng Đạt Ma không được phát hành |
Năm 1999 xem triển lãm tem thế giới ở Bắc Kinh thấy trưng bày bản in tem Đạt Ma của Trung Quốc nhưng không phát hành vì liên quan với người nước ngoài. Tiếp tục tìm hiểu người thiết kế và nhà in tem thì được biết rằng đây là nguyên mẫu bức tượng sứ cổ đời Minh có ở Bảo tàng cố cung Bắc Kinh, ông cố gắng hơn nữa thì tìm được ra bức tượng và chụp được hình, nhưng vẫn không tìm được tung tích.
Vì chơi tem nghiên cứu sách báo nên nhiều năm sau tìm được trong quyển từ điển “Từ Hải” của Trung Quốc xuất bản năm 1979 mới bổ sung vào mục danh từ Lạt Ma như sau: “Đạt Ma là tên gọi tắt của Bồ Đề Đạt Ma, người sáng lập ra phái Thiền Tông Phật giáo Trung Quốc. Tương truyền ông là người Nam Thiên Trúc (Cổ Ấn Độ) vào thời Nam Tống Trung Quốc (460 - 479) đi đường biển đến Quảng Châu truyền giáo ở nhiều nơi. Ông đã tu thiền, ngồi đối diện với tường 9 năm và có khả năng ngộ tuệ tâm pháp, được phái Thiên tong lưu truyền”.
Bài viết dài tôi xin kết thúc và xin cung cấp cho bạn đọc tấm bưu thiếp của “Tượng sứ Đạt Ma đứng trên sóng biển” và con tem in mẫu tượng Đạt Ma không được phát hành đã được đăng trên Tạp chí Philately Panaroma (Tập Bưu bái lãm) số tháng 3 năm 2010.
Trần Đức Thông
Tạp chí Tem