Giải pháp tăng cường thông tin, truyền thông số hóa truyền hình mặt đất
(ICTPress) - Ngày 16/2/2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020” tại Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg. Tiếp đó ngày 27/12/2011, Quyết định số 2451/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020" là bước cụ thể hóa quy hoạch đối với việc số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất.
Để triển khai thành công quy hoạch và đề án này, kinh nghiệm của các nước đã chuyển đổi số hóa cho thấy, công tác thông tin, tuyên truyền, cổ động là một trong những nhiệm vụ hết sức trọng tâm, quyết định sự thành công của quá trình số hóa.
1. Kinh nghiệm thông tin, truyền thông cổ động cho số hóa truyền hình trên thế giới
Quá trình thông tin, tuyên truyền cổ động của các nước đã triển khai thành công số hóa truyền hình (Thụy Điển, Phần Lan, Anh…) được triển khai đồng bộ trên tất cả các cấp (quốc gia, địa phương, nhà bán lẻ) và trên tất cả các phương thức thông tin, truyền thông cổ động hiện nay (Phát thanh, Truyền hình (PTTH), Internet, Tổng đài giải đáp, Quảng cáo ngoài trời, Quảng cáo đường phố...).
Hoạt động ở cấp độ quốc gia
Ở cấp quốc gia, thông tin chung gồm kế hoạch triển khai, thời điểm kết thúc và những hướng dẫn chuẩn bị cần thiết cho người dân.
Chọn biểu trưng của quá trình số hóa:
Tại một số quốc gia, một vật biểu trưng sẽ được chọn để hướng dẫn cho người dân về quá trình kết thúc truyền hình tương tự.
Ví dụ: Ở Anh dùng robot digital (Hình 1a) trong nhiều đoạn quảng cáo cung cấp thông tin quá trình chuyển đổi, Thụy Điển dùng màu hồng (Hình 1b) để gây chú ý trong các nhãn, thông điệp liên quan đến kết thúc truyền hình tương tự. Màu sắc này sẽ được sử dụng khắp nơi trong những vùng ưu tiên ngừng truyền hình tương tự và dùng trong thông tin, truyền thông cổ động của Chính phủ. Màu hồng cũng là màu đặc trưng của xe buýt để cung cấp cho người đi đường thông tin về chuyển đổi sang truyền hình số, quảng cáo dùng màu sắc này cũng được dùng trong tàu điện ngầm như ở Stockholm.
Hình 1a và 1b: Biểu trưng số hóa của Anh và mầu hồng số hóa đặc trưng của Thụy Điển trên các phương tiện giao thông công cộng |
Thông tin, truyền thông cổ động qua Internet:
Website Digital của Vương quốc Anh sẽ trả lời các câu hỏi về những gì sẽ xảy ra, khi nào và người dân chuẩn bị như thế nào. Thông tin cũng được cung cấp sẵn trên các website của các doanh nghiệp (DN) truyền dẫn, phát sóng, các đài phát thanh, truyền hình quảng bá cung cấp các dịch vụ truyền hình mặt đất tương tự và cơ quan chỉ đạo số hóa của chính phủ.
Website DigiTV ở Phần Lan ghi nhận 65.000 lượt người truy cập trong một tuần sau kết thúc truyền hình tương tự trong khi DN truyền dẫn, phát sóng Digital thông báo có 16.000 lượt người xem bản đồ phủ sóng tại khu vực của mình.
Thông tin, truyền thông cổ động qua truyền hình:
Tại Anh, các chuyên mục cổ động kết thúc truyền hình tương tự bắt đầu được phát sóng trên các chương trình truyền hình tương tự của các đài PTTH quảng bá khoảng 6 tháng trước thời điểm dừng phát sóng tương tự.
Tại Mỹ, Ủy ban Truyền thông liên bang (FCC) đã yêu cầu các đài truyền hình thông báo trên các dịch vụ kênh truyền hình quảng bá về việc chuyển đổi số hóa. Tại Nhật Bản các clip quảng bá về việc kết thúc truyền hình tương tự được phát vào giờ vàng (8h tối) trên kênh truyền hình quốc gia NHK.
Thông tin, truyền thông cổ động qua thư:
Thư được gửi trực tiếp đến các hộ gia đình để hỗ trợ thêm thông tin cho người dân. Tại Thụy Điển, Thụy Sĩ, thư và sách hướng dẫn (brochure) được cơ quan chỉ đạo số hóa của chính phủ gửi đến tất cả những hộ gia đình.
Thông tin, truyền thông cổ động qua tổng đài giải đáp:
Người dân có thể tìm kiếm thông tin từ các tổng đài giải đáp ở Đức, Phần Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Anh. Ở Phần Lan, tổng đài đáp ứng trên 4.000 cuộc gọi/tuần. Phòng thông tin ở Helsinki của chính phủ Phần Lan đã hỗ trợ 3.000 khách hàng sử dụng dịch vụ chỉ trong 3 ngày kể từ khi khai trương.
b) Sử dụng hệ thống thông tin, cổ động cơ sở
Những người bán hàng trong các cửa hàng điện tử dân dụng:
Những đối tượng này được huấn luyện để cung cấp cho khách hàng thông tin chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi số hóa. Các cửa hàng bán lẻ thiết bị có các sách hướng dẫn và các tờ rơi về quá trình chuyển đổi số hóa dành riêng từng khu vực địa lý khác nhau kèm theo logo về chuyển đổi số hóa.
Hình 2: Hoạt động tổ chức “ngày số” tại các địa phương ở Anh |
Hình 3: Quảng cáo ngoài trời thời gian ngừng phát sóng truyền hình tương tự (Switchover) tại các địa phương ở Anh |
Hệ thống thông tin cơ sở tại địa phương:
Tại Thụy Điển, các cán bộ thông tin, truyền thông cổ động quá trình chuyển đổi số hóa sẽ phối hợp với các hệ thống thông tin cơ sở ở địa phương mời người dân gửi các câu hỏi của họ về quá trình chuyển đổi sang truyền hình số qua thư điện tử (email) và nhắn tin SMS.
Tại Anh, Ủy ban số hóa quốc gia đảm bảo cung cấp thông tin về quá trình kết thúc truyền hình tương tự thông qua các xuất bản phẩm định kỳ dựa trên các nghiên cứu và cập nhật về hiện trạng triển khai số hóa tại các địa phương.
2. Các giải pháp tăng cường thông tin, truyền thông cổ động cho số hóa truyền hình tại Việt Nam
Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm thông tin, truyền thông cổ động về số hóa truyền hình tại các nước trên thế giới, để triển khai thành công đề án số hóa truyền hình mặt đất tại Việt Nam, chúng ta cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt là khâu thông tin, truyền thông cổ động cần tập trung vào các giải pháp sau đây:
- Xây dựng, biên tập các tài liệu để thông tin, truyền thông cổ động về số hóa truyền hình phù hợp với các cấp độ (quốc gia, địa phương cơ sở) và cho các đối tượng khác nhau (cán bộ quản lý các cấp địa phương, các đài PTTH, các DN sản xuất, nhập khẩu tivi, người dân, phóng viên, các nhà phân phối tivi, thiết bị truyền hình)
- Xây dựng biểu trưng và chọn mầu đặc trưng cho quá trình số hóa truyền hình tại Việt Nam: Tổ chức cuộc thi sáng tác, tuyển chọn biểu trưng và sử dụng biểu trưng này trong suốt quá trình triển khai số hóa tại Việt Nam.
- Thông tin, truyền thông cổ động qua hệ thống phát thanh, truyền hình: Các đài phát thanh - truyền hình trung ương và địa phương tăng cường thời lượng, chuyên mục, sản xuất các phóng sự để cổ động cho việc số hóa truyền hình, đặc biệt là các đoạn quảng cáo ngắn giới thiệu về thời điểm kết thúc truyền hình mặt đất trên các kênh truyền hình quảng bá quốc gia và địa phương vào “giờ vàng”.
- Thông tin, truyền thông cổ động qua mạng viễn thông bao gồm: thiết lập website (www.vndigital.vn), tổng đài giải đáp, quảng bá thông tin số hóa truyền hình bằng tin nhắn SMS qua mạng thông tin di động... để thông tin trợ giúp người dân khi chuyển sang truyền hình số.
- Thông tin, truyền thông cổ động qua các quảng cáo, giới thiệu sản phẩm của DN sản xuất, nhập khẩu và phân phối thiết bị thu, phát truyền hình, các quảng cáo giới thiệu dịch vụ của DN cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình bắt buộc phải kèm theo thông tin về kế hoạch số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất
- Thông tin, truyền thông cổ động qua các phương thức khác: Xác định các địa điểm thuận lợi để đặt biển quảng cáo ngoài trời, tổ chức các “ngày số” và “Roadshow” tại các địa bàn người dân sử dụng phương thức truyền hình tương tự mặt đất cao, các điểm bán tivi.
- Thông tin, truyền thông cổ động qua các hệ thống thông tin cơ sở tại địa phương: biên tập các tài liệu, bản tin, tờ rơi về số hóa truyền hình phù hợp để truyền thông qua hệ thống truyền thanh cấp huyện, xã, các điểm bưu điện văn hóa xã, trung tâm thông tin cơ sở, các điểm sinh hoạt cộng đồng... để cổ động đến người dân.
h) Thông tin, truyền thông cho các đối tượng như các phóng viên, biên tập viên tại các cơ quan báo chí cấp trung ương và địa phương (cấp tỉnh, huyện, xã), các nhân viên bán hàng tại các hệ thống phân phối thiết bị truyền hình, các cán bộ tại điểm bưu điện văn hóa xã, các cán bộ cấp thôn, xã... để làm “hạt nhân” tuyên truyền cổ động đến người dân.
Kết luận
Có thể nói, việc tổ chức các hoạt động thông tin, truyền thông cổ động nhằm thúc đẩy quá trình số hóa truyền hình đem lại nhiều lợi ích.
Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, nó thể hiện ý chí và quyết tâm trong việc thúc đẩy quá trình số hóa truyền hình. Đối với người dân, nó sẽ cung cấp như một kênh thông tin hỗ trợ về quá trình chuyển đổi, sự cần thiết phải chuyển sang truyền hình số, các tư vấn trợ giúp cần thiết. Việc thông tin, truyền thông cổ động về quá trình số hóa tại các địa phương góp phần nâng cao nhận thức của người dân, tạo sự đồng thuận trong thực hiện quá trình số hóa truyền hình.
Đối với các đơn vị PTTH, việc này góp phần nâng cao nhận thức về trách nhiệm và nghĩa vụ, cũng như định hướng cho các đơn vị đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình, sản xuất thiết bị đầu cuối phù hợp với lộ trình số hóa. Vì vậy với việc thông tin, tuyên truyền cổ động về số hóa truyền hình được triển khai sâu, rộng, chủ trương số hóa truyền hình của Chính phủ nhất định sẽ thành công.
PGS. TS. Trần Minh Tuấn
Tài liệu tham khảo
[1]. Analogue switch-off, learning from experiences in Europe Digital Terrestrial Television Action Group (DigiTAG), 2008, http://www.digitag.org
[2]. Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg ngày 16/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020”.
[3]. Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020”.