Sản phẩm an ninh, an toàn mạng - 1 trong 6 sản phẩm chính thức của quốc gia
(ICTPress) - Sáng nay 28/12, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã công bố “Danh mục sản phẩm quốc gia” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 16/4/2012.
Danh mục sản phẩm quốc gia sẽ bắt đầu thực hiện từ năm 2012 nằm trong Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2441/QĐ-TTg có mục tiêu là hình thành phát triển các sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh về tính mới, về chất lượng và giá thành dựa trên việc khai thác lợi thế so sánh về nhân lực, tài nguyên và điều kiện tự nhiên của đất nước.
Để thực hiện Chương trình, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức xác định, lựa chọn các sản phẩm quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt tại Quyết định 439/QĐ-TTg.
Danh mục các sản phẩm quốc gia bắt đầu thực hiện từ năm 2012 gồm 9 nhóm sản phẩm (06 chính thức và 3 dự bị) là những sản phẩm được ưu tiên phát triển thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, thông tin truyền thông, y tế, quốc phòng, an ninh… Cụ thể như sau:
6 sản phẩm chính thức: Sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao; Sản phẩm thiết bị siêu trường, siêu trọng; Sản phẩm bảo đảm an ninh, an toàn mạng thông tin; Sản phẩm động cơ sử dụng cho phương tiện giao thông vận tải; Sản phẩm vắc xin phòng bệnh cho người và vật nuôi của Việt Nam; Sản phẩm phục vụ an ninh quốc phòng.
3 sản phẩm dự bị: Sản phẩm cá da trơn Việt Nam chất lượng cao và các sản phẩm chế bến từ cá da trơn; Sản phẩm nấm ăn và nhấm được dược liệu; Sản phẩm vi mạch điện tử.
Ban Chủ nhiệm Chương trình cho biết các sản phẩm quốc gia lựa chọn đợt này đều là những sản phẩm có hàm lượng cao về công nghệ, bảo đảm làm chủ được công nghệ cơ bản, cốt lõi để chế tạo được sản phẩm, làm tiền đề cho việc phát triển các sản phẩm khác trong từng lĩnh vực góp phần quan trọng cho việc nâng cao năng lực công nghệ quốc gia.
Ban chỉ đạo của Chương trình gồm 8 thành viên, do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân làm Phó Trưởng ban, các thành viên là lãnh đạo một số Bộ, ngành: KH&CN, Văn phòng Chính phủ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước, Viện KH&CN Việt Nam.
Ban Chủ nhiệm của Chương trình gồm 8 thành viên, do TS. Trần Quốc Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN làm chủ nhiệm và các thành viên khác là các nhà khoa học, quản lý thộc các Bộ, Ngành, lĩnh vực có liên quan.
Ngay trong năm 2013, Bộ KH&CN dự kiến tập trung giải quyết các công việc: Chuẩn bị hoàn thiện, thuyết minh dự án KH&CN, dự án đầu tư, thực hiện xét duyệt, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ; Thực hiện xét duyệt, thẩm định, phê duyệt, triển khai dự án KHCN và dự án đầu tư; Tiếp tục xây dựng ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình; Tiếp tục thực hiện việc xem xét danh mục sản phẩm quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ.
Để đảm bảo thực hiện được mục tiêu có được tối thiểu 10 sản phẩm, Ban Chủ nhiệm Chương trình cho biết dự kiến năm 2013 sẽ bổ sung khoảng từ 3 - 5 sản phẩm ngoài các sản phẩm đã được phê duyệt.
Để hướng dẫn quản lý tài chính của Chương trình, Bộ KH&CN và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 218/TTLT-BTC-BKHCN thể hiện tư tưởng đổi mới trong quản lý tài chính đối với hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thực hiện quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với Chương trình.
Đặc biệt một số nội dung mới như hỗ trợ các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp trong việc chuyển giao công nghệ, mua bí quyết, thông tin công nghệ, mời chuyên gia ở nước ngoài hoàn thiện công nghệ trong sản xuất lô số không, hỗ trợ doanh nghiệp lập phòng thí nghiệm.
Theo Thông tư này các nguồn tài chính thực hiện Chương trình bao gồm: Ngân sách nhà nước (Kinh phí đầu tư phát triển, Kinh phí sự nghiệp KH&CN; Kinh phí sự nghiệp kinh tế, Vốn ODA, viện trợ của nước ngoài), Vốn tín dụng từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các Ngân hàng Thương mại, Kinh phí từ các doanh nghiệp (Vốn tự có của doanh nghiệp, Vốn huy động khác), Kinh phí từ các quỹ (Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển KH&CN quốc gia, Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, các quỹ khác) và Kinh phí huy động từ các nguồn lực hợp pháp khác.
Theo đại diện Văn phòng các Chương trình quốc gia về KH&CN cho biết một số điểm mới về Ngân sách chi sự nghiệp KH&CN hỗ trợ tối đa đến 50% so với 30% so với trước đây, phần còn lại được huy động từ các quỹ; Hỗ trợ tối đa đến 50% công lao động theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Hỗ trợ nâng cấp các CSDL, phòng thí nghiệm phục vụ sản xuất quốc gia; Hỗ trợ xúc tiến thương mại; Có khoản chi cho kiểm toán, tổ chức tư vấn độc lập.
Về giải ngân có điểm đặc biệt, các tổ chức mở tài khoản tại kho bạc, doanh nghiệp mở tài khoản tại ngân hàng TMCP. Kho bạc sẽ không kiểm soát chứng từ chi, kho bạc chỉ căn cứ chứng nhận khối lượng hoàn thành. Đơn vị chủ trì dự án có trách nhiệm kiểm soát chi và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ, chứng từ… và đơn vị nhận sản phẩm quốc gia mà không giải ngân đúng sẽ bị cắt tạm ứng.
Theo Điều 19 của Thông tư nếu sản phẩm có hiệu quả lớn hơn mà mức chi không thỏa mãn các cơ quan chủ trì sản phẩm quốc gia có thể phối hợp với Bộ KH&CN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất để tăng chi. Ngoài ra, mỗi sản phẩm có đặc thù cũng có thể trình Thủ tướng, các Bộ để phê duyệt để tăng chi.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết "Lần đầu tiên Chương trình sẽ cho phép kết nối, thực hiện một cách đồng bộ các khâu từ nghiên cứu công nghệ mới, đến hoàn thiện công nghệ, đầu tư sản xuất sản phẩm và thương mại hóa sản phẩm. Điều này sẽ trực tiếp tạo gắn kết mật thiết giữa các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và các nhà quản lý trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình. Chương trình cũng sẽ tạo ra sự thu hút, khai thác được nguồn lực lớn đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, triển khai từ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế".
X. Tùng