Người mê sưu tầm tư liệu Bác Hồ, tướng Giáp
Ông là Đào Thông (60 tuổi) ở thôn Sa Động, Bảo Ninh, TP. Đồng Hới (Quảng Bình). Bộ sưu tập những tư liệu, bài viết, hình ảnh về Bác Hồ của ông hiện có hơn 3.000 cái. Bộ sưu tập về Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiện có trên 1.000 ảnh và tư liệu. Ngoài ra, ông còn có gần 1.000 con tem sưu tầm từ những năm 1968 đủ các thể loại…
Đó là tài sản vô giá mà người cựu binh không hết tự hào khi chúng tôi tìm về thăm ông trong những ngày tết Độc lập 2/9.
Cuốn phim bằng hình ảnh tĩnh
Năm 1971, ông Thông nhập ngũ. Cuộc đời binh lửa của ông kéo dài đến năm 1976. Những chiến trường ông đi qua có lẽ còn dài hơn tuổi đời mình.
Ông kể: “Khoảng những năm 76, tôi đang ở bên Lào, Bác Hồ đã đi xa nhưng niềm nhớ của những người lính như tui thì da diết lắm. Trong những tờ báo tôi được đọc, thình thoảng có in hình Bác Hồ, thế là tui cất giữ nó như một kỉ vật, dần dần, bộ sưu tập dày lên…”.
Ông Thông bên những bộ sưu tập ảnh, tư liệu về Bác Hồ ... |
và Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Sau khi xuất ngũ, ông Thông về làm cán bộ tổ chức ở Sở Y tế tỉnh Quảng Bình, rồi ở Bệnh viện Hữu nghị Cu Ba – Đồng Hới. Trong quãng thời gian đó, vừa lo công việc cơ quan, ông vừa tranh thủ xây dựng bộ sưu tập của mình.
Khoảng năm 2006, qua quá trình tích cóp tư liệu, ông bắt đầu đóng thành tập bộ sưu tập về Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc đời và sự nghiệp. Hai cuốn sổ dày cộp với hơn 3.000 tư liệu, hình ảnh là cả một kì công của ông về quá trình sinh thành, quãng đời hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch.
Có những bức ảnh rất quý như hình ảnh Bác Hồ vẫy tay chào trong một hội nghị, phía sau Bác, có cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nhiều đồng chí khác, bức ảnh được in trên giấy nứa- là bức ảnh đầu tiên trong đời sưu tầm của ông.
“Bác đi ở mô là tui cố gắng tìm kiếm tư liệu về chỗ đó”, ông Thông cho biết. Bộ sưu tập rất công phu về quãng đời hoạt động cách mạng của Bác, về những nơi bác từng đến, những cuộc gặp mặt với các Nguyên thủ quốc gia trên thế giới, về những lần bác thăm hỏi ở khắp các vùng miền về đất nước.
Có một câu chuyện khiến ông không hết tự hào và đầy cảm động. Ấy là một lần các cháu nhỏ học ở trường cấp I gần nhà, trong một lần tham quan thực tế được cô giáo dẫn về nhà ông để chiêm ngưỡng bộ sưu tập.
Trong những trang sách lịch sử mà các em học có một bài về việc Bác Hồ đi ngoài trời giá lạnh, tối về, Bác dùng một viên gạch để sưởi ấm. Nhiều em thắc mắc về viên gạch này, hình thù và kích thước ra sao.
Thế là ông giở ngay trong bộ sưu tập của mình bài viết và hình ảnh về viên gạch này. Lúc đó, các cháu mới mường tượng ra và hết sức thán phục cho sự chịu đựng gian khổ của Người.
Cùng niềm vui được khám phá của các cháu, ông Thông cũng như vui lây: “Tui sưu tầm những tư liệu này chỉ mong có được chút gì lưu lại để cho con cháu mai sau được biết đến quãng đời cách mạng của những vị lãnh tụ kính yêu”.
Hồ hởi với bộ sưu tập kì công của mình, ông tiếp tục giới thiệu cho tôi bộ ảnh và tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Xúc động lật từng trang giấy sắp xếp hình ảnh theo thời gian của vị Đại thần khai quốc tròn trăm tuổi, ông chia sẻ:
“Nhiều người thắc mắc vì sao tôi không sưu tầm những cái khác, tôi nói, chúng tôi là những người lính cụ Hồ, trải qua bom đạn, những người anh, người cha như Bác Hồ, bác Giáp luôn tạo được niềm tin yêu trong chúng tôi, họ không những sánh tầm vĩ đại với quốc tế mà còn rất tình cảm và thân thiện với những người lính, người dân nên tôi muốn lưu lại một cái gì đó về họ cho con cháu”.
Ông còn nhớ, khoảng năm 1973 giặc phao tin Đại tướng bị hi sinh trong một làn thăm kho đạn. “Lúc đó anh em chúng tôi buồn bã lắm. Nhưng rất bất ngờ khi từ Bắc gửi vào cho anh em chúng tôi mỗi người 1 cái kẹo Hồng Hà, một bì thư, 1 điếu thuốc là quà của Đại tướng. Ai cũng sung sướng đến ngây ngất. Và tôi, y như có một luồng điện chạy qua người khi được cầm những món quà rất ý nghĩa của người anh cả”, ông chưa hết xúc động.
Đến dịp lễ, tui lại “hăng say” đọc báo
Từ những tình cảm thương mến giữa người lính với người lãnh đạo như thế, ông dành hết tâm huyết để lưu lại một chút gì đó cho mình, cho con cháu mình và cho những đồng đội, để mỗi lần đến dịp kỉ niệm, cả nhà lại được quây quần ôn lại truyền thống hào hùng.
Những ngày lễ, kỉ niệm là lúc ông chạy nhiều nhất để tìm các tư liệu, hình ảnh |
Ông kể: “Những dịp lễ như những ngày này, tui phải chăm chú quan sát, tìm kiếm trên các báo tìm những bài viết, tư liệu mà mình đang còn thiếu, bỏ qua là mình tiếc lắm”.
Cũng từ đam mê của ông, bà Nguyễn Thị Nem (vợ) cùng các con như bị 'nhiễm' và luôn tìm cách giúp đỡ chồng mình. Có những tư liệu, hình ảnh quý nào, bà và các con đều gom lại đưa về cho chồng. Cháu ngoại ông vừa tròn hai tuổi, mỗi lần ông ngoại giở bộ sưu tập ra lại chìa tay chỉ: “ông Giáp, ông Giáp”.
Ông cười mà thấy vui khi con, cháu vẫn biết đến những người tiền bối.
Để có được những hình ảnh, trang viết này, ông phải lặn lội đi xe lên các bưu điện, các nhà sách, thư viện để tìm tòi. Trong cái nắng gắt của những ngày hè, hễ nghe báo đài có bài viết nào mình còn cần là ông lại xách xe đi tìm cho bằng được.
“Có khi tui phải lục tung cả thư viện mới tìm được số báo đó, rồi photo ra mang về”.
Tỉ mẩn sắp xếp rất cẩn thận những tư liệu thu thập được |
Trong cao hứng của câu chuyện, ông còn mang ra cho tôi một bộ sưu tập tem gần 1000 cái có từ những năm 1968. Đáng chú ý trong bộ sưu tập này là hình ảnh của các vị lãnh tụ trong Đảng, Nhà nước như: Hồ Chủ Tịch, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập…
Bà Nem xuýt xoa về chồng: “Từ khi nghỉ hưu, ngày nào ông cũng cặm cụi bên những bộ sưu tập. Thấy chồng làm việc có ý nghĩa nên tui cũng động viên con cháu giúp ba nó”.
Những ngày này, căn nhà bên dòng Nhật Lệ của ông Thông thỉnh thoảng lại rộn lên những tiếng cười của sự họp mặt. Bạn bè từng chiến đấu ở các chiến trường trong xóm ông nay còn khoảng hơn 20 người.
Cứ đến ngày lễ, họ lại tụ tập ở nhà ông để được ôn lại quá khứ qua những bức ảnh, qua những trang viết mà ông giữ lại được. Ai cũng xuýt xoa khen ngợi ông bởi để làm được một bộ như thế này không phải ngày một ngày hai, mà là cả một sự kỳ công và tinh mẫn, bởi nếu không nhớ kỹ sẽ rất lộn xộn trong việc sắp xếp và lưu trữ.
Cũng vì muốn có được những kí ức ngày càng dày, bạn bè ông vẫn thường tìm tòi và mang về giúp ông. Có được một bức ảnh quý, những người lính già lại quây quần bên nhau mà bàn tán, mà ôn lại. Những câu chuyện về thời lửa đạn vì thế không lúc nào nguội đi trong thâm tâm họ.
Còn với ông Thông, một ước muốn đơn giản lúc nào cũng canh cánh trong lòng: “Những bức ảnh, những trang viết này, những người muốn biết về quá khứ hào hùng của ông cha, như tôi, như chú thì đó là cả một gia tài đáng quý. Tôi sẽ cố gắng gìn giữ và sưu tầm thêm nhiều nữa để sau này, bậc con, bậc cháu có cái mà tìm về, mà hình dung…”.
Sỹ Tứ - Duy Tuấn