Giải pháp tổng thể cho Hà Nội “thông minh”
Hà Nội hướng tới một thành phố thông minh
“Thành phố Hà Nội sẽ đi đầu cả nước về chỉ số mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT, về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng nhân lực, ứng dụng, môi trường tổ chức và chính sách”, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội - khẳng định quyết tâm của Thành phố trong ứng dụng CNTT. Để làm được điều đó, Hà Nội đang tìm kiếm giải pháp phát triển lĩnh vực CNTT&TT cho thành phố.
Tại một hội thảo mới đây do Sở TT&TT Hà Nội tổ chức với sự tham gia của nhiều ban, ngành của thành phố về giải pháp “thành phố thông minh”, các chuyên gia đến từ Tập đoàn IBM đã chia sẻ những hướng tiếp cận, lợi ích và giải pháp xây dựng thành phố thông minh mà IBM đã và đang thực hiện cho các thành phố trên thế giới cũng như cho Việt Nam.
Theo ông Võ Tấn Long, Tổng Giám đốc IBM Việt Nam, quyết tâm thúc đẩy ứng dụng CNTT của Hà Nội chính là hướng tới xây dựng một thành phố thông minh hơn. Đây là các hệ thống phức tạp như: quản trị chính quyền và cơ quan, an toàn xã hội, xã hội và y tế, đào tạo, giao thông, môi trường, quy hoạch đô thị, năng lượng và nước sạch. Tuy nhiên, để xây dựng các hệ thống như vậy đòi hỏi hệ thống hạ tầng CNTT của Hà Nội sẽ phải rất phát triển, trong khi hiện trạng thì vẫn còn sơ khai. Chẳng hạn, những lĩnh vực đang trở nên cấp thiết tại Hà Nội như giao thông, quy hoạch, cấp thoát nước… đều vẫn chưa được đầu tư đủ về hạ tầng để ứng dụng CNTT một cách hiệu quả.
Để triển khai được một hệ thống quản lý giao thông như của thành phố thông minh, các hệ thống camera tự động, đèn tín hiệu điều khiển, điều hướng giao thông… đều cần được số hóa để điều khiển từ xa, xử lý dữ liệu tập trung và điều hướng từ trung tâm điều hành, chứ không thể chỉ dùng các biển báo cố định và điều hướng bằng lực lượng CSGT.
Tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu ứng dụng CNTT nên hướng tới chất lượng, đặc biệt là năng lực ứng dụng. Năng lực ứng dụng được đo bằng chất lượng dịch vụ, chất lượng hệ thống cung cấp dịch vụ. Do đó, rất cần cơ chế đánh giá, kiểm tra để biết được cán bộ sử dụng dịch vụ đó như thế nào có đáp ứng được nhu cầu không và dân được hưởng lợi gì tự hệ thống đó.
Giải pháp tổng thể đã sẵn có
IBM đề xuất Hà Nội nên áp dụng Giải pháp Trung tâm Điều hành Thông minh (Intelligent Operations Center - IOC). Trung tâm Điều hành Thông minh được xây dựng dựa trên 3 nguyên tắc chủ yếu: Khai thác thông tin để ra các quyết định tốt hơn; Dự đoán các vấn đề để chủ động giải quyết chúng; Phối hợp các tài nguyên và quy trình để hoạt động hiệu quả; Cho phép các nhà lãnh đạo phục vụ công dân và doanh nghiệp tốt hơn trong một thế giới thường xuyên biến động.
Phiên bản 1.5 của giải pháp này đã sẵn sàng và có thể được cài đặt trên 4 máy chủ ảo là sử dụng được ngay. Các giải pháp khởi đầu nhanh tập trung vào triển khai nền tảng nhanh nhất của các tình huống sử dụng có sẵn dành cho các nguồn dữ liệu đã biết: Giải pháp giảm thiểu tràn nước thải kết hợp; Điều hành giao thông thông minh; Giải pháp phản ứng khẩn cấp; Cộng tác với Công dân và giải pháp Bảng Điều khiển của Lãnh đạo.
IOC thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn: Cảm biến, công dân, video, các cơ quan, cơ sở dữ liệu điện, nước và các nguồn thông tin do các bên thứ ba cung cấp. Hệ thống sẽ tự tổng hợp và danh định hóa dữ liệu để tạo ra thông tin nhất quán, sau đó dùng bộ lọc để xác định những thông tin liên quan và có ý nghĩa lớn. Những thông tin sau khi phân tích sẽ được hiển thị thông qua KPI (các sự kiện quan trọng), các cảnh báo và bố trí sắp xếp trên bản đồ địa không gian. Quá trình phân tích thông tin nhằm xác định các hình mẫu và xu thế để hỗ trợ hành động. Chủ động kích hoạt các luồng công việc định sẵn để tối ưu hóa năng lực đáp ứng. Hỗ trợ hoạt động ra quyết định và cộng tác liên ngành nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ cho công dân. Nhờ đó, hệ thống sẽ giúp tối ưu hóa tài nguyên và xây dựng kế hoạch công việc liên ngành để tối đa hóa hiệu quả và nâng cao cấp độ về chất lượng dịch vụ. Hệ thống sẽ tự động cảnh báo các sự kiện không thống nhất giữa các ban ngành của thành phố. Khả năng quản lý tài nguyên liên ngành sẽ đẩy nhanh tốc độ đưa ra giải pháp trong hoạt động quản lý tình trạng khẩn cấp. Những cải tiến mới về luồng công việc cho phép người dùng lựa chọn phản ứng thích hợp nhất trước một sự kiện đã được IOC phát hiện
Giải pháp Cộng tác với Công dân cho phép các công dân thông báo các sự kiện và quan sát của họ. Giải pháp này dành cho những sự kiện không khẩn cấp mà thành phố cần phải biết.
Phân tích Mạng xã hội có thể cho phép nhiều công dân bình luận về những trải nghiệm của họ, Tính năng Phân tích mạng xã hội khai thác dữ liệu này và biến nó trở thành thông tin hữu ích. Thông tin này có thể được hiển thị trong Bảng Điều khiển của Lãnh đạo và được gửi đến IOC để tiếp tục xử lý.
Bảng Điều khiển của Lãnh đạo trong IOC cho phép các nhà lãnh đạo cao cấp hiểu rõ hơn về môi trường của mình nhờ có bảng điều khiển rất trực quan và dễ hiểu. Để hiểu rõ hiện trạng môi trường thành phố trước khi bắt đầu các cuộc gọi điều hành hàng ngày, lãnh đạo đăng nhập vào Bảng điều khiển dành cho lãnh đạo của IOC và nhanh chóng nắm bắt các vấn đề trong ngày. Họ có thể dễ dàng điều khiển các bộ lọc và giao diện để có thêm thông tin chi tiết trước khi yêu cầu nhân viên vận hành báo cáo về tiến độ giải quyết vấn đề.
Biểu đồ dành cho Thông tin Hỗ trợ ra quyết định (Business intelligence - BI) cho phép các nguồn dữ liệu khác nhau được đồng bộ với nhau nhằm cung cấp thông tin rõ ràng và chính xác về các hoạt động. Dữ liệu tổng hợp được chi tiết hóa nhằm cung cấp thông tin toàn diện, chi tiết. BI đảm bảo thông tin sẵn sàng trên toàn bộ hệ thống, cung cấp các báo cáo nhất quán, chính xác và nhanh chóng. Nó cũng được trang bị một giao diện thân thiện với người dùng.
Thủ tục hoạt động tiêu chuẩn (Standard Operating Procedures - SOP) dành cho phản ứng khẩn cấp cho phép kích hoạt các thủ tục hoạt động tiêu chuẩn được định nghĩa chặt chẽ khi những sự kiện nhất định xảy ra.
Một SOP là một văn bản hoặc hướng dẫn mô tả chi tiết về các bước và hoạt động liên quan đến một quy tŕnh hay thủ tục. SOP liệt kê tất cả các vấn đề có thể xảy ra trong môi trường mục tiêu có thể cần đến một phản ứng được điều phối. Danh sách này được tạo ra từ kinh nghiệm quá khứ và kiến thức về ứng dụng. Một trình biên tập viết một thủ tục có thể được sử dụng để quản lý vấn đề với các bước trình tự: Những người liên quan; Khi nào thì họ tham gia; Họ tham gia bằng cách nào; Nguồn cung cấp dữ liệu cập nhật hoặc ai tiếp nhận hành động; Sau khi thủ tục phản ứng được xác định, nó có thể được cấu hình trong Trình biên tập SOP của Trung tâm Điều hành Thông minh; Các SOP có thể được khởi động tự động hoặc nhân công trong các hoạt động của IOC (Run-Time); Các hoạt động SOP có thể được theo dõi và tích hợp bên trong IOC.
Khi thông tin đi vào Trung tâm Điều hành Thông minh nó có thể được quản lý và phân tích một cách phù hợp để đảm bảo rằng người dùng duy trì được một cấp độ cao về Nhận biết Tình huống. Nó tự động kết nối các bên liên quan, đảm bảo rằng những bên tham gia bổ sung vào môi trường có thể đóng một vai trò tích cực. Các bên tham gia bổ sung như là các chuyên gia lĩnh vực và xã hội có thể dễ dàng được bao hàm trong một bức tranh toàn cảnh thông qua các bảng điều khiển và ứng dụng di động bổ sung. Các cán bộ nghiệp vụ cũng có thể tùy biến cài đặt giải pháp thông qua các công cụ cấu hình dành cho Giao diện người dùng, Điều hướng, KPI, Biểu đồ, Quy tắc, SOP và các Lớp Địa Không gian, vv...
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT và ông Nguyễn Trọng Đường - Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT - đều có chung nhận xét: Đây là một bộ giải pháp khá hoàn chỉnh và toàn diện. Tuy nhiên, nếu triển khai đồng bộ ngay một lúc thì sẽ rất khó vì khối lượng công việc quá lớn và chi phí cũng không hề nhỏ. Hà Nội có thể lựa chọn để triển khai từng bước, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế.
Minh Thiện