Sẽ quy hoạch mạng lưới đại diện báo chí Việt Nam ở nước ngoài

(ICTPress) - Thực hiện chương trình công tác của Chính phủ năm 2012, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã hoàn chỉnh dự thảo Quy hoạch mạng lưới đại diện của các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ.

Mục tiêu của Quy hoạch là: Đến năm 2015: 31 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có văn phòng thường trú của các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam; Đến năm 2020: 34 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có văn phòng thường trú của cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam.

Nhiệm vụ trọng tâm của Quy hoạch là: Rà soát lại mạng lưới các văn phòng thường trú ở nước ngoài của các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam, từng bước tiến tới sử dụng một văn phòng thường trú chung do một cơ quan thông tấn, báo chí chủ trì. Việc thuê, vận hành, quản lý cơ sở vật chất của trụ sở dùng chung do một cơ quan thông tấn, báo chí chủ trì, các cơ quan khác cử phóng viên thường trú; Tăng cường sự phối hợp giữa đại diện của các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài để không chỉ thực hiện nhiệm vụ là đầu mối cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước mà còn thực hiện các nhiệm vụ thông tin đối ngoại và Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lượng trình độ của phóng viên thường trú ở nước ngoài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Theo dự thảo của Quy hoạch, đối tượng mở các văn phòng thường trú ở nước ngoài gồm: Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và một số các cơ quan báo chí khác, trong đó đơn vị chủ lực là Thông tấn xã Việt Nam.

Việc lựa chọn Thông tấn xã Việt Nam là đơn vị chủ lực mở văn phòng thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài, Bộ TT&TT cho biết là phù hợp nhất với chức năng, nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao; kinh nghiệm và hiệu quả hoạt động của các Văn phòng Thông tấn, báo chí ở nước ngoài trong thời gian qua, năng lực của đội ngũ cán bộ, hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách và kinh nghiệm một số nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, xu hướng hội tụ các loại hình báo chí đang diễn ra mạnh mẽ (báo nói, báo hình, báo viết, báo điện tử). Hiện nay, hầu hết các cơ quan báo chí lớn của Nhà nước (như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam) đều đảm nhiệm cả 04 loại hình báo chí, như Thông tấn xã Việt Nam đảm nhiệm cả truyền hình, báo viết, báo điện tử, vì vậy, chỉ cần 01 cơ quan đại diện có thể đáp ứng tất cả nhu cầu truyền thông qua các phương thức khác.

Để triển khai xây dựng Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã thành lập Ban soạn thảo gồm Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV). Bản dự thảo Quy hoạch đã được Bộ TT&TT xin ý kiến của các Bộ, Ban, Ngành liên quan.

Việc xây dựng và ban hành Quy hoạch mạng lưới các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam tại nước ngoài được thực hiện theo Quyết định số 79/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại phù hợp với quy định của pháp luật về báo chí cũng như đảm bảo hiệu quả hoạt động, tránh chồng chéo của các Văn phòng đại diện thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài nhằm kịp thời đưa thông tin thế giới vào Việt Nam một cách chính thống, đảm bảo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, đồng thời quảng bá thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh Việt Nam, về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước chính xác, kịp thời ra thế giới là hết sức cần thiết.

Mai Anh

Tin nổi bật